Thạch đen được làm từ lá cây sương sáo hay còn gọi là lương phấn thảo, thuộc loại cây thảo, lá màu xanh nhạt, hình trứng, mép có răng. Đây là loại lá có vị ngọt, tính mát, giúp các quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra dễ dàng nên thường được sử dụng để nấu và chế biến thành món thạch giải nhiệt trong những ngày hè oi bức, nóng nực, thường ăn kèm với sữa đậu nành, sữa chua, các món chè, tào phớ…
Cách làm thạch đen có nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian. Để làm được thạch ngon, dẻo, phải chọn lá sương sáo khô, khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi. Thu hoạch cây khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn, cắt sát gốc. Thân và lá thu về rải đều, phơi nắng nhẹ. Sau đó rửa cành lá khô hết đất cát rồi cho vào nồi nấu nhừ, bắc ra để nguội, nắm vắt bỏ bã, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước, rồi đổ bột gạo vào quấy đều trên bếp lửa. Khi nào dung dịch đặc quánh lại, bắc ra đổ vào khay, chai, lọ hoặc những đồ đựng khác, sau đó để nguội sẽ đông lại. Để cho thạch thêm đông và giòn có thể cho thêm ít nước tro, rơm rạ vào cùng với nước thạch đã lọc và bột gạo, bột sắn trước khi nấu sôi lại.
Thạch đen – món ăn hấp dẫn ngày hè.
Thông thường thạch đen được ăn với nước đường và tinh dầu chuối. Từ thạch người ta có thể kết hợp với các nguyên liệu khác để chế biến ra nhiều loại khẩu vị khác nhau để tạo nên nhiều loại thức uống giải khát hợp với khẩu vị mỗi người, như: thạch đen nước cốt dừa hay sữa đặc, thạch đen hạt lựu, thạch đen nước đường nâu, thạch đen sữa chua…
Thạch đen không chỉ là thực phẩm giải khát thông thường mà còn là một loại thảo dược với hàm lượng Polyphenol, tanin, pectin chiếm trên 50%. Đây là những chất làm tăng đáng kể tính giãn nở của mạch máu, chống oxy hóa, giảm cholesterol trong máu. Ngoài ra, lá thạch đen có tính mát, có tác dụng giải nhiệt giúp các quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra dễ dàng, giúp tăng cường năng lượng và điều trị một số bệnh lý, như: tiểu đường, an khai, phòng chống cảm mạo, cao huyết áp, làm nhuận tràng, mát gan, chống lão hóa…
Thu Hà
Nguồn tin: Báo Cao Bằng