Thạch sùng: Nàng thơ của mọi nhà – Sài·gòn·eer

 

Có những nỗi niềm chỉ có thể được diễn tả bằng thứ ngôn từ đã thất lạc từ lâu

– Jack Gilbert –

Có lẽ nhà thơ người Mỹ Jack Gilbert đã có thể tìm thấy những ngôn từ ấy nếu ông nghiên cứu về thế giới động vật, đặc biệt là về thạch sùng, loài tắc kè sống trong ngôi nhà của chúng ta, có tiếng kêu lanh lảnh và ngân xa xuyên qua màn đêm dày đặc.

Tiếng kêu đó có ý nghĩa gì nhỉ? Tất nhiên mục đích cơ bản là giúp chúng thu hút bạn tình và đánh dấu lãnh thổ, nhưng hẳn là những chú thạch sùng còn muốn thổ lộ điều gì đó nữa. Chẳng hạn, trong bài hát nổi tiếng ‘Tiếng thạch sùng’ do ca sĩ Cẩm Ly thể hiện, đó là lời ai oán não nùng khi người tình nhân đã vì mộng giàu sang mà phụ nghĩa tào khang.

Dù không được coi là một loài vật linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hình ảnh thạch sùng (tên khoa học là Hemidactylus frenatus), vẫn gợi lên cảm giác dung dị, thân thương, giống như khi Cẩm Ly mặc chiếc áo dài đính sequin hình chú thạch sùng lấp lánh và đứng hát trên sân khấu. Hơn nữa, ai mà chẳng vui mắt khi nhìn thấy chúng chạy qua chạy lại trên trần nhà, dùng chiếc lưỡi táp lấy con muỗi trong tích tắc.

Các nền văn hóa khác nhau có cái nhìn rất khác nhau về thạch sùng và họ hàng của chúng

Các nền văn hóa từ Nam Á đến Đông Nam Á có cách nhìn khác nhau về loài động vật bản địa này. Ở Yemen và các quốc gia Trung Đông khác, người ta cho rằng tắc kè là vật chủ trung gian lây truyền bệnh phong, có thể là vì chúng hay rụng đuôi nên khiến người ta liên tưởng tới triệu chứng của loại bệnh này. Ở Nigeria, tắc kè xuất hiện có thể là điềm báo cái chết. Còn với các nền văn hóa Polynesia, chúng hiện diện trong nhiều tích truyện thần thoại và được xem là loài động vật linh thiêng. Tại một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Philippines, có nơi cho rằng thạch sùng xuất hiện trong nhà là điềm lành mà cũng có nơi xem đó là điềm gở.

Ở Việt Nam, cũng có một số niềm tin trong dân gian về thạch sùng, nhưng không cực đoan như ở một số nền văn hóa khác. Chẳng hạn, có người tin rằng ăn thạch sùng có thể chữa được chứng hen suyễn, dù cho phương pháp này chẳng có chút cơ sở khoa học gì. Chẳng ai biết mẹo dân gian này từ đâu mà có, nhưng tôi đoán rằng những người mắc bệnh hen suyễn khi nghe tiếng kêu trong trẻo và êm dịu của thạch sùng đã nghĩ rằng ăn thịt chúng chắc sẽ giúp thông khí trong phổi và cải thiện hô hấp.

Trong cả bộ bò sát, chỉ có tắc kè có thể cất tiếng hát mà thôi

Thạch sùng cùng các loài tắc kè khác có khả năng tạo ra âm thanh với nhiều tiết tấu và tần số khác nhau. Trong tất cả các loài bò sát, rùa có thể gầm gừ, rắn có thể rít, và cá sấu có thể gầm lên, nhưng chỉ có tắc kè mới cất được tiếng vang mà ta nghe như tiếng hát. Đặc điểm này còn độc đáo hơn cả khả năng leo bám trên hầu hết các bề mặt nhờ vào hàng nghìn sợi lông trên mỗi bàn chân và khả năng rụng đuôi khi gặp nguy hiểm.

Tắc kè (tokay gecko) cũng có khiếu “ca hát” như người họ hàng thạch sùng của mình, chỉ là chúng có một tông giọng khác. Giai điệu ấy có sức truyền cảm lạ kỳ, khiến nhà thơ Nguyễn Duy sau mười năm kể từ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian cực khổ nơi chiến trường trong bài thơ ‘Nghe tắc kè kêu trong thành phố’:

Hay nấp sau cánh cửa để rình côn trùng, lại có thói quen liếm liếm đôi mắt trong veo của mình, có vẻ như thạch sùng chẳng có chút hình tượng nghệ sĩ gì. Thế nhưng, khi cất tiếng hát của mình, chúng có thể mang đến một nguồn cảm hứng sáng tạo lạ kỳ.

Phải chăng âm thanh ấy quá khác với giọng nói của con người, do đó gợi nhắc một hiện thực rằng: ở giữa logic và cảm xúc là một vực thẳm mà con người phải vượt qua để đi tiếp trong hành trình sáng tạo? Phải chăng, để nghe được tiếng hát của thạch sùng, bạn phải rất yên lặng, tĩnh tâm và hoàn toàn cô độc, mà đó cũng chính là thời điểm các ý tưởng sẽ “chợt lóe lên”? Hoặc cũng có thể, vì loài sinh vật này luôn sống cùng với con người, chúng thân thuộc và cũng không có vẻ ngoài kiều diễm, lại dễ thích nghi với điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn — từ bức tường cũ kỹ đến góc phòng trống trải. Và hình ảnh ấy lại tương đồng với cuộc đời của bao người nghệ sĩ?

Thế nhưng, cho dù là lý do gì thì cũng đâu quan trọng. Hãy cứ đón nhận cảm hứng ấy và sáng tác thôi. Nếu tôi là một họa sĩ, tôi sẽ vẽ chúng đầy các khung tranh; nếu tôi là một nghệ sĩ dương cầm, tôi sẽ sáng tác các bản giao hưởng để ca ngợi chúng, và nếu tôi là một vũ công, tôi sẽ nhảy điệu nhảy như những bước chạy lướt của chúng trên trần nhà. Nhưng tôi chẳng có những tài năng đó, tôi chỉ là kẻ mày mò con chữ mà họa hoằn lắm thì câu từ của tôi cũng đủ để gọi là thơ.

Những chú thạch sùng Quy Nhơn

Căn phòng tôi là chiếc đèn lồng.
Hằng đêm, đèn trần tỏa sáng,
hắt lên cửa sổ chẳng rèm che,
lớp kính thì mờ nhèm, tưởng như ai đang thở.
Nhưng không, chỉ là trời nóng ẩm giữa đêm hè nhiệt đới,
như giọt sương đêm vừa đọng lại
trên khóm lan đang ngước mặt nhìn trời.
Ban ngày, mấy chú tắc kè phình to yếm đỏ dưới cằm,
nom như cờ báo hiệu của chiến thuyền đầy dịch bệnh,
nhưng thạch sùng thì chờ đến đêm,
đôi mắt to tròn nhìn khắp bốn bên,
chiếc bụng láng lẫy áp vào cửa kính.
Từ bàn làm việc, tôi lặng ngắm bóng hình đó,
trọng lực có đấy mà cũng như không.
Bỗng chúng đứng yên, đuôi cong sẵn sàng “tác chiến,”
quét màn đêm tìm mồi đánh chén
lũ ruồi, muỗi, thiêu thân bu quanh đèn trần, mu muội tưởng rằng ánh trăng thơ ở đó.
Ôi, tôi khác gì kẻ lọc lừa xảo trá,
kẻ gác hải đăng tự tắt đèn để đẩy tàu vào chỗ đắm ngoài khơi.
Nhưng với thạch sùng, tệ xá này là điện thờ của chúng,
còn tôi là đầy tớ dọn lên mâm cỗ côn trùng xa hoa,
lòng khẩn thiết xin được ân xá cho những dại khờ và lầm lỗi vừa qua.

Natural Selection là series bài viết về các loài động thực vật bản địa Việt Nam, từ đóa hoa dại bên hè cho tới các loài động vật quý hiếm. Gửi email cho Saigoneer tại [email protected] nếu bạn có đam mê với thiên nhiên kỳ thú nước mình và muốn chia sẻ với độc giả. 

Rate this post

Viết một bình luận