Tôi xa khu phố cổ Hà Nội hàng chục năm nhưng mỗi lần lên thăm các phố xưa, lòng lại xốn xang bao kỷ niệm và trước hết là tưởng niệm người xưa mà tôi đã có dịp gặp gỡ, thân quen một thuở… Vẫn những ngôi nhà cũ, mái ngói âm rêu phủ, vẫn đường phố chật chội.
Hồi ấy thường buổi sáng tôi hay đi dạo Bờ Hồ và gặp nhà văn Chu Thiên, tác giả Bóng nước Hồ Gươm. Cuốn sách hay, viết công phu về Hà Nội một thời nhưng không dễ đến được với người đọc hôm nay vì như câu hát một số thanh niên thường nghêu ngao: “Những chuyện xưa nay đã xa rồi/ Lòng ta đâu có luyến tiếc gì…”
Cụ Chu Thiên người thấp, dáng nhà nho cổ, bị xuất huyết não và đang luyện tập để phục hồi sức khỏe. Cụ còn lờ mờ nhận ra tôi. Tôi chào và cụ gật đầu rồi cười. Tôi hỏi: “Bác còn nhận ra tôi không?”. Cụ bảo: “Ông Đức”. Tôi gật đầu và cám ơn. Tôi biết cụ ở khu Hàng Bè nhưng vẫn gặng hỏi: “Bác vẫn ở chỗ cũ à?”. Cụ chỉ vào túi áo ngực rồi rút ra tấm thẻ có ghi dòng chữ: “Chu Thiên 10 Hàng Bè, không may xin thuê xe hộ cho về nhà trên. Cám ơn”. Một vài năm sau không thấy bác đi dạo Hồ Gươm nữa. Có lẽ tác giả Bóng nước Hồ Gươm đã tạm biệt những hình ảnh yêu quý nhất để đi xa, xa mãi rồi.
Khu phố Hàng Bè nơi cụ Chu Thiên ở là một khu phố cũ lẫn lộn một số nhà có phong cách cổ. Tôi nhớ đến số nhà 31 Hàng Ngang mà tôi đã sống nhiều năm tháng ở đấy với những điều kiện quá ngặt nghèo. Nhiều chuyện có thể nói, nhưng thôi, chỉ nói về ánh sáng của ngôi nhà.
Tôi và Giáo sư Bùi Văn Nguyên ở tầng 3, đi qua những đoạn quanh co, tối tăm. Có lần hai nhà nghiên cứu Lê Sơn và Tất Thắng lên chơi thăm, tôi đã ứng khẩu bài thơ:
“Vào sâu hun hút, sâu hun hút
Lên cao, lên cao lại rẽ ngang
Càng đi càng tối như hũ nút
Bỗng thấy nhà thầy sáng một gian”.
Có người hỏi sao không bật điện lên. Làm gì có điện. Thành phố chỉ cho điện một tuần khoảng 2 lần. Ánh sáng yếu nên các gia đình đua nhau sắm survolteur, nhỏ nhất là loại 5kw, rồi 10, 15 và cao nhất là 20kw. Dòng điện cuối chiều bị hút hết ánh sáng, chỉ còn lại như một ngọn nến to. Giáo sư Nguyên than thở. Ông nghĩ ra kế đi ngủ sớm và nửa đêm dậy làm việc, điện sẽ sáng hơn, thuận lợi cho việc viết lách. Sau đó ông nhờ mua được một survolteur 15kw, đàng hoàng không thua kém ai.
Phố mất điện nên đường phố tối, cửa hàng phần lớn đóng cửa. Trên hè phố có các cụ ngồi hóng mát, chuyện trò. Khu Hàng Ngang, Hàng Đào ngày ấy tối âm u như các xóm ngoại ô. Giáo sư Nguyên cũng như tôi đều phải đi ngủ sớm. Nhưng rồi có một chút may mắn. Trong một lần lên nhà máy điện gặp học trò cũ, anh thông cảm với tình cảnh của các thầy giáo nghiên cứu mà không có điện đóm. Anh bảo: “Thầy cứ làm đơn đi. Cũng có trường hợp được giải quyết”. Tôi nói thêm, chúng tôi có hai người, tôi và giáo sư Bùi Văn Nguyên, giáo sư của Trường đại học Sư phạm. Anh bảo như thế càng tốt, nhưng khó nhất là kéo đường dây, tốn kém và phải duyệt nhiều cấp. Thầy xem có đường dây nào bên cạnh mình mắc nhờ. May quá, giữa phố Hàng Ngang có xưởng bánh kẹo, chúng tôi điều đình và được chấp nhận, họ cho hai bóng 60W.
Mấy ngày sau đêm về chúng tôi đã rung rinh có điện. Điện thật sáng và có thể thắp đến khuya. Nhưng rồi những khó khăn lại xảy ra. Cứ vài tối lại có người đến hỏi. Họ đập vào vách phên của nhà giáo sư Nguyên, rồi lại đập vào cửa nhà tôi và lên giọng hơi to: “Chủ nhà đâu?”. “Có tôi”. “Câu điện ở đâu?”. “Chúng tôi có giấy tờ”. “Đề nghị cho xem”. Tôi và giáo sư Nguyên lại đem trình tờ giấy ưu tiên. Tôi đọc trên nét mặt các anh dân phòng sự ngạc nhiên và nghi ngờ. Được ưu tiên thường dành cho các bộ cao cấp, nhà cao cửa rộng, cớ sao trong căn nhà ọp ẹp này với hai gương mặt đáng thương hơn là đáng kính, đáng sợ này lại có điện ưu tiên. Nhưng rồi có giấy và có dấu xác nhận nên họ lẳng lặng ra đi.
Một tuần sau, lại đến đội tuần tra khác đến hỏi, chúng tôi lại trình bày và sau đó thì được yên thân. Cho đến nay tôi vẫn còn cám ơn ngọn đèn sáng mà nhờ đó chúng tôi vẫn thường xuyên viết được sách báo. Cũng vẫn là chuyện điện đóm thôi. Khi khu nhà chia cho các gia đình côngtơ riêng thì việc tính tiền điện khá ổn thỏa. Nhưng rồi cái côngtơ điện để đâu? Những hộ phía dưới họ để vào trong nhà, còn côngtơ của ông Nguyên và tôi phải để trên lối ra vào ở tầng 1. Một buổi sáng dậy, trẻ con reo lên là côngtơ ông Nguyên bị mất cắp rồi…
Phố Hàng Ngang, Hàng Đào thường có nhiều trộm cắp hoạt động vì có các cửa hàng, đông nhất là hai cửa hàng bách hóa của mậu dịch bán hàng suốt ngày. Có lần nhà phê bình Đông Hoài đến chơi với tôi, tôi tiễn anh xuống cửa, anh treo túi ở ghi đông và hai nhà phê bình vẫn đối diện chuyện trò hăng say. Một lúc anh Đông Hoài kêu cái túi mình đâu rồi. Tôi bảo: “Hay anh bỏ quên trên nhà, để tôi xem lại”. Nhưng không có, kẻ cắp thấy chúng tôi tranh luận hăng quá nên nhân đấy đã tháo cái túi ngay trước mặt. Anh Đông Hoài tức tối: “Láo quá, láo quá, nhưng nó cũng giỏi”.–PageBreak–
Phố Hàng Ngang, Hàng Đào là trục đường chính giao lưu buôn bán. Có một di tích cách mạng quan trọng là số nhà 48 Hàng Ngang, nơi Hồ Chủ tịch viết Tuyên ngôn độc lập. Ngoài ra, ở Hàng Đào có một vài ngôi nhà khá chuẩn mực được xem là có phong cách cổ. Một phòng triển lãm dành cho các họa sĩ giới thiệu tranh ở số 10, nơi từng là Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày xưa. Không mất tiền mua vé vào cửa nên người xem cũng đông, nhưng chỉ số ít là xem kỹ, xem công phu.
Một hôm giáo sư Nguyên từ phòng tranh về tỏ ý bực bội và ông phàn nàn: “Hôm nay xem phòng tranh chuyên vẽ về Cụ Hồ, tôi bực mình với ông họa sĩ. Mình đang xem thấy một ông to cao kéo áo mình lùi xa và bảo: Ông tìm cái gì? Xem tranh phải đứng xa ra mới thấy được cái đẹp”. Cụ Nguyên đáp: Điều ông nói tôi đã biết, mắt tôi cận thị tôi phải xem gần. Họa sĩ gật đầu: Tôi không biết điều ấy. Cụ Nguyên kể tiếp: “Ông vẽ phòng tranh Bác Hồ, tôi thấy mấy chục bức tranh về Bác của ông, nhân vật đều giông giống nhau”. Ông họa sĩ Văn Giáo mà có người gọi là Van Gốc Việt Nam, nổi giận: “Thế ông bảo vẽ Cụ Hồ thì phải giống Cụ chứ giống ai? Giống ông à?”. Giáo sư Nguyên tưởng như bị dồn vào chân tường nhưng không, ông đáp lại: “Ý tôi không phải thế, ông không nên hiểu sai, tôi chỉ muốn nói là tất cả đều giống Bác, nhưng mỗi bức tranh phải khác nhau, hoàn cảnh và màu sắc khác nhau”. Họa sĩ gật đầu: “Không dễ đâu cụ ạ. Cụ làm nghề gì?”. “Tôi là nhà nho thôi”. “Khi nào cầm bút vẽ cụ sẽ hiểu”.
Lúc này chữ Hán đang được trọng dụng. Nhiều nhà nho như Trần Lê Nhân, Ngô Lập Chi, Nguyễn Văn Hanh vẫn ngày ngày ngồi dịch sách trong Thư viện Khoa học xã hội. Một số chuyên gia Trung Quốc nổi tiếng như Trương Trọng Thuần, Lý Hà Lâm sang giảng lịch sử văn học Trung Quốc ở Khoa Văn, Đại học Tổng hợp. Nhà giáo Trần Quốc Tiệp là người thông dịch cho các chuyên gia trong một thời gian dài. Ông Tiệp người khỏe mạnh, tiếng nói vang, rất vui tính và chan hòa với lớp trẻ. Có thầy giáo cho biết, chính ông đã tham gia dịch từ trong thời kỳ kháng chiến cho tướng Trần Canh và một vị lãnh đạo cao cấp của ta.
Ông ít kể chuyện về mình nhưng có lần ông bảo với tôi: “Hồi ở Trung Quốc thỉnh thoảng phải dịch cho hai người Trung Quốc ở hai tỉnh khác nhau”. Ông tinh thông tiếng Bắc Kinh, lại có am hiểu một số tiếng địa phương như Quảng Đông, Phúc Kiến. Bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ do hoàn cảnh ông không lên vùng sơ tán xa được, Hán – Trung văn lại không học nên ông bị tạm cắt biên chế và sống rất vất vả ở khu phố Lý Quốc Sư. Nói đến ông tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến một thầy giáo giỏi và phần kết thúc mà cuộc đời dành cho lại có phần chật vật.
Tôi tưởng nhớ đến nhà thơ Huyền Kiêu và nhà văn Như Phong có gốc nhiều đời ở Hà Nội băm sáu phố phường. Nhà Như Phong ở ngay trước cửa chợ Đồng Xuân, căn nhà cổ có từ đời ông bà. Nhà văn Như Phong đã nhiều năm làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn học và khi mất ông cũng đương chức. Như Phong nổi tiếng về giai thoại trong đám cưới không chịu lạy bố mẹ vợ theo lễ nghi một thời. Ông sống thẳng, quyết đoán, nóng tính. Từ cách ăn mặc cho đến phong thái sinh hoạt đều mang dáng vẻ người xưa. Ông không thích ràng buộc bởi các loại quần áo hiện đại, không complê, cravát, giày Tây. Ông thích hút thuốc lào và dùng đóm dài châm mồi và rít từng hơi khoan khoái. Thỉnh thoảng ông cũng nhấm nháp vài chén rượu suông.
Có lần ông bảo tôi: “Ở tuổi anh mà chưa biết nghiện cái gì. Như thế cũng tốt”. Trong câu chuyện luận bàn các nhà văn ông nói ngắn mà chính xác. Có lần nói về nhà phê bình N.V.H, ông nhận xét: Cậu ấy viết phê bình giỏi hơn tiểu luận. Tiểu luận phải có vốn kiến thức, phê bình phải hiểu phong trào. Ông là người sống mạnh mẽ, có bản lĩnh. Từ ngày ông mất đi, khu phố của ông vẫn chưa có gì thay đổi nhiều. Tất cả vẫn theo nhịp an bình, chậm chạp.
Còn Huyền Kiêu ở phố Hàng Vôi. Người ông cao to, dáng quắc thước như một võ tướng. Năm 1946 ông viết trường ca Hồ Chí Minh. Bác nhận tập thơ và nhắc nhở nhà thơ quan tâm viết về nhân dân đang chiến đấu. Anh cũng là tác giả Bầu trời, tập thơ khỏe, có bản sắc nhưng cũng gây nhiều dư luận khó khăn cho tác giả. Trong lời đề tặng tôi, anh viết: “Trân trọng tặng Hà Minh Đức, cây bút phê bình sắc và khỏe. Cái đức của cuộc đời vẫn sáng tác. Cái đức của văn học còn mờ. Đó chẳng phải là còn chờ đợi và đòi hỏi ở những người cầm bút phê bình sao” (4/1977). Tôi cảm ơn anh. Anh vỗ vai và bảo: “Tương lai là của các anh”.
Năm tháng trôi qua, thăm phố cổ tôi nhớ đến các bác, các anh, những nhà văn, những người thầy giáo mẫu mực. Tôi thuộc lớp đàn em nhưng nay tóc sương đã bạc, luôn nặng lòng thương cảm với những vất vả ngày qua của các bác, các anh