Tham quan, thắng cảnh

C. Tham quan, thắng cảnh

1. Bãi tắm biển Thịnh long – Thị trấn Thịnh Long

Xã Hải Thịnh ra đời đầu Thế kỷ XX (nay là Thị trấn Thịnh Long). Khu nghỉ mát và du lịch Thịnh Long là bãi biển sạch, trải dài hơn 3,5 km với dải cát mịn thoải, không bị bùn lún, an toàn tuyệt đối, êm đềm và thơ mộng nằm thuộc thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

 

anh tin bai

 

Khu Du lịch Thịnh Long cách thành phố Nam Định khoảng 45 km. Tổng diện tích quy hoạch lần 1 năm 1997; theo quyết định số 242/QĐUB ngày 20/3/1997 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Nam Định là 97 ha. Quy hoạch bổ sung thêm là 180 ha, và được phân bổ theo các khu vực: khu ki ốt nằm sát biển, khu khách sạn, nhà nghỉ nằm ở tuyến đường ngang số 02, khu vui chơi giải trí, chợ hải sản, khu cây xanh nằm ở đường ngang số 03.

Nhiều khách sạn, nhà nghỉ, ki-ốt ven biển đã tập trung cải tạo, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách. Khu du lịch biển Thịnh Long hiện có 120 cơ sở lưu trú; trên 1.000 phòng nghỉ; trong đó có 2 khách sạn 2 sao, 3 khách sạn 1 sao, phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, tham quan của du khách. Mỗi năm, khu du lịch đón khoảng 200 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 40-50 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội.

UBND Thị trấn Thịnh Long đã thành lập Hợp tác xã xe điện du lịch gồm 42 ô tô điện đưa du khách đi tham quan các di tích lịch sử, nhà thờ, mua sắm quà lưu niệm ở các chợ quanh thị trấn. Ðể xây dựng khu du lịch “sáng – xanh – sạch – đẹp”, Ban quản lý phát động các nhà hàng, khách sạn, ki-ốt nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và duy trì tổ thu gom rác tập trung.

– Khu du lịch Thịnh Long có bãi tắm dài, đẹp; nước tương đối trong, cát già.

– Hệ thống cây xanh đã được trồng và bảo dưỡng tốt tạo cảnh quan cho khu nghỉ dưỡng và tắm biển.

– Có thực phẩm hải sản phong phú, rẻ, kỹ thuật chế biến tốt là điều kiện hấp dẫn du khách.

 – Quốc lộ 21a, 21b, Cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định được đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong nội tỉnh mà còn kết nối hệ thống giao thông huyết mạch của khu vực và quốc gia, mở ra nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ trong vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định cũng như khu vực ven biển của đồng bằng Bắc Bộ… Đó là các yếu tố thuận lợi quyết định tới sự phát triển của khu nghỉ mát, du lịch Thịnh Long.

anh tin bai

– Ngày 20/3/1997, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 242/QĐUB “Quyết định duyệt quy hoạch chi tiết khu nghỉ mát, du lịch Thịnh Long thuộc xã Hải Thịnh-huyện Hải Hậu”.

– Khu nghỉ mát và du lịch Thịnh Long góp phần:

+ Tăng cường quản lý nhà nước trong mũi nhọn phát triển kinh tế biển, trong đó quản lý du lịch là trọng tâm ở khu nghỉ mát Thịnh Long.

+ Tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xúc tiến đầu tư Du lịch.

+ Tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý khu Du lịch.

          2. Khu tham quan Tháp chuông nhà thờ đổ, xã Hải Lý (Chứng tích Biến đổi khí hậu)

 Tháp chuông nhà thờ đổ  thuộc địa phận bãi biển Văn Lý, xã Hải Lý đây là dấu tích còn lại của nhà thờ Trái Tim Chúa được hình thành cùng với làng chài Xương Điền thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu. Năm 1797 giáo xứ Xương Điền được thành lập gồm các giáo họ: Đức bà, Madalena, Kính Danh, Phêrô. Năm 1877, xứ Xương Điền lập thêm và xây dựng nhà thờ họ Trái Tim Chúa lần thứ nhất, khi đó nhà thờ còn đơn sơ, được xây dựng trên diện tích 14m x 7m và được lợp bằng cỏ bổi, có 61 hộ với 244 khẩu, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá.

 

 

anh tin bai

 

Từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XX, khu “Cồn Cát Bể” đã rơi vào tình trạng bị biển lấn, bãi thoái nhanh, do đê biển được đào đắp bằng đất nên không chịu được với sóng lấn và sự xâm thực của biển. Vì thế, sau 40 năm xây dựng nhân dân nơi đây đã phải di chuyển nhà thờ giáo họ Trái Tim Chúa lùi sâu vào phía trong khoảng 3.000m so với vị trí cũ. Năm 1917, nhân dân đã bắt tay vào xây dựng tái thiết nhà thờ giáo họ Trái Tim Chúa lần thứ 2 với bản thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp, Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, nhà thờ dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ mang phong cách Châu Âu, công phu, đẹp mắt. Trong quá trình sử dụng, với sự xâm lấn không ngừng của biển, sự khắc nghiệt của thời tiết, giáo dân đã phải trùng tu nhiều lần, nhưng sau 78 năm (1927-2005) cùng với một số nhà thờ khác trong khu vực, giáo họ Trái Tim Chúa đã phải di chuyển vào trong nội địa xây dựng lại.

              Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá lớn, đã phá hủy toàn tuyến đê bao phía ngoài, “xóa sổ”. nhà thờ giáo họ Trái Tim Chúa (Dấu tích còn lại của nhà thờ được tái thiết, xây dựng lần thứ 2) vẫn còn lại tháp chuông và nền nhà thờ, tuy không còn nguyên vẹn. Chứng tích tháp chuông nhà thờ Trái Tim Chúa đã bị sóng đánh sập chỉ còn lại tháp chuông, nền móng và một phần tường phía Bắc của nhà thờ, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

  

anh tin bai

 

anh tin bai

 

 

Lập phương án bảo vệ Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển Văn Lý; để bảo vệ khẩn cấp chứng tích tháp chuông nhà thờ đổ và bãi neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Văn Lý xã Hải Lý, huyện Hải Hậu đã thành lập Ban Quản lý dự án và thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định, tổ chức thi công xây dựng kè, rọ đá, gia cố phần móng bảo vệ Chứng tích và đổ đường bê tông rộng 3m ra khu Chứng tích với tổng kinh phí: 932.897.000đ, công trình đã hoàn thành vào ngày 16/10/2015.

Để đảm bảo an toàn cho khách tham quan tại khu vực Chứng tích Tháp chuông nhà thờ đổ xã Hải Lý, xã Hải Lý lập hàng rào chắn khu vực xung quanh nhà thờ, nghiêm cấm các hoạt động kinh doanh, vui chơi trong phạm vi rào chắn; đồng thời yêu cầu UBND xã Hải Lý có các biện pháp quản lý nghiêm việc người dân và du khách tham quan, tắm biển tại khu vực bãi biển Văn Lý để đảm bảo an toàn.

Ngày 17/02/2017, UBND huyện Hải Hậu đã có buổi làm việc cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về “Khu chứng tích biến đổi khí hậu Hải Hậu – Biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển”. Tham dự buổi làm việc có PGS.TSKH Vũ Cao Minh, PGS.TS Đỗ Minh Đức, 2 Giáo sư người Nhật Kazuya Yasuhara, và Makoto Tamura đến từ ICAS Ibaraki University Đại học Nhật Bản.

          Bàn về thực trạng việc tác động của biến đổi khí hậu gây xâm thực đất ven biển của huyện Hải Hậu, GS Kazuya Yasuhara – người đã nghiên cứu ở Hải Hậu từ năm 2008 đã đưa ra một số giải pháp để gia cố các tuyến đê, kè của huyện Hải Hậu như sử dụng các vật liệu thích ứng như: sét, xi măng và điều quan trọng là cốt chân đê. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan điểm cần phải thích ứng với những biến đổi khí hậu biển. Ông cũng cho rằng:

– Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu;

– Việc bảo tồn di tích Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là sự ghi nhận công lao to lớn của nhân dân huyện Hải Hậu nói riêng và của nhân dân tỉnh Nam Định nói chung trong công cuộc khai hoang, lấn biển, chống biển lấn bảo vệ sản xuất trong lịch sử;

– Di tích này sẽ là thắng cảnh thu hút du khách về tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học…., góp phần phát triển ngành du lịch của huyện Hải Hậu nói riêng và của tỉnh Nam Định nói chung.

Rate this post

Viết một bình luận