Tháng 8 với khí hậu mát mẻ, không quá nóng như mùa hè nhưng cũng không quá lạnh như mùa đông. Đây là thời điểm thích hợp cho khu vườn nhà bạn chuẩn bị một vụ mùa mới với những loại rau củ quả ưa mát. Trong bài này, đội ngũ Phương Nam 24h sẽ tổng hợp và chia sẻ cho bạn danh sách các loại rau trồng tháng 8 dương lịch vừa đem lại hiệu quả cao, vừa nhanh cho thu hoạch. Đây sẽ là những gợi ý thiết thực giúp đa dạng hóa khu vườn cũng như bữa ăn của gia đình bạn.
1. Rau xà lách
Xà lách thuộc cây thân thảo không kén đất trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và chi phí nhưng lại cho năng suất cao. Khi gieo hạt, bạn nên chú ý ngâm hạt trong nước hơi ấm trong 1 – 2 giờ rồi đem gieo. Sau khi gieo hạt sâu vào trong đất khoảng 0,5cm thì tưới giữ ẩm cho cây. Bạn không nên trồng xà lách ở khu vực có ánh nắng nhiều và chiếu trực tiếp vì dễ cháy lá, úa vàng. Muốn xà lách giòn, ngọt thì cần phải tưới nước thường xuyên. Sau khi gieo hạt từ 30 – 50 ngày, bạn có thể cắt ngọn để ăn và bón phân bổ sung dinh dưỡng cho đợt sau. Rau xà lách rất được ưa chuộng để làm salad hoặc ăn sống. Trong tháng 8 nếu có ý định tự trồng rau ăn thì bạn đừng bỏ qua rau xà lách nhé!
2. Bắp cải
Bắp cải là loại rau mà bạn nên trồng vào tháng 8 khi thời tiết đã sang thu. Đây là một trong những loại rau mùa lạnh được nhiều người yêu thích và lựa chọn trồng cho khu vườn của mình. Loại rau này bạn hoàn toàn có thể tự trồng tại nhà vì chúng rất dễ trồng, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật và bỏ công chăm sóc một chút là bạn đã có thể thu hoạch. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng bắp cải cũng đòi hỏi cao hơn các loại rau củ khác do đây là cây ăn lá dài ngày, dễ sâu bệnh. Bạn sẽ mất khoảng 3 tháng trồng và chăm sóc dày công thì mới có thể thu hoạch được bắp cải tươi ngon.
3. Cải thảo
Tiết trời mát mẻ vào giữa tháng 8 là thời điểm thích hợp để trồng cải thảo. Cây cải sẽ phát triển tốt hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp, đất tơi xốp và ẩm. Sau khi trồng khoảng 75 – 90 ngày là bạn có thể thu hoạch cải thảo. Lá cải thảo ngọt, giòn, mang hương vị rất đặc trưng và thu hút nên được rất nhiều người ưa thích. Cải thảo chứa rất ít calo, giàu vitamin A, B, C, E và nhiều khoáng chất như: sắt, kẽm, canxi, kali,….Nhắc đến Hàn Quốc, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến món kim chi và cải thảo chính là nguyên liệu chính làm nên món ăn này. Ngoài ra, cải thảo còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: canh cải thảo, cải thảo cuốn thịt, cải thảo xào,….
4. Cải bó xôi
Cải bó xôi hay còn gọi là rau chân vịt. Đây là một loại rau giàu chất dinh dưỡng, chứa hàm lượng lớn vitamin nhóm: B, K, Kali,…rất tốt cho sức khỏe. Hơn nữa cải bó xôi lại rất dễ trồng và cho thời gian thu hoạch nhanh chóng sau 35 – 40 ngày. Để trồng cải bó xôi, bạn chỉ cần thực hiện các thao tác chuẩn bị như trồng các loại cải khác. Sau khi mua hạt về, bạn tiến hành ngâm trong nước ấm và ủ qua khăn ẩm. Bên cạnh đó, bạn nên bón bổ sung một ít phân hữu cơ để rau sinh trưởng và phát triển tốt. Cải bó xôi có thể được chế biến thành món ăn ngon miệng cho bữa ăn của gia đình bạn, đặc biệt rất tốt cho trẻ nhỏ. Với câu hỏi “tháng 8 trồng cây rau gì” thì bạn đừng quên bỏ qua cải bó xôi nhé!
5. Rau ngót
Rau ngót là một loại rau phổ biến, thông dụng trong bữa ăn của người Việt. Rau ngót thường được trồng vào tháng 8. Loại cây này dễ trồng, dễ sống và được trồng bằng cành. Rau ngót có thể trồng được ở mọi nơi để tận dụng đất như: trong vườn, quanh bờ ao, dọc theo bờ rào, theo các lối đi,….Rau ngót sinh trưởng nhanh và đặc biệt ít sâu bệnh, không phải dùng đến thuốc trừ sâu. Vì vậy, rau ngót ăn rất lành và an toàn, không sợ gây hại cho sức khỏe. Lá rau ngót được sử dụng để nấu canh với thịt, xương rất ngon và bổ dưỡng cho bữa ăn của gia đình. Bên cạnh đó, rau ngót còn có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể.
Tìm hiểu thêm: Cách trồng rau ngót bằng cành tại nhà
6. Đậu rồng
Đậu rồng có hàm lượng canxi cao nhất trong các loại đậu nên rất tốt cho xương và phòng ngừa được loãng xương. Bên cạnh đó, loại đậu này còn là nguồn cung cấp vitamin dồi dào, đặc biệt là vitamin A và C, giúp tăng cường sức đề kháng và chống lão hóa. Ngoài ra, đậu rồng còn chứa các khoáng chất quan trọng khác như: sắt, đồng, mangan, phốt pho, magiê,…giúp phòng ngừa hiệu quả các bệnh như: thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu,….Đậu rồng có thể trồng trong thùng xốp. Chỉ cần bạn gieo hạt, chăm bón các loại phân hữu cơ hợp lý từ 30 – 40 ngày là cây đã bắt đầu cho hoa. Từ lúc đậu rồng ra hoa đến thu hoạch khá nhanh, chỉ diễn ra trong vài hôm. Quả đậu rồng rất mau lớn, nên lưu ý thu hoạch đúng lúc để tránh quả bị già. Nếu bạn có ý định trồng cây gì leo giàn vào tháng 8 thì đậu rồng là gợi ý mà bạn không nên bỏ qua.
7. Rau mùi
Rau mùi được trồng vào giữa đến cuối mùa hè để có thể thu hoạch vào mùa thu. Bạn cần xử lý hạt trước khi gieo bằng cách ngâm trong nước ấm 35 – 37 độ C trong 24 – 30 giờ cho hút no nước, sau đó bỏ ra gieo. Tiếp đó tưới nước để làm ẩm đất giúp hạt nhanh nảy mầm. Để cây phát triển thân, lá tốt, bạn cần tưới nước thường xuyên để đảm bảo độ ẩm của đất. Nếu cây mọc dày quá thì phải tỉa bớt để các cây còn lại có thể phát triển tốt hơn. Sau khi cây mọc 30 – 40 ngày thì có thể thu hoạch. Lưu ý, cần gieo giống rau mùi liên tiếp trong một tuần do giống rau này ra hoa và hạt rất nhanh. Khi cây rau mùi ra hạt, ta thu hoạch và phơi khô hạt giống. Rau mùi là giống rau chịu được sương giá, có thể sống qua mùa đông ở vùng khí hậu ôn hòa.
8. Súp lơ xanh
Súp lơ xanh là thực phẩm rất giàu các chất dinh dưỡng như: sắt, protein, canxi, crom, carbohydrate, vitamin A và C,…vì vậy rất cần thiết cho bữa ăn hàng ngày. Súp lơ thuộc loại cây ưa lạnh nên nếu bạn trồng vào thời điểm trời nắng nóng hoặc có nhiều mưa thì cây sẽ bị còi cọc, dễ bị sâu bệnh và năng suất sẽ không cao. Súp lơ xanh được trồng vào thời điểm cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 vì trong khoảng thời gian này súp lơ dễ dàng phát triển và cho năng suất tốt. Súp lơ có thể thu hoạch sau khoảng thời gian từ 70 – 80 ngày. Khi thu hoạch, bạn sử dụng dao cắt ngang phần thân cây. Nếu bạn muốn tiếp tục thu hoạch đợt sau thì để lại trên thân cây một ít lá.
9. Su hào
Nếu thích vị thanh mát giòn sực của su hào thì bạn có thể lên kế hoạch trồng bắt đầu từ tháng 8. Su hào có thể trồng trong thùng xốp, chậu hoặc bồn. Đất trồng là loại đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát tơi xốp giúp thoát nước tốt. Hạt sau khi ngâm thì gieo sâu từ 0.3 – 0.5 cm dưới bề mặt đất ẩm. Những lá mầm đầu tiên sẽ bắt đầu nhú lên sau khoảng 1 tuần. Khoảng 80 – 100 ngày từ khi gieo trồng là đến lúc thu hoạch. Với loại su hào này thì chỉ khoảng 3 tháng từ khi gieo trồng là bạn có thể thu hoạch. Nếu muốn đẩy nhanh thời gian thu hoạch thì bạn có thể trồng bằng cây giống thay vì gieo hạt. Su hào là lựa chọn hợp lý khi bạn có ý định trồng rau củ tháng 8 dương lịch.
10. Rau dền
Rau dền phổ biến trong các bữa ăn của mọi gia đình. Ngoài công dụng làm mát gan, thanh nhiệt, rau dền còn được biết đến như một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Rau dền dễ trồng, sống khỏe lại ít khi bị sâu bệnh nên chẳng cần đến phân bón hay thuốc trừ sâu, bạn hoàn toàn có thể trồng loại rau này ở nhà một cách dễ dàng. Rau dền có bộ rễ khoẻ, ăn sâu nên chịu hạn và chịu nước rất giỏi. Rau có thể thu hoạch trong khoảng 30 – 45 ngày. Với rau dền, việc tưới nước là rất quan trọng, thường xuyên tưới nước sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển rất nhanh.
Như vậy, với khí trời mát mẻ thì bạn đã biết trồng rau gì tháng 8 dương lịch cho thích hợp rồi phải không? Với danh sách các loại rau trồng trong tháng 8, hi vọng sẽ là những gợi ý để khu vườn nhà bạn thêm đa dạng các loại cây trồng và làm phong phú cho bữa ăn của gia đình. Đừng quên lưu lại thông tin và chia sẻ bài viết cho bạn bè, người thân để khi nào cần trồng rau thì xem bạn nhé!
Tham khảo thêm:
Tháng 9 dương lịch nên trồng rau gì?
Nên trồng rau gì vào mùa vụ thu đông?
Những ý tưởng trồng rau sạch tại nhà đôc đáo
Hướng dẫn cách trồng rau sạch trong thùng xốp
Kinh nghiệm trồng rau sạch tại nhà bạn cần biết