Tháng Tư nhớ Pơ Lang

Nó cũng như cái cây K’nia ấy. Bao khao khát, bao tò mò, đến lúc vỡ òa ra biết rằng, mình cũng từng gặp nó thời nhỏ, ấy là cây… cầy. Ngoài Bắc có những vùng làm quạt giấy (là hạng sang, cao cấp, so với quạt mo, quạt nan… dù quạt giấy nhanh hỏng hơn và… tốn tiền mua, các quạt kia có thể tự làm được, chứ quạt giấy chỉ nghệ nhân làm thôi), thì người ta lấy cái nhựa cây cầy để phết quạt. Nó là loại cây rừng, giờ cũng đang hết, chỉ vào tận rừng sâu mới sót lại vài cây. Có anh Nguyễn Quang Huy, giám đốc chi nhánh Ngân hàng HD Bank Gia Lai đang có nguồn cây giống và hứa tặng cho trường học trên tỉnh Gia Lai mỗi trường 2 cây, mới thông báo trên facebook cá nhân mà đã rất nhiều người đăng ký, không chỉ trong tỉnh. Nhớ năm nào đấy, một thầy hiệu trưởng của một trường học ở thành phố Thanh Hóa cũng nhờ tôi kiếm một cây K’nia về trồng ở trường để học trò khỏi phải tưởng tượng. Kiếm mãi, tôi mua được một cây 6 tháng tuổi rồi gửi xe ra Thanh Hóa, không hiểu giờ này nó như thế nào rồi?

Rồi là cây xà nu. Cứ ước ao lên vùng của “Đất nước đứng lên” để gặp ông Núp và cây xà nu. Ông Núp thì tôi đã gặp ngay hôm đầu tiên mới đeo ba lô lên và đã kể trong một bài báo, rằng là tôi đang lang thang “thám thính” xem cái thành phố mình sẽ sống như thế nào thì gặp một ông già mặc áo vét, mặt phúc hậu, râu tóc như cước, cõng một đứa bé trên cổ. Vấn đề là thằng cu ấy nó đái từ cổ ông đái xuống, ông vẫn kệ. Hồi ấy mà áo vét mặc lúc chiều là oách lắm. Mấy hôm sau tôi được giao nhiệm vụ viết bài cho anh hùng Núp, chủ tịch Mặt trận tỉnh đọc chào mừng trong buổi chuyên gia văn học Liên Xô Ni Ku Lin nói chuyện ở nhà văn hóa tỉnh. Yêu cầu là viết nửa trang, chữ to để ông Núp dễ đọc. Tất nhiên là tôi phải đi tìm ông để trao đổi. Và, gặp lại ông già râu tóc như cước hôm trước, vẫn nguyên bộ vét bị cháu đái từ cổ ấy. Sau này, ông khá quý tôi, đi với nhau xuống làng toàn nhường tôi can rượu đầu. Và, kinh hoàng chưa, cây xà nu, tôi suýt ngất khi biết nó chính là… cây thông, thông ba lá. Loại cây này thời ấy lúc nhúc trên Tây Nguyên, giờ hết rồi, kể cả cái làng Xô Man mà tôi tìm về tận nơi cũng chang chang nắng. Và điều này mới vui, cho đến tận bây giờ, không phải tất cả các cô giáo đang dạy văn trên đất Tây Nguyên đã biết cây xà nu chính là cây… thông.

Thì tôi cũng gặp Pơ Lang như thế.

Rate this post

Viết một bình luận