Hiện trên đường Hùng Vương, quận 5, TP.HCM, có tới hai tiệm hủ tíu mang tên Cả Cần. Câu chuyện về thương hiệu này khá nhiều thăng trầm, những khách sành ăn thuở xưa khi trở lại, dễ dàng nhận ra, hủ tíu mang tên Cả Cần không còn hương vị thuở trước. Vậy thực hư của thương hiệu này ra sao?
Hủ tiếu Cả Cần chính gốc nức tiếng một thời Sài Gòn chỉ tồn tại từ năm 1969 – 1979
Theo chia sẻ từ con gái ông bà Trần Phấn Thắng – người sáng lập thương hiệu hủ tíu Ông Cả Cần, thì quán ban đầu lấy tên Mỹ Tiên, tên của người con gái đầu. Quán nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5 hiện nay.
Cô Năm Sa Đéc được ông chủ mượn tên quảng cáo cho quán. Ảnh: T.L
Ông Trần Phấn Thắng vốn là một công chức thuộc ty điền địa Mỹ Tho, xã Điều Hòa, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (bây giờ là tỉnh Tiền Giang). Khi lên Sài Gòn, ông làm giám đốc cho hãng xuất nhập khẩu bánh kẹo. Sau đó ông mới mở quán ăn.
Quán Mỹ Tiên ban đầu bán các món dân dã miền Tây: Canh chua cá bông lau, cá rô kho tộ, thịt kho nước dừa xiêm ăn với cơm gạo thơm chợ Đào ngon nhất miền Nam. Ngoài ra, quán còn có các món nhậu như lươn um nước dừa, lươn dồi, lươn xào lăn, nai bằm xào xúc bánh tráng, gà xối mỡ ăn với xôi chiên phồng, cua hấp bạch tuyết, ếch xào lăn, ếch chiên bơ, nem nướng…
Tiền thân của quán Ông Cả Cần.
Bánh bao Ông Cả Cần cũng ra đời ở đây. Để “lăng xê” cho bánh bao, ông Thắng mời Nghệ sĩ Năm Sa Đéc làm đạo diễn cho quán. Danh hài Thanh Việt cũng được mời đến quảng cáo cho tiệm. Từ đó, bánh bao quán Mỹ Tiên nổi tiếng. Tuy nhiên, lý do chính vẫn nằm ở công thức làm bánh đặc biệt và tài nghệ nấu ăn gia truyền của bà Phan Thị Ánh – vợ ông Thắng.
Năm 1972, bị chủ nhà lấy lại mặt bằng, vợ chồng ông Thắng rời quán sang góc đường Cách Mạng Tháng Tám và Trương Quốc Dung (cũ), đổi tên quán thành “Túp lều lý tưởng”, sau này đổi tiếp thành “Ông Cả Cần”.
Bánh bao Ông Cả Cần được hấp trước vỉa hè
Nói về cái tên này, ông Trần Phấn Bá, người em thứ 5 của ông Thắng cho hay, ông Cần là một người có thật, sống ở Sa Đéc, được biết đến như một người rất sành về ăn uống. Mọi người gọi là Ông Cả. Ông nội ông Thắng người Mỹ Tho, lấy vợ người Sa Đéc nên mới biết đến Ông Cả Cần ở Sa Đéc.
Tên quán Ông Cả Cần được ông Thắng chọn với ngụ ý: quán cho người sành điệu về ăn uống. Vì thế, cụm từ Ông Cả Cần rất đặc biệt và dễ nhớ, cộng với vị ngon khó cưỡng của các món ăn mà quán luôn tấp nập khách ra vào.
Tới năm 1975, quán Ông Cả Cần lại đổi về tên cũ “Túp lều lý tưởng” và chuyển về ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương, ngay tại vị trí quán Cả Cần hay “Túp lều lý tưởng” như hiện nay.
Bìa bánh bao và “người mẫu” quảng cáo.
“Từ mười mấy người làm thành hơn sáu chục người, vậy mà vẫn chưa ngừng. Bánh bao làm ra xửng nào là hết xửng đó. Bánh bao Ông Cả Cần phổ biến đến nỗi chủ nhân phải cho bày thêm nhiều xe bán, đặt tại nhiều góc đường, hè phố khắp Sài Gòn – Chợ Lớn như bên hông Bưu Điện, góc Pasteur – Lê Lợi, trên đường Nguyễn Huệ, trước nhà hàng Thanh Thế, Phú Nhuận … “- chị Mỹ Tiên, con gái ông Thắng – chủ thương hiệu Ông Cả Cần chia sẻ.
Năm 1979, cả gia đình ông Thắng đều qua Canada định cư. Tới năm 1981, họ bắt đầu xây dựng hệ thống nhà hàng Ông Cả Cần tại Montreal – Canada. Sau nhiều năm, phát triển thêm 4 tiệm ăn khác mang tên Mỹ Tiên, Cô Ba, và Gout de Cô Ba.
Hủ tiếu tại 110 Hùng Vương không như vị ngày trước.
Hai quán hủ tiếu mang tên Cả Cần không phải của gia đình ông Thắng
Chị Mỹ Tiên, con gái ông Thắng khẳng định: “Từ 1979, ở Sài Gòn không còn quán Ông Cả Cần thứ thiệt. Quán Cả Cần Sài Gòn bị chia làm hai chủ: Sáng do Tư Lô (bồi bàn cũ) giành bán, chiều do người bà con (chị dâu bà Ánh) bán”. Quán chị Mỹ Tiên nhắc tới chính là quán nằm tại góc đường Hùng Vương – Nguyễn Tri Phương hiện nay. Quán để biển hiệu rất lớn: Quán Ông Cả Cần và Túp lều lý tưởng gốc…
Đối diện bên kia đường, cách vài căn nhà, là quán khác mang tên Hủ tiếu Cả Cần. Hủ tiếu Bến Tre ở đây ăn khá dở, thấy rõ là người nấu không tinh tế, trong khi đó hủ tiếu bò viên thì miếng thịt bò viên cực dai, như thể để trong ngăn đá rất lâu, sau đó bỏ ra, nước bị rút đi một lượng lớn nên thịt không có vị giòn, sần sật, ngậy của miếng bò viên tươi.
Chị Mỹ Tiên – một trong những người kế thừa thương hiệu Ông Cả Cần cho biết gia đình rất buồn vì bị người khác lợi dụng danh tiếng một thời để trục lợi. Và buồn hơn cả là hương vị hủ tiếu, bánh bao không hề được chăm chút, nâng niu như gia đình chị đã làm ngày trước.
Hủ tiếu quán Cả Cần góc Nguyễn Tri Phương.
Chị Tiên khẳng định, gia đình không hề về Việt Nam gây dựng lại thương hiệu và hai quán ăn hiện tại chỉ để tên Cả Cần chứ không phải Ông Cả Cần như trước.
Cùng bao thăng trầm thời cuộc, một thương hiệu, mùi vị quen thuộc, thân thương đã không còn trên đất Sài Gòn, mãi thành di sản của quá khứ, để người Sài Gòn mỗi khi có dịp qua Canada lại ghé nhà hàng Mỹ Tiên để tìm lại hương vị xưa!