Thành ngữ Tục ngữ:

Thành ngữ “sáng tai họ điếc tai cày” trước hết chỉ hiện tượng trâu bò lười biếng khi cày ruộng. Nếu người cầm cày hô họ (ở miền Trung và miền Nam hô hò) tức là dừng lại, thì trâu bò nghe rất tinh nhanh, lập tức dừng lại ngay, ấy thế mà khi nghe hiệu lệnh cày thì chúng cứ đủng đà đủng đỉnh, như chẳng nghe thấy gì.


Dần dần trong tiếng Việt, thành ngữ này được dùng để chỉ những người cố ý lười biếng, không muốn làm việc, lừng khừng trong công việc: Khi cần làm việc thì cứ như là không hay biết gì, lảng tránh, làm việc uể oải chỉ mong chóng đến giờ nghỉ; rất tinh tường khi nghe hiệu lệnh nghỉ và điếc khi có hiệu lệnh làm việc.

 

Điều lý thú hơn, thành ngữ này được mở rộng nghĩa để chỉ những người am hiểu sâu sắc về cuộc sống, về thế sự nhưng vì một lý do nào đó lại tỏ ra bàng quan, giả vờ như không hay biết gì, không quan tâm, thậm chí như là kẻ ngốc nghếch. Nấp trong cái vỏ ngô nghê mà họ biết tường tận việc đời, việc người. Ta thường gặp những con người như vậy trong cuộc sống, trong văn thơ:

Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,
Chẳng ai ngờ sáng tai họ điếc tai cày.
(Nguyễn Khuyến, “Anh giả điếc”)

Vậy thì đánh giá con người đâu phải chỉ có căn cứ vào bề ngoài, cách nói, cách làm mà phải căn cứ vào điều họ nghĩ, chiều sâu trí tuệ của họ. Làm được như vậy quả là không đơn giản.

(Theo QuehuongOnline.vn)

Rate this post

Viết một bình luận