Có lẽ ai lần đầu tới Hồ Gươm cũng không khỏi bất ngờ với biểu tượng THÁP RÙA nằm trên một gò đất nhỏ được nổi lên giữa hồ.
Luôn là những câu chuyện thú vị xoay quanh sự tích về tháp rùa, gắn với lịch sử lâu đời ngàn năm văn hiến, nơi đây không chỉ là biểu tượng cho cái đẹp, cái hồn của thủ đô mà còn là nơi khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho nhiều họa sĩ khi tới đây.
SỰ TÍCH VỀ THÁP RÙA
Nằm giữa lòng Hồ Gươm Hà Nội, nơi thu hút đông đảo khách du lịch xa gần khi tới Thủ đô, tháp Rùa vẫn uy nghi như một biểu tượng cho thời gian, cho sự hưng thịnh và niềm tin yêu hòa bình của dân tộc ta.
Tháp rùa đã từ lâu trở thành biểu tượng quen thuộc của người dân thủ đô, tháp được xây vào nửa cuối thế kỷ 19, “người dân gọi là tháp Rùa vì được xây dựng trên đảo Rùa – gò đất duy nhất nổi lên giữa mặt hồ”.
Khi xưa, theo người dân kể lại, rùa sống ở Hồ Gươm thường lên đảo Rùa để phơi nắng và đẻ trứng. Nên gò đất này được mọi người đặt tên là Sơn Quy (tức núi Rùa).
Theo truyền thuyết từ thời xưa kể lại, trên hòn đảo rùa có huyệt quý, nếu đem hài cốt song thân an táng ở đó thì con cái đời đời vinh hiển.
Vào năm 1884, khi thực dân Pháp đã làm chủ Hà Nội. Một tên tay sai của thực dân là Bá Kim xin được xây tháp trên gò rùa và định lén đặt hài cốt cha mẹ mình vào đó, nhưng ngờ đâu sự việc bất thành. Vì trót đã hứa với mọi người là xây tháp nên hắn đành ngậm ngùi xây dựng nốt tháp rùa trong sự bực tức.
Để thưởng công lao cho Bá Kim, thực dân Pháp đặt tên tháp là tháp Bá Kim, nhưng nhân dân thủ đô vẫn gọi với cái tên thân thuộc là “tháp Rùa”.
Truyền thuyết Bá Kim xây tháp rùa để an táng hài cốt cha mẹ chỉ là truyền thuyết dân gian, được người dân truyền tai nhau tạo thêm phần nào đó làm nên tính thiêng liêng, hấp dẫn của tháp Rùa.
Nhưng lại có một số người cho hay, tháp Rùa mà Bá Kim xây dựng đã bị phá bỏ không lâu sau đó và một người khác đã xây lại tháp và nay là tháp Rùa duy nhất ở giữa lòng Hồ Gươm.
Một biểu tượng thiêng liêng, tượng trưng cho lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc từ ngàn đời xưa, tháp rùa được coi như một phần của Hà Nội, của thủ đô nghìn năm văn hiến.
Với nhiều sự tích ly kỳ, hấp dẫn mà tới nay vẫn chỉ được tương truyền qua những lời kể lại, chẳng ai biết chính xác tháp Rùa đã xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng, một phần của Hà Nội đã nằm trong đó – di tích của lịch sử nước Việt.
THÁP RÙA HÀ NỘI
Được nhắc đến như một nét đẹp của Hà Nội, của Hồ Gươm thân yêu. Du khách tới đây không khỏi hứng thú với những bức ảnh huyền ảo của tháp Rùa. Là sự giao thoa của nền kiến trúc Pháp với thiết kế phần mái cong đậm nét truyền thống của kiến trúc Việt.
Tháp được xây trên móng cao 0,8m, hình chữ nhật một mặt dài 6,28m, mặt rộng 4,54m. Mỗi mặt tháp đều có những ô cửa hình vòm, mặt chiều dài có 3 cửa, mặt chiều rộng có 2 cửa, tổng cộng bên ngoài có 10 cửa.
Bên trong tháp tầng 1 còn được phân ra làm ba gian và có 4 cửa thông với nhau. Vậy tổng cộng tầng một có 14 cửa.
Tầng hai của tháp được xây giống cấu trúc của tầng một, tuy nhiên được xây lùi vào một chút, nhỏ hơn với chiều dài là 4,8m và chiều rộng là 3,64m. Tầng ba thu nhỏ hơn nữa dài 2,97m rộng 1,9m và chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía đông, đường kính dài 0,6m.
Tầng trên cùng thì được thiết kế tựa như một vọng lâu với mỗi bề 2m chứ không phải là hình chữ nhật như các tầng dưới. Trên mặt phía đông nằm ngay bên trên cửa tròn của tầng ba có ba chữ “Quy Sơn Tháp” tức tháp núi rùa.
Sự kết hợp độc đáo giữa 2 nền kiến trúc phương Đông và phương Tây, là một trong những công trình để lại dấu ấn lịch sử trong lòng mỗi người dân thủ đô, tháp Rùa Hà Nội biểu tượng cho niềm khao khát hòa bình từ thời xa xưa mà dân tộc ta luôn cố gắng gìn giữ cho tới ngày hôm nay.
| Bạn có biết “1 vòng hồ Gươm rộng bao nhiêu không?”
Vẻ đẹp bình dị, mộc mạc đôi khi là chút cũ kĩ bị bào mòn qua thời gian của tháp, nơi đây cất giữ những kỉ niệm, chứng kiến thủ đô đổi thay từng ngày. Từ những ngày đất nước còn bị thực dân Pháp chiếm giữ, tới khi hòa bình lập lại.
Tháp rùa đôi khi còn là một điều linh thiêng của mảnh đất này.
Luôn là một niềm tự hào của mỗi người dân thủ đô, Hà Nội nhỏ bé của chúng ta đã trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn để còn đọng lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Vào mỗi dịp đặc biệt, hay lễ hội người dân thủ đô lại về với Hồ Gươm, nơi có tháp Rùa để tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn thu hút đông đảo du khách từ nhiều nơi tới đây.
Một Hồ Gươm với bốn mùa xanh nước, một tháp Rùa uy nghi giữa lòng thủ đô, tất cả như gói gọn vào trong kí ức, trong tâm thức của mỗi người con dân thủ đô đất Việt.
© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!