Tháp Rùa hồ Gươm – Văn hóa du lịch – Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội

HAUFO – “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội… /Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm Nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng/Thành cũ Thăng Long hồn nước non thiêng/Còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng Hà Nội ơi”… mỗi lần bài hát Nhớ về Hà Nội vang lên, những ai đã từng đến Thủ đô, đặc biệt những người Hà Nội ở khắp mọi miền Tổ quốc và thế giới lại thắt lòng nhớ về Hà Nội yêu dấu. Yêu Hà Nội, nhớ Thủ đô nhưng mấy ai biết sự tích Tháp Rùa.

Nằm giữa Hồ Gươm, từ lâu Tháp rùa đã trở
thành hình ảnh quen thuộc với người dân thủ
đô Hà Nội nói riêng và người
dân Việt Nam nói chung.Tháp Rùa là
một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm.
Theo sử ghi, tên gọi tháp Rùa là vì
tháp được xây trên đảo rùa – gò đất
nhỏ nổi lên giữa hồ, nơi rùa Hồ Gươm thường lên
phơi nắng hay đẻ trứng. Theo ghi chép, Tháp được
xây từ thời vua Lê Thánh Tông để làm
nơi nhà vua ra câu cá. Sang thời Lê Trung
Hưng, khoảng thế kỷ XVII – XVIII, chúa Trịnh cho xây
đình Tả Vọng trên gò, nhưng đến thời nhà
Nguyễn thì không còn.

 

 

Kiến trúc Tháp là sự giao thoa giữa phong cách kiến trúc gô-tích của châu Âu kết hợp với phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam.Tầng một của tháp được xây trên móng cao 0,8m, hình chữ nhật một mặt dài 6,28m, mặt rộng 4,54m, mỗi mặt tháp đều có những ô cửa hình vòm, mặt chiều dài có 3 cửa, mặt chiểu rộng có 2 cửa, tổng cộng bên ngoài có 10 cửa. Bên trong tháp tầng 1 còn được phân ra làm ba gian và có 4 cửa thông với nhau. Vậy tổng cộng tầng một có 14 cửa.

 

 

Tầng hai của tháp được xây giống tầng một chỉ có điều được xây lùi vào một chút, nhỏ hơn với chiều dài là 4,8m và chiều rộng là 3,64m. Tầng ba thu nhỏ hơn nữa dài 2,97m rộng 1,9m và chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía đông, đường kính 0,6m. Tầng trên cùng thì được thiết kế tựa như một vọng lâu với mỗi bề 2m chứ không phải là hình chữ nhật như các tầng dưới.Trên mặt phía đông nằm ngay bên trên cửa tròn của tầng ba có ba chữ “Quy Sơn Tháp” tức tháp núi rùa. Mái của tầng này được làm theo kiểu truyền thống với đầu đao uốn cong và rồng chầu mặt Nguyệt. Bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên vào giữa đỉnh, trên đỉnh có hình ngôi sao 5 cánh. Từ nền đất Gò Rùa lên đến đỉnh tháp là 8,8m.

 

 

Thời Pháp thuộc, trên đỉnh Tháp Rùa có dựng một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do (1890-1896) mà dân chúng châm biếm gọi là tượng Đầm Xòe. Sang thập niên 1950 tượng này đã bị phá bỏ. Có thể nói, mặc dù Tháp chỉ được xây vào nửa cuối thế kỷ XIX, tuy nhiên nhờ nằm ở vị trí đẹp giữa hồ Gươm, cộng với lối kiến trúc Pháp kết hợp với kiến trúc bản địa đã tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa. Do đó, ngọn Tháp rùa đã trở thành biểu tượng thân thiết của thủ đô Hà Nội.

 

T.AN 

Rate this post

Viết một bình luận