Chuyên gia tư vấn Lý Thị Mai, Phó Giám đốc công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, cho rằng tình yêu rất cần sự lãng mạn; và dường như những người có vấn đề về tình yêu, hôn nhân ít nhiều đều thiếu chất lãng mạn. Từ xưa, tình cảm lứa đôi cũng thấm đẫm tính lãng mạn, đến nỗi “Yêu anh dẫu đứng ở xa/Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”. Ngay cả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, các lứa đôi vẫn “thầm hái hoa tặng nhau”.
Ngày nay, trong cuộc sống yên bình và ngay khi đã là vợ chồng, đã “đầu bạc răng long” thì tình yêu vẫn rất cần sự lãng mạn. Bác sĩ Bùi Minh Đức (hiện sống ở Canada) đã có 47 năm hạnh phúc, cứ vào ngày Valentine là ông chọn mua một bông hồng hàm tiếu, kín đáo đặt ở bàn ăn để tặng vợ và hạnh phúc ngắm nhìn bà rạng ngời khi trông thấy bông hoa. Cụ Lộc (76 tuổi, Bình Thạnh) cho biết khi còn trẻ rất ghét sự lãng mạn. Nhưng rồi cụ cũng sớm nhận ra tình yêu không thể không có nó, nhưng phải đi kèm với “SK và 3T”, nghĩa là sức khỏe, tiền (đủ lo cho những thiết yếu của đời sống), tài năng và tình yêu thương.
Hiện nay, quay cuồng với cuộc sống hiện đại, các đôi lứa thường kém lãng mạn nên tình yêu dễ rạn vỡ. Có thể nhiều vụ ly hôn, tự vẫn vì tình thường được dùng để minh chứng cho suy nghĩ “lãng mạn quá sẽ khổ” nên người ta yêu đương thực tế hơn.
Có nhiều trường hợp lệch pha trong suy nghĩ và dẫn đến không hiểu nhau. Đã có ông chồng rất quan tâm đến vợ, sinh nhật tặng đủ cả những thứ bà thích nhưng… ông thì vắng mặt trong ngày vui ấy. Đối với người vợ, sự hiện diện của ông mới là món quà quý nhất.
Lãng mạn đến mức nào?
Minh Hoa, nhân viên phục vụ một nhà hàng, kể rằng sau một thời gian công tác khá lâu, người đàn ông trung niên Pakistan đã để ý mình. Trước khi về nước, ông tặng cô một tấm thiệp có lời chúc vui vẻ và cả một dòng chữ tiếng Ả Rập. Hoa có bao suy tưởng lãng mạn với dòng chữ bí mật ấy và chờ đợi ông.
Chị Bửu ở chợ Bàn Cờ (TP.HCM), “bật mí” rằng biết anh ấy thích mùi nước hoa mình dùng, khi anh công tác xa, trong cánh thư đầy ắp nhớ thương, chị kẹp tấm giấy lụa tẩm chút xíu mùi hương ấy. Khi đọc thư, anh cứ ngỡ chị đang ở bên anh.
Còn Thành (24 tuổi, TP.HCM) cứ nhớ về một bạn nữ mới quen nên thường gọi điện, nhắn tin, mời đi uống nước. Có khi vừa về, anh lại thấy nhớ, lại gọi điện, nhắn tin khiến bạn gái muốn… ngộp.
Bà Lý Thị Mai đúc kết rằng lãng mạn trong tình yêu suy cho cùng là phép ứng xử làm đẹp lòng nhau. Điều quan trọng là cách tiếp cận, tìm ra những biểu hiện rất riêng và thời điểm, bối cảnh thích hợp để bày tỏ. Chẳng hạn, trong một tình huống đã đi vào thơ ca của 2 người xa lạ cùng trú mưa, bà Mai phân tích rằng: Mưa tạt bên này, gió thốc bên kia, người thanh niên bước lên trước nhường chỗ cho cô gái nép đứng phía sau, mưa tạt thì anh rướn người che chở cho cô rồi khi mưa tạnh, họ cảm ơn ông trời vì… đã cho họ cơ hội quen biết. Nếu người nam lạnh lùng đứng sát vào trong, mặc cho cô gái đứng phía ngoài ướt mưa chắc đã không có cuộc tình này.
Bà Mai còn lưu ý các bạn trẻ rằng những ứng xử đó phải thật nhẹ nhàng, dễ thương, không nên lãng mạn một cách… rùng rợn. Gợi nhớ về người yêu mà cắt lọn tóc gửi đi thì thật là phản cảm; và trong thư tình có hình trái tim “được” vẽ bằng máu ngả màu nâu xỉn thì có thể làm cho người nhận hồn xiêu phách lạc.
Theo Người Lao Động