Thiện Và Ác

PHẬT HỌC

THƯỜNG THỨC

Tâm Minh

Lê Đình Thám

THIỆN VÀ ÁC

Tiền thân của Đức Phật Thích-ca,
trong một thời mạt pháp, đã không tiếc thân mạng, xin cho kỳ được, một bài kệ của
đạo Phật.

Bài kệ ấy là:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành.

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chân Phật giáo.

Nghĩa là:

Các điều ác quyết định không làm,

Các điều thiện kính cẩn cố làm.

Tự làm cho ý niệm trong sạch,

Đó thật là lời dạy của Phật.

Bài kệ ấy tóm tắt đường lối tu hành của đạo
Phật, trong đường
lối ấy, bỏ ác làm thiện là bộ phận quan trọng.

Nhưng thế nào là Thiện, thế nào là Ác? Đạo
Phật chia có thiện ác vô lậu thuộc về xuất thế gian. Về thiện ác vô lậu, thì
thiện là thuận theo pháp giới tính, ác là trái với pháp giới tính, có thể bao gồm
trong câu kệ thứ ba là “Tự tịnh kỳ ý” và sẽ được giải thích trong các bài sau.

Bài này chỉ nói về thiện ác hữu lậu,
thuộc về nhân quả thế gian. Theo nhân quả thế gian, thiện là những điều lành,
có lợi cho các loài hữu tình, hoặc cho đa số loài hữu tình. Ác là những điều dữ,
có hại cho các loài hữu tình hay cho đa số loài hữu tình.

Riêng đối với loài người, chủ yếu thiện là những
điều có lợi cho người
hay cho đa số người,
ác là những điều có hại cho người
hay cho đa số người.

Với những định nghĩa như trên, mọi người có thể phân biệt điều
thiện và điều ác. Nếu hại ít mà lợi nhiều thì vẫn là thiện, nếu hại nhiều mà lợi
ít thì vẫn là ác.

Để cho dễ nhớ, có thể tóm lại các
điều ác thành 10 điều:

Ba điều ác do thân làm ra là:

1. Sát hại:
Nghĩa là giết chết và đánh đập hành hạ người và các loài hữu tình, chủ yếu là
người.

2. Thâu đạo:
Nghĩa là trộm cắp hoặc lấy của người bằng những thủ đoạn không chính đáng.

3. Dâm dục:
Chủ yếu là tà dâm, những dâm dật quá độ, say đắm ngũ dục cũng là điều ác.

Bốn
điều ác thuộc về lời nói là:

4. Vọng ngôn:
Nghĩa là nói dối, không nói ra có, có nói ra không.

5. Ỷ ngữ:
Nghĩa là nói quanh co, dua nịnh, khiêu dâm, ngụy biện, trạng quá sức phi, nói
tóm lại, là nói những lời không đúng đắn.

6. Ác khẩu:
Nghĩa là nói lời hung dữ như chửi mắng, nguyền rủa, dọa nạt,v.v.

7. Lưỡng
thiệt: nghĩa là nói hai lưỡi, gây sự bất hòa giữa người này với người khác.

Ba
điều ác thuộc về ý là:

8. Tham:
Nghĩa là ham muốn, ham muốn những điều mình ưa thích hoặc những cái gì làm cho
có điều mình ưa thích, nó làm cho tâm hồn bị ràng buộc với cảnh, đặc biệt là với
cảnh ngũ dục.

9. Sân:
nghĩa là giận ghét, giận dữ trước những cảnh trái ý, ghét bỏ những điều làm cho
mình khó chịu.

10. Si:
Nghĩa là si mê, si mê không biết nhân quả, si mê không tin Chánh pháp.

Cả ba điều về thân, bốn điều về lời
nói, ba điều về ý đã nói ở trên kia, xét cho cùng đều có hại cho các loài hữu
tình, nên gọi là ác.

Trái với ác là thiện. Không làm các
điều ác đã là thiện rồi. Nếu còn làm thêm các điều có lợi cho các loài hữu tình
thì lại càng thiện hơn nữa. Trái với mười điều ác là mười điều thiện như sau:

1. Không
sát hại, mà cứu mạng, giúp đỡ chăm sóc trong lúc hoạn nạn.

2. Không
thâu đạo, mà bố thí (tài thí, pháp thí, vô úy thí).

3. Không
là dâm, mà tiết dục, nghĩa là tiết giảm bớt sự dâm dục.

4. Không
vọng ngôn, mà nói lời thành thật.

5. Không
ỷ ngữ, mà nói lời đúng đắn, thẳng thắn.

6. Không
ác khẩu, mà nói lời yêu mến, dịu ngọt, nhã nhặn.

7. Không
lưỡng thiệt, mà nói lời hòa giải.

8. Không
tham, mà phóng xả, nghĩa là đối với cảnh, thường bỏ qua không để ý lưu luyến, đắm
trước.

9. Không
sân, mà từ bi, biết thương xót người và các loài hữu tình.

10. Không
si, mà trí tuệ, phân biệt lành dữ, chính tà.

Các việc thiện này, xét cho cùng, đều
đem lại lợi ích cho các loài hữu tình, nên gọi là thiện.

Về các nghiệp do thân làm ra hay do
miệng nói ra, thường có những ý niệm sai khiến. Có những người làm những thân
nghiệp ác và khẩu nghiệp ác với ý nieemjt hiện, như sát hại bạo chúa để cứu
nhân loại khỏi lầm than, như nói dối để cứu mạng người. Ngược lại cũng có những
người làm những thân nghiệp, khẩu nghiệp thiện, với ý niệm ác, như giả làm việc
nhân nghĩa để lừa gạt người khác, kiếm lợi cho mình, hoặc tổ chức những nhà
nuôi trẻ mồ côi với mục đích vụ lợi v.v. Vì thế, điều cốt yếu phải nhận định là
thiện ác nơi ý niệm, chứ không chỉ nơi việc làm bề ngoài…

Có khi người ta không muốn làm điều
ác nhưng lại gây thiệt hại cho người khác, như đi xe vô ý làm cho người khác bị
thương, những việc như thế, chỉ có quả báo đối đãi, chứ không có quả báo nơi
tâm thức. Khi nào cả ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp cùng làm việc thiện,
thì quả báo thiện ác mới rõ ràng.

Người theo đạo Phật, cần phải phân
biệt thiện ác cho đúng đắn, việc gì có hại cho người hay đa số người, thì quyết
không làm, việc gì có lợi cho người hay đa số người, thì quyết làm. Trong một đời,
làm việc thiện nhiều, làm điều ác ít, lại có công đức niệm Phật, tín ngưỡng vãng sinh, thì sẽ được về Tịnh độ. Ngoài ra nếu phát bồ-đề tâm mà làm các điều
thiện thì sẽ được giác ngộ và chứng quả.

Rate this post

Viết một bình luận