Hỏi: Khi cái thiện và ác trong tâm đang chiến đấu với nhau, làm sao để phần thiện luôn luôn thắng?
Đáp: Mình sẽ trả lời câu này theo “3 giai đoạn thức tỉnh tâm linh”, nghĩa là ai đang ở giai đoạn nào sẽ áp dụng được ở giai đoạn đó.
Đương nhiên, như mình có đề cập trong bài đó, thì 3 giai đoạn này chỉ mang tính tương đối, nó không theo trình tự tuyến tính, và cũng không phân cao thấp. Chỉ là mình nhận ra nếu một người đang sống trong tâm trí nhị nguyên mà máy móc áp dụng sự vô phân cực, sẽ có một số hiểu lầm và rắc rối.
🍀Giai đoạn 1: Học cách nhận diện, quan sát và phân biệt thiện-ác
Đầu tiên, thế nào là thiện? Mà như nào là ác? Ai là thẩm phán quyết định rằng hành động này là thiện, hành động kia là ác?
Bạn có thể nói rằng dựa vào đạo đức, luân lý, kinh sách,… mà có thể xác định được đó là thiện, và kia là ác. Nhưng thiện-ác, cũng như mọi sự phân cực khác, đều mang tính tương đối, tùy hoàn cảnh, thời điểm. Việc ác lúc này lại hóa thiện lúc khác. Cuộc đời luôn luân chuyển, thiên biến vạn hóa. Có việc nào là việc mãi thiện, mãi đúng chăng?
Lấy ví dụ, quyên góp từ thiện là thiện. Nhưng nếu quyên góp từ thiện khiến cho người nhận trở nên ỉ lại, làm biếng, từ bỏ việc học, không thèm làm việc, thay vào đó chờ những thùng cứu trợ của mạnh thường quân, thì là bất thiện rồi.
Đôi khi, từ chối giúp đỡ chính là giúp đỡ. Im lặng chính là thông điệp tốt nhất. Yêu thương, không nhất thiết cứ phải cho đi. Không cho đôi khi lại là một cách để yêu trong minh triết.
Thế mới nói từ bi phải đi đôi với trí huệ. Nếu không có minh triết mọi tác ý muốn hành thiện đôi khi cũng hóa hại mình hại người.
Đến đây chúng ta sẽ thấy là để xác minh một hành động có thiện hay không, ta cần đi xét tác ý, thay vì hành động bề mặt. Ví dụ, lựa chọn nói thật xuất phát từ tác ý muốn giúp đỡ người khác. Dù rằng lời nói đó của mình khiến cho người ta phải trả giá rất đắt, mất danh dự, tiền bạc. Nhưng hành động xuất phát từ tác ý thiện, là hành động thiện, cuối cùng vẫn là giúp người đó tỉnh ngộ.
Nhân quả không hẳn là làm hành động và nhận kết quả tương ứng. Nhân chính là tác ý, còn quả là hành động. Ý niệm trong sạch thì hành động mới đẹp được. Dù kết quả của hành động đó có khó chấp nhận, thì chính ý định thuần khiết sẽ tiếp tục vận hành bánh xe của nghiệp dẫn đến những phước báu kế tiếp cho người thực hiện hành động.
Hay nói cách khác, bất kể bạn làm gì và kết quả tạm thời có ra sao, tác ý thiện sẽ cho ra quả thiện lành. “Ý dẫn đầu các Pháp.”
Thế thì trong lựa chọn thiện-ác, hãy quan sát ý định của mình là gì. Nếu mình muốn thực hiện hành động vì sợ, vì tham, sân, si thì thôi, hãy từ bỏ ngay hành động đó.
Mình dùng từ “lựa chọn” thay vì “chiến đấu”, cách tiếp cận của mình với mọi thứ luôn là làm hòa. Vì nếu chiến đấu, sẽ rất mệt. Đó là những cuộc chiến không bao giờ có hồi kết.
🍀Giai đoạn 2: Phát triển trí tuệ để biết cần làm gì trong những tình huống tức thời.
Nếu ở giai đoạn 1, bạn sẽ quan sát, nhận biết và dựa vào tác ý để làm hay không làm một điều gì đó, sang đến giai đoạn 2 bạn phát triển khả năng “tùy cơ ứng biến”.
Đạo, cũng như là đời, không bao giờ có điều gì là tuyệt đối đúng, cực kỳ nên làm cả. Cũng không có một công thức áp dụng cho tất cả. Người tập Đạo phải liên tục quan sát, nhận biết sự thay đổi của hoàn cảnh, từ đó uyển chuyển, khéo léo cư xử cho phù hợp.
Hành động của thiền nhân luôn tức thời, chứ không dựa trên những kiến thức hay kinh nghiệm quá khứ cũ kỹ. Vì thế nó trong suốt, không mang màu tâm trí.
Ví dụ, cũng cùng một câu hỏi, nhưng mình sẽ trả lời mỗi người mỗi khác dựa trên khả năng tiếp nhận của họ. Có người thì mình không trả lời.
🍀Giai đoạn 3: Không Thiện, Không Ác, không phân biệt.
Hãy quay lại cách dùng từ của bạn, chúng ta có từ “chiến đấu” và từ “thắng”. Không có hành vi nào bạo lực hơn thế. Cái thiện mà đấu để thắng ác thì thiện đó cũng là ác.
Sau đây là trích đoạn trong Đạo đức kinh mà mình cực kỳ tâm đắc (Chữ
Sau đây là trích đoạn trong Đạo đức kinh mà mình cực kỳ tâm đắc (Chữ Đạo mình hay dùng cũng là lấy cảm hứng từ Đạo do Lão Tử đề cập):
Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác.
Là vì “có” và “không” sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau; âm và thanh hòa lẫn nhau; trước và sau theo nhau.
Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi”, dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài.
– Trích bản dịch Đạo đức kinh (Lão Tử) của Nguyễn Hiến Lê
Vì có thiện, nên ác mới có. Cho ăn chay là thiện, thì ăn thịt là ác. Cho bố thí là thiện, không bố thí sẽ thành ác. Cho trì giới là thiện, không trì giới sẽ ác.
Thiện ác soi chiếu lẫn nhau để nhận ra nhau. Không ác làm sao biết thiện là thiện? Vậy thì thiện là cha đẻ của ác, mà ác là mẹ sinh ra thiện, như vòng tròn âm dương không hồi kết.
Vượt lên trên nhị nguyên nghĩa là trong suốt với tất cả. Làm chỉ là làm, không có xấu hay tốt. Kết quả là kết quả, không có yêu hay ghét. Do đó cũng không có họa hay phước, nghiệp lành hay dữ.
Chỉ đơn giản hành động dựa trên sự thoải mái, niềm yêu thích và cảm hứng tức thời. Và đón nhận mọi nhân duyên khởi sinh theo đó. Thế thì không phải thiện luôn thắng, mà ác cũng biến mất tiêu.
Tiên Alien 🙏
Share
Pin
0
Shares