(Last Updated On: 31/08/2021)
Thiện và ác là gì? Biểu hiện của “cái thiện”
Khái niệm Thiện và Ác :
Thiện là tất cả những gì tích cực, phù hợp với đạo lý, có tác động thuận lợi trong đời sống của con người và của toàn xã hội. Ngược lại là Ác.
a/ “Thiện” là tính chất của hành vi, của ý thức, của nhân cách con người phù hợp với đạo lý. Ác, ngược với thiện, là tư tưởng hành vi, lối sống, cuộc đời một con người đối lập với những yêu cầu của xã hội về đạo đức thậm chí cố tình, ngang nhiên phá hoại, chà đạp lên những nguyên tắc, những chuẩn mực đạo đức mà xã hội đã đề ra .
Phù hợp với đạo lý là phù hợp với những yêu cầu về lợi ích có thực và khách quan của xã hội, tức là phù hợp vời những nguyên tắc, chuẩn mực, quy tắc đạo đức của xã hội.
Phù hợp với đạo lý còn có nghĩa là đem lại lợi ích cho người khác, cho xã hội. Lợi ích là tất cả những gì có thể thỏa mãn nhu cầu của con người và con người có quyền được hưởng theo lẽ phải, theo sự công bằng của xã hội. “Lợi ích” là những giá trị có sẵn do tự nhiên đem lại hoặc do xã hội sáng tạo ra. Có lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần; lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể ; lợi ích xã hội.v.v… Mỗi cá nhân, tập thể, xã hội cần và có quyền mưu cầu, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình nhưng không được vì thế mà làm tổn hại đến lợi ích hoặc chiếm đoạt lợi ích của người khác. Trái lại, nếu có thể thì mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi xã hội còn đem lại và bảo vệ lợi ích cho cá nhân khác, tập thể khác và xã hội khác bằng cách hy sinh một phần hay tất cả lợi ích của mình. Thái độ và hành động tốt như thế đối với lợi ích của người khác, của tập thể, của xã hội chính là cái “thiện” còn ngược lại là ác. Như vậy cái thiện và cái ác nảy sinh trong quá trình con người hoạt động để mưu cầu, thụ hưởng và bảo vệ những lợi ích của mình. Trong quá trình đó, hành vi của con người là thiện hay ác tuỳ theo hành vi đó có tôn trọng, bảo vệ và phục vụ lợi ích chính đáng của người khác, tập thể, của xã hội hay không, có chiếm đoạt lợi ích chính đáng của người khác, của tập thể, của xã hội hay không.
b/ Với tư cách là những phạm trù đạo đức học, “Thiện” có ý nghĩa khái quát tất cả những gì tích cực về mặt đạo đức, bất kể là quy mô lớn hay nhỏ, mức độ cao hay thấp của cái tích cực. Cho nên từ những hành vi đơn giản như một lời nói thật, một lời thăm hỏi động viên cho đến sự hy sinh tính mạng của mình để cứu nước hay cứu một người khác cũng đều là thiện. Tương tợ như vậy “Ác” không phải chỉ có nghĩa là độc ác, hung ác, tội ác mà một lời nói dối, một cử chỉ xúc phạm đến nhân phẩm của người khác cũng là Ác.
Biểu hiện của “Cái thiện”
“Cái thiện” được thể hiện qua tư tưởng và hành vi:
a/ Thiện tâm ( thiện ý, thiện cảm, thiện chí): Đó là ý thức đạo đức về thiện của hành vi. Để thực hiện một hành vi đạo đức con người phải lựa chọn giữa cái thiện và cái ác. Một người muốn lựa chọn một cách có ý thức và tự do giữa cái thiện và cái ác thì người đó phải hiểu được thế nào là thiện, thế nào là ác. Khi nào người đó biết yêu cái thiện và ghét cái ác, đồng thời người đó muốn thực hiện điều thiện và có đủ những điều kiện và khả năng khách quan để thực hiện điều thiện, thì người đó mới làm được điều thiện.
b/ Hành vi thiện: cái thiện không phải chỉ là cái thiện của ý thức mà cái thiện phải thể hiện trong thực tế bằng lời nói, cử chỉ, việc làm. Xem xét hành vi là thiện hay ác phải xem cả 3 phương diện: động cơ của hành vi, kết quả của hành vi và phương thức thực hiện hành vi . Cho nên cái thiện mà chúng ta quan niệm là sự thống nhất giữa động cơ, kết quả và phương tiện của hành vi.
Hành vi thiện cũng có những mức độ khác nhau:
- Chống lại cái ác, hành vi này khó thực hiện nhất.
- Làm điều thiện, so với chống cái ác thì dễ làm hơn.
- Không làm điều ác cũng bao hàm cái thiện nhưng đó là cái thiện mức độ thấp nhất.
Thiện là giá trị đạo đức có tính lịch sử cụ thể:
a/ Thiện và ác là cái dùng để đánh giá về mặt đạo đức. Thiện là giá trị, Ác là phản giá trị. Tiêu chuẩn của Thiện, Ác là sự phù hợp hay không phù hợp với tiến bộ xã hội, nhưng trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, Thiện có nội dung không giống nhau.
Theo quan điểm đạo đức học Mác – Lênin, ý thức con người về thiện và ác không phải là sản phẩm của sự trừu tượng thuần túy mà nó là kết quả phản ánh những điều kiện kinh tế – xã hội của một thời đại và phụ thuộc vào vị trí của một giai cấp nhất định. Ph.Ănghen chỉ ra rằng: Tự giác hay không tự giác, rốt cuộc người ta đều lấy những quan điểm đạo đức từ trong những quan hệ thực tế đã tạo thành cơ sở cho địa vị giai cấp của họ, tức là những mối quan hệ kinh tế, trong đó người ta tiến hành sản xuất và trao đổi.
Môi trường và hoàn cảnh sống của mỗi người có ảnh hưởng nhất định đến hành vi và lối sống thiện hay ác của người đó. Mặt khác con người không phải là sản phẩm thụ động của hoàn cảnh sống. Con người có thể tác động vào hoàn cảnh, làm cho hoàn cảnh trở nên thuận lợi cho việc thực hiện những điều thiện, tức là làm cho hoàn cảnh trở nên có tính người như cách nói của Mác.
b/ Trong xã hội ta hiện nay. Thiện trước hết phải là giải phóng con người khỏi chế độ người bóc lột người và xây dựng một xã hội mới trong đó có những điều kiện kinh tế- xã hội để con người được phát huy mọi năng lực cống hiến cho xã hội đồng thời mang lại hạnh phúc cho chính mình. Trong xã hội đó, mọi giá trị thuộc về con người được đề cao, phẩm giá con người được tôn trọng. Đó là xã hội công bằng, dân chủ và văn minh
Những kết luận cho việc giáo dục đạo đức:
a/- Giáo dục đạo đức là phải làm cho đối tượng giáo dục hiểu những hành vi nào được đánh giá thiện và tại sao; ngược lại những hành vi nào là ác và tại sao. Giáo dục đạo đức là luyện tập cho đối tượng giáo dục biết yêu người tốt, việc tốt, làm điều tốt, ghét cái xấu, cái ác và đấu tranh chống cái xấu, cái ác.
b/- Cái phức tạp, khó khăn của việc hình thành ý thức, tình cảm và thói quen làm điều thiện ở mỗi người là ở chỗ sự hình thành đó không diễn ra trong phòng thí nghiệm mà trong cuộc sống phức tạp của gia đình và xã hội. Để khỏi bị cái Ác cám dỗ làm hư hỏng nhân cách của mình, mỗi người phải nâng cao năng lực tự giáo dục, chủ động làm điều thiện và phải đấu tranh chống cái ác, không được thờ ơ hay dửng dưng đối với cái ác.