Cả làng đi buôn
Lần đầu đến với Thổ Tang, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi không khí sầm uất, náo nhiệt nơi đây. Từng đoàn xe tải lớn, nhỏ với đủ các biển số tỉnh, thành cả nước chen chúc, lách vào thị trấn để lấy hàng. Khó có thể tính được lượng hàng hóa nông, thổ sản mỗi ngày đến và đi từ Thổ Tang.
Có rất nhiều giai thoại về sự năng động, nhạy bén trong kinh doanh của người Thổ Tang. Đến bây giờ, người Thổ Tang vẫn truyền tai nhau câu chuyện, năm 1954, một số người dân ở đây vào miền Nam làm ăn, khi miền Nam chuẩn bị giải phóng năm 1975, họ đã mách mối cho những người ở quê đi buôn cờ. Ngày 30/4/1975, rất nhiều cờ và ảnh Bác mà nhân dân Sài Gòn dùng trong ngày hội lớn là do người Thổ Tang cung cấp. Gần đây, thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) mới động thổ, 40 hộ dân Thổ Tang đã có mặt họp chợ. Người Thổ Tang cứ thế, như con nhện miệt mài đan cài mạng lưới của mình ngày càng lan tỏa. Họ nắm và xử lý thông tin nhanh và sắc bén; từ những thông tin này, dân Thổ Tang đã bỏ túi những khoản lợi nhuận không nhỏ.
Nhờ “cửa ngõ” Thổ Tang mà hàng hóa từ phía Bắc “chảy” về phía Nam hay ngược lại. Hàng hóa ở đây lưu thông theo kiểu “dòng xoáy” chứ không “tủ kính bày hàng” như ở Hà Nội.
Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về truyền thống kinh doanh của làng, ông Nguyễn Văn Dậu – nhà gần đình làng Thổ Tang – khẳng định chắc nịch: Chẳng ở đâu trên đất nước này không có dấu chân của người Thổ Tang. Ở đây, những nhà mặt phố có cửa hàng thì kinh doanh tại nhà, những nhà phía sâu trong làng thì đi buôn xa. Hầu như nhà nào cũng có xe tải, họ buôn đủ các loại sản phẩm lên miền núi rồi lại thu mua nông sản, hàng hóa của bà con trên đó về Thổ Tang bán. Ngay cả thời kỳ bị “ngăn sông cấm chợ”, người dân Thổ Tang vẫn tìm được cách để kinh doanh, buôn bán. Khu chợ Giang hầu như không có lúc nào yên tĩnh, ngày cũng như đêm. Người ở đây có câu: “Ăn cơm với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm” để khẳng định sự tảo tần, chịu thương chịu khó của những người phụ nữ Thổ Tang nhưng cũng nói lên không khí làm ăn nhộn nhịp của làng. “Không buôn không phải là người Thổ Tang! Đi buôn đã là cái máu di truyền từ bao đời nay. Cũng nhờ nghề này mà làng tôi không còn người nghèo khó, ai cũng khá giả, có rất nhiều triệu phú, tỷ phú với số vốn hàng chục tỷ đồng” – ông Dậu nói.
Thị trấn Thổ Tang hiện có hơn 500ha diện tích đất tự nhiên, trong đó có 358ha diện tích canh tác, chia cho gần 15.000 nhân khẩu, bình quân mỗi người chỉ được hơn 10 thước. Ruộng ít, người đông, muốn phát triển, làm giàu, không còn cách nào khác phải tự tìm ra một con đường để vận động, để vươn lên. Và như một lẽ tự nhiên, từ thế kỷ 13, người Thổ Tang đã biết vật lộn, tìm đường mưu sinh khác. Như gia đình ông Dậu, nghề đi buôn đã gắn bó qua nhiều thế hệ, từ thời các cụ, ông, bà, rồi đến thế hệ ông và các con cháu.
Làng không ngủ
Theo giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Minh – một người buôn bán nhiều năm tại chợ Thổ Tang (khu phố cũ). Bà Minh chia sẻ: Người ta hay gọi Thổ Tang là “làng không ngủ” vì hoạt động buôn bán, kinh doanh tại đây diễn ra cả ngày lẫn đêm. Dường như, người dân ở đây chưa kịp ngủ thì đã phải tiếp tục căng mình đón phiên chợ ngày. Là người gắn bó với công việc đi buôn mấy chục năm qua, bà Nguyễn Thị Định (thôn Bắc Cường) chia sẻ: Khi kinh tế mở cửa, bà chuyển hẳn sang buôn chè, cứ một mình lặn lội từ Vĩnh Phúc đi khắp các vùng miền có chè trên cả nước từ Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên… để nhập hàng. Nhập hàng xong, lại về đổ buôn cho các công ty xuất khẩu. Buôn bán kinh doanh rất vất vả, nhưng bản thân bà chưa bao giờ thấy chán, dù bây giờ gia đình bà đã có của ăn của để, con cái trưởng thành.
Là nơi trung chuyển hàng hóa vào loại bậc nhất miền Bắc, Thổ Tang hình thành hệ thống kinh doanh khép kín, từ khâu thu mua đến sơ chế hàng hóa và xuất khẩu. Thông tin giá cả hàng nông, thổ sản trên thế giới và trong nước được các bà, các chị ở Thổ Tang nắm chắc đến từng giờ. Mạng lưới đại lý thu gom được cài cắm khắp các vùng miền trên cả nước. Nếu gạo tại đây chỉ cần tăng nhích lên một vài giá thì chỉ hôm trước đến hôm sau là gạo đã về đến Thổ Tang và giá ổn định trở lại.
Sự khẩn trương, hối hả nhưng cũng không kém phần nhịp nhàng là những gì người ta thấy ở Thổ Tang. Dây chuyền ấy được hình thành từ bao đời nay, có những lúc đứt quãng do cơ chế nhưng nó như một mạch ngầm chảy mãi, làm nên một làng tiểu thương ngay giữa vùng quê thuần nông vốn chẳng tiện đường, tiện chợ. Truyền thống ấy, không chỉ là đặc trưng kinh tế mà còn được coi như nét văn hóa của nơi này.
Người Thổ Tang dường như không có ngày nghỉ, nhất là vào dịp cuối năm, không khí nhộn nhịp, khẩn trương dường như tăng lên gấp bội. Những ông chủ “chân đất”, những người phụ nữ Thổ Tang chẳng khác gì các nhà kinh tế tài ba, xây dựng cho nơi này một nét văn hóa kinh doanh riêng biệt, một Thổ Tang trù phú, ấm no…