Thôi miên – Có hay không? | tcsuckhoe.com

Anh đố em: cái gì mà thấp cái gì mà cao?

Cái gì sáng tỏ như sao trên trời?

Cái gì xanh đỏ trắng vàng?

Cái gì ăn phải dạ càng tương tư?

Em trả lời: dưới đất thì thấp trên trời thì cao

Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời

Chỉ ngũ sắc xanh đỏ trắng vàng

Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư

 

Thật ra, cũng chẳng có bùa ngải nào trong yêu đương. Nhưng thôi miên thì có nhen các bạn và không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Bởi thôi miên chân chính- phương pháp thôi miên trị liệu, đã từng được sử dụng nhằm giải quyết những vấn đề tinh thần và chữa bệnh rất hiệu quả. Thôi miên còn có tác dụng điều trị giảm đau, giảm bớt căng thẳng, giảm béo và cai thuốc lá.

 

Từ Độc dược đáng sợ

Cũng nhằm mục đích đưa con người vào trạng thái thôi miên còn có thuốc Scopolamine hay còn gọi là hơi thở của quỷ hoặc Burundanga, hay thuốc tiên. Đây là một loại ma túy hay mê dược được bào chế từ cây Borarachero ở Colombia và có tác dụng gây mê, đồng thời có khả năng làm mất đi thần trí, đưa con người vào trạng thái bị thôi miên. Loại này được coi là loại thuốc đáng sợ nhất thế giới mà tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân.

Loại thuốc này có đặc điểm là không màu, không mùi và không vị, dễ bay hơi nhưng lại có khả năng tạo ra những giấc mơ kỳ lạ cho con người sau khi sử dụng. Do cấu trúc hoá học, thuốc có thể gây ra tình trạng hoang tưởng, ảo giác rất mạnh. Đặc biệt Scopolamine sẽ ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu, không để ký ức được hình thành, những sự kiện xảy ra trong thời gian thuốc ảnh hưởng tới thần kinh con người sẽ không được ghi lại cho đến khi thuốc hết tác dụng, người ta vẫn không tài nào nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra, nó có thể gây ra tình trạng mất trí nhớ. Nếu sử dụng với liều cao thì có thể gây chết người. Scopolamine còn làm nhịp tim đập nhanh hơn và gây ra tình trạng kích động, có thể biến người ta thành dạng không có nhận thức giống như các thây ma sống (Zombie) hay chết lâm sàng, vì thế cho nên người chịu ảnh hưởng của thuốc không thể nhớ chuyện gì đã xảy ra.

Theo thông tin từ Thông tấn xã Reuters tại Vương Quốc Anh, trong lịch sử ở Colombia, loại thuốc này được ban cho các vị phu nhân của những thủ lĩnh đã qua đời. Những người phụ nữ này bị chôn sống tại chính hầm mộ của chồng mình. Cũng tại nước này đã có một thời gian sử dụng Scopolamine trong một số nghi lễ của cư dân bản địa như một chất kích thích nhằm tạo hưng phấn cho con người khi tham gia lễ hội.

Trong thời kì chiến tranh Lạnh, cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng loại thuốc này vào quá trình thẩm vấn tù nhân vì thuốc có khả năng làm con người tiết lộ những điều bí mật của mình.

Loại thuốc này cũng được bọn tội phạm dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân, hình thức có thể là bí mật bỏ thuốc vào nước hoặc vẩy bột thuốc vào mặt của nạn nhân, hoặc được hòa thuốc với sữa, nước, thuốc lá hay qua đường hô hấp như thổi hoặc xịt vào mặt người đi đường, thậm chí thoa nhẹ trên da sau đó vài phút nạn nhân rơi vào trạng thái vô thức và trở nên ngoan ngoãn nghe lời và nằm trong sự sai khiến của chúng.

Tại Việt Nam mấy năm gần đây có nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng họ đã bị các du khách nước ngoài thôi miên đến mức ngoan ngoãn tự mở tủ đưa hết tài sản trong tình trạng vô thức. Có nhiều cô gái và phụ nữ bị dẫn dụ đi nhiều nơi khi tỉnh thì không biết tại sao mình lại ở nơi này, nhiều người dân đi đường đã tự đưa xe hoặc tiền bạc cho một ai đó mà sau khi tỉnh thấy mình bị mất tài sản mà không rõ mất như thế nào.

Cây hoa loa kèn dại ở Đà Lạt

Trừ các giống hoa loa kèn đang trồng thương mại trong các nhà vườn (các loại arum như arum lily, white arum…), loại hoa giống với borrachero của Colombia là “hoa loa kèn” hoang dại mọc khắp trên các đường phố của xứ sở sương mù (Đà Lạt). Về hình thức, cây borrachoro của Colombia và hoa loa kèn dại Đà Lạt rất giống nhau, nhưng có phải “hai là một” hay không thì cần thêm các nghiên cứu khoa học.

 

Đến thuốc Scopolamine trong gây mê cho phẫu thuật và sinh đẻ

Trong thế kỷ thứ XX, các bác sỹ đã biết sử dụng Scopolamine pha cùng Morphine và Chloroform để giúp các bà bầu hôn mê cho dễ dàng hơn khi sinh nở. Cũng thời điểm này trong y học chuyên ngành Gây mê Hồi sức sử dụng Scopolamine dạng tiêm trong gây mê với mục đích cho bệnh nhân sau mổ sẽ quên đi cuộc phẫu thuật để giảm bớt lo âu, sợ hãi, giảm tiết dịch, giảm co bóp dạ dày, giảm nôn mửa, chóng mặt sau mổ, để giúp họ phục hồi thể trạng nhanh hơn. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng dự phòng chóng mặt do say tàu xe, điều trị bệnh Parkinson, hội chứng ruột bị kích thích, thuốc tác dụng giãn đồng tử khi soi đáy mắt trong Nhãn khoa.

Nhưng về sau, y học đã phát hiện thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn trên thần kinh và tim mạch. Ví dụ như sau khi sinh em bé, hoặc sau phẫu thuật, mặc dù sản phụ, hay người bệnh không còn nhớ về những gì đã xảy ra sau khi sinh hoặc sau phẫu thuật nhưng họ không thể trả lời chính xác những câu hỏi thông thường. Chính vì thế, sau này Y học không còn sử dụng thuốc này trong gây mê và sinh sản nữa

TS. BS Lê Chung

Trưởng khoa Gây mê – Hồi sức

Bệnh viện Saigon – ITO

Theo Tạp chí Sức Khỏe

 

 

 

 

Rate this post

Viết một bình luận