Thông tin về con cà cuống và những món ăn độc đáo từ cà cuống

Con cà cuống thường được nhắc đến trong câu ca dao “Cà cuống chết đến đít còn cay”, đó là câu dân gian truyền miệng nói về đặc trưng và lý giải vì sao, người ta thích ăn cà cuống.

Con cà cuống là gì? Cà cuống sống ở đâu?

Cà cuống có tên khoa học là Lethocerus indicus, một loại côn trùng thuộc họ chân bơi (belostomatidae) sống dưới nước. Cà cuống có thân hình quả trám, với hai cánh cứng. Dưới lớp cánh bằng ki-tin là hai chiếc cánh lụa mềm có nhiều đường gân như xương lá khô ép lâu ngày trong quyển vở học trò. Với hai chiếc càng cong hai bên khóe miệng, cà cuống bay liệng khắp bầu trời một cách thản nhiên.

Cà cuống có thể sống trên bờ hoặc nơi hồ, ao, đầm hay các ruộng lúa nước. Chúng có thể bơi lội nhờ các đôi chân bè, kẹp chặt mồi nhờ các móng nhọn. Tuy bay không khỏe nhưng về đêm, cà cuống có thể bay từ dưới ruộng lúa lên bờ đến những nơi có ánh đèn điện vì chúng rất nhạy cảm với kích thích của ánh sáng điện. Cà cuống rất háu ăn, chúng tấn công và hút máu của nhiều động vật thủy sinh như: tôm, tép, trai, nòng nọc, nhái, cá con v.v.

Nguồn gốc tên gọi cà cuống

Trong cuốn Thương nhớ mười hai, nhà văn Vũ Bằng kể: Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ lùng, ông ta gửi dâng vua Hán một mớ và gọi là quế đố nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ, trong đám có một ông lắm chuyện lại tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống trong cây quế (quế đố), mà chỉ là một con sâu sống dưới nước” (thủy đố). Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã” (此乃佗之誑也 – Đó là lời nói láo của Đà).  Dần dần chữ Đà Cuống đọc chệch ra thành Cà Cuống. Nó còn có một tên nữa là long sắt nghĩa là “rận rồng”.

Các món ăn từ cà cuống 

Ở Á châu, cà cuống thường được dùng toàn cơ thể làm thức ăn, từ Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar qua Trung Hoa, Singapore, Indonesia[4]. Người Trung Quốc ăn cà cuống theo kiểu luộc thêm một chút muối ở Quảng Châu, hoặc xào trong dầu mè ở Bắc KinH. Ở Singapore, fwai fa shim im là một món cà cuống được ưa chuộng. Người Thái Lan gọi cà cuống là mangda. Họ trộn nhuyễn toàn cơ thể, có khi vứt bỏ mắt, cánh và những bộ phận xơ cứng, với hành, kiệu, ớt, đường, thêm vào nước chanh, nước mắm thành một thứ bột nhão gọi là nam prik mangda để ăn với cơm hay rau.

Tại miền Bắc Việt Nam, cà cuống được loại chân, cánh, đuôi phụ rồi hấp cách thủy trong một cái chõ hay nướng trên lò than để ăn. Cũng có khi người chế biến để nguyên con đem thái nhỏ rồi xào mỡ để ăn ngay hay ướp muối để tích trữ. Cà cuống cái không có bọng tinh dầu thơm nên thường người ta chỉ ăn trứng; hoặc rang, chiên lẫn cà cuống cái với cà cuống đực thành món chiên cà cuống.

Bọng tinh dầu ở gáy cà cuống đực, thoang thoảng mùi hương quế rất khó tả, là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn, nhân bánh chưng và chính nó làm cho các món ăn nói trên có hương vị nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội truyền thống.

Nếu có ít cà cuống, thường người ta thường hấp hoặc nướng chín cà cuống để tinh dầu lan tỏa toàn thân. Sau đó băm nhỏ hoặc để nguyên con và cho vào lọ nước mắm ngon, khi sử dụng thì lấy ra vài giọt để pha vào một số món ăn; pha vào nước mắm dùng cho bún chả, bánh cuốn; chế vào nước dùng của bún thang; và pha vào mắm tôm khi ăn chả cá.

Hoài niệm về con cà cuống trong ký ức người miền Tây

Ông bà ta nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” quả không sai chút nào. Ngày trước những đứa trẻ quê rất thích đi bắt cà cuống vừa được có món ngon vừa có chút tiền mọn tiêu vặt từ cà cuống đem bán. Giá cà cuống thời ấy mỗi con cái năm cắc vì chỉ có trứng không có mùi thơm, còn con đực được một đồng. Người ta mua cà cuống để ăn, ăn chơi. Nướng cà cuống trên lửa than, ngọn gió đi qua đó trở thành ngọn gió nồng thơm, kích thích dịch vị của cả những người có khứu giác tệ nhất.

Cà cuống là món ăn dân dã, nhưng cũng khá vất vả săn bắt. Ông bà thường nói: “Cà cuống chết đến đít còn cay”, đó là câu dân gian truyền miệng nói về đặc trưng và lý giải vì sao, người ta thích ăn cà cuống. Sự thật thì chất tinh dầu không cay như đã nói mà thơm the dịu, thịt ngọt ngon, giúp tráng dương bổ thận, dễ tiêu hóa.

Phan Thùy Linh 

(Biên tập và tổng hợp từ nhiều nguồn. Ảnh: Sưu tầm Google) 

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM:

 

Rate this post

Viết một bình luận