Thử nghiệm ương nuôi cá nheo trên lòng hồ thủy điện Sơn La – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Ương nuôi cá nheo

Ương nuôi cá nheo

Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá Nheo trong cùng điều kiện và các điều kiện sinh thái khác nhau. Trong cùng điều kiện sinh thái (bể composit), kết quả sau 25 ngày ương nuôi từ giai đoạn cá bột (vừa hết noãn hoàng) nhận thấy có sự sai khác có ý nghĩa thống kê (p<0,05) về khối lượng, chiều dài và tỷ lệ sống. Chiều dài, khối lượng và trung bình tỷ lệ sống đạt được sau 25 ngày nuôi tại mật độ 6.000 con/m3 là cao nhất (1,81±0,0058 cm/con, 0,0483±0,0015 g/con và 63,18±0,17%). Có sự sai khác có ý nghĩa thống kê (p<0,05) tại các mật độ khác nhau khi ương cá từ giai đoạn cá hương lên cá giống trong điều kiện bể composit. Két quả tại mật độ 40 con/m3, ương trong bể composit cho kết quả tăng trưởng là cao nhất. Không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê khi ương cá Nheo trong giai từ giai đoạn cá hương lên cá giống 45 ngày tuổi tại các mật độ 40, 50 và 60 con/m3. Kết quả ương nuôi trong bể từ giai đoạn cá hương lên cá giống 45 ngày tuổi tại môi trường bể và trong giai, kết quả cho thấy ương nuôi trong bể cho kết quả tốt hơn ương nuôi trong giai.

I. Đặt vấn đề

Trong vài năm trở lại đây, cá Nheo (Ictalurus punctatus) đã trở thành đối tượng nuôi mới khá phổ biến tại các tỉnh miền Bắc nước ta. Cá Nheo có thể nuôi được với mật độ cao trong điều kiện nước chảy, nên chúng đã được phát triển rộng khắp trên các lồng bè thuộc các dòng sông tại miền Bắc. Sơn la với lợi thế địa hình bao gồm nhiều sông suối, nhất là với diện tích mặt nước lòng hồ Sơn La rất phù hợp để phát triển đối tượng nuôi mới này. Cá Nheo (Ictalurus punctatus) là đối tượng ăn tạp thiên về động vật nhưng nếu cung cấp đầy đủ thức ăn cho trong quá trình nuôi, cá sẽ tăng trưởng tốt và không ảnh hưởng lớn đến loài khác sống trong cùng thủy vực (Wellborn, 1988).

Là một trong những tỉnh có lợi thế về diện tích mặt nước khá lớn tại miền Bắc Việt Nam, trong những qua diện tích và sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt tỉnh Sơn La không ngừng tăng lên, năm 2010 diện tích nuôi thủy sản là 2403 ha với sản lượng 5253 tấn, đến năm 2013 tăng lên 2503 ha và sản lượng 5356 tấn. Nghề nuôi thủy sản tỉnh Sơn La phát triển với nhiều hình thức đa dạng như nuôi ao, nuôi cá kết hợp trong ruộng lúa, nuôi hồ chứa nước và nuôi lồng bè. Đặc biệt sau khi hồ thủy điện Sơn La được hình thành và đưa vào sử dụng năm 2012,với diện tích mặt nước trên 13.000 ha, tiềm năng diện tích phát triển nuôi thủy sản trong tỉnh được nâng cao đáng kể. Việc tìm và phát triển nuôi đối tượng phù hợp với tiềm năng mặt nước lòng hồ thủy điện là cần thiết và cấp bách. Cá Nheo là một trong những đối tượng phù hợp không chỉ trong ao mà cả với nuôi lồng bè trên hồ chứa. Đáp ứng nhu cầu cung cấp giống tại chỗ phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống cá Nheo tại Sơn La“ được triển khai.

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Vật liệu, địa điểm và thời gian nghiên cứu

– Đối tượng: là cá Nheo bột được cho sinh sản thành công tại Sơn la thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống cá Nheo (Ictalurus punctatus) tại Sơn La“.

– Địa điểm: lòng hồ thủy điện thuộc thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Tỉnh Sơn La

– Thời gian: Tháng 4/2016 đến tháng 8/2016.

– Vật liệu:

+ Bể composit có đường kính 2m, cao 1m, mực nước ngập 0,8 m.

+ Giai mắt lưới 1mm, kích cỡ 2m x 1,5m x 0,9m

2.2. Nội dung, phương pháp nghiên cứu.

2.2.1. Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá Nheo từ giai đoạn cá bột lên giai đoạn cá hương 25 ngày tuổi

– Thử nghiệm 1: gồm 03 công thức về mật độ là: 6.000 con/m3; 7.000 con/m3 và 8.000 con/m3; được nuôi trong bể composit. Mỗi công thức được lặp lại 3 lần.

– Chăm sóc: Thức ăn là lòng đỏ trứng gà, thức ăn công nghiệp De Heus có hàm lượng 40% protein. Khẩu phần ăn là 15 – 20% khối lượng cơ thể. Vệ sinh bể liên tục và cung cấp đủ ôxy. Cho ăn 4 – 6 lần/ngày. Thí nghiệm nuôi trong 25 ngày.

2.2.2. Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá Nheo từ giai đoạn cá hương lên cá giống nhỏ tại hai điều kiện môi trường sinh thái khác nhau

– Thí nghiệm 2: gồm 03 công thức về mật độ là: 40 con/m2; 50 con/m2 và 60 con/m2. Mỗi công thức được lặp lại 3 lần.

– Thí nghiệm 3: được thử nghiệm lặp lại với 3 mật độ như thí nghiệm 2 tại điều kiện trong giai đặt trong lòng hồ.

– Chăm sóc: Sử dụng thức ăn công nghiệp De Heus có hàm lượng protein cao 40% dạng viên mảnh. Khẩu phần ăn hàng ngày 15%  khối lượng cơ thể, ngày cho ăn 2 lần vào 8 giờ sáng và 16 giờ chiều. Định kỳ xi phông thức ăn dư thừa, bổ sung và thay nước 50% hàng ngày. Thời gian thí nghiệm 45 ngày.

2.2.3 Các chỉ tiêu theo dõi

– Tăng trưởng về khối lượng

– Tăng trưởng về chiều dài

– Tỷ lệ sống

2.3. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu được xử lý trên phần mềm Microsoft Excel 2010. Sử dụng phương pháp phân tích phương sai một nhân tố để so sánh sự sai khác giữa các công thức thí nghiệm với mức tin cậy α= 0,05.

>> Xem ngay: Phần 2 | Phần 3

Đặng Thị Thúy Yên, Vũ Thị Thảo(1), Phạm Ngọc Tuyên(2), Lê Ngọc Khánh(3)

(1)Trường ĐH Tây Bắc, yen.tbac@gmail.com.

(2) Công ty TNHH De Heus

 (3) Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1

Rate this post

Viết một bình luận