1. Các loại thức ăn
Có nhiều cách phân loại và nhiều thuật ngữ khác nhau để gọi tên thức ăn. Đối với thức ăn cho loài nhai lại nói chung và cho trâu nói riêng, người ta thường phân loại dựa vào mối quan hệ giữa giá trị dinh dưỡng của thức ăn với khối lượng của nó và các loại thức ăn được xếp thành 3 nhóm chính sau đây : thức ăn thô, thức ăn tinh và thức ăn bổ sung.
a/ Thức ăn thô:
Thức ăn thô là loại thức ăn cỏ khối lượng lớn nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng trong 1 kg thức ăn nhỏ. Điều đó có nghĩa là gia súc phải tiêu thụ một số lượng lớn loại thức ăn này mới có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng. Hàm lượng chất xơ thô trong loại thức ăn này lớn hơn 18% (theo vật chất khô). Trong thức ăn thô người ta lại phân ra thành các nhóm nhỏ:
– Thức ăn xanh:
Bao gồm các loại cỏ xanh, thân lá cây còn xanh, kể cả một số loại rau xanh và vỏ của những quả nhiều nước… Đặc điểm của thức ăn thô xanh là chứa nhiều nước, dễ tiêu hoá, có tính ngon miệng và gia súc thích ăn. Thức ăn xanh có tỷ lệ cân đối giữa các chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và protein có chất lượng cao.
– Thức ăn ủ ướp:
Là loại thức ăn được tạo ra thông qua quá trình dự trữ các loại thức ăn thô xanh dưới hình thức ủ chua. Nhờ ủ chua, người ta có thể bảo quản thức ăn trong một thời gian dài, chủ động có thức ăn cho trâu, nhất là vào những thời kỳ khan hiếm cỏ tự nhiên, với việc tổn thất ít nhất các chất dinh dưỡng so với quá trình phơi khô. Ngoài ra, ủ chua còn làm tăng tỷ lệ tiêu hoá của thức ăn, do các chất khó tiêu trong thức ăn bị mềm ra hoặc chuyển sang dạng dễ tiêu.
– Cỏ khô:
Cỏ khô là loại thức ăn thô xanh đã được sấy khô hoặc phơi khô nhờ nắng mặt trời và được dự trữ dưới hình thức đánh đống hoặc đóng bánh. Đây là biện pháp bảo quản thức ăn dễ thực hiện, cho phép ta dự trữ với khối lượng lớn để dùng vào những thời điểm khan hiếm. Nhưng giá trị dinh dưỡng của cỏ khô luôn thấp hơn giá trị dinh dưỡng của cỏ ủ chua.
– Rơm rạ:
Rơm lúa sau khi thu hoạch được phơi khô dự trữ là nguồn thức ăn thô cho trâu. Rơm lúa thường được sử dụng để tăng lượng chất khô, đảm bảo độ choán dạ dầy ; tăng lượng xơ trong khẩu phần, nhất là đối với những khẩu phần thiếu xơ. Rơm lúa có giá trị dinh dưỡng và tỷ lệ tiêu hoá thấp. Hiện nay người ta thường áp dụng biện pháp ủ rơm với urê để cho nó mềm hơn, trâu bò thích ăn hơn; đồng thời để tăng hàm lượng nitơ cũng như tỷ lệ tiêu hoá và giá trị dinh dưỡng của rơm.
b/ Thức ăn tinh:
Là loại thức ăn có khối lượng nhỏ nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng trong 1 kg thức ăn lớn. Hàm lượng chất xơ thấp hơn 18%. Nhóm thức ăn này bao gồm các loại hạt ngũ cốc và bột của chúng (ngô, mì, gạo…); bột và khô dầu đậu tương, lạc…; các loại hạt cây bộ đậu và các loại thức ăn tinh hỗn hợp được sản xuất công nghiệp.
Đặc điểm của thức ăn tinh là hàm lượng nước và xơ đều thấp; chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như đạm, chất bột đường, chất béo, các chất khoáng và vitamin; tỷ lệ tiêu hoá các chất dinh dưỡng khá cao. Thông thường, người ta sử dụng thức ăn tinh để hoàn thiện các loại khẩu phần ăn cấu thành từ các thức ăn thô. Mặc dù thức ăn tinh có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao nhưng không thể chỉ dùng một mình nó để nuôi trâu bò (đặc biệt là trâu bò sữa) mà phải dùng cả các loại thức ăn thô. Bởi vì trâu bò nói chung cần phải thu nhận các loại thức ăn thô, để bảo đảm cho quá trình tiêu hoá diễn ra bình thường.
c/ Thức ăn bổ sung:
Là loại thức ăn được thêm vào khẩu phần với số lượng nhỏ để cân bằng một số chất dinh dưỡng thiếu hụt như chất đạm, khoáng và vitamin. Trong số các loại thức ăn bổ sung, quan trọng nhất là urê và hỗn hợp khoáng.
2. Tạo nguồn thức ăn nuôi trâu
Khác với các nước ôn đới, nước ta có thể cung cấp thức ăn tươi xanh quanh năm nếu trong mùa khô ta giải quyết được nhu cầu nước tưới hoặc áp dụng công thức trồng cây thức ăn hợp lý. Đối với trâu cũng như các gia súc nhai lại khác, thức ăn thô xanh giữ vai trò rất quan trọng. Chúng chẳng những cung cấp cho cơ thể gia súc nhai lại những chất dinh dưỡng cần thiết mà còn bảo đảm cho bộ máy tiêu hoá (dạ cỏ) hoạt động bình thường. Để bảo đảm cung cấp thức ăn thô xanh đều đặn, ngoài việc sử dụng hợp lý bãi chăn tự nhiên, cần bố trí diện tích thích đáng để trồng các giống cỏ và các loại cây thức ăn có năng suất cao.
Sau đây là một số loại cây thức ăn có khả năng thích ứng cao, cho năng suất cao và biện pháp kỹ thuật trồng chúng.
a/ Cỏ voi
Cỏ voi thuộc họ hoà thảo, thân đứng, có nhiều đốt, rậm lá, sinh trưởng nhanh. Có nhiều dòng cỏ voi như: Merkeron, Seleccion 1 và King grass. Trong đó King grass là dòng được trồng phổ biến ở nước ta và cho năng suất cao.
Cỏ voi ưa đất mầu và thoáng, không chịu được ngập và úng nước. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp (2-3°C) vẫn không bị cháy lá. Có khả năng trồng cỏ voi theo quy mô lớn và với mức độ cơ giới hoá cao. Cỏ voi được trồng để thu cắt làm thức ăn bổ sung tại chuồng hoặc ủ ướp dự trữ.
Thời gian trồng từ tháng 2 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11. Nếu mùa khô chủ động được nước tưới thì có thể thu hoạch quanh năm. Chu kỳ kinh tế là 3-4 năm (tức là trồng một lần thu hoạch được 3-4 năm).
– Yêu cầu đất trồng và chuẩn bị đất:
Yêu cầu đất trồng cỏ voi có tầng canh tác trên 30 cm, nhiều mầu, tươi xốp, thoát nước, có độ ẩm trung bình đến hơi khô, pH của đất = 5-7. Cần cầy sau, bừa kỹ hai lượt và làm sạch cỏ dại, đồng thời san phẳng đất. Rạch hàng sâu 15-20 cm theo hướng đông-tây, hàng cách hàng 60 cm. Cũng có thể trồng theo khóm với mật độ bụi nọ cách bụi kia 40 cm và hàng cách hàng 60 cm.
– Phân bón:
Lượng phân bón khác nhau, tuỳ theo chân ruộng tốt hay xấu. Trung bình cho 1 ha cần bón:
15 – 20 tấn phân chuồng hoai mục – bón lót toàn bộ theo hàng trồng cỏ.
300 – 400 kg đạm – bón thúc và sau mỗi lần cắt.
250 – 300 kg super lân – bón lót toàn bộ theo hàng trồng cỏ.
150 – 200 kg sulphát kali – bón lót toàn bộ theo hàng trồng cỏ.
Nếu đất chua (pH < 5) thì phải bón thêm vôi.
– Cách trồng và chăm sóc:
Trồng bằng thân cây (hom), chọn cây mập và hom bánh tẻ (ở độ tuổi 80-100 ngày). Chặt vát hom với độ dài 25-30 cm/hom và có 3-5 mắt mầm. Mỗi ha cần 8-10 tấn hom.
Đặt hom trong lòng rãnh, chếch 45o , cách nhau 30-40 cm và lấp đất sao cho hom nhô trên mặt đất khoảng 10 cm.
Sau khi trồng 10-15 ngày mầm bắt đầu mọc. Nếu có hom chết, cần trồng dặm, đồng thời làm cỏ và xới xáo nhẹ làm cho đất tơi, thoáng. Lúc được 30 ngày tiến hành bón thúc bằng 100 kg urê/ha. Sau khi trồng 50-60 ngày thu hoạch đợt đầu (không thu hoạch non đợt đầu). Cứ sau mỗi lần thu hoạch và cỏ ra lá mới lại tiến hành bón thúc. Khoảng cách những lần thu hoạch tiếp theo là 45 ngày, cắt gốc ở độ cao 5 cm trên mặt đất và cắt sạch, không để lại mầm cây, để cho cỏ mọc lại đều.
– Năng suất chất xanh:
Tuỳ theo trình độ thâm canh, năng suất chất xanh trên một ha có thể biến động từ 100 tấn đến 200 tấn/năm. Ngoài ra tuổi cắt của mỗi lứa cũng ảnh hưởng đến năng suất của cỏ.
Năng suất chất xanh cao nhất khi cắt ở khoảng cách 8-10 tuần.
b/ Cỏ Stylo
Đây là loại cây bộ đậu, lưu niên. Thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới. Cũng như các loại cây bộ đậu khác, cỏ Stylo là nguồn thức ăn tươi xanh giầu protein, là nguồn đạm lá quan trọng để bổ sung và nâng cao chất lượng khẩu phần thức ăn cho trâu bò. Ngoài ra, có thể dùng phối hợp cỏ Stylo với một số cây hoà thảo như cỏ voi, cỏ Xuđăng, cây ngô… làm nguyên liệu ủ ướp, nhằm nâng giá trị dinh dưỡng của thức ăn ủ xanh hoặc có thể phơi khô thân, lá cỏ Stylo, nghiền thành bột cỏ và sử dụng như nguồn bổ sung protein có giá trị, thay thế một phần thức ăn tinh.
So với các loại cây bộ đậu khác nhập vào nước ta từ trước tới nay để làm thức ăn gia súc như cỏ Medicago sativa, cỏ ba lá (Trifolium alexandinum) – được trồng rất phổ biến ở các nước ôn đới và á nhiệt đới thì cỏ Stylo hơn hẳn về khả năng thích ứng rộng và dễ nhân giống, cỏ Stylo có thể vừa trồng bằng hạt vừa trồng bằng cành giâm, cỏ Stylo phát triển tốt khi nhiệt độ không khí khoảng 20-35°C. Nhưng khi nhiệt độ dưới 5°c và trên 40°c cây phát triển kém. Cỏ Stylo phù hợp với chân ruộng cao và là loại cây chịu được khô hạn, không chịu được đất bị úng ngập. Độ ẩm không khí thích hợp là 70-80%.
Cỏ Stylo rất ít sâu bệnh và có thể phát triển trên nhiều loại đất, ngay cả ở vùng đất đồi cao. Chính vì vậy, ngoài tác dụng làm nguồn thức ăn cho gia súc chất lượng cao nó còn được trồng để cải tạo đất và che phủ đất, chống xói mòn.
Thời gian gieo trồng từ tháng 2 đến tháng 4 (nếu gieo bằng hạt) và vào tháng 8-9 (nếu giâm cành). Thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12. Chu kỳ kinh tế 4-5 năm.
– Yêu cầu về đất và cách chuẩn bị đất:
Yêu cầu loại đất nhẹ với độ ẩm từ trung bình đến hơi khô. Làm đất kỹ như trồng cỏ voi (cầy, bừa hai lần), cầy sâu 15-20 cm, bảo đảm đất tơi nhỏ, hạt đất có đường kính dưới lcm chiếm 70- 80%, hạt đất có đường kính 2-5 cm chỉ chiếm 20-30%. Làm sạch cỏ dại.
– Phân bón:
Mỗi ha bón:
10-15 tấn phân chuồng hoai mục – bón lót toàn bộ theo hàng rạch.
300-350 kg super lân – bón lót toàn bộ theo hàng rạch.
100-150 kg clorua kali – bón lót toàn bộ theo hàng rạch.
50 kg urê – bón thúc khi cây đạt độ cao 5-10 cm.
Nếu đất chua thì bón thêm vôi (0,5-1 tấn/ha) bằng cách rải đều khi cầy bừa.
– Cách trồng và chăm sóc:
Có thể trồng cỏ theo hai cách:
+ Trồng bằng cành dâm: cắt cành dài 30-40 cm, có 4-5 mắt, vùi xuống đất sâu 20 cm. Trồng hàng cách hàng 50-60 cm, cây cách cây 3-5 cm.
+ Gieo bằng hạt: sử dụng 4-5 kg hạt giống cho một ha. Gieo hạt theo hàng rạch sau khi đã bón phân. Để cho cây chóng mọc, có thể ủ hạt trong nước nóng 60-70°C, khi hạt nứt nanh thì đem gieo.
Cũng có thể gieo hạt trong vườn ươm và khi cây mọc cao 20-25 cm thì nhổ ra trồng theo rạch với khoảng cách cây cách cây 15-20 cm.
Trong trường hợp gieo hạt hoặc giâm cành, khi cây mọc cao khoảng 5-10 cm thì tiến hành xới xáo cho đất tơi xốp và làm sạch cỏ dại, đồng thời bón thúc bằng urê.
Thu hoạch cỏ Stylo lứa đầu khoảng 3 tháng sau khi trồng, tức là lúc cỏ cao khoảng 60 cm và thảm cỏ che phủ kín đất. Khi thu hoạch cắt cách mặt đất 15-20 cm. Thu hoạch các lứa tiếp theo cứ sau 2-2,5 tháng, lúc cây cao 35-40 cm.
– Năng suất chất xanh:
Chỉ bằng 1/5 năng suất cỏ voi. Năng suất trên một ha là 40- 50 tấn/năm.
c/ Cỏ Ghinê
Cỏ Ghinê còn gọi là cỏ sả, là loại cây hoà thảo, mọc thành bụi như bụi sả. Cỏ ăn rất ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, không bị giảm chất lượng nhanh như cỏ voi.
Có hai loại cỏ Ghinê: loại lá lớn và loại lá nhỏ. Loại lá lớn cho năng suất cao, nên trồng để cho trâu bò ăn tươi hoặc ủ chua dự trữ với cỏ voi. Loại lá nhỏ cho năng suất thấp hom, nhưng có khả năng chịu giẫm đạp, chịu hạn tốt, rất thích hợp cho việc trồng để tạo nên bãi chăn thả và chống xói mòn cho đất.
Nhìn chung, cỏ Ghinê có nhiều đặc tính quý: sinh trưởng mạnh, năng suất cao, khả năng chịu hạn, chịu nóng và chịu bóng cây tốt, dễ trồng. Thời gian trồng từ tháng 2 đến tháng 4, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11. Chu kỳ kinh tế: sau 4-5 năm mới phải trồng lại.
– Yêu cầu đất trồng:
Loại cỏ này phù hợp với chân ruộng cao, loại đất cát pha, không bị ngập nước hoặc ẩm nhiều. Yêu cầu cầy bừa kỹ (cầy sâu 15-20 cm), làm đất tơi nhỏ, đặc biệt là trong trường hợp trồng bằng hạt.
– Phân bón:
Cho mỗi ha cần :
10-15 tấn phân chuồng hoai mục – bón lót toàn bộ theo hàng rạch.
200-250 kg super lân – bón lót toàn bộ theo hàng rạch.
150-200 kg sulphát kali – bón lót toàn bộ theo hàng rạch.
200-300 kg sulphát đạm – chia đều để bón thúc sau mỗi lần thu hoạch.
– Cách trồng và chăm sóc:
Có thể trồng bằng hạt hoặc dùng khóm thân rễ, trồng theo bụi. Sau khi làm đất kỹ, rạch hàng cách nhau 40-50 cm, sâu 15 cm (nếu trồng bằng khóm theo bụi) hoặc sâu 10 cm (nếu gieo bằng hạt). Lượng hạt cần cho mỗi ha là 5-6 kg.
Lượng khóm cần là 5-6 tấn/ha. Cách chuẩn bị khóm giống như sau: cắt bỏ phần ngọn các khóm cỏ sả giống trên ruộng và để lại chiều cao khóm khoảng 25-30 cm. Dùng cuốc đánh gốc cỏ lên, rũ sạch đất, cắt bớt phần rễ già. Sau đó tách thành những khóm nhỏ, mỗi khóm 3-4 nhánh đem trồng.
Sau khi rạch hàng và bón phân như nêu trên, tiến hành trồng bằng cách đặt các khóm vào rãnh, ngả cùng một phía và vuông góc với thành rãnh, cách nhau 35-40 cm, lấp đất sâu khoảng 10-15 cm và giậm chặt đất.
Nếu trồng bằng hạt thì lấp đất dầy 5 cm.
Sau khi trồng 15-20 ngày kiểm tra khả năng ra mầm chồi và nếu cần thiết thì trồng dặm lại. Đồng thời lúc này xới xáo qua, làm cỏ dại và bón thúc bằng urê. Được 60 ngày sau khi trồng thì thu hoạch lứa đầu, cắt phần trên, cách mặt đất 10 cm. Các lứa thu hoạch sau cách nhau 40-45 ngày.
– Năng suất chất xanh:
Với loại cỏ lá lớn và trồng thâm canh có thể cho năng suất tương đương cỏ voi: mỗi năm thu hoạch 8-10 lứa và trên một hécta có thể đạt 100-200 tấn.
d/ Cỏ lông Para
Là loại cây thuộc họ hoà thảo, thân bò, mặt trên và dưới lá có nhiều lông tơ mịn. Ở Ấn Độ người ta còn gọi cỏ lôngPara là cỏ nước hay cỏ trâu vì nó ưa nước và sinh trưởng nhanh trong điều kiện đầm lầy:
Cỏ lông Para thích hợp với những vùng mưa nhiều, đất trũng. Tại những nơi này, cỏ mọc rất khoẻ và nhanh chóng lấn át cỏ dại. Chỉ cần trồng một lần sau đó nó tự phát triển dễ dàng. Thân và lá cỏ lông Para mềm nên trâu bò rất thích ăn. Tuy nhiên, khi cỏ già và vấy bùn, phân thì tính ngon miệng giảm rõ rệt. Hơn nữa, cỏ lông Para không chịu được giẫm đạp, do vậy chỉ nên trồng để thu cắt và cho ăn tại chuồng.
Thời gian trồng loại cỏ này là từ tháng 3 đến tháng 9 và thời gian thu hoạch là từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm.Chu kỳ kinh tế 4-5 năm.
– Yêu cầu đất và kỹ thuật làm đất:
Cỏ ưa loại đất có độ ẩm cao hoặc bùn lầy, nhiều mầu, không chua mặn. Phải cầy bừa đất nhuyễn như cấy lúa. Trên đất cạn phải làm đất tơi nhỏ.
– Bón phân:
Mỗi ha cần bón:
15 tấn phân chuồng, bón lót toàn bộ vào lúc trồng cỏ.
100-150 kg sulphát đạm, bón thúc sau mỗi lần thu hoạch.
– Cách trồng:
Sau khi làm đất kỹ, rạch hàng cách nhau 40-50 cm và tiến hành đặt hom kép, xuôi theo rạch hàng. Trồng bằng hom giống dài 20 cm.
– Năng suất chất xanh:
Đạt 90-100 tấn/ha.
Nguồn: TTKN – KNQG