Aciclovir, còn được gọi là acyclovir, là một loại thuốc kháng virus. Thuốc chủ yếu để điều trị bệnh zona cấp tính, bệnh herpes simplex và bệnh thủy đậu. Các ứng dụng khác bao gồm ngăn ngừa nhiễm trùng cytomegalovirus sau khi cấy ghép và các biến chứng nghiêm trọng của nhiễm virus Epstein-Barr. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để bạn hiểu hơn về công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng thuốc Aciclovir.
1. Thuốc Acyclovir là gì ?
Acyclovir thuộc nhóm thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị các bệnh do nhiễm virus. Thuốc này không chữa khỏi nhiễm trùng herpes mà chỉ giảm khả năng sinh sôi của virus herpes trong cơ thể bạn, giúp điều trị các triệu chứng nhiễm trùng. Việc sử dụng thuốc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của những đợt bùng phát, giúp cho các vết loét mới không phát triển thêm, giảm đau, ngứa.
1.1. Chỉ định sử dụng của Acyclovir
Sử dụng thuốc Acyclovir cho điều trị một số vấn đề bệnh sau:
- Nhiễm virus Herpes simplex tuýp 1 và Herpes simplex tuýp 2 ở da và niêm mạc, viêm não Herpes simplex.
- Nhiễm virus Herpes zoster ở người lớn.
- Herpes sinh dục.
- Thủy đậu xuất huyết, thủy đậu ở người suy giảm miễn dịch, thủy đậu ở trẻ sơ sinh.
1.2. Các dạng thuốc Acyclovir
- Viên nén hàm lượng 200mg, 400mg, 800mg.
- Hỗn dịch uống; 200mg/5ml (473ml).
- Thuốc bôi ngoài da: Dạng mỡ Tuýp 3g, 15g.
- Dạng kem tuýp 2g, 10g.
- Acyclovir dạng thuốc mỡ tra mắt. 4,5g .
Ngoài ra, Acyclovir còn có sẵn dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch, nhưng chỉ được sử dụng bởi các bác sĩ tại các cơ sở y tế.
- Dung dịch thuốc tiêm: 50mg/ml (10ml, 20ml).
2. Liều dùng Acyclovir
Thông tin liều lượng dành cho viên uống Acyclovir phụ thuộc vào:
- Tuổi.
- Tình trạng bệnh.
- Các bệnh khác kèm theo.
- Phản ứng với liều đầu tiên.
2.1. Cách sử dụng
- Với dạng thuốc viên, uống trực tiếp với nhiều nước. Với dạng thuốc hỗn dịch nước nên nhớ lắc đều trước khi uống và sử dụng dụng cụ đo theo cung cấp của nhà sản xuất để đo được lượng thuốc chính xác nhất. Với các loại kem bôi bôi một lượng mỏng trực tiếp lên vị trí tổn thương. Dạng tiêm theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc này hoạt động tốt nhất khi bắt đầu có dấu hiệu đầu tiên của đợt bùng phát, theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thuốc hoạt động tốt nhất khi lượng thuốc trong cơ thể bạn được giữ ở mức không đổi. Vì vậy, uống thuốc này vào các giờ cố định trong ngày trong khoảng thời gian điều trị. Không tùy ý thay đổi liều của thuốc hoặc ngừng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
2.2. Liều dùng
2.2.1. Dạng viên (điều trị bệnh zona, mụn rộp sinh dục hoặc bệnh thủy đậu):
Liều lượng cho người lớn (18 – 64 tuổi):
- Liều lượng điểm hình cho bệnh zona: 800 mg mỗi 4 giờ không phải uống thuốc vào ban đêm, 5 lần mỗi ngày trong 7–10 ngày. Đối với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch nghiêm trọng (như sau ghép tủy) hay giảm hấp thu ở ruột, nên xem xét phương pháp dùng tiêm tĩnh mạch. Nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi nhiễm bệnh, điều trị có kết quả tốt nếu bắt đầu ngay khi khởi phát nổi ban.
- Liều lượng cho mụn rộp sinh dục:
+ Liều ban đầu điển hình: 200mg mỗi 4 giờ x 5 lần mỗi ngày, trong 10 ngày.
+ Liều lượng điển hình để ngăn ngừa mụn rộp tái phát: 400mg x 2lần / ngày, trong tối đa 12 tháng. Các chỉ định dùng thuốc khác có thể bao gồm các liều từ 200 mg x 3 lần mỗi ngày đến 200 mg x 5 lần mỗi ngày. Bác sĩ sẽ quyết định bạn nên dùng thuốc này trong bao lâu để tránh bùng phát nhiễm trùng.
+ Liều lượng điển hình để tái nhiễm (bùng phát nhiễm trùng): 200mg mỗi 4 giờ, 5 lần mỗi ngày, trong 5 ngày. Bạn nên dùng thuốc này ngay khi các dấu hiệu đầu tiên của đợt bùng phát xuất hiện.
- Liều thông thường của bệnh thủy đậu: Uống 800mg x 4 lần mỗi ngày trong 5 ngày. Chưa có nghiên cứu lâm sàng chứng minh thuốc có hiệu quả không nếu bạn bắt đầu dùng thuốc muộn hơn 24 giờ sau khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh thủy đậu.
Liều dùng cho trẻ em ( từ 2 – 17 tuổi):
Liều lượng điển hình của bệnh thủy đậu:
+ Trẻ em nặng từ 40 kg trở xuống: 20 mg / kg trọng lượng cơ thể x 4 lần mỗi ngày trong 5 ngày.
+ Trẻ em nặng hơn 40 kg: 800 mg x 4 lần / ngày trong 5 ngày.
Chưa có nghiên cứu lâm sàng chứng minh thuốc có hiệu quả không nếu con bạn bắt đầu dùng thuốc muộn hơn 24 giờ sau khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh thủy đậu.
Liều dùng cho trẻ em ( từ 0 – 1 tuổi):
Chưa xác nhận rằng acyclovir là an toàn và hiệu quả cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên):
Thận của người lớn tuổi có thể không hoạt động tốt như trước đây, độ thanh thải toàn phần acyclovir của cơ thể sụt giảm song song với thanh thải creatinin. Điều này có thể khiến cơ thể họ xử lý thuốc chậm hơn. Kết quả là, nhiều loại thuốc sẽ lưu lại trong cơ thể họ lâu hơn làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ. Nên duy trì bổ sung nước cho bệnh nhân dùng acyclovir liều cao.
Bác sĩ có thể bắt đầu điều trị với liều lượng thấp hơn hoặc một lịch dùng thuốc khác
Lưu ý: giảm liều ở bệnh nhân suy thận mạn tính
Trong việc kiểm soát nhiễm herpes simplex ở bệnh nhân suy thận, liều khuyến cáo đường uống không đưa đến sự tích tụ acyclovir trên mức được xác định an toàn khi tiêm tĩnh mạch.
Tuy nhiên, ở những người suy thận trầm trọng (độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút) nên điều chỉnh liều thành 200mg x 2 lần /ngày cách nhau 12 giờ.
Trong việc điều trị bệnh Zona (herpes zoster) nên dùng 800mg x 2 lần/ngày cách nhau 12 giờ với bệnh nhân suy thận trầm trọng (độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút) và 800mg x 3 lần /ngày cách nhau 8 giờ cho bệnh nhân suy thận trung bình (độ thanh thải creatinin trong khoảng 10 – 25ml/phút).
2.2.2. Dạng kem:
Liều dùng cho cả người lớn và trẻ em, nên bôi 5 lần/ngày cách nhau khoảng 4 giờ, liên tục trong 5 ngày, nếu không đỡ có thể kéo dài điều trị lên 10 ngày, không dùng vào ban đêm. Kem Acyclovir nên bôi vào vết tổn thương hay nơi sắp xảy ra vết tổn thương càng sớm càng tốt sau khi bị nhiễm.
Việc điều trị các giai đoạn tái phát đặc biệt nghiêm trọng cần bắt đầu ngay trong giai đoạn tiền triệu hay ngay khi vết tổn thương bắt đầu xuất hiện.
2.2.3. Thuốc tra mỡ mắt Acyclovir
Liều dùng cho cả người lớn và trẻ em, tra vào túi cùng kết mạc một lượng thuốc bóp ra khoảng 10 mm x 5 lần/ngày cách nhau 4 giờ. Tiếp tục điều trị ít nhất 3 ngày sau khi lành.
3. Tác dụng phụ của thuốc Acyclovir
3.1. Tác dụng phụ phổ biến
- Buồn nôn hay nôn thật sự.
- Tiêu chảy.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi.
3.2. Tác dụng phụ nghiêm trọng
Những thay đổi về hành vi hoặc bất thường trong tâm trạng của bạn như :
- Hành vi hung hăng hoặc cực kỳ mệt mỏi.
- Nhịp tim chậm, nhanh hoặc không đều.
- Run rẩy.
- Lú lẫn.
- Méo tiếng.
- Ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy điều không có thật).
- Co giật.
- Hôn mê.
- Giảm tế bào hồng cầu và tiểu cầu, biểu hiện triệu chứng mệt mỏi
- Đau cơ.
Phản ứng trên da, triệu chứng bao gồm :
- Rụng tóc.
- Dễ bầm tím, chảy máu.
- Phát ban.
- Kết cấu da lỏng lẻo.
- Hội chứng Stevens-Johnson (viêm da dị ứng cấp tính) rất hiếm gặp.
- Thay đổi trong tầm nhìn của bạn.
Các triệu chứng của suy thận bao gồm :
- Đau thận hoặc hạ sườn.
- Có máu trong nước tiểu của bạn.
Biểu hiện dị ứng:
- Khó thở.
- Sưng cổ họng hoặc lưỡi của bạn.
- Phát ban.
Thuốc ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau. Gọi ngay cho bác sĩ điều trị của bạn hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu bạn có những triệu chứng ở trên.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Acyclovir
4.1. Cảnh báo với một số nhóm đối tượng
- Đối với người có vấn đề về thận: Nếu bạn có vấn đề về thận hoặc tiền sử bệnh thận, thuốc này cũng có thể làm giảm chức năng thận của bạn, thông báo với bác sĩ để họ điều chỉnh liều lượng cho bạn tùy thuộc vào mức độ hoạt động của thận.
- Đối với phụ nữ có thai: Acyclovir là một loại thuốc dành cho thai kỳ thuộc nhóm B có nghĩa là: Các nghiên cứu về thuốc trên động vật mang thai không cho thấy nguy cơ đối với thai nhi. Nhưng không có đủ nghiên cứu được thực hiện ở phụ nữ mang thai để chỉ ra liệu thuốc có gây nguy hiểm cho thai nhi hay không.
Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Acyclovir có thể đi vào sữa mẹ và có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ đang bú mẹ.Trao đổi với bác sĩ về việc bạn có đang cho con bú hay không.
- Đối với trẻ em: Thuốc này chưa được nghiên cứu ở trẻ em dưới 2 tuổi.
- Đối với người cao tuổi: Độ lọc của thận ở những người cao tuổi thường kém hơn. Bác sĩ sẽ cân nhắc liều phù hợp cho nhóm đối tượng này.
4.2. Tuân thủ nguyên tắc
- Nếu bạn ngừng dùng thuốc đột ngột hoặc không dùng thuốc: Các triệu chứng nhiễm trùng của bạn có thể không thuyên giảm hoặc có thể trở nên tồi tệ hơn.
- Nếu bạn bỏ lỡ liều hoặc không dùng thuốc đúng lịch trình: Thuốc của bạn có thể không hoạt động tốt hoặc có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Nếu bạn đang dùng thuốc này để ngăn chặn sự bùng phát của nhiễm trùng, thì bạn cần phải luôn có một lượng nhất định trong cơ thể. Bạn không nên ngừng dùng thuốc này mà không nói chuyện với bác sĩ của bạn trước.
- Phải làm gì nếu bạn bỏ lỡ một liều: Dùng ngay khi bạn nhớ ra. Nhưng nếu bạn nhớ ra chỉ vài giờ trước liều dự kiến tiếp theo, hãy chỉ dùng một liều. Đừng bao giờ uống hai liều cùng một lúc. Điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm.
- Nếu bạn dùng quá nhiều: Bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Hãy đến ngay bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất.
4.3. Tương tác thuốc
Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc này bao gồm: các loại thuốc khác có thể gây ra các vấn đề về thận (bao gồm thuốc chống viêm không steroid- NSAID như ibuprofen, naproxen ).
Acyclovir rất giống với valacyclovir . Không sử dụng thuốc có chứa valacyclovir trong khi sử dụng acyclovir.
4.4. Bảo quản
- Bảo quản thuốc này ở nhiệt độ phòng. Giữ nhiệt độ trong khoảng 15 °C và 25 °C.
- Tránh xa ánh sáng mặt trời. Không bảo quản thuốc này ở những nơi ẩm ướt hoặc ẩm ướt, chẳng hạn như phòng tắm.
- Thuốc dạng hỗn dịch hoặc dạng kem đã sử dụng hết đợt điều trị phải bỏ đi không dùng lại vào đợt sau (nếu bị tái phát).
4.5. Nhạy cảm với ánh nắng
Acyclovir có thể khiến da bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Điều này làm tăng nguy cơ bị cháy nắng. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời tối đa nhất bạn có thể. Nếu bạn không thể, hãy nhớ mặc quần áo bảo vệ và thoa kem chống nắng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com