Bài viết bởi Dược sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh – Khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thuốc Tiffy được dùng để làm giảm các triệu chứng cảm thông thường nghẹt mũi, hạ sốt, giảm đau và viêm mũi dị ứng. Dưới đây là những thông tin cần biết khi dùng thuốc Tiffy
1. Dạng bào chế và quy cách trình bày
Thuốc Tiffy hiện nay được bào chế ở 2 dạng:
- Dạng viên nén trình bày theo vỉ 4 viên Tiffy dey: Paracetamol 500 mg, phenylephrine HCl 10 mg, chlorpheniramine maleate 2 mg
- Dạng dung dịch sirô (syrup) đựng trong chai thể tích 30ml, 60ml. Mỗi 5 mL sirô: Paracetamol 120 mg, phenylephrine HCl 5 mg, chlorpheniramine maleate 1 mg.
2. Thành phần
Thành phần chính của thuốc Tiffy bao gồm:
- Paracetamol: có tác dụng giảm đau và hạ sốt không chứa steroid.
- Chlorpheniramine: Đây là một loại thuốc kháng thụ thể histamin H1 điều trị các tình trạng dị ứng
- Phenylpropanolamine: giúp thu hẹp các mạch máu, làm cho thông mũi, điều trị các bệnh về viêm mũi, nghẹt mũi.
3. Chỉ định
Thuốc Tiffy được dùng để làm giảm các triệu chứng cảm thông thường nghẹt mũi, hạ sốt, giảm đau và viêm mũi dị ứng.
4. Chống chỉ định
Thuốc Tiffy không phù hợp dùng cho các trường hợp sau:
- Bệnh nhân quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân bị suy gan, suy thận nặng.
- Người bị cường giáp, tăng huyết áp.
- Người bệnh mạch vành.
- Người đang sử dụng các thuốc chống trầm cảm 3 vòng IMAO.
5. Liều dùng
Đối với thuốc Tiffy ở dạng sirô
- Người lớn: 10ml/lần uống;
- Trẻ nhỏ 1 tháng – 3 tuổi: 2,5ml – 5ml/lần uống;
- Trẻ từ 3 – 6 tuổi: 5ml/lần uống;
- Trẻ từ 6 – 12 tuổi: 5 – 10ml/lần uống.
Lưu ý, mỗi lần dùng thuốc cách nhau từ 4 đến 6 giờ đồng hồ.
Đối với thuốc Tiffy ở dạng viên nén
Liều dùng ở người lớn:
- Số lượng: 1 – 2 viên/lần uống;
- Số lần: 2 – 3 lần/ngày.
Liều dùng ở trẻ nhỏ:
- Số lượng: 1⁄2 viên/lần uống;
- Số lần: 2 – 3 lần/ngày.
Nếu nghi ngờ dùng thuốc quá liều và nhận thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng khác lạ nào, bạn nên đến gặp bác sĩ để thông báo càng sớm càng tốt. Khi dùng thuốc một thời gian và không thấy dấu hiệu thuyên giảm, bạn cũng nên ngưng dùng và đến gặp bác sĩ để tái khám.
6. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Tiffy
6.1 Thận trọng
Không nên dùng thuốc cho các đối tượng sau: Phụ nữ có thai và cho con bú; Người bệnh tim, tiểu đường, glaucoma, phì đại tuyến tiền liệt, hen phế quản. Lái xe hay điều khiển máy móc.
6.2. Tác dụng phụ
Thuốc điều trị cảm cúm Tiffy có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Buồn ngủ.
- Chóng mặt.
- Khô miệng, khô họng.
- Phát ban
- Bí tiểu.
Tác dụng phụ của thuốc còn tùy vào cơ địa và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện. Do đó, bạn nên thông báo với bác sĩ khi thấy xuất hiện các triệu chứng khó chịu để được khắc phục kịp thời.
6.3. Tương tác thuốc
Thuốc Tiffy tương tác với một số loại thuốc sau gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người dùng
- Rượu, các thức uống chứa cồn;
- Các loại thuốc chống đông máu;
- Các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng IMAO;
- Các thuốc hạ sốt khác
Người dùng không nên sử dụng thuốc Tiffy với các loại thuốc kể trên. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu người dùng đang phải điều trị một bệnh khác bằng các loại thuốc kể trên.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tài liệu tham khảo: MIMS, Thai Nakorn Patana Co. Ltd