Thứ Hai 14/01/2019 , 13:45 (GMT+7)
Nông dân xứ Thanh vô tư sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất Paraquat mà không biết đang đổ tiền để phá hủy những cánh đồng.
Trong khi cả nước đang sản xuất nông sản an toàn hướng tới mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu thì việc sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ tạo ra những rào cản…
Thuốc “cỏ cháy” bán tràn lan
Trong vai một người đi nhập hàng “cỏ già”, chúng tôi đến cửa hàng vật tư nông nghiệp Quảng Nguyên (của ông Quảng, bà Nguyên) tại xóm 2, xã Đồng Lợi (huyện Đông Sơn).
Thuốc trừ cỏ có hoạt chất Paraquat được bán tràn lan trên thị trường
Cửa hàng này không có biển hiệu, nằm cạnh lối nhỏ chỉ cách đường tỉnh 417 chừng vài trăm mét. Khi được khách lạ hỏi, có thuốc “cỏ già” bán không, người phụ nữ bước ra lưỡng lự trả lời “không có”. Nhưng khi chúng tôi hỏi lại, ở đây có bán thuốc “cỏ già” không để chúng tôi nhập hàng với giá ưu đãi thì người phụ nữ này lấy trong quầy ra 1 lọ thuốc “cỏ cháy”.
Theo thông tin ghi trên nhãn mác thì đây là thuốc trừ cỏ có hoạt chất Paraquat ion 200g/lít, là thuốc trừ cỏ không chọn lọc hậu nảy mầm, do Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Đức phân phối, được đăng ký trừ cỏ dại trên ruộng cà phê.
Bà Nguyên đồng thời đưa ra 2 gói thuốc trừ cỏ AlyAlyaic200WG do Công ty CP Môi trường Quốc tế RainBow phân phối. Đây là thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm, có tác động nội hấp, chọn lọc và lưu dẫn, dùng để trừ cỏ lá rộng và cói lác trên ruộng lúa, thời điểm phun 20-30 ngày sau cấy hoặc sạ. Giá của chừng này sản phẩm là 20 nghìn đồng và chủ cửa hàng khuyến cáo pha 2 loại thuốc này với 12-18 lít nước phun cho 1 sào (500 m2) cỏ.
Bà Nguyên cũng cho biết, đây là loại thuốc người dân trong vùng hay mua sử dụng từ nhiều năm nay. Bình quân, mỗi vụ bà Nguyên bán được khoảng 50 lọ và 100 gói thuốc như thế. Có nghĩa là, riêng bà Nguyên đã bán để đủ phun cho diện tích 2,5 ha. Theo tìm hiểu của PV, quanh khu vực này còn có nhiều điểm bán thuốc BVTV và lượng hàng bán ra cũng rất lớn.
Bà Nguyên còn cho biết thêm, hình như loại này độc và đã cấm nhưng người dân chỉ sử dụng để diệt cỏ bờ vùng bờ thửa thôi. Bà nhập loại thuốc trừ cỏ này từ cửa hàng vật tư nông nghiệp Tân Toán tại xóm 3, xã Khuyến Nông (Đông Sơn) cách đó 3-4 km.
Chúng tôi đến xóm 3, xã Khuyến Nông, vào một cửa hàng không có biển hiệu được xác định chính là cửa hàng Tân Toán. Khi biết nhu cầu của khách, người đàn ông trẻ tên Dũng bán cho chúng tôi 1 lọ thuốc trừ cỏ Nimaxon 20 SL có chứa hoạt chất Paraquatdichloride 276g/l, thể tích 90 ml do Công ty Cổ phần Nicotex phân phối.
Đây là thuốc trừ cỏ tiếp xúc, không chọn lọc được đăng ký để trừ cỏ trên đất không trồng trọt. Một lọ thuốc trừ cỏ Clyphosam 480 SL có hoạt chất glyphosate 480g/lít và chất phụ gia vừa đủ do Công ty CP BVTV Toàn Phát phân phối. Clyphosam 480 SL có tác động nội hấp không chọn lọc, phun sau khi cỏ nảy mầm trên đất khai hoang, diệt nhiều loại cỏ hàng năm, cỏ lâu năm cho cây ăn quả hoặc dùng để trên lề đường, bờ mương, bờ ruộng.
Ông Dũng hướng dẫn, một loại (Nimaxon 20 SL) trừ cỏ trên ngọn, một loại (Clyphosam 480 SL) trừ cỏ từ dưới gốc. Hai loại này, pha với 12-16 lít nước, phun cho 1 sào cỏ.
Hầu hết các loại thuốc BVTV trên, theo thông tin ghi trên nhãn mác đều có xuất xứ Trung Quốc, do các doanh nghiệp Việt Nam phân phối.
Theo một người có kinh nghiệm công tác trong ngành thuốc BVTV thì thuốc trừ cỏ không chọn lọc sẽ diệt tất cả các loại cỏ, kể cả cây trồng khi ngấm thuốc. Cùng với đó, với việc thời gian cách ly không xác định thì các loại thuốc trừ cỏ này sẽ tồn dư trong đất rất lâu, rất khó phân hủy. Gặp điều kiện thuận lợi, các loại cây trồng ngấm các loại thuốc này có thể dễ chết, nhiều sinh vật có lợi trong lòng đất sẽ bị tiêu diệt, nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và đương nhiên, con người khi sử dụng các nông sản trên những cánh đồng có sử dụng các loại thuốc trừ cỏ này thì nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ rất cao.
Cả đống tiền mua thuốc BVTV
Điều đáng lo ngại là, ngay cả các đơn vị HTX khi đem thuốc trừ cỏ có hợp chất Paraquat về bán cũng khuyến cáo không cụ thể để bà con nông dân sử dụng đúng mục đích, đúng liều lượng và đúng đối tượng.
Chúng tôi vào tìm hiểu tại quầy dịch vụ của HTX DVNN Định Hưng, xã Định Hưng, Yên Định. Ông Bùi Văn Ngư, Giám đốc HTX DVNN Định Hưng khẳng định, tại cửa hàng không có thuốc “cỏ cháy”. Và những năm trước, khi bán cho người dân, cửa hàng khuyến cáo bà con chỉ phun trên các trục đường lớn, bờ vùng, bờ thửa, bụi rậm.
“Làm gì có việc người dân phun trên đồng lúa và đồng màu! Phun như thế thì sẽ chai đất, việc cày bừa sẽ rất khó khăn, cây trồng cũng không thể phát triển được. Thuốc có hoạt chất Paraquat là hoạt chất gây ung thư, rất nguy hiểm nên ở đây giờ không bán nữa, chắc người dân mua ở các đại lý thuốc BVTV thôi” – ông Ngư khẳng định.
Chuẩn bị phun thuốc “cỏ cháy” cho ruộng lúa
Tuy nhiên, dạo một vòng quanh quầy hàng, chúng tôi phát hiện cửa hàng vẫn còn tồn một số loại thuốc trừ cỏ có hoạt chất Paraquat. Thậm chí, với loại thuốc DOMAXONE có chứa hoạt chất Paraquat, nhân viên bán hàng còn khuyến cáo nông dân phun trên ruộng ớt, thời điểm trước khi gieo trồng 20-30 ngày…
Còn ông Trịnh Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Định Hưng thì thẳng thắn thừa nhận: “Có tình trạng người dân sử dụng thuốc cỏ cháy phun lên ruộng lúa, đất màu. Tuy địa phương đã tuyên truyền rồi nhưng ý thức của nông dân rất khó thay đổi”.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, việc sử dụng thuốc trừ cỏ trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh. Tính từ năm 2011 đến nay, bình quân nông dân Thanh Hóa sử dụng 233,5 tấn thuốc BVTV/năm. Đây là con số thống kê thông qua kênh các công ty, doanh nghiệp, đại lý cung ứng thuốc BVTV trên địa bàn và Trạm BVTV huyện, thị, TP và chỉ tính sử dụng cho đất trồng lúa và hoa màu. Theo thống kê, Thanh Hóa hiện có khoảng 140 nghìn ha đất trồng lúa và màu. Như vậy, bình quân nông dân sử dụng 1,67 kg thuốc BVTV/ha/năm.
Nếu tính lượng thuốc phun cho các loại cây trồng khác nữa thì con số trên phải tăng lên hơn nhiều. Và điều đáng lo ngại là, lượng thuốc sử dụng cho cây trồng lâu năm, trồng rừng, thậm chí phun diệt cỏ ở lề trên các tuyến giao thông không được thống kê, rất khó kiểm soát.
Theo một cán bộ ngành BVTV Thanh Hóa, lượng thuốc trên khó có thể quy ra tiền và cũng không được thống kê theo loại thuốc, loại hoạt chất. Điều đó khiến việc chúng tôi muốn kiểm chứng lượng thuốc “cỏ cháy” mà nông dân sử dụng không thể thực hiện được.
Vị cán bộ này cũng cho biết thêm, bình quân mỗi năm nông dân Thanh Hóa phun 8 lần thuốc BVTV (2-3 vụ) với chi phí tiền thuốc khoảng 3 triệu đồng/ha/năm. Nếu chỉ tính khiếm tốn chi phí mua thuốc khoảng 70% theo thống kê thì mỗi năm bà con tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mua thuốc BVTV.
Paraquat là loại hóa chất có trong thuốc diệt cỏ đã bị cấm ở châu Âu nhưng ở nước ta đến tháng 2/2019 mới cấm hẳn. Trên thị trường Paraquat được gọi với các tên như Glamoxone, Cyclone, Surehre, Prelude. Paraquat thẩm qua tiểu tràng rất nhanh. Nồng độ huyết tương lên đến đỉnh cao sau 2 giờ, 5-10% được hấp thụ qua ruột, còn lại được thải trừ qua phân. Do vậy, chỉ cần uống quá 40mg Paraquat/kg (khoảng một thìa canh 15ml) dung dịch Paraquat thường gây tử vong trong 1-5 ngày do suy đa phủ tạng hoặc do bỏng niêm mạc tiêu hóa, bỏng thực quản có thể gây thủng dẫn đến viêm trung thất. Hiện khoa học chưa tìm ra thuốc kháng độc, điều trị ngộ độc loại hoạt chất này.