Thuốc điều trị động kinh – Rối loạn thần kinh – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia

Có một số nguyên tắc chung khi sử dụng thuốc chống động kinh (còn gọi là thuốc chống động kinh hoặc chống co giật):

  • Đơn trị liệu với 1 đến 2 lần điều trị thử thường là đủ để kiểm soát được động kinh co giật ở khoảng 60% bệnh nhân.

  • Nếu cơn co giật khó kiểm soát ngay từ khi khởi phát (trong 30 đến 40% bệnh nhân), cuối cùng có thể phải cần đến ≥ 2 thuốc.

  • Nếu động kinh kháng trị (kháng trị khi đã thử dùng đầy đủ ≥ 2 thuốc), cần chuyển bệnh nhân đến trung tâm động kinh để xác định xem họ có phải là đối tượng nên được phẫu thuật không.

Một số loại thuốc (ví dụ, phenytoin, valproate), dùng tiêm tĩnh mạch hoặc uống, đạt đến ngưỡng điều trị mục tiêu rất nhanh. Các thuốc khác (như lamotrigine, topiramate) phải bắt đầu với liều tương đối thấp và tăng dần trong vài tuần tới liều điều trị chuẩn, dựa trên khối lượng cơ của người bệnh. Phải điều chỉnh liều phù hợp với mức dung nạp thuốc của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có triệu chứng nhiễm độc thuốc khi nồng độ thuốc trong máu chỉ ở mức thấp; những người khác chịu được mức cao mà không có triệu chứng. Nếu động kinh tiếp diễn, liều hàng ngày tăng dần ít một.

Liều thích hợp của bất kỳ loại thuốc nào là liều thấp nhất ngăn chặn tất cả các cơn co giật và có ít tác dụng phụ nhất, bất kể nồng độ thuốc trong máu. Nồng độ thuốc trong máu chỉ mang tính hướng dẫn điều trị. Khi đã đáp ứng với thuốc, đánh giá lâm sàng sau đó sẽ hữu ích hơn việc đo nồng độ thuốc trong máu.

Ngọc trai & Cạm bẫy

  • Xác định liều lượng thuốc theo tiêu chí lâm sàng (liều thấp nhất làm ngừng co giật và ít tác dụng phụ nhất), bất kể nồng độ thuốc trong máu.

Nếu độc tính tiến triển trước khi kiểm soát được động kinh, giảm liều xuống dưới liều gây độc trước đó. Sau đó, thêm một loại thuốc khác với liều thấp, tăng liều dần cho đến khi kiểm soát được động kinh. Cần phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân vì 2 thuốc có thể tương tác, ảnh hưởng tới tỷ lệ trao đổi chất, giáng hóa của một trong hai thuốc. Thuốc ban đầu nên giảm liều chậm, cuồi cùng có thể dừng hoàn toàn.

Nên tránh sử dụng nhiều loại thuốc nếu có thể vì có thể xảy ra tác dụng phụ, sự tuân thủ kém và tương tác thuốc tăng lên đáng kể. Thêm một loại thuốc thứ 2 hiệu quả trong khoảng 10% bệnh nhân, nhưng tỷ lệ tác dụng phụ tăng gấp đôi. Nồng độ thuốc chống co giật trong máu bị thay đổi bởi nhiều loại thuốc khác và ngược lại. Các bác sĩ cần phải nhận thức được tất cả các tương tác thuốc có thể xảy ra trước khi kê toa một loại thuốc mới.

Khi động kinh được kiểm soát, phải tiếp tục dùng thuốc mà không được gián đoạn cho đến khi bệnh nhân không bị động kinh trong ít nhất 2 năm. Vào thời điểm đó, có thể cân nhắc ngưng dùng thuốc. Hầu hết các thuốc này có thể được giảm liều 10% mỗi 2 tuần.

Tái phát có nhiều khả năng xảy ra ở những bệnh nhân đã từng có:

  • Một bệnh lý động kinh từ khi còn nhỏ

  • Cần > 1 loại thuốc để không có cơn động kinh

  • Các cơn co giật trước đây khi dùng thuốc chống co giật

  • Cơn động kinh cục bộ hoặc giật cơ

  • Bệnh não tĩnh (bại não)

  • Kết quả EEG bất thường trong năm qua

  • Tổn thương cấu trúc (nhìn thấy trên các chẩn đoán hình ảnh)

Trong số bệnh nhân tái phát, khoảng 60% bệnh nhân tái phát trong vòng 1 năm, và 80% bệnh nhân tái phát trong vòng 2 năm. Điều trị suốt đời nếu bệnh nhân có tái phát khi không dùng thuốc chống co giật.

Rate this post

Viết một bình luận