Thuốc điều trị khô mắt

Nước mắt có vai trò tạo độ ẩm để ngăn ngừa khô mắt, cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho mắt, ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi mắt bị khô kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mắt bị sưng, đỏ, kích ứng, giảm thị lực…

Nước mắt tạo thành một lớp màng mỏng trên bề mặt của mắt (được gọi là phim nước mắt) và được cấu tạo bởi 3 lớp:

Lớp ngoài cùng là lớp lipid giúp kết dình các giọt nước mắt và làm cho nước mắt chậm bốc hơi.

Lớp giữa là lớp nước có chứa muối và protein giúp làm ẩm và nuôi dưỡng mắt.

Lớp trong cùng là lớp dịch nhầy giúp nước mắt bám vào mắt và bảo vệ giác mạc.

Những rối loạn của phim nước mắt do lượng nước mắt tiết ra không đủ hay nước mắt bốc hơi quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt.

Nguyên nhân gây khô mắt

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây ra khô mắt:

Tuổi tác: tuổi càng cao (từ > 50 – 60 tuổi) mắt càng bị lão hóa, lượng nước mắt tiết ra giảm sẽ gây ra khô mắt.

Giới tính: nữ giới dễ bị khô mắt hơn so với nam giới.

Môi trường và lối sống: gió, không khí khô, làm việc nhiều giờ trong phòng máy lạnh hay với máy vi tính, mang kính áp tròng… là những điều kiện thuận lợi dễ gây ra khô mắt.

Viêm nhiễm ở mắt như viêm mi mắt, viêm kết mạc… cũng gây ra khô mắt.

Một số bệnh như: đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, hội chứng Sjogren, rối loạn tuyến giáp… cũng gây ra khô mắt.

Rối loạn nội tiết tố: sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh làm giảm tiết nước mắt cũng gây ra khô mắt.

Thuốc: một số loại thuốc như: thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn bêta, và thuốc tránh thai… sẽ gây ra khô mắt do gây ra tác dụng phụ làm giảm tiết nước mắt.

Triệu chứng

Hội chứng khô mắt thường gây ra các triệu chứng:

– Mắt sưng, đau, ngứa, đỏ.

– Chảy nước mắt.

– Cảm giác cộm, khó chịu như có cát trong mắt.

– Nhạy cảm với ánh sáng.

– Giảm thị lực…

Thuốc điều trị khô mắt

Thuốc sử dụng trong điều trị khô mắt tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh và thường được dùng ở dạng thuốc viên, thuốc nhỏ mắt hay thuốc mỡ tra mắt.

Nhóm thuốc kháng sinh: được sử dụng để điều trị khô mắt do nhiễm khuẩn, với các thuốc kháng sinh phổ rộng như: doxycyclin, erythromycin, cloramphenicol, neomycin, tobramycin, offloxacin, sulfocetamid, polymycin B…

Cần lưu ý: với loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh không được sử dụng với thời gian quá một tuần.

Nhóm thuốc kháng viêm: được sử dụng để điều trị khô mắt do viêm mắt, với các thuốc kháng viêm corticosteroid như: dexamethason, fluoromethason, prednisolon… hay các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) như Diclophenac, Indomethacin…

Cần lưu ý: khi sử dụng trong một thời gian dài, với thuốc kháng viêm ở dạng viên sẽ gây ra các tác dụng phụ như: viêm loét dạ dày – tá tràng, cao huyết áp…, với thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp…

Thuốc nhỏ mắt kết hợp: trong thành phần là sự kết hợp hai hay nhiều nhóm thuốc với nhau như kháng sinh, kháng viêm corticosteroid… giúp tăng hiệu quả điều trị khô mắt.

Thuốc nhỏ mắt kháng kích ứng: thuốc nhỏ mắt mà thành phần là các chất bôi trơn hay nước mắt nhân tạo: Glycerin, Polyvidon, Polyvinyl alcohol… có tác dụng tăng độ ẩm cho mắt, giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt.

Nhóm thuốc vitamin và khoáng chất: như vitamin A, E, C, B2, kẽm, selenium là những chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa khô mắt do lão hóa nên được sử dụng trong khô mắt.

Omega 3 là một axít béo không bão hòa, có vai trò quan trọng trong cơ thể, là thành phần cấu tạo võng mạc, giúp tăng cường thị lực và ngăn ngừa khô mắt. Omega 3 có nhiều trong cá, sữa, đậu nành, hạt lanh…

 

Lời khuyên của thầy thuốc
Nên tránh làm việc nhiều giờ với máy vi tính hay nhiều giờ trong phòng máy lạnh hoặc nơi môi trường khô. Nên mang kính bảo vệ mắt khi đi ra ngoài trời, tránh mang kính áp tròng nếu gây ra khô mắt. Vệ sinh mắt để tránh viêm nhiễm. Bổ sung chế độ dinh dưỡng với các loại thực phẩm giàu omega 3… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong điều trị khô mắt.

Rate this post

Viết một bình luận