Digoxin ức chế bơm natri kali (Na+, K+-ATPase). Do đó là tăng nhẹ co bóp cơ tim, giảm hoạt độ giao cảm, giảm dẫn truyền nút nhĩ thất (làm chậm nhịp tim trong rung nhĩ, hoặc kéo dài khoảng PR trong nhịp nhanh xoang), làm giảm co mạch và cải thiện lưu lượng máu tới thận. Digoxin được bài tiết bởi thận; thời gian bán thải là từ 36 đến 40 giờ ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường.
Digoxin chưa chứng tỏ được lợi ích trong cải thiện tỷ lệ tử vong, nhưng khi sử dụng kết hợp với lợi tiểu và thuốc ức chế men chuyển, nó có thể giúp kiểm soát triệu chứng và giảm tỉ lệ nhập viện ở bệnh nhân suy tim giảm phân suất tống máu. Tuy nhiên, do suy tim giảm phân suất tống máu hiện đã có nhiều phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng, nên digoxin ngày càng ít được sử dụng, chỉ hạn chế với bệnh nhân có các triệu chứng nặng mặc dù đã được điều trị tối ưu với các thuốc hạ liều khác. Không nên dùng digoxin trong điều trị suy tim còn bảo tồn phân suất tống máu, trừ trường hợp kiểm soát nhịp tim trong rung nhĩ, hoặc để tăng chức năng thất phải trong trường hợp suy tim phải. Digoxin có hiệu quả nhất ở những bệnh nhân thể tích thất trái cuối thì tâm trương lớn và khám có tiếng thổi S3. Ngừng sử dụng digoxin đột ngột có thể làm gia tăng tỷ lệ nằm viện và làm nặng thêm các triệu chứng.
Ở những bệnh nhân có chức năng thận bình thường, liều digoxin đường uống là 0,125 đến 0,25 mg x 1 lần/ngày, phụ thuộc vào tuổi, giới và thể trạng, nồng độ thường đạt đỉnh sau 1 tuần (5 chu kỳ bán thải). Nồng độ digoxin có thể đạt ngưỡng tối đa nhanh hơn nếu sử dụng đường tĩnh mạch với liều 0,5 mg trong vòng 15 phút, sau đó là 0,25 mg trong vòng 8 và 16 h, hoặc 0,5 mg đường uống, sau đó 0,25 mg trong vòng 8, 16, và 24 giờ. Điều trị cụ thể tùy vào từng bác sĩ và từng khu vực, nhưng nói chung, liều sử dụng hiện tại thường thấp hơn liều dùng trong quá khứ, và nồng độ digoxin từ 8 đến 12 giờ sau khi sử dụng là từ 0,8 đến 1,2 ng/mL (1-1,5 nmol/L). Ngoài ra, không giống trong điều trị rung nhĩ, đối với bệnh nhân suy tim, điều trị thường không cần nhanh chóng đạt ngưỡng nồng độ đỉnh. Do đó, đối với bệnh nhân suy tim, liều khởi đầu digoxin chỉ cần dừng ở ngưỡng 0,125 mg x 1 lần/ngày qua đường uống (ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường) hoặc digoxin 0,125 mg uống mỗi thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần (ở bệnh nhân có chức năng thận bất thường).
Khi xảy ra tình trạng ngộ độc digoxin, nên ngưng dùng thuốc và điều chỉnh các rối loạn điện giải (dùng đường tĩnh mạch nếu rối loạn điện giải nặng và ngộ độc cấp). Bệnh nhân ngộ độc digoxin mức độ nặng nên được nhập viện theo dõi và sử dụng thuốc giải độc digoxin immune Fab (kháng thể kháng digoxin) nếu có rối loạn nhịp, hoặc nếu có tình trạng hấp thụ quá mức kèm theo kali máu > 5 mEq/L (> 5 mmol/L). Digoxin immune Fab cũng hữu ích trong các trường hợp ngộ độc glycoside do ăn phải cây có độc. Liều dùng được xác định dựa trên nồng độ ổn định của digoxin trong huyết thanh, hoặc tổng lượng digoxin đã hấp thụ. Điều trị các rối loạn nhịp thất với lidocaine hoặc phenytoin. Có thể cần sử dụng máy tạo nhịp tạm thời nếu có tình trạng block nhĩ thất với tần số thất chậm. Chống chỉ định sử dụng Isoproterenol vì nó làm tăng nguy cơ loạn nhịp thất.