Thuốc lá là gì? Tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe
Thứ Ba ngày 08/02/2022
Thuốc lá có nhiều tác hại đến sức khỏe không chỉ với người sử dụng mà còn đối với người xung quanh, hãy cùng tìm hiểu các tác hại của thuốc lá qua bài viết sau nhé!
Hút thuốc lá là nguyên nhân đưa đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm có trên 8 triệu người trên toàn cầu chết vì hút thuốc lá, bao gồm 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Có thể nói, thuốc lá mang đến những tác hại vô cùng lớn đối với sức khỏe và cơ thể.
Thuốc lá là gì?
Thuốc lá có nguồn gốc từ một loài cây hoang dại đã có cách đây khoảng 4.000 năm. Về sau chúng được trồng để lấy lá, sau đó thái sợi, sao hoặc phơi khô rồi dùng cho việc hút thuốc. Thuở ban đầu khi thuốc lá điếu đầu lọc chưa xuất hiện, người ta thường dùng giấy manh cuộn với lá thuốc sao khô để hút hoặc hút với điếu cày (hay còn được gọi là thuốc lào).
Cây thuốc lá thời ấy có tính cay, nóng dùng nên người ta dùng chúng để trị các chứng như phong hàn, tê thấp, trệ khí, đọng đờm… Khi hít khói thuốc vào cơ thể sẽ giúp khắp người có cảm giác thông khoái, lâu dần thành nghiện nên người ta còn gọi thuốc hút là tương tư thảo.
Thuốc lá có thể mang lại những cái lợi trước mắt cho người hút, như giảm stress, điều chỉnh cân nặng, tâm trạng…
Thuốc lá có thể mang lại những cái lợi trước mắt cho người hút, như giảm stress, điều chỉnh cân nặng, tâm trạng…
Sở dĩ thuốc lá dễ gây nghiện là do trong thuốc lá có chất nicotin, đặc biệt là những lá thuốc già thường chứa một hàm lượng nicotin rất cao. Nếu sử dụng chất nicotin này với liều thấp sẽ mang lại một sự sảng khoái nhẹ nhàng, có khả năng giúp làm dịu cơn đói cũng như giảm mệt mỏi. Nhưng một khi dùng trong thời gian dài thì nó sẽ khiến bạn bị lệ thuốc, hơn nữa còn là sát thủ âm thầm giết chết bạn. Nhiều trường hợp người trưởng thành chết do dùng khoảng 15 – 20g thuốc lá dưới dạng thuốc nước để thụt tháo đại trực tràng, còn trẻ con thì có nguy cơ tử vong nếu chỉ cần uống một vài gram.
Thuốc lá có thể mang lại những cái lợi trước mắt cho người hút, như giảm stress, điều chỉnh cân nặng, tâm trạng, do thói quen giao tiếp… Thế nhưng, hậu quả mà thuốc lá mang lại thì còn ghê gớm hơn cả những tác dụng mà nó mang đến.
Tại sao hút thuốc lá có hại nghiệm trọng?
Đưa một điếu thuốc lá vào cơ thể là vô tình bạn đã đưa kẻ thù đến gần mình hơn. Trong khói thuốc lá có đến hơn 4000 loại hóa chất khác nhau, trong đó có hơn 200 loại gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Những chất gây nghiện và chất độc này được chia làm 4 nhóm như sau:
Nicotine
Tên gọi nicotine được đặt theo tên của một nhà ngoại giao người Pháp Nicot (1530 – 1600). Ông là người đầu tiên nhập thuốc lá vào Pháp.
Nicotine là một chất không màu cũng không mùi. Tuy nhiên, khi đốt cháy nó lại chuyển thành màu nâu và có mùi. Chất nicotine hấp thụ qua da, miệng lẫn niêm mạc mũi/hít vào phổi. Hàm lượng nicotine trong các loại thuốc này thay đổi từ 2 – 10%, thậm chí một số loại thuốc lào tốt hàm lượng nicotin có thể đến 16%. Hút thuốc lá là con đường đưa nicotin đến não nhanh chóng (khoảng 10 giây). Một người hút thuốc trung bình sẽ đưa từ 1-2mg nicotine/điếu vào cơ thể.
Tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe là vô kể.
Tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe là vô kể.
Tương tự heroin và cocain, nicotine được xếp vào nhóm gây nghiện khi tác động lên hệ thần kinh trung ương với sự có mặt của các thụ thể nicotine trên các cấu trúc não. Tuy nhiên, nicotine trong cơ thể sẽ sớm được chuyển hóa thành cotinin, sau đó thải trừ qua đường tiểu.
Là hóa chất nguy hiểm và gây nghiện cao, nicotin có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim, lưu lượng máu đến tim và thu hẹp động mạch (mạch máu dẫn máu từ tim). Chất này còn góp phần làm xơ cứng thành động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hóa chất này có thể tồn tại trong cơ thể từ 6 – 8 tiếng tùy thuộc vào tần suất hút thuốc lá.
Carbon monoxide (khí CO)
Carbon monoxide là một loại khí độc có nồng độ cao mà bạn sẽ hít phải khi dùng thuốc lá. Khi được hấp thụ vào máu, khí CO sẽ gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 20 lần oxy. Khí CO có khả năng làm giảm lượng oxy dùng để vận chuyển các tế bào hồng cầu; đồng thời còn làm tăng lượng cholesterol tích tụ ở thành trong của động mạch. Hậu quả là theo thời gian các động mạch sẽ bị xơ cứng lại dẫn đến các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe chúng ta như bệnh tim, bệnh động mạch, thậm chí có thể là nhồi máu cơ tim.
Thuốc lá là sát thủ âm thầm giết chết sức khỏe của người hút lẫn những người xung quanh.
Thuốc lá là sát thủ âm thầm giết chết sức khỏe của người hút lẫn những người xung quanh.
Các phân tử nhỏ khác
Ngoài nicotin và carbon monoxide, trong khói thuốc lá còn chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ li ti. Chúng có khả năng làm thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản, làm tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển gây ra đờm và ho.
Các chất gây ung thư
Khói thuốc lá chứa các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrene – một hợp chất có tính chất gây ung thư. Chúng có khả năng tác động đến tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản, ác tính hóa.
Các bệnh lý do hút thuốc lá gây ra
Bạn sẽ đối mặt với các nguy cơ ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể của bạn khi hút thuốc lá như ung thư phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày.
Bên cạnh đó, hút thuốc lá cũng đưa đến các bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, bệnh phổi (khí phế thũng và viêm phế quản). Người hút thuốc lá còn có nhiều nguy cơ mắc các loại bệnh sau: Bệnh lao; cảm và cúm; vàng răng, các bệnh về lợi (nướu) và sâu răng; lão hóa da; loãng xương; khó thụ thai; bệnh đục thủy tinh thể; bệnh bất lực,…
Tổn thương phổi là ảnh hưởng rõ rệt nhất ở người hút thuốc lá.
Tổn thương phổi là ảnh hưởng rõ rệt nhất ở người hút thuốc lá.
Lưu ý rằng, không phải chỉ có người hút thuốc mới bị ảnh hưởng sức khỏe bởi khói thuốc lá. Những người hít thuốc lá thụ động, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em cũng bị ảnh hưởng khi hít phải khói và hơi thuốc lá. Chưa kể, những người không hút thuốc bị cao huyết áp hoặc cholesterol trong máu cao thậm chí có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi hít khói thuốc lá.
Đã có hàng ngàn ca tử vong sớm do bệnh tim và ung thư phổi mà nguyên nhân là do hút thuốc thụ động góp phần gây ra. Hút thuốc thụ động còn thúc đẩy bệnh tật. Trẻ em sinh ra từ người hút thuốc có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn trẻ em sinh ra từ người không hút thuốc.
Trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc lá khác nhau, như thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử hay một số sản phẩm thuốc lá khác với những lời quảng cáo được “thổi phồng” trong việc giảm tác hại.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng loại thuốc là nào cũng chứa nhiều độc tố nguy hiểm cả. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình là bỏ thuốc lá hoàn toàn. Không bao giờ quá muộn để cai thuốc lá. Việc bạn bao nhiêu tuổi và bạn đã hút thuốc thời gian bao nhiêu lâu không quan trọng, ngừng hút thuốc lá sẽ cải thiện sức khỏe của bạn.
Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá.
Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá.
Những lợi ích thu được tức thì sau khi cai thuốc:
-
Trong vòng 8 giờ, bạn thở dễ dàng hơn.
-
Trong vòng 2 ngày, khứu giác và vị giác của bạn cảm nhận tốt hơn.
-
Trong vòng 2 – 3 tuần, cơ thể bạn lưu thông tốt hơn, bạn có thể đi bộ dễ dàng hơn và phổi của bạn bắt đầu làm việc tốt hơn.
-
Trong vòng 3 tháng, cơ thể bạn có thể phòng chống nhiễm trùng tốt hơn.
-
Trong vòng 1 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim của bạn được giảm đi một nửa.
-
Trong vòng 5 năm, nguy cơ đột quỵ giảm xuống giống như một người chưa bao giờ hút thuốc.
Trên đây là bài viết chia sẻ đến bạn những thông tin về thuốc lá là gì và tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe. Bạn sẽ cảm nhận rõ rệt sự hồi phục của cơ thể sau khi cai thuốc. Dẫu biết việc bỏ thuốc là không hề dễ dàng nhưng kết quả thì rất đáng mong đợi. Bạn sẽ thấy những cải thiện của phổi và sức khỏe của mình.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Vinmec
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.