Bệnh thủy đậu mấy ngày hết ngứa? Các biện pháp giảm ngứa an toàn? là những vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết để được giải đáp một số thông tin cần thiết.
Bệnh thủy đậu mấy ngày hết ngứa?
Thủy đậu (trái rạ) là một dạng nhiễm trùng cấp tính do virus varicella zoster gây ra. Sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, virus này sẽ ủ bệnh trong khoảng 10 – 15 ngày sau đó mới bùng phát triệu chứng.
Giai đoạn khởi phát bệnh (tức là chưa có biểu hiện trên da) kéo dài từ 1 – 2 ngày. Trong giai đoạn này, bạn sẽ nhận thấy một số triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, sốt, khó chịu, nhức mỏi, lười ăn,… Sau thời gian khởi phát, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát, kéo dài từ 1 – 2 tuần.
Trong giai toàn phát, virus bắt đầu gây ra các triệu chứng trên da như da đỏ, hồng, sau đó xuất hiện các nốt mụn nước ở khắp cơ thể. Sau 7 – 10 ngày, các mụn nước này sẽ vỡ ra, đóng mài và liền sẹo.
Các mụn nước do virus varicella zoster gây ra thường đi kèm với triệu chứng ngứa. Tình trạng ngứa ngáy có thể tăng lên nếu bạn liên tục gãi, chà xát lên các mụn nước.
Thông thường triệu chứng ngứa ngáy sẽ thuyên giảm sau khi mụn nước vỡ ra và lành hẳn. Do đó sau khoảng 1 – 2 tuần, tình trạng ngứa và các triệu chứng đi kèm sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên thời gian chính xác còn phụ thuộc vào tổn thương da, mức độ hoạt động của virus, chế độ chăm sóc, quá trình điều trị,… của từng trường hợp.
Vì vậy bạn cần tiến hành điều trị ngay khi bệnh vừa bùng phát để kiểm soát hoạt động của virus, hạn chế tối đa tổn thương da và triệu chứng ngứa ngáy.
Các biện pháp giảm ngứa do bệnh thủy đậu
Triệu chứng ngứa do bệnh thủy đậu có thể khiến bạn khó chịu và bứt rứt. Để cải thiện triệu chứng này, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
1. Không gãi lên mụn nước
Gãi là phản ứng thông thường khi da bị ngứa. Tuy nhiên hành động này có thể khiến mụn nước vỡ ra và gây ngứa ngáy nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, cào, gãi thường xuyên còn khiến da bị chảy máu và sưng viêm.
Thời gian đầu khi mụn nước mới xuất hiện, bạn có thể cảm nhận thấy triệu chứng ngứa rõ rệt. Tuy nhiên dần dần cơ thể sẽ bắt đầu thích nghi với triệu chứng này. Vì vậy bạn cần hạn chế tối đa các tác động lên vùng da có mụn nước.
2. Chườm lạnh
Để giảm ngứa do thủy đậu, bạn có thể sử dụng túi chườm lạnh áp lên vùng da trong 10 – 15 phút. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm sẽ làm dịu da, cải thiện hiện tượng viêm và kháng khuẩn.
Bên cạnh đó, túi chườm có tác dụng làm tê các dây thần kinh dẫn truyền cảm giác khiến não bộ không nhận thấy tín hiệu ngứa.
3. Tắm nước ấm với yến mạch
Tình trạng ngứa ngáy và khó chịu do bệnh thủy đậu có thể cải thiện khi tắm nước ấm. Bạn có thể thêm bột yến mạch vào nước tắm để làm sạch bụi bẩn, dưỡng ẩm và chống viêm. Ngoài ra, sử dụng yến mạch còn làm giảm ngứa và phục hồi các tế bào tổn thương.
4. Mặc quần áo rộng rãi
Triệu chứng ngứa có thể tăng lên nếu mụn nước ma sát với quần áo. Nếu mặc quần áo chật, các mụn nước có thể vỡ ra và gây ngứa dữ dội. Vì vậy bạn nên mặc các trang phục rộng rãi, có chất liệu thông thoáng và thấm hút để tránh gây tổn thương da.
5. Dùng thuốc giảm ngứa
Bên cạnh các biện pháp chăm sóc, bạn có thể sử dụng thuốc làm giảm ngứa để cải thiện triệu chứng này.
- Calamine lotion: Loại kem bôi da này có chứa kẽm oxit – một hoạt chất sát trùng có tác dụng giảm kích ứng và ngứa da. Bạn có thể sử dụng 1 – 2 lần/ ngày để giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng da.
- Thuốc kháng histamine (Diphenhydramine, Loratadine, Cetirizine,…): Histamine là thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm của cơ thể. Bằng cách ức chế tổng hợp thành phần này, các loại thuốc kháng histamine có thể cải thiện được triệu chứng đau nhức, ngứa ngáy, sưng viêm… do virus varicella zoster gây ra.
Thuốc bôi chứa corticoid có tác dụng giảm ngứa tốt. Tuy nhiên loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi các mụn nước nên không được khuyến khích dùng cho bệnh nhân thủy đậu.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp giảm ngứa, bạn cần tập trung điều trị để ức chế virus gây bệnh. Khi virus được kiểm soát hoàn toàn, tình trạng ngứa và các triệu chứng đi kèm sẽ được cải thiện dứt điểm.