Tiềm năng phát triển nuôi cá ngạnh – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Đặc điểm sinh học

Cá ngạnh có tên khoa học là Cranoglanis henrici thuộc bộ cá nheo Silluriformes. Thân cá trơn láng, không vảy. Đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên, có 4 đôi râu, mõm tù. Miệng cá ở phía dưới thân, hình vòng cung, môi trên dày, hàm trên dài hơn hàm dưới. Răng hàm dạng lông nhung, cong, thon dài, co lại phía sau và bị ngắt quãng ở giữa; răng cửa hàm trên rộng, yếu, hình chữ nhật. Lỗ mũi gần mõm hơn mắt, lỗ mũi sau có râu. Viền lưng cong không đều, từ đầu mõm đến gốc vây lưng vát chéo. Vây hậu môn dài, vây đuôi chẻ sâu, hai thùy bằng nhau. Đường bên rõ và thẳng. Lưng và hai bên thân màu xám, bụng màu nhạt. Cá ngạnh là loài có kích thước trung bình, con lớn nhất đã bắt gặp nặng 4 kg. Tốc độ lớn theo năm chậm, năm thứ 2 có tốc độ tăng trưởng bằng 31,4% năm đầu, còn các năm sau chỉ bằng 19 – 23%.

Cá ngạnh thuộc nhóm ăn tạp, sống ở tầng giữa. Thành phần thức ăn đa dạng, gồm động vật không xương sống, côn trùng, cá con và động vật thượng đẳng. Cá thường đẻ ở hang đá ven bờ, hạ lưu các con sông lớn. Trên thế giới Cá ngạnh Cranoglanis henrici phân bố ở Thái Lan, Philippin, Indonesia, Trung Quốc (đảo Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam). Ở Việt Nam cá phân bố chủ yếu ở nơi nước chảy êm từ phía Bắc đến Nam Trung bộ.

 

Tiềm năng phát triển

Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể nuôi mật độ cao trong lồng bè (10 con/m3). Sau 10 – 12 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg/con. Hiện nay, giá bán trên thị trường 180.000 – 220.000 đồng/kg, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Hiện nay người dân đã bắt đầu chú trọng và tìm hiểu đến việc nuôi cá Ngạnh, đặc biệt là nuôi trong lồng trên sông Hồng, sông Lô, sông Gâm ở các Vùng Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, và phát triển được tại các hồ Thác Bà, Na Hang. Tuy nhiên, việc nuôi này hoàn toàn từ thu gom con giống tự nhiên, mang tính mùa vụ, công nghệ nuôi chưa ổn định và chưa có quy trình nuôi hoàn chỉnh.

Với mục đích từng bước đáp ứng nhu cầu con giống và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm, năm 2013, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đã triển khai dự án: “Nuôi cá ngạnh trong lồng trên hồ Thác Bà”. Dự án đã thiết kế 12 lồng nuôi thử nghiệm bằng tre và lưới chuyên dụng, quy mô 480 m3. Tổng số cá giống đưa vào nuôi thử nghiệm là 4.320 con. Trong quá trình nuôi thử nghiệm cá có tốc độ tăng trưởng tốt, sau gần 1 năm thu được 3.500 con cá ngạnh thương phẩm, trọng lượng trung bình 1 – 1,2 kg; tỷ lệ sống trên 80%; sản lượng đạt 730 – 880 kg/100 m3 lồng. Nuôi thương phẩm cá ngạnh sử dụng thức ăn công nghiệp, có hàm lượng đạm trên 40%.

Đến nay, Trung tâm này đã mở rộng quy mô nuôi cá ngạnh thương phẩm với 3 vạn con cá giống và tuyển chọn, lưu giữ được 200 con cá ngạnh bố mẹ. Dự kiến đến năm 2016, trung tâm sẽ tiến hành triển khai nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá ngạnh, tạo nguồn giống để chủ động phục vụ cho nuôi thương phẩm.

>> Cá ngạnh phân bố rộng và sinh sống nhiều ở sông Hồng, sông Chảy, lòng hồ Thác Bà nên nguồn giống khai thác ngoài tự nhiên dồi dào, giá từ 3.000 – 3.500 đồng/con, cỡ 2 – 3 cm.

Rate this post

Viết một bình luận