/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/nguoi-bi-tien-tieu-duong-nen-gi/
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên – Bác sĩ Thận – Nội tiết – Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khi người bệnh bị tiền đái tháo đường cần nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp để hạn chế tối đa nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường thực sự. Để đạt được mục đích này thì bệnh nhân tiền đái tháo đường cần tập trung vào chế độ ăn với nhiều các loại rau củ, hạt chưa qua chế biến và thực phẩm chứa chất béo tốt ít ảnh hưởng đến thành mạch.
1. Người bị tiền đái tháo đường nên ăn gì là phù hợp nhất ?
Với chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo, calo và nhiều đường sẽ làm gia tăng nguy cơ tiền đái tháo đường nhanh chóng trở thành bệnh đái tháo đường. Do đó để giảm nguy cơ tiến triển này người bị tiền đái tháo đường nên ăn kết hợp thực phẩm: Bao gồm ít chất béo và ít calo vào khẩu phần ăn bao gồm:
- Trái cây với carbs phức tạp.
- Rau.
- Thịt nạc.
- Các loại hạt.
- Chất béo lành mạnh như trái bơ và nhiều cá.
Chế độ ăn tiền đái tháo đường cần có các loại carbohydrate phức hợp (carbs chưa qua chế biến như gạo nứt là rất phù hợp). Chúng có nhiều trong các loại rau củ, ngũ cốc và các loại đậu. Những loại carbs này rất giàu chất xơ, ăn no lâu, hấp thụ vào cơ thể với tốc độ chậm hơn. Điều này giúp ngăn ngừa tăng đột biến lượng đường trong máu.
Uống nước cũng là một cách tuyệt vời khác giúp đẩy lùi tiền đái tháo đường và ngăn ngừa nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường typ 2. Nước uống hàng ngày giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu và nó cũng là một chất thay thế lành mạnh cho nước ngọt và nước ép trái cây (đồ uống chứa nhiều đường).
2. Ăn chuối có tốt cho người bị tiền đái tháo đường ?
Chuối là một loại thực phẩm lành mạnh sạch ít hóa chất có chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Do đó, người bị tiền đái tháo đường vẫn có thể thưởng thức trái cây như chuối như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.
Cách ăn chuối đối với người bị tiền đái tháo đường làm giảm thiểu tác động đến lượng đường trong máu:
- Theo dõi khẩu phần ăn: Ăn một quả chuối nhỏ hơn để giảm lượng đường tiêu thụ chung trong bữa ăn.
- Chọn quả chuối không quá chín để hàm lượng đường thấp hơn một chút.
- Chia lượng trái cây phù hợp được sử dụng trong ngày nhằm giảm lượng đường huyết và giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
- Ăn chuối với các thực phẩm khác như các loại hạt hoặc sữa chua đầy đủ chất béo, để giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường.
- Theo dõi lượng đường trong máu khi ăn các thực phẩm ngọt, trong đó có trái chuối để có biện pháp điều chỉnh.
3. Người bị tiền đái tháo đường nên tránh thức ăn gì để giảm nguy cơ ?
Người bị tiền đái tháo đường cần tránh hoặc hạn chế ăn các loại carbs đơn giản, hấp thụ nhanh khiến lượng đường trong máu tăng vọt gây nhiều biến chứng như bánh kẹo ngọt, sữa chua, mật ong, nước trái cây, một số loại trái cây như dưa hấu, nho.
Carbohydrate tinh chế cũng hấp thụ nhanh và nên hạn chế hoặc tránh sử dụng như gạo trắng, bánh mì, pizza, ngũ cốc ăn sáng, bánh ngọt, mỳ ống.
4. Chế độ làm giảm nguy cơ cho bệnh nhân tiền đái tháo đường nặng lên
4.1. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng độ nhạy insulin, giúp các tế bào trong cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu lên đến 24 giờ sau khi tập luyện.
Nếu mới bắt đầu thói quen tập thể dục, bạn cần tập luyện nhẹ nhàng trong 15 hoặc 20 phút, sau đó tăng dần cường độ và độ dài của bài tập sau vài ngày.
Lý tưởng nhất là tập thể dục 30 – 60 phút, ít nhất 5 ngày/tuần. Các bài tập bao gồm đi dạo, đạp xe, chạy bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu, chơi thể thao.
4.2. Giảm cân
Giảm từ 5 – 10% lượng chất béo trong cơ thể có thể cải thiện lượng đường trong máu và giúp đẩy lùi bệnh tiền đái tháo đường.
Nguy cơ đề kháng insulin cũng tăng lên nếu có vòng eo lớn (90cm trở lên đối với nữ và 100cm trở lên đối với nam).
Ngoài ra, bạn có thể ăn 5 hoặc 6 bữa nhỏ trong ngày, thay vì 3 bữa lớn.
4.3. Ngừng hút thuốc
Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ đề kháng insulin, tiền đái tháo đường và đái tháo đường typ 2.
Để ngừng hút thuốc bạn có thể sử dụng các sản phẩm không kê đơn như miếng dán nicotine hoặc kẹo cao su nicotine.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về các chương trình cai thuốc lá hoặc thuốc kê đơn có tác dụng hạn chế cảm giác muốn hút thuốc.
4.4. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Các dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Ngáy to
- Thở hổn hển khi ngủ
- Nghẹt thở khi ngủ
- Bị đau đầu khi thức dậy
- Ngủ ngày
Bạn có thể sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) hoặc thiết bị trợ thở trong khi ngủ.
4.5 Cần khám chuyên gia tư vấn dinh dưỡng
Các chuyên gia dinh dưỡng có thể cung cấp hướng dẫn dinh dưỡng và lời khuyên về những loại thực phẩm nên ăn và nên tránh.
Họ có thể giúp đưa ra một kế hoạch ăn uống cụ thể cho tình trạng tiền tiểu đường của bạn và các chiến lược cần thiết khác để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ổn định lượng đường trong máu.
5. Thuốc có tác dụng điều trị tiền đái tháo đường không?
Sau một thời gian hay đổi lối sống như điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập tích cực mà đường máu không cải thiện và không đạt được đích mong muốn thì cần phải can thiệp bằng thuốc kiểm soát đường máu. Nhóm thuốc ưu tiên chọn đầu tiên là Metformin . Nhóm này đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên đến 30%. Nó cũng có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và giảm cân. Liều khởi đầu là Glucophage 500 mg / ngày sau đó tăng dần cho đến khi kiểm soát được đường máu.
6. Khi nào người bị tiền đái tháo đường cần đi khám sức khỏe?
Tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành bệnh đái tháo đường type 2. Do đó bạn cần theo phải khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết định kỳ để tư chuyên sâu theo dõi và điều trị . Bạn cũng có thể tham khảo các dấu hiệu thay đổi trong cơ thể báo hiệu bệnh đái tháo đường như:
- Đi tiểu nhiều
- Sút cân nhiều
- Thèm ăn nhiều ( đói nhiều)
- Mờ mắt
- Mệt mỏi nhiều
- Khát nước nhiều.
Đái tháo đường là một căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng, vì thế khi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay có dấu hiệu tiền tiểu đường thì bạn cần thay đổi lối sống, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tiền tiểu đường để phát hiện tình trạng bệnh, sớm có phác đồ điều trị phù hợp.
Hi vọng những thông tin trong bài viết trên sẽ giúp bệnh nhân tiền tiểu đường xây dựng được chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh nguy cơ trở thành bệnh tiểu đường. Nếu gặp khó khăn trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự tư vấn tốt nhất từ các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: healthline.com