Tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân?
Thứ Ba ngày 05/07/2022
Tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân là vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm. Tham khảo ngay ý kiến chuyên gia để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất!
Tỷ lệ phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ ở Việt Nam là hơn 20% (theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường và thai nghén Quốc tế). Với những mẹ bầu mắc chứng bệnh này, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều vô cùng quan trọng. Vậy tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân mà vẫn kiểm soát tốt đường huyết?
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose được phát hiện trong giai đoạn mang thai. Thông thường, bệnh lý này không đi kèm các biểu hiện bất thường và có thể tự biến mất sau sinh khoảng 6 tuần.
Những phụ nữ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn người khác thường là:
- Phụ nữ bị thừa cân, béo phì.
- Trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường.
- Phụ nữ có tiền sử sinh con nặng hơn 4kg.
- Người đã từng mắc tiểu đường thai kỳ ở những lần mang thai trước đó.
- Phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 35 có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn.
- Phụ nữ từng có tiền sử sảy thai nhiều lần, sinh non, thai lưu không rõ nguyên nhân.
- Phụ nữ Việt Nam có tỷ lệ mắc tiểu đường khi mang thai khá cao. Một phần bởi chủng tộc Châu Á được chứng minh là có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao.
Các xét nghiệm dung nạp đường vào thời điểm tuần thai 24 đến 28 sẽ cho biết mẹ bầu có bị mắc bệnh lý tiểu đường thai kỳ hay không. Nếu kết quả xấu, mẹ bầu cần áp dụng kịp thời các biện pháp kiểm soát đường huyết và tìm hiểu tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân.
Mẹ bầu cần làm xét nghiệm để biết chính xác có bị tiểu đường thai kỳ hay không
Mẹ bầu cần làm xét nghiệm để biết chính xác có bị tiểu đường thai kỳ hay không
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ là nỗi lo lắng thường trực của mọi mẹ bầu, bởi bệnh lý này mang đến không ít nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Đối với mẹ bầu, đái tháo đường trong thai kỳ dẫn đến một loạt hệ lụy như:
- Làm tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai, sinh non, đa ối, nhiễm trùng đường tiết niệu và nguy cơ mổ lấy thai.
- Tiểu đường dẫn đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch ở mẹ bầu trong quá trình mang thai.
- Nguy cơ biến chuyển thành tiểu đường tuýp 2 ở mẹ bầu cũng gia tăng.
- Tăng nguy cơ gặp các tai biến trong thai kỳ.
Với thai nhi, mẹ bầu bị tiểu đường trong thai kỳ cũng có những ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Làm thai nhi chậm phát triển.
- Tăng nguy cơ sảy thai, dị tật bẩm sinh.
- Làm thai nhi tăng trưởng quá mức do tăng tiết insulin.
Ngay khi phát hiện bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, việc điều chỉnh chế độ ăn uống vô cùng cần thiết. Nhưng điều khiến mẹ lo lắng là liệu chế độ ăn cho người tiểu đường có làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi?
Tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân là nỗi lo lắng của nhiều mẹ bầu
Tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân là nỗi lo lắng của nhiều mẹ bầu
Tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân?
Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không có thực đơn chung và cố định cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, có những nguyên tắc mẹ bầu cần nhớ khi xây dựng chế độ ăn uống như:
- Chia nhỏ các bữa ăn, tránh ăn quá nhiều vào một vữa.
- Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu chất xơ.
- Sử dụng các chất béo lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
- Cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày với đầy đủ các nhóm chất thiết yếu.
- Giảm lượng đường tiêu thụ.
- Ưu tiên sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp đến trung bình.
Chưa biết tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân, mẹ bầu có thể tham khảo những gợi ý sau:
- Thực phẩm cung cấp protein lành mạnh: Các loại đậu, cá, thịt nạc, thịt gia cầm, các loại hạt dinh dưỡng (hạnh nhân, điều, mắc ca, óc chó, lạc…)
- Thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh: Dầu ô liu, dầu hướng dương, trái bơ, các loại hạt dinh dưỡng, cá hồi, cá ngừ…
- Các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp đến trung bình: Cam, bưởi, táo, lê, mận, bơ, kiwi, dâu tây…
- Các loại rau có chỉ số đường huyết thấp đến trung bình: Súp lơ, cà tím, bắp cải, đậu hà lan, măng tây, cà rốt…
- Các loại sữa: Sữa dành riêng cho người tiểu đường, sữa hạt, sữa không đường.
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong việc kiểm soát tiểu đường thai kỳ
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong việc kiểm soát tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì?
Ngoài những thực phẩm nên ăn, cũng có những thực phẩm mẹ bầu bị tiểu đường nên tránh. Chưa biết tiểu đường thai kỳ nên kiêng ăn gì, mẹ bầu có thể tham khảo danh sách dưới đây:
- Các thực phẩm nhiều đường: Bánh kẹo, nước ngọt, nước ép trái cây đóng lon, nước ép trái cây thêm đường, sữa có đường, trái cây nhiều đường nên ăn hạn chế.
- Các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate: Đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn chiên xào, đồ uống có cồn…
- Hạn chế các chất béo bão hòa: Mỡ động vật, bơ, phô mai, kem, sữa có đường, nội tạng động vật…
- Hạn chế thức ăn nhiều tinh bột: Cơm trắng, bánh mì trắng, bún, phở. Lượng tinh bột mỗi bữa ăn của mẹ bầu chỉ nên chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 chén cơm.
Mẹ bầu cần lưu ý, khi dùng bất cứ thực phẩm chức năng hỗ trợ tiểu đường hay thuốc hạ đường huyết nào cũng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Ở nước ta hiện nay, loại thuốc tiểu đường duy nhất được Bộ Y Tế cho phép sử dụng với phụ nữ mang thai là insulin.
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên. Việc tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng cũng rất hữu ích trong việc kiểm soát đường huyết. Vận động giúp cơ thể mẹ bầu sử dụng glucose mà không cần thêm insulin. Nhờ đó, cơ thể có thể chống lại tình trạng kháng insulin thường gặp.
Tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân là nỗi băn khoăn thường trực của những mẹ bầu không may bị đái tháo đường. Một thực đơn khoa học giúp mẹ bầu kiểm soát đường huyết, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Đồng thời, chế độ ăn chuẩn cũng giúp thai nhi phát triển bình thường.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.