Tìm đường đi cho dân tộc đi theo

100 năm trước, tại bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên đường ra nước ngoài với khát khao tìm con  đường cứu nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ. Đó là một quyết định mang tầm thời đại của Nguyễn Tất Thành – sau này là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh khi tìm ra con đường đưa dân tộc từ thân phận người dân nô lệ rũ bùn đứng dậy làm người dân của đất nước Việt Nam độc lập, tự do.

Cảng Sài Gòn một buổi trưa tháng 6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville nhổ neo bắt đầu hành trình vượt trùng dương về đất Pháp. Trên con tàu ấy, có người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành. Hành trang anh mang theo là 2 bàn tay trắng và khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, để đem lại: “Tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc mình”.

Bằng dự cảm chính trị thiên tài và sự phân tích đúng đắn tình hình đất nước, về các phong trào cách mạng bấy giờ, Nguyễn Tất Thành đã nhận thấy những hạn chế và bế tắc về mục tiêu và phương pháp cách mạng của các nhà yêu nước đương thời nên đã quyết tâm chọn cho mình một hướng đi riêng. Bởi muốn đánh đuổi kẻ thù thì trước hết phải hiểu rõ kẻ thù. Đó không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở; một ý chí quyết tâm vô cùng mạnh mẽ, một quyết định mang tầm thời đại, đáp ứng được đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

a ben nha rong.jpg

 

Bến Nhà Rồng – nơi Bác Hồ xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911.

Phó Giáo sư sử học Vũ Quang Hiển, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 5/6/1911 là một quyết định lịch sử, xuất phát từ một thiên tài trí tuệ và một nhãn quan chính trị rất sắc bén. Ở thời điểm đó, không phải ai cũng ra đi như vậy. Người ta có thể theo phái Đông du sang Nhật; sang Trung Quốc gặp Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, hoặc sang Pháp, nhưng người ta đi bằng con đường khác, có tổ chức, thậm chí có tài trợ. Còn Nguyễn Ái Quốc ra đi với hai bàn tay trắng, tự lao động, tự kiếm sống. Điểm đến đầu tiên của ông là nước Pháp với suy nghĩ, muốn đánh đuổi kẻ thù thì phải hiểu rõ kẻ thù”.

Trong hành trình vạn dặm khắp các châu lục, dù phải vất vả lao động kiếm sống, dù gặp phải muôn vàn khó khăn, không lúc nào Nguyễn Tất Thành, lúc này đã đổi tên là Nguyễn Ái Quốc xa rời mục tiêu của mình. “Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước”, trong quá trình bôn ba, Người tích cực tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, viết báo lên án chế độ bóc lột dã man, hà khắc của thực dân Pháp tại quê hương mình và những nơi Người đến, cổ vũ khích lệ tinh thần đấu tranh với áp bức bất công ở các nước thuộc địa, quan trọng nhất là Người đã nỗ lực tìm kiếm và xác định con đường cứu nước theo chủ nghĩa Mác-Lê nin. Đó là: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cách mạng ở nước ta. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn lịch sử nước ta, làm nên thành công rực rỡ của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Giáo sư sử học Văn Tạo phân tích: “Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu học thuyết khoa học Mác- Lê nin và truyền về Việt Nam một cách trong sáng. Chủ nghĩa Mác Lê nin nói giải phóng loài người khỏi ách áp bức bóc lột, trước hết phải tiêu diệt đế quốc xâm lược, phải giải phóng các dân tộc thuộc địa. Bác Hồ nắm được nguyên tắc ấy và Bác đã thông minh sáng suốt truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin vào Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam nhờ nắm được chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo như vậy nên giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc rồi mới làm cách mạng Chủ nghĩa Xã hội”.

Kiên định con đường đã chọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, “đánh thắng hai đế quốc to”, viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội. Sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vẫn mãi là tấm gương sáng ngời tinh thần yêu nước, hy sinh đời mình cho dân tộc. Bài học về nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc, tinh thần sáng tạo, độc lập tự chủ, tận trung với nước, tận hiếu với dân của Bác Hồ là di sản tinh thần, tư tưởng vô cùng quí báu để các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ noi theo.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học việc Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Chính Bác Hồ đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc. Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là bài học rất lớn cho bản thân cách mạng nước ta, đó là trong từng điều kiện thực tiễn, chúng ta tìm ra những giải pháp những con đường cho đất nước. Bài học cho thế hệ trẻ hôm nay tinh thần yêu nước, ý thức tực lực tự cường…”.

Một thế kỷ đi qua. Nhìn lại ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô nệ, chúng ta càng thấy tầm vóc và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của sự kiện này. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam thân yêu hôm nay đã được bắt đầu và quyết định từ những ngày tháng “Người đi tìm hình của nước”. Lòng yêu nước thương nòi, khát vọng cháy bỏng vì độc lập tự do cho dân tộc, quyết định mang tầm thời đại của Nguyễn Ái Quốc đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam: Thời đại Hồ Chí Minh. Những giá trị vô giá về tư tưởng, đường lối, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức độc lập tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được kế tục, phát huy trong sự nghiệp đổi mới để Việt Nam ngày càng vững bước tiến tới tương lai, sánh vai cùng với các nước trên thế giới./.

Rate this post

Viết một bình luận