Tìm hiểu về Kiểm sát viên tại Việt Nam

Kiểm sát viên là ai?

Kiểm sát viên là người thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, họ được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Việt Nam có 4 ngạch kiểm sát viên, bao gồm:

  • Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Kiểm sát viên cao cấp;
  • Kiểm sát viên trung cấp;
  • Kiểm sát viên sơ cấp.

Căn cứ vào các tiêu chuẩn được quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Kiểm sát viên sẽ được bổ nhiệm làm việc tại các Viện kiểm sát các cấp, bao gồm:

  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;
  • Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh);
  • Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện);
  • Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Kiểm sát viên là người thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa

Các công việc của nghề kiểm sát viên

Dưới sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát của từng cấp viện mà kiểm sát viên sẽ thực hành quyền công tố của mình cũng như kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nếu trong tố tụng hình sự, kiểm sát viên sẽ thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thì trong tố tụng dân sự, kiểm sát viên chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm sát viên được quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong quyền hạn của mình, kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm sát viên được quy định tại Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Điều kiện để trở thành kiểm sát viên

Tiêu chuẩn để trở thành kiểm sát viên được quy định tại Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, cụ thể là tại Điều 75. Theo đó:

Người muốn trở thành kiểm sát viên là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng và có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

  • Phải có trình độ cử nhân luật trở lên.
  • Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.
  • Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này.
  • Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quy trình để trở thành kiểm sát viên

Sinh viên muốn trở thành một kiểm sát viên tại Việt Nam thì phải trải qua 5 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Phải lấy bằng Cử nhân Luật

Cũng như các ngành nghề khác thuộc lĩnh vực pháp luật, sinh viên phải tốt nghiệp Đại học ngành Luật. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp từ trường Đại học kiểm sát cũng được xem là một lợi thế lớn. Hiện nay, Việt Nam có khá nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành Luật chất lượng như:

+ Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

+ Đại học Luật Hà Nội

+ Đại học Kinh tế Luật TP. Hồ Chí Minh

+ Đại học Luật Huế

+ Đại học Kiểm sát Hà Nội

Bước 2: Tham gia kỳ thi tuyển công chức ngành Kiểm sát

Quy trình cũng như thông tin thi tuyển công chức ngành kiểm sát sẽ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bước 3: Tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát viên

Cử nhân Luật phải trải qua khóa đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát viên trong 9 tháng.

Bước 4: Tham gia kỳ thi tuyển Kiểm sát viên các cấp

Sau khi hoàn thành khóa đạo tạo nghiệp vụ, Cử nhân Luật sẽ đủ điều kiện tham gia kỳ thi tuyển Kiểm sát viên các cấp. Nếu đậu kỳ thi này, chức danh được bổ nhiệm vào ngành sẽ là Chuyên viên.

Bước 5: Được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên

Sau khi công tác một thời gian, bạn sẽ phải đi học và thi. Nếu thi đậu sẽ được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp. Kế đó, bạn phải tiếp tục công tác với thời gian 5 năm ở ngạch Kiểm sát viên sơ cấp. Sau đó tiếp tục thi, và nếu thi đậu sẽ được bổ nhiệm lên Kiểm sát viên trung cấp. Tương tự với việc bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp và Kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Triển vọng và khó khăn của nghề

Làm việc trong ngành Kiểm sát sẽ giúp cho cử nhân luật có cơ hội tiếp cận thực tế các vụ án trong lĩnh vực luật dân sự và hình sự. Là một công việc nhà nước nên tính ổn định của nghề sẽ khá cao. Tuy nhiên, Kiểm sát viên là một nghề yêu cầu nghiệp vụ cao. Vì thế, sinh viên phải nỗ lực rất nhiều để có thể làm việc trong hệ thống Viện kiểm sát.

Ngoài ra, tỉ lệ cạnh tranh giữa các sinh viên tốt nghiệp hiện nay là rất cao. Nếu trước đây, các trường đại học chuyên về Luật như Đại học Luật Hà Nội hay Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là những cơ sở chuyên đào tạo Cử nhân Luật trong nước, thì hiện nay, sự xuất hiện của Đại học Kiểm sát – một cơ sở đào tạo Luật nhưng đi kèm với chuyên môn nghiệp vụ cao hơn, sẽ làm tăng tính cạnh tranh lên cao hơn rất nhiều. Trong những năm sắp tới, khả năng cao các Viện kiểm sát ở các cấp sẽ chỉ tuyển Cử nhân Luật cùng ngành, tức là sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Kiểm sát. Điều này phần nào sẽ làm giảm cơ hội về việc làm đối với các bạn Cử nhân Luật không phải chuyên ngành Kiểm sát.

 

 

Rate this post

Viết một bình luận