Tìm hiểu về loài cá vàng | Cổng TTĐT Tài năng trẻ Quốc gia

Cá vàng có rất nhiều “biến thể” độc đáo, tinh tế, ấn tượng lạ thường!

Cá vàng là một trong những loài cá được thuần hóa lâu đời nhất trên thế giới. Cá vàng bắt đầu được nuôi từ thời nhà Tống Trung Quốc vào những năm 960 trước Công Nguyên sau đó được đem bán rộng rãi vào thời nhà Minh (1368-1644 sau Công Nguyên). Vào năm 1.500 sau Công Nguyên, nó được đem sang Nhật Bản và có mặt tại châu Âu hơn 2 thế kỷ sau.

Cùng với thời gian, sự phát triển của cá vàng ngày càng đa dạng với rất nhiều giống mới được tạo ra bằng phương pháp lai tạo. Dưới đây là một số giống cá vàng độc đáo và tiêu biểu nhất đã được chọn lọc ra.

1. Cá vàng Ryukin
 

Giống cá sặc sỡ, bóng bẩy đến từ Nhật Bản với những chiếc vây lớn và chiếc mũi cong “bướng bỉnh” đặc trưng trông rất ấn tượng. Trong điều kiện nuôi tốt, cá có thể đạt đến chiều dài 21 cm.

2. Cá vàng Ranchu
 

Với người Nhật, giống cá này được xem như là “Vua của loài cá vàng” do vẻ đẹp ấn tượng hiếm có của nó. Là kết quả của việc nhân giống chéo từ giống cá đầu sư tử của Trung Quốc, cá vàng Ranchu không có vây và có rất nhiều màu sắc khác nhau.

3. Cá vàng đuôi bướm Jikin
 

Xinh đẹp, đáng yêu nhưng vô cùng quý hiếm, giống cá Jikin được tin là có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đặc điểm nổi bật nhất của nó là chiếc đuôi có dạng hình chữ X và cơ thể có màu trắng với “điểm nhấn” ấn tượng là đôi môi và những chiếc vây màu đỏ.

4.Cá vàng mắt kính viễn vọng Demekin
 

Giống cá này có đôi mắt lớn vô cùng độc đáo và rất sặc sỡ với nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, đỏ pha trắng, đen hay nâu. Mặc dù mắt chúng to như vậy nhưng tầm nhìn thì lại rất kém và được khuyến cáo là không nên nuôi chung với các loài khác trong cùng một bể.

5. Cá vàng Oranda
 

 

Oranda, giống cá tuyệt đẹp có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, đặc trưng bởi cái mũ giống như quả mâm xôi ở trên đầu. Đây là giống cá nổi tiếng và được ưa chuộng trên toàn thế giới do “bộ cánh” tuyệt sắc trên mình và chiếc đuôi 4 nhánh độc đáo “có một không hai”.

6. Cá vàng thủy phao nhãn Choten gan
 

Một giống cá lạ lùng đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng có đôi mắt to giống như loại cá mắt kính viễn vọng Demekin nhưng luôn ngước ngược lên bên trên, nhìn khá là kỳ cục. Thân mình thì có hình dáng giống loài cá ngư lôi và không có vây trên.

7. Cá vàng đầu sư tử Lionchu
 

Đây cũng là một giống cá “hiếm có khó tìm” của Thái Lan, được lai tạo từ giống đầu sư tư thông thường và Ranchu. Chiếc đầu lớn độc đáo và màu sắc trên vảy vô cùng ấn tượng là điểm đặc trưng nổi bật của giống cá này.

8. Cá vàng mắt bong bóng Suihogan
 

Giống cá độc đáo đến từ Trung Quốc này có tên gọi như vậy vì mắt của nó có 2 túi lớn phồng to chứa đầy chất lỏng. Chúng không có vây trên lưng và những con trưởng thành có kích cỡ từ 15-17 cm.

9. Cá vàng xà cừ Calico
 

Màu sắc của giống cá này sự pha trộn giữa các màu kim loại như đỏ, vàng, xám và đen với dải màu trong suốt tạo cho nó một vẻ ngoài ấn tượng, không lẫn vào đâu được.

10. Cá vàng Hanafusa hay PomPom
 

Đây là một giống cá đẹp trừ phần thịt thừa ngay trên mũi trông có phần “lạc điệu” với cơ thể. Dẫu vậy đó cũng là một dấu hiệu riêng biệt độc đáo để nhận biết được giống cá này.

11. Cá vàng ngọc trai Chinsurin
 

Một giống cá lạ nữa đến từ Nhật Bản với những chiếc vẩy trông như những hạt trân châu đủ màu được đặt tên là Chinsurin.

Kỹ thuật nuôi cá vàng Ryukin 3 đuôi

Với chiều dài cá tối đa lên đến 12 – 13cm, cùng với việc sở hữu nhiều đặc tính: dễ nuôi, sử dụng nhiều loại thức ăn, màu sáng đa dạng, cấu tạo hình thể gây sự chú ý và thích thú của nhiều người, … nên sự phân bố cá khá rộng rãi trên toàn thế giới.
 

Cá vàng đã được nuôi trong bể cạn, non bộ, trong bể kính, trong hồ cá từ lâu ở nước ta, đã thích nghi với điều kiện sống.

Nó không đòi hỏi thức ăn cầu kỳ, yêu cầu nhiệt độ nước và chất lượng nước gắt gao. Cá thích nước cũ, có thể chịu mặn tối đa là 10% và chịu được hàm lượng oxy trong nước rất thấp. Tuy nhiên không nên dùng nước máy, vì nước máy đã được thanh lọc không đủ chất cho cá ăn; mặt khác trong nước máy có một số chất khử trùng như Cl, Fl, …, cá không chịu nổi sẽ bị hao mòn rồi chết. Nếu bắt buộc phải sử dụng nước máy, thì phải lấy nước này đem phơi nắng vài giờ để khử bớt các hợp chất không lợi trong nước, đồng thời nước cũng hòa tan được một số hợp chất hữu cơ có trong không khí; như vậy nước sẽ có tính chất gần với nước tự nhiên, lúc đó mới đổ vào bể nuôi cá được.
 

Cá vàng ăn được nhiều loại thức ăn khô hay thức ăn nhân tạo nhưng các thức ăn này cần kèm thêm mồi sống. Chúng thích ăn giun đỏ nhỏ bằng sợi (trùn chỉ). Cá vàng háu ăn, tìm mồi liên tục và cũng thải nhiều phân nên cần rút bẩn thường xuyên bằng ống xiphông.

Sự sinh sản được thực hiện dễ dàng trong một bể nuôi lớn có đầy đủ ánh sáng mặt trời. Vào mùa sinh sản, có thể nhận biết cá đực bởi một số đặc điểm sau: nắp mang có những nốt sần đẹp, trên ngực và cơ thể có khi cũng có nốt sần, cá tỏ ra bị kích thích và đuổi theo cá cái và xô đẩy nó; cá đực dùng nốt sần kích thích cá cái. Còn cá cái đến mùa sinh sản cũng có bụng to hẳn ra ở một bên, cá bơi lội chậm chạp, lỗ sinh dục màu đỏ hồng đến đỏ sẫm và hơi lồi ra. Sau một thời gian giao hoan rất hăng, cá cái chui vào trong đám cây cỏ, co mình và quậy mạnh để tiết trứng. Trong lúc đó, cá đực luôn bám sát cá cái và dùng các nốt sần cọ vào đầu vào bụng cá cái để kích thích đồng thời tiết tinh dịch để thụ tinh cho trứng.
 

Cá sinh sản gần như quanh năm nhưng thích hợp nhất là vào tháng 3, tháng 6. Cá đẻ nhiều đợt. Trứng (độ 1000 cho tới 10.000 cho mỗi con cái) nhỏ và trong suốt, được đẻ gần bề mặt nước, thường dính vào cây cỏ. Cần thận trọng đưa cá bố mẹ ra ngoài, hoặc tốt hơn là mang những cây có dính trứng cá đem ra đặt trong một bể nuôi khác. Cần lưu ý là nước trong bể này phải có cùng nhiệt độ và phẩm chất như nước trong bể cá đẻ.

Sự ấp trứng lệ thuộc vào nhiệt độ (21 – 24 độ C), xảy ra trong 4 ngày. Nếu nhiệt độ nước cao hơn thì thời gian ấp sẽ ngắn hơn, chỉ còn 2 ngày rưỡi đến 3 ngày. Ngược lại, nếu nhiệt độ thấp thì cá phải ấp trong 6 – 8 ngày. Cá bột nở ra có thể ăn được tảo và trùng cỏ. Nếu nhìn cá con đều một màu nâu, ta không hình dung được sự biến đổi về sau để cá có màu sắc của cá bố mẹ. Màu vàng hay đỏ bắt đầu thay thế màu nâu đồng, điều này chỉ vào khoảng ngày thứ 60 hay 80 và nhiệt độ của nước không quá 20 độ C. Về hình dạng, cá con được di truyền từ những đặc tính hình thức của cá bố mẹ, đã có thể phân biệt được kể từ những ngày đầu của đời sống của cá con.

Cá con ăn khỏe và lớn nhanh. Sau một tháng, có thể đạt kích thước 2 – 3cm. Nếu ương nuôi tốt, tỷ lệ sống đạt trung bình 60 – 70%. Sự trưởng thành sinh dục chắc chắn là vào năm thứ hai. Để tạo cá sinh sản, cần chọn các cá thể 3 – 4 năm tuổi. Được chăm sóc cẩn thận, các cá vàng nuôi trong bể kính có thể sống tới 30 năm.

* Lưu ý: Khi nuôi cá vang hay mắc bênh ký sinh trùng nhất là vào mùa mưa, vậy nên phòng bệnh cho cá là tốt nhất trước khi cá bị bệnh. Bạn nên thay nước hàng tuần, mỗi lần thay nước thì để lại 30% nước cũ và châm nước mới vào.

Một số bệnh thường gặp ở cá vàng

Cá vàng là nhóm cá rất dễ mắc bệnh, làm cho tuổi thọ của chúng sẽ bị ngắn lại; dưới đây là một số loại bệnh thường gặp ở cá vàng được các chuyên gia ở tạp chí Sinh vật cảnh trực tuyến (PVRC) của Mỹ tư vấn.

1. Bệnh đốm trắng

Bệnh đốm trắng (Ichtyopthirius hoặc White spot disease) là căn bệnh dễ nhận biết trên cơ thể, vây của cá thường có các đốm trắng và phát triển tương đối nhanh. Đây là căn bệnh thường gặp, có mức độ lây nhiễm khá nhanh và nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Bệnh rất dễ phát hiện bởi các nốt thường có màu trắng, rộng chừng 1mm, xuất hiện nhiều trên các vây của cá. Đây là căn bệnh do các ký sinh trùng dưới đáy bể gây ra. Ban đầu là một nang bào (cyst) có khả năng kháng lại các loại thuốc, sau nở thành hàng trăm ký sinh trùng và bám vào cơ thể cá. Quá trình này làm suy yếu sức khỏe cá, thậm chí có thể tạo ra các lỗ nhỏ li ti trên thân cá và có mức độ phát triển rất nhanh.

Cách khắc phục: Có nhiều phương pháp hạn chế, trước tiên là tiếp cận với các chuyên gia bác sĩ thú ý để có những lời khuyên bổ ích, vệ sinh sạch sẽ làm sạch các ký sinh trùng gây bệnh, lọc nước sạch đổ vào khử khuẩn, cho cá ăn đều đặn, đủ chất và hợp vệ sinh.

2. Bệnh mục đuôi hoặc vây
Bệnh mục đuôi hoặc vây cá vàng là thuật ngữ nói về căn bệnh hoại mô ở đuôi và vây cá làm cho vây, đuôi dễ bị cụt đi, đặc biệt là ở các mép, gây biến dạng ảnh hưởng đến vẻ đẹp bề ngoài của cá. Phần lớn nguyên nhân gây bệnh là do stress và các điều kiện môi trường xung quanh gây ra và cũng là dấu hiệu đầu tiên nói về tình trạng sức khỏe của cá mà những người nuôi có kinh nghiệm dễ nhận biết.
 

Cách khắc phục: Ngoài nguyên nhân gây bệnh do stress còn có các yếu tố cấu thành khác như bể có quá nhiều ký sinh trùng, mật độ cá đông, thiếu ô xy, nước bẩn, … Khi đã phát hiện được bệnh thì nên khắc phục các tồn tại trên, có thể sử dụng các muối chuyên dụng, thuốc kháng sinh hay sử dụng loại bể hydrogen peroxide.

3. Bệnh nấm
Bệnh nấm (Fungus) là căn bệnh để lại các vết màu nâu, xám xuất hiện từng mảng trên thân cá, thậm chí trên toàn bộ da cá. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, kể cả nấm trên miệng lẫn trên thân đều có chung nguyên nhân giống nhau là do ký sinh trùng, do chấn thương, do đánh nhau trong bể, do nước bẩn, …

Cách khắc phục: Trước tiên là giữ vệ sinh nguồn nước bể, thường xuyên thay nước, áp dụng các phương pháp phòng ngừa nấm. Ví dụ như dùng xanh methylene (methylene blue) để vệ sinh bể, lọc nước. Nếu trường hợp cá đã nhiễm bệnh và có các vết thương mở thì nên dùng nước có pha muối với nồng độ 1 – 3 gam muối/lít.

4. Bệnh táo bón
Bệnh tạo bón (Constipation) thường gặp ở cá vàng khi cá gặp khó khăn trong việc đại tiện, hoặc bị dắt phân lủng lẳng phía hậu môn. Nguyên nhân chính của tìnhtrạng này là do ăn thiếu khoa học, không đủ chất hoặc do ăn quá nhiều thức ăn dạng bột.

Cách khắc phục: Nên thay đổi khẩu phần ăn cho cá, tăng cường thức ăn thô, thực phẩm sống như sâu bọ, đậu Hà Lan, rau bina… Nếu là thức ăn khô thì trước khi cho ăn nên ngâm nước cho mềm để giúp cá tiêu hóa tốt, giảm bệnh.

5. Bệnh phù nề
 Phù nề (Dropsy) là căn bệnh nhiễm khuẩn từ trong cơ thể của cá vàng làm cho cơ thể phù nề và vảy cá bị bong ra gây suy thận ở cá vàng.

Cách khắc phục: Một trong những phương pháp bảo vệ cá vàng tốt nhất, hiệu quả nhất trước bệnh phù nề là bảo vệ cá không bị ký sinh trùng tấn công, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm khuẩn và hạn chế bệnh thận. Có thể dùng thuốc chống khuẩn cho cá đồng thời vệ sinh bể cá, thay nước thường xuyên đồng thời duy trì nhiệt độ bể thích hợp.

6. Bệnh lồi mắt
Bệnh lồi mắt (Pop eye) là căn bệnh rất thường gặp ở cá vàng giống như bệnh Moor, Celestial và bệnh Water Bubble Eye, đây là căn bệnh làm giảm vẻ đẹp của cá và làm cho cá bị giảm thị lực, thường gây nên bởi nguyên nhân nhiễm trùng nước hoặc bệnh lao và đến nay chưa có cách khắc phục triệt để. Để phòng ngừa cần vệ sinh bể sạch sẽ, thay nước thường xuyên và duy trì nhiệt độ cũng như độ sáng thích hợp cho bể.
 

7. Bệnh rối loạn bong bóng khi bơi
Rối loạn bong bóng khi bơi (Swim bladder disorder) là căn bệnh làm cho cá nổi định kỳ một bên cơ thể lên mặt nước hoặc diễn ra khi đang bơi, sau khi hết bệnh nó lại trở về trạng thái bình thường. Trường hợp cá nằm nghiêng một bên trên bề mặt nước bất động kể cả khi chạm tay vào thì rất có thể đây là dấu hiệu mắc bệnh thận.

Cách khắc phục: Nên cho cá ăn thực phẩm ẩm để hạn chế quá trình trương bụng giúp cá dễ tiêu hóa. Tăng cường hàm lượng rau xanh trong thức ăn cho cá, thường xuyên thay vệ sinh nước bể chứa, có thể bổ sung một chút muối trong bể nhằm hạn chế căn bệnh do khuẩn ký sinh trùng gây ra. Nước bể phải đủ lượng ôxy cần thiết, nhiệt độ thích hợp và luôn thay lọc sạch sẽ.
 

                                                  ĐH tổng hợp (Nguồn: Thế giới cá cảnh)

Rate this post

Viết một bình luận