Tìm hiểu về ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 (ý nghĩa & nguồn gốc)

Nhắc đến ngày 1/6 thì mình nghĩ là ai trong mỗi chúng ta cũng sẽ cảm thấy vô cùng quen thuộc, gần gũi và mở ra nhiều kỉ niệm đúng không? Đơn giản là vì tuổi thơ của ai cũng có những kí ức liên quan đến ngày lễ này các bạn nhỉ?!

Khi nhắc đến ngày lễ 1/6, trẻ em lúc nào cũng háo hức, phấn khởi và dường như nó luôn gợi ra một cảm xúc thật tích cực, tươi mới, đầy vui vẻ cho tất cả chúng ta.

Vậy bạn có bao giờ tự hỏi ngày lễ 1/6 xuất phát từ đâu không? và nó có ý nghĩa như thế nào? tại sao lại lấy ngày 1 tháng 6 lại là ngày Quốc tế thiếu nhi? Vâng, nếu như bạn muốn biết câu trả lời thì mời bạn đọc hết bài viết sau đây ha !

tim-hieu-ve-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6

tim-hieu-ve-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6

#1. Ngày 1/6 là ngày gì?

Ngày 1/6 được gọi là “Ngày Quốc tế Thiếu nhi”, bên cạnh đó còn có một cái tên khác nữa là “Tết trẻ em”.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi tên Tiếng Anh là International Children’s Day !

Đây là dịp lễ dành cho trẻ em ở Việt Nam và trên toàn thế giới, là ngày mà các bé được thoải mái vui chơi, nhận được những lời chúc cùng những món quà từ gia đình, người thân và thầy cô.

Đối với trẻ em thì ngày 1/6 giống như là ngày Tết vậy, khi mà các em nhận được nhiều tình yêu thương, sự quan tâm, cùng với “lì xì” là những lời chúc, món quà từ mọi người xung quanh.

Còn đối với người lớn, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ thì đây là một dịp để họ dành nhiều thời gian hơn bên cạnh con cái, để người lớn thể hiện tình yêu thương của mình với con cháu, cũng như cùng nhau quây quần, hội tụ trải qua một ngày lễ thật ý nghĩa, ấm áp và tràn đầy tình yêu thương.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi còn được xem là ngày lễ vì trẻ em, cho nên đây cũng giống như một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta về việc bảo vệ trẻ em, chăm sóc tốt hơn cho trẻ em, bởi đây là những thế hệ tương lai của đất nước.

#2. Bao nhiêu tuổi thì được gọi là thiếu nhi?

Theo Liên hợp Quốc quy định thì thiếu nhi là những người chua đủ 18 tuổi. Từ 18 tuổi trở lên là người thành niên.

Còn ở Việt Nam chúng ta thì từ 6 đến 16 tuổi là tuổi thiếu nhi, bao gồm tuổi nhi đồng (từ 6 đến 10 tuổi) và thiếu niên (từ 11 đến 16 tuổi). Nhưng thông thường ngày Quốc tế thiết nhi dành cho các bé từ 5 đến 14 tuổi.

#3. Nguồn gốc, lịch sử của Ngày Quốc tế Thiếu nhi

Vào tháng 8 năm 1925, Hội nghị Thế giới vì Hạnh phúc Trẻ em (World Conference for the Well-being of Children) đã tuyên bố chọn ngày 1/6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Geneva, Thụy Sĩ.

Theo như tìm hiểu của mình thì cho tới nay, vẫn chưa có một lời khẳng định hay lời giải thích nào chắc chắn về lý do mà ngày 1/6 được chọn là ngày Quốc tế thiếu nhi.

Tuy nhiên, có một giả thuyết cho rằng Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco, Hoa Kỳ đã tập hợp một số trẻ mồ côi Trung Quốc để chào mừng Lễ hội Thuyền rồng (Dragon Boat Festival) vào 1/6/1925, và cũng trùng hợp với hội nghị tại Geneva.

tim-hieu-ve-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6 (2)

tim-hieu-ve-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6 (2)

Về sau, ngày lễ 1/6 được CHND Trung Hoa, Liên Xô và các nước đồng minh tiếp nhận (những nước theo chế độ chủ nghĩa xã hội).

Vào rạng sáng này 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ thuộc Tiệp Khắc, chúng đã bắt đi 173 đàn ông, 196 phụ nữ cùng với trẻ em.

Cũng tại nơi đây, chúng đã tàn sát 66 người và tống 104 trẻ em vào trại tập trung, có 88 trẻ em bị giết trong phòng hơi độc, 9 em khác thì bị đưa đi làm tay sai cho phát xít Đức.

Hai năm sau đó, cụ thể là vào ngày 10/6/1944, Đức quốc xã lại bao vây thị trấn Oradua của Pháp, chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, rồi phóng hỏa thiêu rụi toàn bộ, một cảnh tượng quá thương tâm.

Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc…

…. trong một nghị quyết của Đại hội Thế giới lần thứ hai của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế họp ở Budapest (tháng  12/1948) đã đề xuất việc thành lập một Ngày Quốc tế dành cho trẻ em hằng năm.

Gần 1 năm sau đó (tháng 11 năm 1949) thì tại cuộc họp Hội đồng của Liên đoàn này (tổ chức ở Moskva) đã có quyết định chính thức: Ngày 1/6 là ngày Quốc tế thiếu nhi.

Từ đó, ngày 1 tháng 6 đã được Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế thiết lập là ngày của trẻ em, là Ngày Quốc tế Bảo vệ Trẻ em, nhằm yêu cầu chính phủ các nước chịu trách nhiệm về cuộc sống của trẻ em và yêu cầu cắt giảm ngân sách quân sự, đồng thời tăng ngân sách cho giáo dục, bảo vệ, chăm sóc thanh niên, trẻ em.

Ý tưởng này cũng được Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới theo định hướng xã hội chủ nghĩa chấp nhận vào tháng 1/1950. Và ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên đã được tổ chức trong cùng năm đó (cụ thể là vào ngày 1 tháng 6 năm 1950).

Sau này đã dần lan rộng hơn ra nhiều quốc gia khác theo thể chế xã hội chủ nghĩa, lúc đó ngày 1/6 còn được gọi là “Ngày đấu tranh cho tương lai hạnh phúc và yên bình cho tất cả các trẻ em”.

Vào tháng 4/1952 tại Viên (thủ đô của Áo) đã diễn ra cuộc họp quốc tế bảo vệ trẻ em.

Hội nghị này đã yêu cầu tất cả các chính phủ đưa ra luật pháp cho các quốc gia của họ nhằm bảo đảm hạnh phúc của bà mẹ cùng với trẻ em, cũng như cấm sử dụng các phát minh khoa học để phục vụ cho mục đích chiến tranh.

Cho đến năm 1955, đại hội các bà mẹ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã họp tại thủ đô Mátxcơva, Nga để tố cáo âm mưu tái chiến của đế quốc, đồng thời kêu gọi các bà mẹ trên toàn thế giới thắt chặt hàng ngũ, đấu tranh vì một nền hòa bình lâu dài của đất nước.

Cũng kể từ đó, các tổ chức phụ nữ trẻ ở tại các quốc gia đều chọn ngày 1/6 là ngày biểu dương lực lượng chiến đấu chống lại các thế lực chiến tranh nhằm mục đích bảo vệ hạnh phúc cho bà mẹ và các trẻ em trên toàn thế giới.

Ngoài ra, dịp lễ này còn bao gồm các bài phát biểu về quyền của trẻ em và an sinh, bên cạnh đó còn có các chương trình truyền hình trẻ em, những buổi tiệc, cùng với những hoạt động khác nhau liên quan hay dành riêng cho trẻ em, gia đình sinh hoạt ngoài trời,…

Trên thực tế, ngày 1/6 phần lớn chỉ được diễn ra ở vài chục nước theo chế độ Chủ nghĩa xã hội trước đây. Việt Nam thuộc khối Xã hội chủ nghĩa nên đã chọn ngày 1/6 là Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Trung Quốc và Liên Xô cũ cũng chọn ngày này hàng năm làm ngày kỷ niệm cũng như tổ chức các chương trình bảo vệ quyền trẻ em.

#4. Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, và cũng là quốc gia thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.

Ngay sau khi nước ta giành được độc lập thì ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành một ngày truyền thống, một ngày hội vui chơi sôi nổi của thiếu nhi trên khắp cả nước.

tim-hieu-ve-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6 (3)

tim-hieu-ve-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6 (3)

Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) diễn ra trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trong thời kỳ cam go và ác liệt nhất, tuy nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Bác đã viết:

“Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.

Cũng kể từ đó, hàng năm, vào dịp Tết thiếu nhi cùng với Tết Trung thu, thiếu nhi Việt Nam lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ.

Bác Hồ luôn tận tụy quan tâm, dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Bên trong mỗi chúng ta là những kỉ niệm và kí ức riêng biệt, chúng ta khác nhau về tuổi thơ, về những tháng ngày còn “trẻ trâu”.

Nhưng ai cũng sẽ có những điều thật ý nghĩa và đáng nhớ cho riêng mình. Và ngày 1/6 là ngày khiến cho những tháng ngày tuổi thơ của chúng ta thêm phần tươi vui, hạnh phúc và tạo nên những kí ức đẹp về sau này.

#5. Một số thông tin khác về Ngày Quốc tế Thiếu Nhi

Trên thế giới có nhiều quốc gia cũng tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi nhưng vào những ngày khác nhau thay vì 1/6, cũng như có những cách tổ chức, ý nghĩa khác biệt.

  1. Điển hình như ở Australia (Úc) thì ngày Quốc tế thiếu nhi lại là ngày thứ Tư tuần cuối cùng của tháng 10.
  2. Trong khi đó, tại Brazil thì diễn ra vào ngày 12/10 (trùng với ngày Đức Mẹ Aparecida, một ngày nghỉ toàn quốc ở Brazil).
  3. Tại Mỹ thì họ gộp chung ngày Quốc tế thiếu nhi vào Ngày của mẹ, hoặc Ngày của cha)
  4. Ở Nhật Bản, Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày nghỉ toàn quốc, hay còn gọi là “Kodomo no Hi” được tổ chức vào ngày 5/5 hàng năm.
  5. Hàn Quốc cũng vậy, cũng giống Nhật Bản.
  6. Tại Ấn Độ thì lại diễn ra vào ngày 14/11, mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Jawaharlal Nehru (là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ). Sau khi ông qua đời vào ngày 27/5/1964, sinh nhật của ông đã được chọn là Ngày Bal Diwas hay còn gọi là Ngày thiếu nhi ở Ấn Độ.
  7. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, thì Ngày Trẻ em trùng với ngày Chủ quyền quốc gia (23/4) – ngày nghỉ của toàn dân..

Càng tìm hiểu nhiều thì mình càng thấy ngày lễ 1/6 này có nhiều sự đa dạng, cũng như khác biệt ở mỗi quốc gia.

Mỗi quốc gia sẽ có những truyền thống, nguồn gốc và cách kỉ niệm riêng. Vậy nên, vẫn có nhiều điều thú vị nữa mà trong bài viết này mình không thể viết ra hết được, vậy nên nếu bạn hứng thú thì có thể lên mạng tìm hiểu thêm nhé. ^^

#6. Ý nghĩa Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

tim-hieu-ve-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6 (2)

tim-hieu-ve-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6 (2)

Ngày Quốc tế Thiếu nhi ra đời và được kỉ niệm hàng năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính nhân văn không chỉ đối với trẻ em mà cả người lớn nữa.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 giống như một lời nhắc nhở mọi người là hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn, phải đấu tranh để bảo vệ trẻ em trước các thể loại xâm hại, bạo lực…

Bên cạnh đó là để tạo điều kiện, xây dựng môi trường, cũng như cố gắng để tạo một ký ức đẹp đẽ và ý nghĩa, cùng với sự giáo dục toàn diện trong giai đoạn tuổi thơ của mỗi đứa trẻ.

Hơn nữa, đây còn là một dịp thích hợp để chúng ta dành thời gian cho nhau, người lớn dành sự quan tâm nhiều hơn cho trẻ em, thể hiện tấm lòng mình một cách cụ thể hơn, sâu sắc hơn.. qua những lời chúc ấm áp, cùng những món quà nhằm đem đến niềm vui cho trẻ em.

Đây không chỉ là một ngày lễ với nhiều niềm vui, mà còn mang nhiều thông điệp đằng sau về nguồn gốc, lịch sử hình thành cùng những diễn biến liên quan, khiến chúng ta thêm thấu hiểu và nhận ra nhiều điều ý nghĩa, cũng như những trách nhiệm cần thiết đối với trẻ em, với thế hệ tương lai của đất nước.

#7. Lời kết

Như vậy là chúng ta vừa tìm hiểu khá kĩ về ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 rồi 🙂 Bạn thấy thế nào?

Cá nhân mình thì khá bất ngờ khi tìm hiểu về Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, không ngờ là đằng sau nó lại diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, cũng như ý nghĩa sâu sắc đến vậy.

Hi vọng là bài viết đã đem lại cho các bạn những thông tin hữu ích, những góc nhìn mới mẻ về Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây, chúc các bạn một ngày lễ 1/6 thật ý nghĩa và trọn vẹn nha. ^^

Đọc thêm:

CTV: Vũ Nam Phương – Blogchiasekienthuc.com

Bài viết đạt: 5/5 sao – (Có 2 lượt đánh giá)

Rate this post

Viết một bình luận