Tìm hiểu về thơ đường luật – Deha law

I. Tổng quát (Trích từ quyển Văn học Việt Nam của GS Dương Quảng Hàm, viết tại Hà Nội tháng 6 năm 1939)

Thơ Đường luật hay thơ cận thể là thể thơ đặt ra từ đời nhà Đường (618-907) bên Trung Hoa, phải tuân theo luật lệ nhất định. Thơ Đường luật và thơ Đường là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau:

– Thơ Đường luật: là thơ làm theo Thi luật đặt ra từ đời nhà Đường bên Trung Hoa. Sang Việt Nam, Thi luật được gọi là thể thơ Đường luật;

– Thơ Đường hay Đường thi: là những bài thơ của các thi sĩ Trung Hoa làm dưới thời nhà Đường, nổi tiếng nhất là 300 bài được gọi là Đường thi tam bách thủ. Trong số đó có một số được làm theo thể thơ Đường luật, số còn lại làm theo các thể thơ khác, phần lớn là thơ cổ phong.

Tứ tuyệt và bát cú

Theo số câu trong bài, thơ Đường luật chia ra làm hai lối: Tứ tuyệt và Bát cú

– Tứ tuyệt: 4 câu

– Bát cú: 8 câu

Trong hai lối ấy, lối bát cú là lối chính, mà bát cú vần bằng là phổ biến hơn cả.

1. Vần, cách gieo vần

Có 5 vần gieo ở cuối câu đầu và các câu chẵn, nghĩa là cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8. Suốt bài thơ chỉ gieo một vần (một từ) gọi là độc vận.

Lạc vận và cưỡng áp: Làm thơ phải hiệp vận cho đúng. Nếu gieo sai như CÂY đi với HOA là lạc vận (lạc: rụng). Nếu vần gieo gượng thì gọi là cưỡng áp. Hai cách này đều không được cả.

2. Đối

Những câu phải đối trong một bài thơ bát cú, trừ hai câu đầu, hai câu cuối, còn bốn câu giữa cứ hai câu đối nhau: 3 với 4; 5 với 6 (sẽ đề cập chi tiết hơn ở phần sau).

3. Luật

Là cách sắp xếp tiếng bằng và tiếng trắc trong các câu của bài thơ. Luật nhất định buộc người làm thơ phải theo đúng mà đặt. Luật được chia ra Luật bằng và Luật trắc. Sau đây là Bảng luật:

Ký hiệu:

   B = âm bằng

   T = âm trắc

   v = vần

Luật bằng: Câu đầu tiên của bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng

a. Luật bằng vần bằng:

Câu 1: B B T T T B B (v)

Câu 2: T T B B T T B (v)

Câu 3: T T B B B T T

Câu 4: B B T T T B B (v)

Câu 5: B B T T B B T

Câu 6: T T B B T T B (v)

Câu 7: T T B B B T T

Câu 8: B B T T T B B (v)

b. Luật bằng vần trắc:

Câu 1: B B T T B B T (v)

Câu 2: T T B B B T T (v)

Câu 3: T T B B T T B

Câu 4: B B T T B B T (v)

Câu 5: B B T T T B B

Câu 6: T T B B B T T (v)

Câu 7: T T B B T T B

Câu 8: B B T T B B T (v)

Luật trắc: Câu đầu tiên của bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng hai tiếng trắc

a . Luật trắc vần bằng:

Câu 1: T T B B T T B (v)

Câu 2: B B T T T B B (v)

Câu 3: B B T T B B T

Câu 4: T T B B T T B (v)

Câu 5: T T B B B T T

Câu 6: B B T T T B B (v)

Câu 7: B B T T B B T

Câu 8: T T B B T T B (v)

b. Luật trắc vần trắc:

Câu 1: T T B B B T T (v)

Câu 2: B B T T B B T (v)

Câu 3: B B T T T B B

Câu 4: T T B B B T T (v)

Câu 5: T T B B T T B

Câu 6: B B T T B B T (v)

Câu 7: B B T T T B B

Câu 8: T T B B B T T (v)

Ngoài việc tuân theo luật bằng – trắc, còn phải tuân theo vần (sẽ đề cập chi tiết trong một mục khác).

4. Thất luật

Trong một câu thơ, theo “phân minh” chữ nào đáng là bằng mà đặt tiếng trắc, hoặc đáng trắc mà đặt tiếng bằng, thì gọi là thất luật (sai luật thơ), không được.

5. Niêm

Niêm nghĩa đen là dính với nhau, là sự liên lạc âm luật của hai câu thơ trong một bài thơ Đường luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi nào hai chữ đầu câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Trong một bài thơ bát cú, những câu sau đây niêm với nhau:

Câu 1 niêm với câu 8

Câu 2 niêm với câu 3

Câu 4 niêm với câu 5

Câu 6 niêm với câu 7

6. Thất niêm

Trong một bài thơ, nếu cả hai câu thơ đặt sai luật, như đang bắt đầu bằng bằng đặt làm trắc trắc hoặc trái lại thế, làm cho tất cả câu thơ trong bài không niêm với nhau thì gọi là thất niêm (mất sự dính liền), không được.

7. Bất luận và phân minh

Để cho khỏi gò bó, dễ sử dụng từ ngữ, trong bài thơ, chữ thứ 1, 3, 5 không cần theo đúng luật bằng trắc: Nhất tam ngũ bất luận (tuy nhiên để bài thơ có âm điệu hay thì chữ thứ 5 không nên theo lệ bất luận). Những chữ thứ 2, 4, 6 buộc phải tuân theo đúng luật bằng trắc: Nhị tứ lục phân minh.

8. Khổ độc

Nghĩa là khó đọc, đọc lên trúc trắc không được êm tai. Tuy theo lệ “bất luận” có thể thay đổi mấy chữ trong câu thơ, nhưng đáng trắc mà đổi ra bằng thì bao giờ cũng được, chứ đáng bằng mà đổi ra trắc thì trong vài trường hợp, sự thay đổi ấy làm cho bài thơ khổ độc.Những trường hợp ấy là: Chữ thứ 3 các câu chẵn và chữ thứ 5 các câu lẻ đáng là bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.

9. Các bộ phận trong bài thơ

Một bài thơ bát cú giống như bức tranh. Trong cái khung nhất định 8 câu 56 chữ, làm sao vẽ thành một bức tranh hoàn toàn, hình dung được ngoại cảnh của tạo vật hay nội cảnh của tâm giới. Bởi vậy phải sắp đặt các bộ phận cho khéo. Có bốn phần là: Đề, Thực, Luận và Kết.

– Đề thì có Phá đề (câu 1) là câu mở bài, nó lung động cả ý nghĩa trong bài và Thừa đề (câu 2) là câu nối với câu phá đề mà nói đến đầu bài.

– Thực, hay Trạng (câu 3-4): là giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thì chọn các cảnh sắc xinh đẹp đặc biệt mà mô tả ra, nếu là thơ tả tình thì đem các tình tự giãi bày ra; nếu là thơ vịnh sử thì lấy công trạng của người mình muốn vịnh mà kể ra.

– Luận (câu 5-6): là bàn bạc. Nếu là thơ tả cảnh thì nói cảnh ấy xinh đẹp như thế nào; vịnh sử thì hoặc khen hoặc chê, hoặc so sánh người ấy, việc ấy với người khác, việc khác.

4- Kết (câu 7-8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại cho mạnh mẽ rắn rỏi, trong đó câu số 7 là câu Chuyển và câu 8 là câu Hợp.

II. Phép đối

Câu đối là các câu văn đi song song với nhau từng cặp, ví dụ:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Trong bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, bắt buộc phải có đối với nhau giữa các câu 3 và 4, câu 5 và 6. Muốn câu đối chỉnh và cân, phép đối cần phải hội đủ 3 điều kiện: đối thanh, đối ý, đối từ loại.

1. Đối thanh

– Bảng luật bằng:B B T T B B T – T T B B T T B

– Bảng luật trắc:T T B B B T T – B B T T T B B

Chí ít là các chữ 2, 4, 6, 7 phải theo đúng luật bằng trắc.

2. Đối ý

Ý câu trên và ý câu dưới hoặc chống nhau, hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau, ví dụ:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

3. Đối từ loại

Danh từ Danh từ

Danh từ riêng Danh từ riêng

Danh từ chung Danh từ chung

Động từ Động từ

Trạng từ Trạng từ

Tính từ Tính từ

Tính từ lại có nhiều loại, nên:

Gợi hình Gợi hình

Màu sắc Màu sắc

Mùi vị Mùi vị

Tượng thanh Tượng thanh

Số lượng Số lượng

Mùa tiết Mùa tiết

Phương hướng Phương hướng

Từ kép Từ kép

Từ đơn Từ đơn

Thành ngữ Thành ngữ

Biệt ngữ Biệt ngữ

Hán Việt Hán Việt

Thuần Việt) Thuần Việt…

Hai cặp đối là tinh hoa của bài thơ Đường luật . Nó là đặc điểm chính để nhận biết một bài thơ Đường luật. Hai cặp đối này còn giúp đo lường trình độ làm thơ Đường luật của tác giả. Một bài thơ thất ngôn bát cú mà không có 2 cặp đối ở Thực và Luận thì không phải là một bài thơ Đường luật.

III. Phép họa thơ Đường luật

1. Các thể thức họa thơ Đường luật

Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Hoạ hạn vận và Hoạ phóng vận.

1.1 . Họa hạn vận

Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa hạn vận này khác với thể Họa phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải:

– Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn

– Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định

Ví dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:

Ðầu đề (nội dung) là:

Trống treo ai dám đánh thùng

Bậu không ai dám dở mùng chun vô

5 vần hạn định theo thứ tự là: xô – cô – vô – ô – rô.

Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất, tác giả lại là một thiền sư. Bài thơ như sau:

Nào phải là ai dám giục xô

Thuận tình trước hết tự nơi cô

Có cho mới dám trao dùi đánh

Không hẹn nào ai đẩy cửa vô

Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa

Ham vui quên hết chuyện dâm ô

Thói hư thuần thước xưa còn lạc

Đừng học làm chi gióng nhảy rô

Ví dụ khác: Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đào Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:

– Đầu đề: Xuân Khuê.

– Hạn 5 vần: chờ – hờ – thưa – tơ – thơ.

– Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.

Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của thi sĩ Phan Mạnh Danh:

XUÂN KHUÊ

Một mong hai đợi bốn ba chờ

Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ

Nửa gối năm canh gà gáy giục

Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa

Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ

Chín khúc bên lòng vạn mối tơ

Ngàn trượng thành sầu đo thước khó

Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ

1.2. Họa phóng vận

Họa phóng vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa nguyên vận, Họa đảo vận, Họa hoán vận và Hoạ tá vận.

a. Họa nguyên vận

Là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa đồng luật.

b. Họa đảo vận

Là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.

c. Họa hoán vận

Là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.

d. Họa tá vận

Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm.

Hoạ nguyên vận, hoán vận, đảo vận: dùng vần đồng âm đồng nghĩa (và cùng từ loại).

Hoạ tá vận: dùng vần đồng âm dị nghĩa (và không cùng từ loại).

2. Phần quan trọng trong họa thơ

Họa thơ theo thể thức phóng vận (gọi tắt là họa thơ) bao gồm 3 phần chính quan trọng sau đây:

Đã có một bài thơ sẵn trước gọi là Bài xướng. Bài xướng có thể chọn một bài đã có sẵn từ xưa, hoặc một bài do một người làm trước “thách đố” cho người khác đáp lại. Người đáp lại thì bài đó gọi là Bài họa. Bài họa phải có ít nhất 3 yếu tố quan trọng sau đây:

1. Họa vần: 5 vần tức là 5 chữ cuối của các câu 1, 2, 4, 6, 8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi.

2. Bài xướng nói lên ý gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.

3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Ví dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại. Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen một vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).

Tóm lại, 3 yếu tố trên là cần thiết cho 1 bài họa xuất sắc. Sau đây là một ví dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu.

Bài xướng

TÔN PHU NHÂN QUY THỤC

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng

Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông

Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc

Về Hán trau tria mảnh má hồng

Son phấn thà cam dày gió bụi

Đá vàng chi để thẹn non sông

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn

Thà mất lòng anh được bụng chồng

(Tôn Thọ Tường)

Bài họa

TÔN PHU NHÂN QUY THỤC

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng

Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông

Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng

Duyên về đất Thục đượm màu hồng

Hai vai tơ tóc bền trời đất

Một gánh cương thường nặng núi sông

Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết

Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng

(Phan Văn Trị)

3. Chú ý khi họa thơ

Họa phóng vận là sáng tác một bài thơ gọi là Bài họa, dựa trên hệ thống vần của một bài thơ có trước gọi là Bài xướng. Sau khi có bài xướng, người làm thơ họa sáng tác một bài khác, dùng lại đúng 5 chữ vần của bài xướng. Bài họa phải diễn đạt lại nội dung của bài xướng, không được lạc đề. Thường là bài họa phải đối luật với bài xướng, nếu bài xướng luật bằng thì bài họa phải luật trắc và ngược lại. Kẹt lắm mới làm bài họa đồng luật với bài xướng.

Không được dùng lại chữ thứ 6 (chữ kế cuối) trong các câu có vận (câu 1, 2, 4, 6, 8) của bài xướng và tất cả những bài đã hoạ trước đó. Nếu dùng lại chữ kế cuối là phạm nguyên tắc “khắc lục”, là lỗi cấm kỵ trong họa vần thơ Đường luật.

4. Hàm ý trong xướng họa

Xướng hoạ thơ Đường luật là có hàm ý đối hoạ ở trong đó, người ta xướng ra mình phải đối đáp lại, vì vậy nếu chỉ một bài xướng và một bài hoạ thì bài hoạ bắt buộc phải đối luật với bài xướng, trường hợp bất khả kháng không thể đối luật được thì có thể châm chế hoạ đồng luật, nhưng bài hoạ đồng luật sẽ bị giảm giá trị vì không đáp ứng đúng thể thức xướng hoạ đúng cách. Bắt đầu những bài hoạ sau đó (nếu có) thì có thể dùng luật gì cũng được. Hoạ thơ là “vẽ lại” hình ảnh của bài xướng cho nên phải trung thực với bài xướng về ý cũng như vần. Hoạ sai ý bài xướng là không đạt. Hoạ sai bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất vận, không đạt. Xuất vận là đi ra khỏi sự hạn định về vần của bài xướng. Hoạ sai nghĩa bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất ý, không đạt. Xuất ý là đi ra khỏi ý nghĩa chữ vần của bài xướng. Hoạ thơ Đường luật đúng cách rất khó.

Khi bạn bè (thi hữu) chung vui xướng họa với nhau, có thể dùng thể thức Họa tá vận (tức là mượn vần) để hoạ những vần tử vận và tử ý. Cách này không đạt nhưng cốt là để cùng nhau vui vẻ mà thôi. Nhưng cũng không nên đi xa thi đề (nội dung của bài xướng). Lấy ví dụ tử vận xót xa không thể nào họa nguyên vận theo chính họa được. Chúng ta có thể họa tá vận (mượn vần) theo bàng họa là xa xa, từ xa, đàng xa v.v… chẳng hạn. Dĩ nhiên là sai nghĩa của chữ xót xa rồi (bởi vậy mới bị xuất ý: không đạt), nhưng cốt để cùng nhau vui vẻ mà thôi.Thông vận, bàng đối và bàng hoạ… không xuất sắc.Làm thơ, nếu dùng thông vận thì nên dùng cận vận mà không nên dùng viễn vận. Viễn vận và cưỡng vận không hay, hạn chế dùng.

(Theo Hoàng Thứ Lang).

IV. Luật về điệu thơ

Điệu thơ là cách xếp đặt các tiếng trong câu thơ sao cho êm tai, dễ đọc, để bài thơ có âm hưởng du dương trầm bổng như nhạc điệu. Điệu thơ gồm có 3 phần chính:

1. Nhịp điệu

Thơ Đường luật nhịp chẵn, ngắt nhịp 2 hoặc 4 tiếng trọn nghĩa (2-2-3 hoặc 4-3), nhưng đôi khi cũng có thể làm nhịp 3-4 theo dụng ý tác giả.

2. Âm điệu

Nên làm theo chính luật để bài thơ có âm điệu êm tai trầm bổng.

3. Vần điệu

Nên gieo vần ở cuối các câu 1-2-4-6-8 xen kẽ tiếng không có dấu với tiếng có dấu huyền để bài thơ khi đọc lên nghe du dương trầm bổng như điệu nhạc.

NHỮNG DẠNG THƠ ĐƯỜNG LUẬT ĐẶC BIỆT

1. Họa vận đối đáp

Một người làm bài xướng lên, một người khác làm bài khác họa lại. Ngoài việc các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, thì ý nghĩa còn phải hoặc phụ theo cho rộng, hoặc trái hẳn lại (phản đề), ví dụ:

HỎI Ả BÁN CHIẾU

Xướng:

Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa, được mấy con?

(Nguyễn Trãi)

Họa:

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,

Cớ chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, hỏi chi con!

(Nguyễn Thị Lộ)

2. Thủ nhất thanh (nhất đồng)

Từ đứng đầu các câu thơ đều giống nhau, ví dụ:

MẸ YÊU

Mẹ đã cho con thấy cuộc đời

Mẹ, nguồn ánh sáng chẳng hề vơi

Mẹ từ ngút ngát hương đồng ruộng

Mẹ hóa thênh thang ánh biển trời

Mẹ, bát cơm đầy luôn ấp nhủ

Mẹ, dòng sữa ngọt mãi trào khơi

Mẹ nâng thực tiễn hòa chân lý

Mẹ dẫu muôn phương vẫn dậy lời

(Thu Trang)

3. Thủ nhất tự

Chữ cái đứng đầu các câu thơ đều giống nhau, ví dụ:

MƠ HOA

Lá trải thêm mùa ruộm ý nguyên

Lời thương vẫn ủ nét mơ huyền

Len dòng nhạc đẫm cung hờn tuổi

Lỗi giọt tơ nhòa mắt ngẩn duyên

Luống cỏ miền xa dằn nhụy nắng

Lề sông thuở cũ mộng hoa thuyền

Lay chiều ước hẹn trăng viền ngõ

Lẩn khuất hương tình gợi thúy uyên

(Nguyễn Quốc Bình)

4. Chiết tự khoán thủ

Lấy các chữ cái trong tựa đề làm âm đầu cho các từ ở đầu mỗi câu thơ, ví dụ:

QUỐC BÌNH

Quang trời nắng dệt ánh nồng say

Uống giọt nguồn khơi tỏ tháng ngày

Ống kính không gian tầm sóng phủ

Con thuyền vũ trụ lướt sao bay

Bao luồng nghĩa cả từng suy gẫm

Ít khoảng tình riêng chẳng giãi bày

Ngấm đủ tinh hoa từ cuộc sống

Hương mùa kết đọng những vần hay

(Minh Thái)

5. Chiết tự khoán tâm

Lấy các chữ cái trong tựa đề làm âm đầu cho các từ thứ 4 (từ trung tâm) của mỗi câu thơ, ví dụ:

QUỐC BÌNH

Đây, miền Tổ Quốc thật là xinh
Hết cảnh âm U sẽ rạng hình
Dạ ngẫm đời Ôn vàn khó nhọc
Noi dòng trải Cuộc mấy quang vinh
Lùa xuân vút Bổng trời ân ái
Dỗ biển nằm Im gió tự tình
Để bữa trăng Ngời, khi nắng hửng
Mai này thỏa Hẹn ngõ bình minh

(Nguyễn Quốc Bình)

6. Tung hoành trục khoán

Dùng cặp câu đối làm chủ đề cho bài thơ. Các từ trong vế thứ nhất làm từ đầu tiên cho các câu thơ từ một đến bảy (trục tung), nguyên vế thứ hai đặt làm câu thứ tám (trục hoành), ví dụ:

NGÕ HẠ TÌNH XUÂN

“Hạ choán tình xuân dường ý vị

Xuân dòng ngõ hạ cháy tâm can”

NGÕ HẠ TÌNH XUÂN

Hạ vừa tãi nắng ửng nhành xoan
Choán nhẹ mùi hương gió cải làn
Tình đã mơ màng bung tóc chải
Xuân còn lưỡng lự vén sương đan
Dường tơ trổ phím dày cung bậc
Ý thẳm tầng không ngỡ giọt tràn
Vị ái dâng thành muôn xúc cảm
Xuân dòng ngõ hạ cháy tâm can

(Nguyễn Quốc Bình)

7. Điệp từ

Tất cả các câu đều có từ được lặp lại (điệp từ).

* Điệp từ ở vị trí bất kỳ trong mỗi câu, ví dụ:

CÓ LẼ NÀO

Có lẽ mình yêu, chả lẽ nào!

Như là nhớ vậy, nghĩa là sao?

Ngày xui gặp gỡ lòng xui thoả

Buổi trót tương tư dạ trót cào

Dõi đất, mơ nồng hương đất dậy

Nom trời, ước thoảng gió trời xao

Người thôi cách biệt tình thôi lỡ

Tựa sát vai nhau, quyện sát vào

(Nguyễn Quốc Bình)

* Điệp từ ở vị trí đầu và cuối mỗi câu, còn gọi là “Vận hồi đầu”, ví dụ:

VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

Trường xưa trở lại, vắng sân trường
Hương cũ bông cài lạc dấu hương
Nắng mảng còn vương chiều dại nắng
Tường rêu đã phủ nét hoang tường
Nhớ tà áo mỏng chênh chao nhớ
Thương tóc vai gầy rộn rã thương
Trống lặng ru mình nghiêng giá trống
Đường ai vẩy mực… tím hoen đường

(Nguyễn Quốc Bình)

8. Điệp từ láy

Tất cả các câu đều có điệp từ láy, ví dụ:

QUA MIỀN TÂY BẮCChập chùng núi vẽ chập chùng sương
Lắt lẻo xuyên mây lắt lẻo đường
Vi vút khuông chiều vi vút thoảng
Dặt dìu quãng sáo dặt dìu vương
Vòng vo cảnh dẫn vòng vo tựa
Nắc nỏm tình khơi nắc nỏm dường
Văng vẳng ai cười văng vẳng tiếng
Ngạt ngào thả gió ngạt ngào hương!

(Nguyễn Quốc Bình)

9. Song điệp

Tất cả các câu đều có điệp từ kép, ví dụ:

BỒNG PHIÊU

Dập dập dìu dìu những gót phiêu

Mây mây gió gió ngả hương chiều

Nồng nồng dịu dịu trăng vừa nhú

Ngát ngát bừng bừng lửa đã thiêu

Mắt mắt môi môi nhoài xiết…, đủ

Ân ân ái ái ngoảnh xem…, nhiều

Khoan khoan nhặt nhặt so đều cữ

Bổng bổng trầm trầm, ấy cuộc yêu!

(Nguyễn Quốc Bình)

10. Lưỡng đầu xà

Một dạng đặc biệt của song điệp, cặp điệp từ ở vị trí đầu và cuối mỗi câu, cặp từ sau hoán đổi vị trí của cặp từ trước (ví như con rắn hai đầu), ví dụ:

HƯƠNG MÙA VÂY

Vây ngõ sông hồ lượn ngõ vây

Đầy hương ủ nhụy ngát hương đầy

Núi vờn quãng bổng tiêu vờn núi

Mây dạo cung trầm én dạo mây

Nhỏ bước ghìm âm dằn bước nhỏ

Gầy trăng dợn ảnh vỡ trăng gầy

Khẽ lùa cánh mỏng, tơ lùa khẽ

Cây ngả vai chiều… bóng ngả cây

(Nguyễn Quốc Bình)

11. Lưỡng đầu xà nghịch thiệt

Một dạng đặc biệt của song điệp, cặp điệp từ đứng ở đầu và cuối mỗi câu, cặp sau là cách nói lái của cặp trước (nghịch thiệt với nghĩa là trẹo lưỡi), ví dụ:

HƯƠNG ĐỒNG

Đông tràn, lũ quạ khép đàn trông
Vồng ngút triền đê cải vút ngồng
Đậm gió trai hiền quăng đó giậm
Nông cày nữ đảm nhắc này công
Vữa sương, lúa hẹn kỳ vương sữa
Chồng đất màu vun buổi chất đồng
Tắm thỏa hương đời khi tỏa thắm
Bông sờ nặng trĩu khoảnh bờ sông

(Nguyễn Quốc Bình)

12. Nói lái

Một dạng đặc biệt của song điệp, cặp điệp từ đứng ở bất kỳ vị trí nào trong câu, cặp sau là cách nói lái của cặp trước, ví dụ:

HƯƠNG MÙA

Lá trải hương chiều… trái lả say
Tở manh nắng sẫm mảnh tơ dày
Đông về ả lúa vê đồng quyện
Cánh xẻ anh chuồn xé cảnh lay
Nhằm đá vàng so đà nhắm buổi
Ngỡ cung bậc ruổi cũng ngơ chày
Bên thềm xoắn xỏa thêm bền ý
Tịnh lứa cau trầu lựa tính ngay!

(Nguyễn Quốc Bình)

13. Điệp ngữ

Tất cả các câu đều có cụm từ lặp lại.

* Nếu cụm từ gồm hai từ, gọi là “Nhị điệp”, ví dụ:

LỐI VỀ CÓ NHAU

Nhé khổ đau này… giã khổ đau

Giòn tươi màu nắng lại tươi màu

Dâng nồng ý nguyện thơm nồng ý

Quệt thắm cau trầu đỏ thắm cau

Tấm lụa nõn phơi hoàn lụa nõn

Nguồn tơ nhàu chải hết tơ nhàu

Thôi đừng giận hỡi xin đừng giận

Hẹn có nhau về thuở có nhau

(Nguyễn Quốc Bình)

* Nếu cụm từ gồm ba từ, gọi là “Tam điệp”, ví dụ:

CHO ĐỜI SẮC HƯƠNG

Một chút hờn ghen một chút hờn

Ngõ sầu đơn lạnh ngõ sầu đơn

Hồn thơ thẩn ngóng hồn thơ thẩn

Giấc chập chờn in giấc chập chờn

Ngăn bởi oán cừu ngăn bởi oán

Trải bằng ơn nghĩa trải bằng ơn

Tường câu đạo lý tường câu đạo

Chẳng úa sờn duyên chẳng úa sờn

(Nguyễn Quốc Bình)

14. Bát điệp

Tất cả các câu đều nhắc lại một từ, ví dụ:

XUÂN VĨNH TẠI

Xuân này góp nữa, bảy lăm xuân

Mải miết xuân qua những đỉnh trần

Phước phận duyên tuỳ xuân hảnh trí

Xuân ngùi dạ ái nộ bi phân

Dang tay tuổi dệt bừng xuân sáng

Điểm tóc xuân khai dõi tuế ngần

Trải suốt cung đường xuân vĩnh tại

Tâm bình đối diện ắt xuân ngân

(Nguyên Lê)

15. Bát điệp độc vận

Tất cả cá câu đều nhắc lại một từ, toàn bài dùng một từ vần, ví dụ:

XUÂN VÀ THƠ

Xuân tự ngàn xưa, bạn với Thơ

Tình Xuân là cả vạn lời Thơ

Ðẹp duyên hoa bút, Xuân ngời sắc

Rộn khúc Xuân thiều, nhạc ánh Thơ

Xuân vắng, oanh hờn, dầu dáng liễu

Xuân về hương tỏa ngát lời Thơ

Xuân nương, thi sĩ, đôi người ngọc

Dệt mộng ngày Xuân, lộng ý Thơ

(Lạc Nam)

16. Dĩ đề vi thủ

Lấy các từ của tựa đề làm từ mở đầu cho các câu thơ, ví dụ:

CHÍ CHẲNG CHỜ NGÀY, TÀI KHÔNG ĐỢI TUỔI

Chí hạnh dường thông, ắt tỏ mình

Chẳng vì mất được cõi tam sinh

Chờ thanh ý ngọc bền tay giũa

Ngày sáng bờ vui trải diễm tình

Tài đặng nhân bồi xua hắc ám

Không ghì, oán xả chói anh minh

Đợi, lay tiềm thức bừng ân điển

Tuổi hội tâm an, vững cước trình

(Nguyễn Quốc Bình)

17. Dĩ đề vi vận

Lấy cácc từ của đề ra làm vần của bài thơ, ví dụ: Không – Chồng – Trông – Bông – Lông

MUỐN LẤY CHỒNG

Bực gì bằng gái chực phòng không

Tơ tưởng vì chưng một tấm chồng

Trên gác rồng mây ngao ngán nhẽ

Bên trời cá nước ngẩn ngơ trông

Mua vui lắm lúc cười cười gượng

Giả dại nhiều khi nói nói bông

Mới biết có chồng như có cánh

Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông

(Nguyễn Khuyến)

18. Hoán vận

Có hai bộ vần được gieo ở các vị trí của chữ thứ năm và chữ thứ bảy của các câu thơ, khi hoán đổi vị trí hai chữ này thành ra hai bài có vần bằng và trắc khác nhau, ví dụ:

BIỂN NHỊP HÒA

Vần bằng:

Sóng biển dâng trào vũ điệu êm

Ngàn dương réo rắt phủ tơ mềm

Mưa khều ý nhạc hoa bừng trỗ

Nắng dẫn men đời nụ ngấm thêm

Vẳng gió tìm đôi quàng giữa bụi

Dềnh trăng vẽ nửa nhú bên thềm

Như vừa gội loáng tơ dòng chải

Lọn tóc sương hờ… giũ nhẹ đêm

Vần trắc:

Sóng biển dâng trào êm điệu vũ

Ngàn dương réo rắt mềm tơ phủ

Mưa khều ý nhạc trỗ bừng hoa

Nắng dẫn men đời thêm ngấm nụ

Vẳng gió tìm đôi, bụi giữa quàng

Dềnh trăng vẽ nửa, thềm bên nhú

Như vừa gội loáng chải dòng tơ

Lọn tóc sương hờ… đêm nhẹ giũ

(Nguyễn Quốc Bình)

19. Thuận nghịch độc

Lối thơ này xuất phát từ “Hồi văn thi” tức là đọc xuôi hay đọc ngược thì câu thơ, bài thơ đều có nghĩa. Có nhiều dạng thuận nghịch độc như:

* Đọc ngược từ cuối bài lên, thành ra một bài thơ khác cùng vần (bằng hoặc trắc), ví dụ:

EM VÀ XUÂN

Thuận:

Em cười tiếng bổng vút triền xuân

Ngọt đẫm kìa môi ửng sắc ngần

Rèm tóc chải mây hàng liễu gợn

Mắt hồ in ngọc phím chiều ngân

Xem vừa ý nguyện khơi vàng đá

Tỏ sẵn nguồn duyên định số phần

Kèm phấn nhụy xinh vườn trĩu nở

Em chào nắng nhỉ, thế là xuân!

Nghịch:

Xuân là thế nhỉ, nắng chào em

Nở trĩu vườn xinh nhụy phấn kèm

Phần số định duyên nguồn sẵn tỏ

Đá vàng khơi nguyện ý vừa xem

Ngân chiều phím ngọc in hồ mắt

Gợn liễu hàng mây chải tóc rèm

Ngần sắc ửng môi kìa đẫm ngọt

Xuân triền vút bổng tiếng cười em

(Nguyễn Quốc Bình)

* Đọc ngược từ cuối bài lên, thành ra một bài thơ khác đối vần (từ bằng sang trắc hoặc ngược lại), ví dụ:

ÁNH TRĂNG THƠ

Thuận:

Trống nhịp dâng ngời mắt trẻ thơ
Đèn sao rợp ánh thỏa mong chờ
Ngổng đầu, Lân chớp như dè dặt
Xoay gót, Địa nhường ấy vẩn vơ
Lộng sáng kìa trăng vành đĩa tỏa
Lười chây rõ Cuội bóng đa nhờ
Vống lời ngân điệu, dinh tùng gõ
Mộng ước giăng nào, tuổi kết nơ!

Nghịch:

Nơ kết tuổi nào giăng ước mộng
Gõ tùng dinh điệu, ngân lời vống
Nhờ đa, bóng Cuội rõ chây lười
Tỏa đĩa vành trăng kìa sáng lộng
Vơ vẩn ấy nhường, Địa gót xoay
Dặt dè như chớp, Lân đầu ngổng
Chờ mong thỏa ánh rợp sao đèn
Thơ trẻ mắt ngời dâng nhịp trống

(Nguyễn Quốc Bình)

* Đọc ngược từ cuối bài lên, vẫn ra bài thơ y hệt, ví dụ:

THUỞ HOA NIÊN

Thương người áo nhẹ giũ mùa hương

Thả gót chiều quen bạn vắng trường

Tường bám mảng rêu ùn gió chạnh

Lá viền khung cảnh lắng hồn vương

Vương hồn lắng cảnh, khung viền lá

Chạnh gió ùn rêu, mảng bám tường

Trường vắng bạn quen chiều gót thả

Hương mùa giũ nhẹ áo người thương

(Nguyễn Quốc Bình)

* Đọc ngược từ cuối mỗi câu lại, thành ra một bài thơ khác, ví dụ:

TRĂNG CHIỀU

Thuận:

Sóng dạo thuyền lay ráng đỏ chiều
Võng gài tơ nắng thả hồn phiêu
Dồn loang ngấn bọt tầng cao thấp
Đọng sũng diềm mây chỏm ít nhiều
Thưa nhánh cỏ xòe phơ phất nhạn
Mỏng làn sương ngút dật dờ tiêu
Hòa giao ánh mộng trời riêng ngỡ
Bóng nguyệt kề non vách xoải diều

Nghịch:

Chiều đỏ ráng lay thuyền dạo sóng
Phiêu hồn thả nắng tơ gài võng
Thấp cao tầng bọt ngấn loang dồn
Nhiều ít chỏm mây diềm sũng đọng
Nhạn phất phơ xòe cỏ nhánh thưa
Tiêu dờ dật ngút sương làn mỏng
Ngỡ riêng trời mộng ánh giao hòa
Diều xoải vách non kề nguyệt bóng

(Nguyễn Quốc Bình)

* Đọc ngược từ cuối mỗi câu lại, vẫn ra bài thơ y hệt, ví dụ:

LỜI THƯƠNG BÊN CÁNH VÕNG

Mỏng tiếng ru hời ru… tiếng mỏng!

Võng thưa đều nhịp đều thưa võng

Ươm dày cội nghĩa cội dày ươm

Đọng thắm chồi ân chồi thắm đọng

Lời vẳng bước con bước vẳng lời

Bóng vươn tình mẹ tình vươn bóng

Quang trời hẹn ước hẹn trời quang

Mọng trĩu làn hương, làn trĩu mọng

(Nguyễn Quốc Bình)

20. Liên hoàn

Bài thơ gồm nhiều đoạn, câu cuối của đoạn trên được chuyển thành câu đầu của đoạn dưới, ví dụ:

THI LẤY ĐƯỢC

Anh Phán nhà ta biết cóc gì

Kỳ thi Tham biện cũng ra thi

Nhất thì anh đỗ, nhì anh trượt

Chẳng đậu khoa này, khoa khác đi

Chẳng đậu khoa này, khoa khác đi

Nam nhi chi chí, há lo gì

Một, hai, ba, bốn, năm năm trượt

Nhẵn mặt quan trường, chẳng thẹn chi

Nhẵn mặt quan trường, chẳng thẹn chi

Trượt thi, thi trượt, vẫn gan lì…

(Tú Mỡ)

21. Liên hoàn thuận nghịch vận

Lối thơ liên hoàn như trên, nhưng bài sau sắp xếp ngược vần với bài trước (nếu câu cuối bài sau lặp lại cầu đầu của bài trước, còn được gọi là “Thủ vỹ tương lân”), ví dụ:

VẾT THƯƠNG CỦA CHA

Rồi cha giã biệt mái tranh nghèo

Lý tưởng soi đàng dẫn bước theo

Hỏa tuyến vùi canh màn pháo rộ

Biên khu ngẩng mặt ánh châu vèo

Quân hành những lúc mồ hôi tủa

Chiến đấu bao lần máu thịt gieo

Giữ trọn niềm tin ngày đại thắng

Và, trong một trận vết thương đèo

Và trong một trận vết thương đèo

Khúc nhạc sa trường bỏ nốt gieo

Cuộc sống gia đình, tay trụ vững

Guồng quay xã hội, chí thông vèo

Sinh thời quyết ý không dừng lại

Tử hạn xem chừng mãi bám theo

Phút cuối đành quên lời nhắn gửi

Rồi cha giã biệt mái tranh nghèo…

(Nguyễn Quốc Bình)

22. Ô thước kiều

Lối thơ liên hoàn như trên, nhưng chỉ lấy hai từ cuối, hoặc nhắc lại hai, ba từ nào đó ở câu cuối của bài trên để mở đầu cho câu đầu của bài dưới, ví dụ:

CHỐNG TÔN THỌ TƯỜNG

Lung lay lòng sắt đã mang nhơ

Chẳng xét phận mình khéo nói vơ

Người trí mang lo danh chẳng chói

Ðứa ngu luống sợ tuổi không chờ

Bài hòa đã sẵn in tay thợ

Cuộc đánh hơn thua giống nước cờ

Chưa trả thù nhà,đền nợ nước

Dám đâu mắt lấp với tai ngơ

Tai ngơ sao đặng lúc tan tành

Luống biết trách người, chẳng trách mình

Ðến thế còn khoe đàng đạo nghĩa

Như vầy cũng gọi kẻ trâm anh

Biển khơi vụng tính dung thuyền nhỏ

Chuông nặng to gan buộc chỉ mành

Thân có,ắt danh tua phải có

Khuyên người ái trọng cái thân danh

Thân danh chẳng kể, thật thằng hoang

Ðốt sáp nên tro lụy chẳng màng

Hai cửa trâm anh xô sấp ngửa

Một nhà danh giá xóa tan hoang

Con buôn khấp khởi chưa từng ngọc

Người khó xăng xăng mới gặp vàng

Thương kẻ đòng văn nên phải nhắc

Dễ đâu ta dám tiếng khoe khoang

(Phan Văn Trị)

23. Toán thi

Mỗi câu đều có từ chỉ con số, ví dụ:

BÓI SỐ

Ruột rối bòng bong, một lá thuyền

Ngổn ngang trăm mối vẫn y nguyên

Người đi nghìn dặm còn thêm nhớ

Kẻ ở muôn năm vẫn lẻ duyên

Mớ hoảng, có kêu thời cũng hão

Ức thầm, dẫu khóc chỉ thêm huyền

Vạn người, ai kẻ chung tâm sự

Hãy triệu giùm tôi chú đỗ quyên

(Bùi Tiến)

24. Tập danh

* Mỗi câu có danh từ gắn với đề tài, ví dụ:

MỪNG ÔNG LÃO HÀNG THỊT THƯỢNG THỌ

Nay tiết mừng ông mới Bảy mươi,

Cổ hy (1) chưa dễ mấy lăm người

Răng long nhưng hãy còn tinh mắt

Ðầu bạc nhưng mà chửa tắc tai

Bè bạn bày vai kèo chén Lý (2)

Cháu con dưới gối múa sân Lai (3)

Xưa nay vẫn giữ lòng chân thực

Chữ đức giả xương máu để đời

(Nguyễn Khuyến)

Chú thích

(1) Ý từ câu “nhân sinh thất thập cổ lai hy”

(2) Lý Bạch, nhà thơ thời Nhà Đường, nổi tiếng uống rượu làm thơ

(3) Lão Lai, người nước Sở đời Xuân Thu, tuổi đã ngoài bảy mươi còn cha mẹ, giả cách khóc như trẻ con để làm cho cha mẹ vui

* Mỗi câu thơ có từ chỉ bộ phận trong thân thể con người, ví dụ:

HỌC TRÒ

Dài lưng tốn vải lại ăn no

Nghĩ ngán cho thân phận học trò

Thù nước, thù vua, ngay mặt chịu

Công sưu, công ích, cắm đầu lo

Vẫn giương mắt ếch mà ra quáng

Còn ngậm lông mèo (1) chả sợ ho

Nói đến chuyện đời tai điếc đặc

Rung đùi, chỉ nghĩ “tám đùi” (2) to

(Nhì Mỹ)

Chú thích

(1) Ngậm lông mèo: ngậm bút lông

(2) Tám đùi: văn xưa gọi là “bát cổ” dịch là tám vế, vế (bắp) đồng nghĩa với đùi.

* Mỗi câu nào có cụm từ là thành ngữ, tên tác phẩm, sự kiện gắn với đề tài…, ví dụ:

TÌNH ANH LÍNH CHIẾN

“Đám cưới đầu xuân” tỏ rạng ngời

“Ngày tròn tuổi lính” mộng trăng khơi

“Bài ca kỷ niệm” vầng dương hé

“Nhận diện thời gian” ánh hỏa mời

“Bóng nhỏ đường chiều” vương ái ngại

“Đêm dài chiến tuyến” nhớ chơi vơi

“Lời tình viết vội” tràng hoa kết

“Mộng ước mai sau” sánh tuyệt vời

(Nguyễn Quốc Bình)

25. Tính danh

Câu nào cũng có từ chỉ nhân danh hay địa danh. Giống như Ðiển thi, câu nào cũng dẫn một điển tích, ví dụ:

LỖI THỀ

Vùi oan bạc mệnh sóng Tiền Ðường (1)

Ngọn đuốc Chiêm Thành (2) rở nhớ thương

Chắp cánh đẹp gì câu Thất Tịch (3)

Ôm cầm say mãi gái Tầm Dương (4)

Lỗi thề Chung Tử (5) sầu tri kỷ

Hoen mái Tây hiên (6) lệ đoạn trường

Hồ Hán (7) ngậm ngùi mây cách biệt

Ngân Hà (8) mưa gió nẻo cầu sương.

(Toại Khang)

Chú thích

(1) Kiều trầm mình ở sông Tiền Ðường

(2) Công chúa Huyền Trân phải sang lấy vua Chiêm Thành

(3) Ðường Minh Hoàng – Dương Quý Phi đêm Mồng Bảy tháng Bảy âm lịch (Thất Tịch) thề cùng nhau “sống làm vợ chồng chết là chim liền cánh cây liền cành”

(4) Bạch Cư Dị, văn hào đời Ðường, đêm đậu thuyền ở sông Tầm làm bài Tỳ Bà Hành cho ca nữ hát

(5) Chung Tử Kỳ – Bá Nha là hai người bạn tri âm. Bá Nha gảy đàn, Tử Kỳ biết Bá Nha nghĩ gì. Tử Kỳ chết, Bá Nha đập đàn đi, không gảy nữa

(6) Trương Quân Thụy – Thôi Oanh Oanh tình tự dưới mái Tây hiên

(7) Chiêu Quân nhà Hán sang cống Hồ

(8) Ngưu Lang – Chức Nữ đứng hai bên sông Ngân Hà nhớ nhau khóc thành mưa ngâu trong tháng Bảy âm lịch.

26. Sắc thái

Câu nào cũng có từ chỉ màu sắc, ví dụ:

CHIỀU NỔI MÀU THU

Trời thu bóng ác rực mầu vang

Trườn trượt vào lưng dặng núi vàng

Cánh nhạn chiều tà sương lót trắng

Chòm mây mưa nhạt khói mờ lam

Lầu thu thoát nắng nâng rèm tía

Vườn vắng còn đây nở đóa vàng

Nếu chẳng vương tìm hoa súng tím

Thì đâu được ngắm nguyệt da cam

(Toại Khang)

27. Thủ vỹ ngâm

* Câu đầu và câu cuối lặp lại giống nhau, ví dụ:

KHẼ BƯỚC XUÂN VỀ

Dỗ bước ngang thềm, ấy hẳn xuân?

Mùi hương dịu khoác vẻ tươi nhuần

Khơi đà mạch ấm, càn khôn chuyển

Gỡ mảnh sương già, tuế nguyệt luân

Trắng cúc, vườn khoe màu giản dị

Vàng mai, ngõ nhuộm nét đơn thuần

Như ngầm ước định, muôn loài trỗi

Dỗ bước ngang thềm, ấy hẳn xuân!

(Nguyễn Quốc Bình)

* Một dạng biến tấu, câu cuối lặp lại câu đầu nhưng không hoàn toàn, ví dụ:

BÀN TAY TẠO HÓA

Tạo hóa vươn tay điểm địa cầu

Vo tròn, bóp dẹt, bấm nông sâu

Sơ khai chốn chốn chìm mông muội

Khởi tiếp nơi nơi bật mỡ màu

Định sẵn hai phương liền một trục

Phân rành bốn biển rõ năm châu

Khi nào ngán cảnh đời xâu xé

Tạo hóa buông tay… thả địa cầu

(Nguyễn Quốc Bình)

28. Áp cú

* Dùng từ cuối của câu trên làm từ mở đầu cho câu dưới, ví dụ:

NGÀY VỀ

Dụi mắt bao lần mỏi ngóng quê
Quê hương hẹn buổi đón ta về
Về giang nắng sậm hai đầu gánh
Gánh rực tơ mềm nửa quãng đê
Đê vút tầng âm truyền luống cải
Cải giăng ánh mật nhắc câu thề
Thề trao nguyện ước sau mùa gặt
Gặt những ân tình… giấc nửa mê

(Nguyễn Quốc Bình)

* Nếu sử dụng từ vần của câu thứ tám làm từ mở của câu thứ nhất thì được gọi là “Tuần hoàn bất tận thi”, ví dụ:

TRÊN CÁNH ĐỒNG CHIỀU

Đồng ươm nắng tỏa vút tia hồng

Hồng ửng môi cười lấp lóa đông

Đông gỡ mành sương, tròn vị giá

Giá tan, rặng cỏ đẫy hương nồng

Nồng nàn thảm lúa khơi mùa rộn

Rộn rã tay liềm thỏa giấc trông

Trông ánh tương lai hòa nhịp trẻ

Trẻ thơ tiếp giọng hát vang đồng

(Nguyễn Quốc Bình)

29. Triệt hạ (tiệt hạ)

Từ cuối của mỗi câu thơ để lửng làm cho câu thơ chưa trọn nghĩa (câu thơ chưa trọn nghĩa chứ không phải là tự ý ngắt các từ ghép, từ láy), nhưng người đọc vẫn có thể hiểu hoặc có thể thêm vào những phương án của riêng mình, ví dụ:

PHỤ NỮ TÂN THỜI

Phụ nữ ngày nay thỏa chí Bà…
Gia đình, xã hội gánh đều ra…
Này vai nội trợ rằng luôn cứ…
Nọ bước công du hẳn sẽ là…
Tiếp sử oai hùng, voi mượn đỡ…
Soi bầu nhuệ trí, rượu tìm pha…
Tề gia trị quốc dường như thể…
Viết trọn vần thơ ngẫm để mà…

(Nguyễn Quốc Bình)

30. Vấn nghi

Mỗi câu đều mang ý câu hỏi (có thể kết hợp với lối triệt hạ để tạo ra câu hỏi bỏ lửng), ví dụ:

CÓ VỌNG SANG MÙA?

Rạng rỡ mi ngời em có phải …?

Hồn say luyến nhớ rồi hay tại …?

Mơ lời cột thắm, chỉ nào đang …?

Hỏi ý thêu nồng, duyên nọ mãi …?

Có đặng niềm thương để trỗ làn …?

Và lay dấu nguyện cho hừng trái …?

Muôn dòng nhắn nhủ đã tìm gieo …?

Quyện với hương ngàn, hoa sẽ trải …?!

(Nguyễn Quốc Bình)

31. Hỏi đáp

Lần lượt các câu thơ là câu hỏi và câu trả lời (có thể kết hợp với lối triệt hạ để tạo ra câu đáp bỏ lửng), ví dụ:

NGỌC HOÀNG HỎI, TÁO TRẢ LỜI

Năm rồi chính sự có gì hay?
Khởi tấu: Trần gian nhất thể này…
Đốt củi hô hào dân phục chứ?
Chơi đòn lấp liếm bạn gờm thay…
Vì sao lợi ích hòng phân mảng?
Cũng bởi tài danh xúi ngập mày…
Đổi mới khâu nào cho hữu hiệu?
Ngọc Hoàng biết tỏng ấy xưa nay…

(Nguyễn Quốc Bình)

32. Yết hậu

Các câu trên đều đủ từ cả, riêng câu cuối cùng chỉ có một từ (theo vần của bài thơ), ví dụ:

THỎA GIẤC YÊU

Ai lùa vạt nắng hương nồng thở

Ai chuốt ngàn mây chiều rực rỡ

Ai thả hôn hoàng gội tím thêm…

Nhớ!

Nhớ cuộn theo dòng, gió mở xem

Nhớ so phím dạ trỗi thương kèm

Nhớ quay quắt hỏi đâu hình bóng

Em?

Em giờ đẫm lạnh màn sương hé

Em khoác mòn canh, hài cỏ nhẹ

Em lẫn muôn trùng tiếng vọng ru

Khẽ!

Khẽ giọt trăng ngà tỏa sắc phiêu

Khẽ như giấc điệp loáng tơ chiều

Khẽ mùi dịu ngát, mong chờ thỏa

Yêu!

(Nguyễn Quốc Bình)

33. Vỹ tam thanh

Ba từ cuối trong mỗi câu có cùng cách phát âm (giống hệt nhau về âm, vần nhưng khác thanh dấu), ví dụ:

MÀU TIỄN BIỆT

Cung rền nhạc tiễn vẻ vè ve
Phổ lẫn màu hoa chóe chọe chòe
Bút gượng đôi vần cun củn cũn
Tay nhoài, bốn mắt hỏe hòe hoe
Dàn phông kỷ yếu tùm tum tụm
Chớp ảnh thời gian xóe xọe xòe
Biệt giã khung trời ngân ngấn ngẩn
Nghiêng mùa, vỡ giọt tóe tòe toe

(Nguyễn Quốc Bình)

34. Liên thanh

Các từ cùng âm bằng hoặc trắc liền nhau trong câu thơ mang cùng thanh dấu, ví dụ:

VINH QUANG VIỆT NAM

Tháng Chín thu sang phất phới cờ
Đèn vàng thảm đỏ tưởng như mơ
Non sông vạn chặng kia mây gió
Gấm vóc hai phương ấy bến bờ
Hỡi những đoàn người vùi tuổi trẻ
Này từng khúc hát nhắn con thơ
Hoa đơm thẫm ngõ chưa khô lệ
Đất nước vinh quang đếm ý chờ

(Minh Thái)

35. Trốn vận

Câu thơ đầu tiên không tuân theo vần của toàn bài (chẳng hạn đang bằng đổi ra trắc). Bài thơ theo lối Tứ tuyệt chỉ còn hai vần, theo lối Bát cú chỉ còn bốn vần. Nếu là bài thơ Bát cú, phải đảm bảo ba cặp đối gồm cặp đề, cặp thực và cặp luận, ví dụ:

CHIỀU NGANG XÓM CŨ

Đạp nước, con chuồn lay ngấn ảnh

So diều, cánh nhạn vỗ tầng không

Mùi hăng gió quẩn đầy tia mắt

Vị ngát chân in nửa quãng đồng

Trước sảnh cau già thưa nụ trỗ

Bên rào chuối kẹ vắng người trông

Vầng trăng lấp ló chiều quen dội

Ánh quyện hình xưa bếp lửa hồng

(Nguyễn Quốc Bình)

36. Xa luân ngũ bộ

Chùm thơ gồm năm bài theo một chủ đề xuyên suốt. Các câu có vần (hoặc từ vần) của bài đầu tiên sẽ lần lượt là các câu phá đề (hoặc từ vần cho câu phá đề) của các bài lần lượt từ trên xuống dưới, các vần khác cứ theo trật tự mà luân chuyển. Có thể coi các bài là một chùm xướng họa mà bộ vần được chuyển tuần tự như bánh xe quay tròn (xa luân).

* Sử dụng các câu có vần lần lượt làm các câu phá đề của mỗi bài, ví dụ:

TẢO MỘ

Hoa hồng đặt trước mộ phần đây

Dịp lễ Vu Lan ghé chốn này

Gió chướng ào ào tung cát bụi

Mưa phùn rả rích phủ trời mây

Kia mâm lễ mọn xem vừa thiếu

Nọ bó nhang thơm xếp tạm đầy

Thổn thức dâng trào mi nhuốm lệ

Nghẹn ngào nhớ mẹ nỗi buồn vây

Dịp lễ Vu Lan ghé chốn này

Sương chiều quạnh quẽ tỏa như mây

Hương trầm kẻ đốt bay lan nhẹ

Hoa cỏ người di ngã giập đầy

Đứng tạm bên mồ lưng gập xá

Quỳ gần sát bệ gối chùn vây

Đôi lời khấn đượm yêu, thương, nhớ

Nghĩa nặng thâm tình bỏ lại đây

Mưa phùn rả rích phủ trời mây

Ráng đỏ còn vương vệt trải đầy

Ngập kín đường mòn rêu bủa chặt

Che hờ ngõ tắt đá chèn vây

Chuông chùa điểm tới giờ quyên nọ

Tiếng mõ đưa về giấc nguyện đây

Nấm đất sè sè bia vẩn bụi

Mờ đi ít chữ cảm thương này

Nọ bó nhang thơm xếp tạm đầy

Côn trùng não nuột nhỏ to vây

Nghe lòng tĩnh mịch cung trầm đó

Vọng tiếng u hoài vực thẳm đây

Nhạt nhẽo ban mai dời nắng ấy

Đìu hiu bóng tối ngợp tim này

Khuỵu chân bái lạy hoài thân mẫu

Tím cả dương tà, lẫn sắc mây

Nghẹn ngào nhớ mẹ nỗi buồn vây

Giã biệt nhưng tình nặng trĩu đây

Luyến tiếc chi thêm, đành ngoảnh vậy

Kêu than chẳng đủ, phải quay này

Ngàn thu vĩnh biệt rưng rưng mắt

Vạn thuở chia lìa héo hắt mây

Mảnh nhỏ vành tang cài ngực áo

Hình như cũng khóc tủi dâng đầy

(Cẩn Vũ)

* Sử dụng từ vần lần lượt trong các câu phá đề của mỗi bài, ví dụ:

MÀU TÍM HOA SIM

Miền quê vẫn rạng sắc hương lành

Dẫu cuộc điêu tàn khởi chiến tranh

Thắm nghĩa đôi lòng mơ sánh vẹn

Bền duyên một ngả ước xây thành

Hoa cài áo đẹp chiều mây hửng

Nhụy ướp tim ngời buổi nắng thanh

Bước hẹn, trai hùng băng lửa khói

Thuyền quyên nén dạ đẫm tơ mành

 

Súng dậy lan tràn buổi đấu tranh

Người đi biệt nẻo ước chưa thành

Giăng đầy mắt thẫn khơi hình nhỏ

Đọng trĩu tim ngùi gửi dáng thanh

Mỗi lúc băng đồi sim ngút khoảng

Từng phen thọc cứ lửa toang mành

Thương nàng vẫn đợi hoa màu tím

Nhẹ ngắt đài xinh gửi mộng lành…

 

Tình sâu ngõ hẹn khắc ghi thành

Vẹn gửi trăng ngà dõi bóng thanh

Pháo dội, đời trai quàng hỏa tuyến

Đèn khêu, phận nữ ủ sương mành

Đan ngày thắm mộng hoa ngời tỏ

Kết thuở nồng ân trái đượm lành

Nỗi nhớ dài theo hồi chiến cuộc

Ai làm cách biệt ngả phân tranh…

 

Sấm chợt rung trời giữa buổi thanh

Người em gục chết, tủi giăng mành

Chưa bừng luyến ái nồng mơ thoả

Vội giã tình duyên úa mộng lành

Nẻo cũ phòng côi chìm ngóng đợi

Phương này bước lẻ gối giao tranh

Dòng va sóng dập thuyền tan vỡ

Đã hết từ đây ước nguyện thành

 

Làn sương nhẹ quẩn hắt hiu mành

Dấu cũ hoài ghi ước nguyện lành

Những tưởng vầy sum miền ái hợp

Đâu ngờ biệt cách ngả tương tranh

Niềm thương, ký ức hằn cung ngỏ

Nỗi nhớ, hành trang kết giọt thành

Bóng ngả chiều hoang biền biệt tím

Hương lòng một dải vấn trời thanh

(Nguyễn Quốc Bình)

37. Lộc lư ngũ bộ

Chùm thơ gồm năm bài theo một chủ đề xuyên suốt. Một câu có vần dùng làm chủ đề lần lượt được đặt làm câu phá đề của bài thứ nhất rồi chuyển xuống lần lượt làm câu thừa đề của bài thứ hai, các câu có vần trong cặp thực, luận, kết của các bài tiếp theo, các vần khác cứ theo trật tự mà đẩy lên nhường chỗ cho câu chủ đề. Có thể coi các bài là một chùm xướng họa mà câu chủ đề được di chuyển tuần tự qua các vị trí như trục bánh xe tịnh tiến (có ý kiến cho rằng “lộc lư” là cách đọc khác của từ “lộc lô” tức là con lăn). Trong cách viết hiện nay, rất ít người sử dụng nguyên bộ vần mà dùng riêng bộ vần cho mỗi bài (nhưng không được trùng nhau, trừ câu chủ đề)

* Sử dụng nguyên bộ vần cho tất cả các bài, ví dụ:

NGÁT NHỤY XUÂN ĐỜI

Nhụy dỡ hương nồng ửng sắc lay

Rồi trưng áo diện, ngõ xuân bày

Trong miền sự tích bao hồi chuyển

Giữa nẻo nhân tình mấy cuộc thay

Đủ những niềm tin bền thấm hạnh

Đầy muôn ý tưởng vững khơi ngày

Vươn tầm lỗi lạc căng bầu huyết

Rượu cũng châm rồi, để chuốc say

Vầng dương đã khởi, nét tươi bày

Nhụy dỡ hương nồng ửng sắc lay

Én xoải tầng mây dòng thực lãng

Sương viền rặng núi ảnh trần thay

Hòa con nước dẫn bồi vun mạch

Vỗ nhịp đời reo, tiếp chuyển ngày

Lại sẵn huyền cơ… nguồn ấp ủ

Đây vuờn bướm lượn, dõi mà say

Đẫm quyện vào nhau phút tỏ bày

Tơ choàng ánh lụa ngỡ vừa thay

Đàn lên quãng nhộn trào cung ví

Nhụy dỡ hương nồng ửng sắc lay

Tuổi cũ về giăng triền suối ngọc

Đường xưa giữ lại dấu chân ngày

Đan vùng niệm ức, rồi khai mở

Thẫm ngả khung trời nhấp vị say

Lời thương ướp mật hãy phô bày

Lẽ tạnh cơn mù, nắng hửng thay

Dệt khúc thề trao đừng nhỡ buổi

Dành tia mộng gửi ắt vương ngày

Ong khều noãn dịu quơ vòi hứng

Nhụy dỡ hương nồng ửng sắc lay

Biếc nụ tầm xuân dường trẻ mãi

Thêu tràn giọt mắt, ngẩn hồn say

Thỏa Tết, ngàn hoa diễm tuyệt bày

Tô vườn nguyện ước mảng màu thay

Mừng nây cội nghĩa rồi thơm quả

Chúc đẹp phần duyên sẽ tỏ ngày

Đỏ pháo hiên bừng xem vẫn thẹn

Hây đào má ruộm ngẫm còn say

Trần gian tặng cả mùa phơ phới

Nhụy dỡ hương nồng ửng sắc lay

(Nguyễn Quốc Bình)

* Sử dụng riêng bộ vần cho từng bài (trừ câu chủ đề), ví dụ:

THẮM NẺO XUÂN QUA

Lắng giọt xuân tình mỗi nẻo qua

Bình minh lợp ánh đẩy dương tà

Theo làn gió chuyển vơi ngày cũ

Lẫn vệt mây cài thoảng bóng xa

Kẻ dõi mùa vui hồn ngát đượm

Người in nỗi vọng mắt rưng nhòa

Sum vầy, lệ trút phen mừng tủi

Thấm tuổi so cùng những điệu ca

Rồi nghe đợt pháo tưởng như là

Lắng giọt xuân tình mỗi nẻo qua

Phía ngõ bàn chân dường lạ nhỉ

Đằng hiên nét thở rõ quen mà

Xuôi dòng lãng bạt, chưa kề bến

Trở quãng phiêu bồng lại réo ta

Đẫm cả chùm thơ nồng sắc gợi

Kìa em, mấy thuở vẫn không già

Lạnh lẽo, ai còn buốt mảnh da

Về đây dệt nắng, hửng quê nhà

Dâng hồn, nhạc ý muôn lời phổ

Lắng giọt xuân tình mỗi nẻo qua

Để dõi tường vy bừng má ngọc

Rồi vin thạch thảo sánh mi ngà

Tơ hồng đã rải trên nhành biếc

Ủ chắt men lòng, rượu nghĩa pha

Vờn giăng nhịp én gửi thay quà

Nhánh lộc reo hùa, cũng mở ra

Đủ nhớ lùa canh hằng giữ buộc

Vừa thương, hé buổi sẽ tuôn òa

Khơi nguồn diệu ái bao triền tỏ

Lắng giọt xuân tình mỗi nẻo qua

Gỡ mảnh thời gian đằm vị ướp

Thầm mơ vạt áo điểm bông cà

Nhẹ bẫng tia chiều dạo phố hoa

Trần gian miết mải dẫu theo đà

Ngang thềm trổ cúc lay hình mẹ

Kế sảnh bung đào ngỡ giọng cha

Lửa giữ đều tay… rền cặp bánh

Nhài nêm phải cánh… đậm ly trà

Giao thừa rộn rã hương lừng trải

Lắng giọt xuân tình mỗi nẻo qua!

(Nguyễn Quốc Bình)

38. Phú đắc

Giải thích và phát triển ý của một câu thơ hay ca dao hay, tục ngữ bằng một bài thơ, nội dung phải phù hợp với sự việc đó, ví dụ:

GIÀ CÒN MUỐN LẤY CHỒNG

“Bà già đã bảy mươi tư

Ngồi trong cửa sổ gửi thư kén chồng”

Đã trót sinh ra kiếp má đào,

Bảy mươi tư tuổi có là bao?

Xuân xanh xấp xỉ hàng răng rụng

Ngày vắng ân cần mảnh giấy trao

Chữ nhất nhi chung đành đã vậy

Câu tam bất hiếu nữa làm sao

May mà lấy được ông chồng trẻ

Họa có sinh ra được chút nào?

(Nguyễn Khuyến)

39. Cô nhạn nhập/xuất quần

Câu thơ đầu hoặc câu thơ cuối có vần khác với những vần còn lại (ví như con chim nhạn lẻ loi nhập vào đàn hay tách khỏi đàn), do những từ cùng vần không đủ sức diễn tả ý thơ mà lại không muốn thay đổi bộ vần. Tuy khác cước vận nhưng khéo léo kết hợp với eo vận của câu thơ liền kề để tạo ra sự nhịp nhàng về âm điệu và tiết tấu.

* Cô nhạn nhập quần, ví dụ:

CHUYẾN ĐÒ TÌNH

Thuở ấy chung về một bến sông
Làm quen, bước sải trống tim dồn
Ưng thầm đó vẻ cong nhành liễu
Hỏi khẽ đâu nhà, ngược phía thôn
Nụ mắt hồ xao thành sóng gợn
Bờ vai tóc thả… đoán hương tồn
Khi nào rượu nghĩa môi kề nhỉ?
Bẽn lẽn em rằng: phút hợp hôn!

(Nguyễn Quốc Bình)

* Cô nhạn xuất quần, ví dụ:

HOÀNG HÔN NHỚ

Buông dài vệt nắng cửa hoàng hôn

Lữ khách về ngang bước mỏi dồn

Gió trở, đông gầy hoe cuộng lá

Sương đùn cỏ úa sậm triền thôn

Thời gian chẳng thốt mà đi biệt

Kỷ niệm hằng ghi cũng để tồn

Vén mảnh lam chiều tay gợn khẽ

Gom đầy sợi nhớ kẻ nhoài trông!

(Nguyễn Quốc Bình)

40. Chơi chữ

Thể thơ chơi chữ rất phong phú và đa dạng, chỉ xin liệt kê ra đây vài bài mẫu:

* Chơi theo chữ cái, ví dụ:

MUỐN QUY THUYỀN

A (a) di đà Phật muốn quy thuyền

B (bê) bết lòng tham hãy cứ nguyên

C (xê) xích cho gần nơi cửa tịnh

Đ (đê) đầu nguyện dứt mối trần duyên

(Thảo Am)

* Chơi theo thanh dấu, ví dụ:

(KHÔNG RÕ TỰA)

Huyền diệu trông lên cửa đạo thuyền

Sắc không khôn rõ thấu căn nguyên

Nặng nề nghiệp chướng e chưa hết

Hỏi mấy ai đà có thiện duyên

(Thảo Am)

 

 

 

 

 

Tag: soạn thuyết lớp

Rate this post

Viết một bình luận