Suốt từ năm 2001, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) găm giữ phát hiện của một nhà sử học về sự kiện Vịnh Bắc Bộ – cái cớ châm ngòi sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam, cố tình bóp méo thông tin tình báo và che đậy những sai lầm, hai nhân vật có liên hệ mật thiết với nhà sử học cho biết.
Kết luận của nhà sử học nói trên là lời tố cáo quan trọng nhất cho thấy những thông tin mà NSA – cơ quan nghe trộm và giải mã bí mật của Mỹ – thu được đã bị làm sai lệch đi, tạo cảm giác là chính Bắc Việt (Việt Nam dân chủ cộng hòa) đã tấn công tàu khu trục của Mỹ ngày 4/8/1964. Tổng thống Mỹ khi đó Lyndon Johnson dẫn cái gọi là cuộc tấn công của Bắc Việt để thuyết phục Quốc hội Mỹ cho phép mở rộng hoạt động quân sự ở Việt Nam. Tuy nhiên hầu hết các nhà sử học trong những năm gần đây đều kết luận rằng không có vụ tấn công nào như thế.
Nhà sử học của NSA là Robert J. Hanyok, sau khi tìm thấy một lỗi dịch thuật không được sửa, thời gian chặn thu bị sửa và một số trích dẫn thông tin tình báo, đã đi đến kết luận rằng các viên chức ở cấp trung của cơ quan này cố tình bóp méo bằng chứng.
Ông Hanyok cho rằng họ làm điều đó không vì mục tiêu chính trị, mà chỉ để che giấu những sai lầm trước đó, và rằng các quan chức NSA cũng như quốc phòng và tổng thống Johnson không biết về sự che giấu này.
Những phát hiện của Hanyok được in trong một bản tin nội bộ bí mật cách đây 5 năm. Kể từ năm 2002 đến nay, ông và các nhà sử học khác trong chính phủ đã tranh luận về việc có nên công bố hay không. Nhưng mục tiêu này của ông bị các nhà làm chính sách cấp cao phản đối, bởi họ lo ngại rằng trường hợp này sẽ bị đưa ra so sánh với vụ thông tin tình báo sai lệch cho rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt, một quan chức tình báo cho hay.
Matthew M. Aid, một sử gia độc lập từng thảo luận cùng ông Hanyok về chủ đề Vịnh Bắc bộ với các quan chức NSA và CIA, cho biết ông quyết định công bố những phát hiện trên bởi ông tin rằng chúng đáng lẽ phải được đưa ra công chúng từ lâu mới phải.
“Tài liệu này phù hợp với những cuộc tranh luận mà người Mỹ đang tiến hành về cuộc chiến ở Iraq và việc cải cách hệ thống tình báo”, ông Aid – người đang viết sử cho NSA – nói. “Sẽ là sai lầm nếu cứ khư khư giữ bí mật chỉ vì sợ nó sẽ làm ai đó xấu hổ”.
Tuyên bố của ông Aid về phát hiện của Hanyok được một quan chức tình báo không nêu tên xác nhận. Quan chức này không nêu tên vì những phát hiện đó chưa được công bố.
Cả hai cho biết ông Hanyok tin rằng sai sót ban đầu xung quanh thông tin về Vịnh Bắc bộ là do sơ suất. Nhưng sau nhiều tháng nghiên cứu hồ sơ của NSA, ông kết luận rằng các quan chức cấp trung ở NSA đã nhanh chóng phát hiện sai lầm, nhưng lại che đậy và sửa chữa tài liệu nhằm tạo ra bằng chứng về một vụ tấn công.
“Không sửa lại sai lầm, họ lại tiếp tay đẩy Mỹ vào một cuộc chiến đẫm máu kéo dài 10 năm”, ông Aid nói.
Được hỏi về nghiên cứu của Hanyok, phát ngôn viên NSA cho hay cơ quan này định công bố tài liệu từ tháng 11/2001, nhưng việc công bố “bị trì hoãn để có thể cung cấp cho công chúng một cái nhìn toàn diện hơn”.
Nhiều nhà sử học tin rằng cho dù nếu không có sự kiện Vịnh Bắc bộ, Johnson cũng có thể tìm một lý do nào đó để leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam. Họ nhấn mạnh rằng bản thân Johnson cũng có mối nghi ngờ về những gì diễn ra ngày 4/8/1964, và vài ngày sau Johnson từng nói với thứ trưởng ngoại giao George W. Ball rằng “Này, những tên thủy thủ ngớ ngẩn và đần độn này chỉ bắn đám cá nhảy mà thôi!”.
Nhưng Robert S. McNamara, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó và là người có vai trò quan trọng trong các vấn đề liên quan đến sự kiện Vịnh Bắc bộ, nói trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, rằng những báo cáo tình báo đã đóng vai trò quyết định đối với sự leo thang chiến tranh.
“Tôi nghĩ sẽ là không đúng nếu cho rằng Johnson muốn chiến tranh”, ông McNamara nói. “Chúng tôi đã nghĩ là chúng tôi có bằng chứng về việc Bắc Việt leo thang chiến tranh”.
Nay đã 89 tuổi, ông McNamara khẳng định ông chưa bao giờ được biết rằng bên tình báo đã thay đổi tài liệu để tạo và củng cố bằng chứng về một cuộc tấn công của lực lượng Bắc Việt.
“Điều đó khiến tôi ngạc nhiên”, cựu bộ trưởng quốc phòng nói. Theo nghiên cứu của Hanyok, McNamara đã sử dụng các tài liệu chặn thu bị sửa đổi do bên tình báo cung cấp để điều trần trước Quốc hội Mỹ vào các năm 1964 và 1968. “Tôi nghĩ là họ cần công bố những tài liệu đó”, McNamara nói.
Sự kiện Vịnh bắc bộ, trong đó chính quyền Mỹ nói rằng lực lượng Bắc Việt tấn công hai tàu khu trục Maddox và C. Turner Joy, đã có một vai trò quan trọng trong lịch sử. Johnson trả đũa bằng cách ra lệnh không kích các mục tiêu của Bắc Việt, đồng thời dùng sự kiện đó để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc bộ ngày 7/8/1964.
Nghị quyết này cho phép tổng thống “thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng lực lượng vũ trang” để bảo vệ Nam Việt Nam và các nước láng giềng. Hai đời tổng thống Mỹ Johnson và Richard Nixon đã viện nghị quyết này để biện hộ cho một cuộc chiến ngày càng khốc liệt, trong đó hơn 58.000 lính Mỹ chết trận và hàng triệu người Việt Nam bị chết hoặc bị ảnh hưởng.
Các chi tiết mà ông Hanyok phát hiện, đăng trên tờ tin nội bộ NSA đầu năm 2001, cho thấy có sự khác nhau giữa bản mô tả các sự việc diễn ra ngày 4/8 của NSA với bản mô tả của trạm chặn thu Phú Bài (ở Nam Việt Nam khi đó) và của trạm ở San Miguel (Philippines).
Chẳng hạn, bản dịch một câu trong phần chặn thu tín hiệu phát đi từ Bắc Việt trong ngày 4/8: câu “chúng ta mất hai đồng chí” – nói về thương vong trong trận đánh ngày 2/8 – đã bị dịch sai thành “chúng ta mất hai con tàu”. Câu này khiến người dịch cho rằng phía Bắc Việt đang báo cáo về việc mất hai con tàu trong cuộc chiến mới ngày 4/8, quan chức tình báo không nêu tên nói trên cho biết.
Tuy nhiên, câu gốc tiếng Việt của bản nghe trộm, cũng như các trích đoạn khác thu được trong thời kỳ này, không còn lưu trong kho dữ liệu của NSA.
Quan chức tình báo nói trên cho rằng bằng chứng của việc cố tình làm sai lệch thông tin “chỉ rõ ràng được đến thế thôi bởi không có vật chứng – anh không thể đi đến kết luận nào khác được”.
Mặc dù nổi tiếng về sự bí mật, những năm gần đây NSA đã công bố hàng chục nghiên cứu của Trung tâm Lịch sử Mật mã. Một công trình của sử gia Hanyok về thông tinh tình báo và Holocaust, mang tên “Nghe trộm ở địa ngục” đã được xuất bản năm ngoái.
Hai sử gia từng viết nhiều về giai đoạn Vịnh Bắc bộ, Edwin E. Moise của Clemson University và John Prados của Cục Hồ sơ An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết họ chưa được thông báo về nghiên cứu của Hanyok, nhưng nhận xét rằng những phát hiện mới đó quả là đáng quan tâm.
“Tôi kinh ngạc trước ý nghĩ cho rằng NSA cố tình che giấu”, Moise nói.
Còn ông Prados nhận xét: “Nếu kết luận của Hanyok là đúng sự thực, nó sẽ khiến bi kịch chiến tranh ở Việt Nam thêm sâu sắc”. Hơn nữa, “nó sẽ là bằng chứng cho thấy rằng bên tình báo, vốn thường được coi là linh thiêng lắm, hóa ra không phải là thế, như chuyện ở Iraq chẳng hạn”.
T. Huyền (theo NYT)