Nếu xem Thơ trữ tình là tiếng hát của con tim như đại bộ phận chúng ta bấy lâu nay quan niệm, thì rõ ràng tính hiện đại của Thơ chính là tiếng hát của con – tim – hiện – đại.
Nếu xem Thơ là một kiểu lời nói đặc biệt, là trò chơi ngôn ngữ thì tính hiện đại của Thơ phải nghiêng về phía những kỹ thuật ngôn từ kiểu con âm, con hình… những biện pháp tu từ kỳ lạ! Điều thứ hai chúng tôi nghĩ đến, là việc phân biệt khái niệm hiện đại theo giới hạn thời gian và hiện đại theo ý nghĩa những đặc tính.
Nếu theo giới hạn thời gian thì Thơ Việt hiện đại là giai đoạn Thơ từ sau Đại chiến II, cụ thể hơn, tính từ sau Cách mạng tháng Tám. Sau Đại chiến Thế giới II, trạng thái tinh thần Con Người trải qua những biến động lớn, nảy sinh nhiều trường phái nghệ thuật khác hẳn truyền thống. Ở Việt Nam, sau Cách mạng tháng Tám, xã hội Việt Nam căn bản thay đổi, từ một nước thuộc địa trở thành nước độc lập, tâm lý con người cũng khác trước, từ là nạn nhân trở thành chủ nhân; từ tâm lý đau thương phủ định xã hội đương thời chuyển sang tâm lý háo hức khẳng định cuộc sống mới. Họ vừa là đối tượng vừa là chủ thể của một nền nghệ thuật mới, nghệ thuật hiện đại, trong đó có Thơ!
Nếu theo đặc tính, tính hiện đại của Thơ được thể hiện bằng những đặc trưng của sự khác biệt với truyền thống, bao gồm cả cách nghĩ, cách cảm và một loạt những hình thức nghệ thuật như thể thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, nhạc điệu v.v. . .
Tuy nhiên nói tính hiện đại của Thơ trên tư cách là một đặc tính mới mẻ, người ta thường chú ý vào giai đoạn thơ đương đại, đó là cái phần đậm được chú ý nhiều nhất dẫu nó chỉ là một quãng ngắn của thơ hiện đại nhưng là quãng mới nhất có nhiều đặc trưng nhất!
Theo thiển ý chúng tôi, Tính Hiện đại của Thơ trước hết đó là cách cảm xúc mới của con người Việt Nam hiện đại, nổi bật là xúc cảm của nhà thơ trước cuốc sống hiện tại. Từ cái xúc cảm mới mẻ này nó kéo theo những mới mẻ khác của hình thức nghệ thuật, của thi pháp mà truyền thống chưa có. Cảm xúc của con người thời kỳ đổi mới quả có khác thời kỳ kháng chiến cứu nước. Nếu cảm hứng thời ấy là lý tưởng cứu nước và CNXH, thì cảm xúc con người thời nay mở rộng hơn nhiều. Tính hiện đại của Thơ bắt nguồn từ sự mở rộng cảm xúc.
Cái mới của sự xúc cảm, của chiều sâu trí tuệ tạo nên tính hiện đại của Thơ chứ không phải là những mô-tip, những hình ảnh mô phỏng hoặc những biểu hiện có vẻ là lạ của hình thức nghệ thuật, của ngôn ngữ thi ca…
Ở đây một biện luận không thể không nêu lên. Những câu thơ:
…Mày ai trăng mới in ngần… (Nguyễn Du)
…Tau ở nhà tau, tau nhớ mi … (Nguyễn Công Trứ)
….Chành ra ba gó da còn thiếu . . .
…Trai du gối hạc khom khom cật . . .
(Hồ Xuân Hương)
mới xem qua, khó mà phân biệt với những câu thơ tân kỳ thời nay về cách xây dựng hình ảnh, về ngôn ngữ đời thường, về sự thông tục… nhưng xét kỹ, đó không phải là những câu thơ mang tính hiên đại đích thực vì nó chỉ giống ở bề nổi chứ không có cơ sở ở bề sâu, ở mạch cảm xúc, ở cách nhìn thế giới của các tác gia hiện đại! Hình ảnh so sánh trong câu thơ Tố Như chỉ là cảm quan ước lệ của một nhà Nho trước vẻ đẹp người con gái. Cách tả người, tả vật rất “sex” của Hồ Xuân Hương cũng chỉ giới hạn trong mạch cảm xúc phồn thực dân dã trung cổ nếu không là sự phản kháng của một thân phận bấp bênh trong cái xã hội phong kiến giả dối. Câu thơ suồng sã của Nguyễn Công Trứ cũng chỉ xoay quanh tình cảm gái trai không vượt khỏi cái ý thức hệ mà người con gái luôn bị xem là phần thứ yếu! Nói vậy để thấy cốt lõi của cái mới, của tính hiến đại nếu chỉ dừng lại ở phần hình thức, phần ngôn ngữ thì nhiều khi đưa đến những ngộ nhận, hoặc giải thích không thoả đáng nhiều giá trị văn học.
Tính hiện đại của thơ ngày nay nằm trong quỹ đạo của sự thể hiện cái tôi – nhân – bản chứ không là Cái – Tôi cá thể cực đoan xa lạ mọi người. Đồng điệu và cổ võ cho sự cực đoan của việc tân trang Thơ, người ta lắp ghép, đưa ra vô số những kiểu thơ mới lạ: thơ tự do, thơ cụ thể, thơ siêu thực, thơ bản năng, thơ tân hình thức… với nhiều cách xuống dòng, ngắt câu, với nhiều ký hiệu tin học, nhiều ngôn ngữ sống sít dung tục, nhiều hình ảnh kì quặc, nhiều mô-típ bản năng… rồi khái quát thành tính hiện đại của Thơ! Cố nhiên kèm theo những bài thơ kiểu đó là những lí thuyết nghe có vẻ tân kỳ, nào là khai phá cái tôi ở chiều cao lý trí, chiều sâu tiềm thức, đi vào miền ảo của tâm linh; thơ thoát khỏi mọi khu vực cấm kỵ, người hơn, đời hơn; thơ lấy ngôn ngữ làm mục đích chứ không là công cụ.v. v…
Nhiều thi phẩm thời nay giúp ta cảm nhận được tính hiện đại của thơ ca nhờ những biểu hiện mới mẻ từ cách cảm, cách nghĩ cho đến cách cấu tứ, cũng như các thay đổi về thể tài, ngôn ngữ… Trên con đường hiện đại hoá, Thơ Việt không phải không có lúc phân vân, bước đi chập choạng! Nhiều lý thuyết muốn kéo thơ đi về ngả hoặc “tâm linh huyền thoại”, hoặc hoặc “siêu ngã vô thức”. Họ đề cao cái phi lý tính, phi tư tưởng, huyễn hoặc người làm thơ bởi “giải tần mờ của nhận thức” (1), cực đoàn hơn, họ muốn Thơ cắt đứt với truyền thống, xem ngôn ngữ chỉ là trò chơi. Tuy nhiên các thi phẩm đi theo hướng này bị rơi rụng rất nhanh sau vài kỳ được lăng – xê tới số, bất cần độc giả nghĩ gì, chúng chỉ còn trong nhật ký các thi sĩ! Mạch chính của Thơ Việt hiện đại vẫn là loại thơ bám vào đời sống dân tộc, vào thân phận “con người số đông” với bao chìm nổi cay cực, loại thơ hàm chứa chiều sâu tư tưởng và triết lý thời đại. Cố nhiên cung cách thể hiện khác trước nhiều.
Một cảm nhận về tình hình thế giới những năm đầu thế kỷ này bằng giọng thơ chính luận khá quen thuộc trong nền thơ Việt Nam, nhưng nhà thơ thể hiện khác xa cách cảm nhận trước đây. Chỉ là một câu hỏi, một suy tư đầy tính cá nhân! Câu hỏi tự vấn nhưng khiến cho độc giả suy nghĩ cảm thấy trách nhiệm, chứ không phải là sự khẳng định “ta thắng địch thua” đại diện cho tập thể cho tổ chức như ngày trước.
Cái mới trong thơ còn thể hiện khá đậm nét qua sự đổi thay của thể loại, hình ảnh và ngôn ngữ… Câu thơ sáu-tám không còn lặng lẽ hiền hòa như xưa. Nó cũng vắt dòng, leo thang, cũng thêm vần thên nhịp, tiết tấu vô cùng phóng khoáng tự do. Cái nhịp 2-2-2 của làng quê ít đổi thay nhường chỗ cho cái nhịp điệu khẩn trương của đời sống đô thị tuỳ biến 1-7, 5-3, 2-4, 1-5 v.v… Hình ảnh trong thơ hiện đại luôn đánh mạnh vào cảm giác người đọc. Nó như những nét son phấn, mùi nước hoa trên má trên môi người thiếu nữ.
Trong không khí bộn bề của sự tìm tòi hiện đại của thơ ca ba miền Nam, Trung, Bắc thấy nổi lên một số khuôn mặt trẻ như Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Bùi Chát, Lý Đợi… Nhắc đến các cây bút này vì họ sáng tác theo Cái Mới có tuyên ngôn có lý luận hỗ trợ. Gây được ấn tượng sâu sắc phải kể đến Nguyễn Quang Thiều, Vi Thuỳ Linh. Nguyễn Quang Thiều dẫu chưa thật đều, thật nhuần nhuyễn ở các bài, nhưng thơ anh quả thật tạo một vẻ đẹp mới về cách xây đựng hình ảnh cũng như cấu tứ (Sự mất ngủ của lửa). Cô gái trẻ thuộc thế hệ @ Vi Thùy Linh gây sửng sốt vì những cảm xúc táo bạo đầy khao khát nữ tính và một ngôn ngữ đầy khêu gợi, tuy nhiên cũng cần một sự thăng bằng, một điểm “dừng” cần thiết.
Chúng tôi thấy cũng không thể không nhắc đến những tác giả “hiện đại” thơ mình với những hình thức cũ: Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh đã rất mới với thể thơ lục bát bụi bụi đường phố hoặc nét dân giã đồng quê thời mở cửa.
Một phía khác của sự tìm tòi cũng gợi được ít nhiều sự chú ý: Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng… Các anh tuy là những cây viết cũ, nhưng xuất hiện rõ trong thời kỳ đổi mới và luôn cố gắng nhất quán tìm tòi thể hiện sự cách tân thơ theo những lý luận có hệ thống. Cái được và chưa được của các anh đã được nói nhiều, chung qui đối với bạn đọc Việt Nam, hình như thơ các anh đang nghiêng về phía cái lạ hơn cái đẹp. Trên con đường sáng tạo cũng nên đặt “một chòi canh” vì đôi khi bị ngưng đọng về tư tưởng, cảm xúc, những đầu óc thông minh thường cố đi tìm cái lạ trong hình thức, kỹ thuật ngôn từ.
Về các nhà lý thuyết tân kỳ, công chúng yêu văn chương ghi nhận tấm thịnh tình của các tác giả đối với sự đổi mới của nền văn học nước nhà, tuy nhiên trên mảnh đất mà mọi sai lầm đều được đổi bằng máu, mảnh đất mà hết ngoại xâm đe doạ lại đến nội xâm hoành hành. các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, thói bảo thủ, chuyên quyền luôn thao túng đời sống cộng đồng, nơi 30% dân số sống dưới mức nghèo. . . thì các thử nghiệm phù hoa về cái gọi là văn chương vô thức, siêu ngã đều là những mặt hàng xa xỉ rất khó được cộng đồng chấp nhận. Công chúng cần những lý tưởng thẩm mỹ thực tế hơn!
Có thể nhắc lại đây câu tâm tình của một nhà thơ thế hệ sau ngày đất nước thống nhất để thấy rõ “cái chuẩn của mọi tìm tòi hướng về cái đẹp của tính hiện đại đích thực không nhầm lẫn với cái lạ; cái kỳ dị.
… Chúng tôi được độc giả đón nhận do những điều “mới mẻ” đó. Nhưng trên hết, tôi nghĩ, nếu chúng tôi tồn tại được trong lòng độc giả, không phải do sự cách tân trong câu chữ, mà vẫn là cảm xúc. Theo cảm nhận của riêng tôi, nếu làm thơ không bằng cảm xúc mà chỉ chăm chăm sắp đặt câu chữ thì đó không phải là thơ nữa. Người đó khó cảm thông được với những dạng thơ như vậy. Có thể đầu tiên họ chú ý đọc vì hiếu kỳ, vì tìm hiểu nhưng sau đó họ sẽ quên ngay ý tứ của bài thơ, hoặc chẳng hiểu bài thơ nói gì. (2)
Cái mới nhiều khi ban đầu lẻ loi, về sau mới được chấp nhận. Cái kỳ dị thì lẻ loi mãi mãi và sẽ bị lãng quên. Hình như cái mới của thơ hiện nay khó nắm bắt hơn vì quá nhiều và hơi mờ nhạt! Cái đích của mọi tìm tòi nghệ thuật là cuộc sống. Dù mới đến đâu; hiện đại đến đâu thì Thơ cũng không thể đứng ngoài Nhân dân. Thơ Việt Nam hiện đại không thể xa lạ với cuộc sống và con người Việt Nam hiện đại. Suy cho cùng thì như câu nói của một nhà thơ: Thơ ca là sự tự phản ánh của tâm hồn nhân dân. Để hiểu mình nhân dân sáng tạo nên thơ ca (3) Đó là cái điều nhân bản nhất, cái điều mà thơ ca tồn tại được trong mọi thời gian.
HÀ QUẢNG
(Văn nghệ)
______________________
(1) Đỗ Văn Khang – Cận văn học là văn học thế kỷ XXI – Tạp chí Văn học 1- 1977.
(2) Phạm Thị Ngọc Liên – Còn yêu là còn thơ – Thể thao văn hoá số 83-2004.
(3) E.Êptusenkô (Nga)