Tình nguyện chuyên nghiệp, cần yếu tố gì?

TP – Làm thế nào để nâng cao kỹ năng tình nguyện? Để tổ chức hoạt động tình nguyện cần những yếu tố gì? Phóng viên Tiền Phong trao đổi với anh Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cùng một số thủ lĩnh câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện xung quanh chủ đề này.

Rõ người, rõ việc

Điều quan trọng nhất của mỗi hoạt động tình nguyện là tính hiệu quả, thiết thực mà mỗi công trình, phần việc tình nguyện đem lại cho cộng đồng và xã hội. 

Để có hiệu quả, các hoạt động tình nguyện phải được tổ chức khoa học, bài bản từ khảo sát nhu cầu, địa điểm, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đánh giá; đặc biệt, cần kết hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên ở địa phương.

Tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng, các tình nguyện viên ở các CLB, đội, nhóm tình nguyện nên bám sát với các tổ chức Đoàn, Hội tại địa phương để có sự hỗ trợ và hoạt động hiệu quả nhất. 

Năm qua, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia đã kết nối, hỗ trợ hàng trăm đội, nhóm, CLB tình nguyện cộng đồng cả trực tiếp và gián tiếp, không chỉ hỗ trợ về tư cách pháp nhân, trung tâm còn giúp tìm kiếm nguồn lực, tập huấn nâng cao năng lực, liên hệ với các địa phương để phối hợp triển khai các hoạt động.

Tôi nghĩ để đạt được tính chuyên nghiệp, điều quan trọng là tình nguyện viên phải được tập huấn các kỹ năng, như: kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng lập kế hoạch; kỹ năng xử lý khủng hoảng, rủi ro; kỹ năng viết hồ sơ dự án, làm truyền thông…

“Bộ máy tổ chức của nhóm phải gọn, rõ người, rõ việc, ai cũng phải hiểu và nắm chắc nhiệm vụ của mình trong nhóm là gì. Người thủ lĩnh phải biết được thế mạnh, sở trường của nhóm, trên cơ sở đó có những hoạt động tình nguyện mang “thương hiệu” riêng, đặc sắc, sáng tạo”

Vũ Minh Lý- Giám đốc Trung tâm Nguồn lực tình nguyện Quốc gia

Bộ máy tổ chức của nhóm phải gọn, rõ người, rõ việc, ai cũng phải hiểu và nắm chắc nhiệm vụ của mình trong nhóm là gì. Người thủ lĩnh phải biết được thế mạnh, sở trường của nhóm, trên cơ đó có những hoạt động tình nguyện mang “thương hiệu” riêng, đặc sắc, sáng tạo.

Mỗi công trình tình nguyện phải có tính bền vững. Tôi thấy, một số công trình, phần việc thanh niên sau khi tình nguyện viên rút quân đi thì không được phát huy. Sự vào cuộc của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên địa phương là rất quan trọng, chính họ phải là người duy trì những hoạt động của công trình đó, như các sân chơi cho thiếu nhi, thư viện, nhà văn hoá thôn, bản…

Năm 2014 sẽ tạo ra điểm nhấn đột phá trong phong trào tình nguyện với những thanh niên tình nguyện có kỹ năng, nhiệt huyết, có trí tuệ và biết dấn thân. Chính họ sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong mỗi công trình, phần việc của Năm Thanh niên Tình nguyện và từ đó lan tỏa sâu rộng đam mê hoạt động tình nguyện đối với cộng đồng, đóng góp thiết thực nhất sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phạm Thị Ngát, Chủ nhiệm CLB tình nguyện Vòng tay thân ái:

thấu hiểu

Với kinh nghiệm 6 năm hoạt động tình nguyện, vừa đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2012, Phạm Thị Ngát cho biết, để hoạt động tình nguyện chuyên nghiệp điều quan trọng nhất là mỗi tình nguyện viên phải có kỹ năng chuyên nghiệp. 

Tình nguyện chuyên nghiệp, cần yếu tố gì? ảnh 1

Sinh viên tình nguyện dạy chữ cho đồng bào La Pán Tẩn (Mù Cang Chải – Yên Bái)

“Tình nguyện viên phải hiểu được đối tượng họ muốn giúp đỡ. Tôi thấy đối với những hoạt động giúp đỡ người khuyết tật, đa số tình nguyện viên chưa thực sự hiểu người khuyết tật, chưa nắm hiểu được nỗi niềm của họ. Hầu hết các tình nguyện viên nghĩ sao làm vậy mà không biết làm như thế có thực sự có ích đối với người được hỗ trợ hay không. Tôi nghĩ, cần phải khắc phục yếu tố kỹ năng trong tình nguyện thì mới có hoạt động mang bền vững”, Phạm Thị Ngát chia sẻ.

“Các CLB, đội, nhóm tình nguyện hiện nay phần lớn là tự phát, ít được đào tạo cơ bản về hoạt động tình nguyện nhưng lại thụ động trong tiếp cận với các tổ chức Đoàn để có được sự hỗ trợ cần thiết. Thời gian tới tôi mong tình hình này sẽ được cải thiện, tình nguyện viên cần chủ động hơn”. 

Phạm Thị Ngát

Phạm Thị Ngát cho rằng, cần có sự tương tác giữa tình nguyện viên và người được hỗ trợ, không chỉ đơn thuần đến tặng quà xong rồi đi về, tình nguyện viên nên có thời gian tìm hiểu, trò chuyện, chia sẻ, để cả hai bên có sự tương tác gắn bó với nhau, tình nguyện viên cũng có thể học hỏi nhiều điều từ những người họ giúp đỡ không chỉ là những kiến thức mà còn nhiều bài học cuộc sống.

Phạm Thị Ngát cho rằng, các CLB, đội, nhóm tình nguyện hiện nay phần lớn là tự phát, ít được đào tạo cơ bản về hoạt động tình nguyện nhưng lại thụ động trong tiếp cận với các tổ chức Đoàn để có được sự hỗ trợ cần thiết. “Thời gian tới tôi mong tình hình này sẽ được cải thiện, tình nguyện viên cần chủ động hơn”, Phạm Thị Ngát nói.

Trương Văn Vũ, Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh, TPHCM:

Chủ động nâng cao kỹ năng

Tôi nghĩ mỗi tình nguyện viên cần được trang bị kiến thức về tình nguyện, đồng thời phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người mình tới giúp đỡ. Ở TPHCM rất nhiều tình nguyện viên chủ động tìm đến các lớp dạy kỹ năng tình nguyện để học như kỹ năng tiếp xúc với người có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật. 

Để hoạt động tình nguyện lâu dài, hiệu quả, tình nguyện viên cần thường xuyên phối hợp với địa phương trong thời gian trao quà như tặng quà xong, cần qua lại địa phương thăm hỏi để biết tình hình đời sống của người dân nơi đây có thay đổi gì.

Mỗi tình nguyện viên cần hiểu ý nghĩa, mục đích của Năm Tình nguyện để có hoạt động tạo dấu ấn cho riêng mình. CLB Nét bút xanh dự kiến sẽ tạo dấu ấn bằng việc trồng cây xanh phủ đồi trọc một huyện ở Đắk Lắk. Chúng tôi sẽ trồng khoảng 1.500 cây thông trên đồi, cử một tình nguyện thường trực chăm sóc cùng người dân địa phương.

Hải Yến

Rate this post

Viết một bình luận