Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì có thể nói rằng, Tô Đông Pha là người sống hạnh phúc nhất trong mọi thời đại lịch sử. Mặc dù phải chịu đựng những nỗi thống khổ cùng cực giày vò tâm trí, nhưng ông luôn sống rất lạc quan, vui vẻ và hài hước. Sinh thời ông từng nói: “Ta lên trời có thể vui với Ngọc Hoàng đại đế, xuống hạ giới có thể vui thú điền viên, hoặc làm kẻ ăn mày… Trong mắt ta, khắp thiên hạ đều không có kẻ xấu”.
Tô Thức tự Tử Chiêm (1037 – 1101), tên khác là Trọng Hào, hiệu Đông Pha cư sĩ, nên người đời thường gọi là Tô Đông Pha. Tô Thức sinh ra ở vùng Mi Sơn, Mi Châu (nay thuộc Mi Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc). Tô Đông Pha là một trong ‘Bát đại gia nhân’ các văn hào nổi tiếng nhất thời Đường – Tống. Đặc biệt về cổ văn thì Tô Đông Pha được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất, hạ bút là thành văn. Đông Pha cư sĩ không chỉ giỏi về thơ phú, mà còn được biết đến là một chính trị gia tài giỏi, nhà thư pháp, thư họa nổi tiếng, một danh y lừng lẫy thời Bắc Tống, nhiều lần nhậm chức vị Hàn lâm đại học sĩ, Lễ bộ thượng thư. Tô Đông Pha, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Triệt, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Tăng Cửu, Vương An Thạch là tám văn nhân được xem là những đại văn hào nổi tiếng nhất Trung Quốc thời bấy giờ, mệnh danh là ‘Đường Tống bát đại gia’.
Duyên phận kiếp trước và kiếp sau
Tô Đông Pha có học thức uyên bác, tài giỏi hơn người. Cuộc đời ông được xem như một huyền thoại, tất cả đều có một mối quan hệ nhân duyên ở đằng sau. Theo cuốn sách “Lãnh trai dạ thoại” có ghi chép, thì kiếp trước Tô Đông Pha đã từng xuất gia làm một tăng nhân. Ngoài ra còn có ghi chép khác nói rằng, có ba người đã cùng mộng thấy kiếp trước của Tô Đông Pha chính là một vị hòa thượng chuyển kiếp.
Tương truyền rằng, Tô Đông Pha kiếp trước chính là Ngũ Giới hòa thượng, chỉ vì lạc một niệm đã phạm phải sắc giới mà rơi rớt tầng thứ. Sư huynh của ông đã thông qua triển hiện thần thông, mà biết được Ngũ Giới có gian dâm. Khi bị phát giác, Ngũ Giới hòa thượng cảm thấy vô cùng xấu hổ, không còn mặt mũi nào đối diện với các sư huynh sư đệ của mình. Ông liền tọa hóa đầu thai chuyển kiếp, thác xuống làm một thường nhân. Sư huynh của ông biết rằng Ngũ Giới sau khi chuyển kiếp đến thế gian sẽ phạm tội phỉ Phật, báng tăng, như vậy sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thể quay trở về thiên thượng. Ông bèn vội vàng tọa hóa, đuổi theo đầu thai chuyển kiếp. Sau khi đầu thai, hòa thượng Ngũ Giới chuyển sinh thành Tô Thức, sư huynh của ông chuyển sinh thành người bạn tri âm của Tô Đông Pha – thiền sư Phật Ấn.
Chính vì Tô Đông Pha kiếp trước là một người tu hành, nên kiếp sau ông mới đắc phúc báo trở thành một nhân vật tài chí hơn người. Trong rất nhiều tác phẩm thơ văn của mình, Tô Đông Pha đã nhiều lần nhắc tới kiếp trước của ông. Một lần đến thăm chùa Nam Hoa Tự, ông viết:
Ngã bổn tu hành nhân
Tam thế tích tinh luyện
Trung gian nhất niệm thất
Thụ thử bách niên khiển
Tạm dịch:
Ta vốn tu hành nhân
Khổ tu được ba kiếp
Giữa đường sai một niệm
Chịu phạt cả trăm năm
Tô Đông Pha cũng từng viết rằng:
Tiền sinh ngã dĩ đáo Hàng Châu
Đáo xứ trường như đáo cựu du
Tạm dịch:
Kiếp trước ta đã đến Hàng Châu
Đến nơi xa như một chuyến đi dài tìm về chốn cũ
Năm Giáp Tuất thứ hai (năm 1057), Tô Thức tròn 20 tuổi. Năm ấy, ông và em trai là Tô Triệt cùng lên kinh ứng thí. Một năm sau, Tô Thức thi đỗ, tên ông được xếp thứ hai trong bảng vàng. Khi ấy vị quan chủ khảo là Âu Dương Tu. Tô Thức đã viết một bài luận với đề bài là “Hình thưởng trung hậu chi chí luận” (luận về sự trung hậu rất mực trong phép thưởng phạt). Bài luận khiến Âu Dương Tu thấy vô cùng cảm kích.
Nói về bài thi của Tô Thức, đáng lẽ phải xếp vào hạng nhất, nhưng do Âu Dương Tu nghi ngờ bài văn đó là có cao nhân chỉ điểm nên chỉ xếp thứ hai. Về sau ông mới biết tác giả của bài văn chính là Tô Đông Pha. Âu Dương Tu đã vô cùng hối hận nhưng Tô Đông Pha không hề mảy may oán hận gì về việc đó. Âu Dương Tu thập phần tán thán tài văn chương của Tô Đông Pha. Trong thư gửi cho một người bạn là Mai Nghiêu Thần, ông đã hết sức khen ngợi tài hoa của Tô Đông Pha. Ông nói: “Mình cần phải tạo cơ hội cho Tô Thức, không nên cản trở con đường của Tô Thức, để Tô Thức có thể vượt qua thành tựu của chính mình”. Âu Dương Tu từng nói: “Tam thập niên hậu, vô nhân tái đàm luận lão phu”. (Ba mươi năm sau, không ai có thể đàm luận lão phu). Về sau, Âu Dương Tu đã nhận Tô Đông Pha làm đệ tử và nhất mực đề bạt…
Nhân sinh tại thế nếm trải đủ trái đắng, bảy nỗi khổ của cuộc đời không ai là ngoại lệ
Nỗi khổ ly biệt
Thiết nghĩ trong cõi nhân sinh, không có gì tốt đẹp bằng khi còn trẻ đã thành danh, không gì may mắn hơn là đến độ tuổi đẹp nhất gặp được người hiểu mình. Nỗi thống khổ nhất của cuộc đời cũng chính là sự chia ly, một khi tình đã đoạn sẽ là nỗi khổ giày vò tâm can. Khi xưa, Tô Thức đang lúc đang chăm chỉ học hành thì hay tin mẹ già ở quê đã khuất. Ông nghĩ rằng: “Bài thơ dù hay đến đâu cũng không thể làm chói mắt mẹ, dù tương lai có tốt đẹp đến nhường nào cũng không thể dắt mẹ đi nửa bước”.
Lúc còn nhỏ, chính mẹ đã dạy ông học hành, còn nỗi đau nào xót xa hơn khi mẫu – tử chia lìa? Vào thời Đông Hán, có lệnh cấm loạn đảng. Những danh sĩ như Lý Ưng, Đỗ Mật và một số người khác đã bị bắt. Phạm Bàng cũng bị bắt ở quê nhà tại Dĩnh Xuyên. Khi đó ông không muốn phải sống lưu vong, nên không bỏ trốn mà chịu trói để rồi phải chết trong tù. Mẹ Phạm Bàng khóc than không tiếc lời khi tiễn đưa con trai về chín suối, rằng: “Con có thể nổi danh như Lý Ưng, Đỗ Mật dẫu chết cũng đáng! Thọ mệnh và danh lợi vốn không thể được cả hai”. Hồi còn thơ ấu, Tô Thức đã hồn nhiên nói với mẹ rằng: “Khi con lớn lên, con cũng muốn như Phạm Bàng. Mẹ có bằng lòng không ạ?”. Mẫu thân tươi cười nói: “Con có thể như Phạm Bàng, nhưng mẹ khó có thể giống như mẹ của Phạm Bàng được”. Quả nhiên, sau này Tô Thức đã trở thành một Phạm Bàng thứ hai, nhưng mẫu thân của ông đã không còn có thể chờ đến khi đó dù chỉ một ngày.
Sau khi rời khỏi kinh đô Biện Lương phồn hoa, hai cha con Tô Thức về đến gia viên, chỉ thấy một khung cảnh tiêu điều hoang hóa như vô chủ. Nhìn bức tường đổ nát, mái nhà xiêu dột, cửa trống không, bóng dáng người phụ nữ hớt hải bận rộn vào ra nay đã không còn. Những vinh quang anh em Tô Thức gặt hái được ở Biện Lương đã không thể sẻ chia cùng mẹ. Ông cũng không thể kể với bà về những gì đã nghe thấy, đã nhìn thấy trên suốt quãng đường hồi hương. Một sinh mệnh vốn dĩ vẫn đang tồn tại, giờ đây bỗng nhiên câm lặng, cuối cùng ngay cả nắm tro tàn cũng mất đi. Tất cả chỉ là một khoảng không chơi vơi, mênh mông đến vô cùng.
Năm Tô Thức 30 tuổi, vợ ông, Vương Phất, cũng qua đời lúc mới 27 tuổi. Than ôi! Còn chua cay nào hơn khi người vợ yêu quý nay đã không còn. Ấy là người vợ ông cưới về lúc mười tám tuổi, người vợ ‘cầm sắt tương hòa’ (cùng hòa tấu đàn Cổ cầm), cùng lên núi Vu Sơn du ngoạn. Mỗi lần ông quên thơ, luôn có vợ bên cạnh nhắc. Người vợ ấy luôn ở bên cạnh nhắc nhở ông rằng: “Tướng công! Người này nói chuyện đều là đoán ý nghĩ của tướng công rồi nịnh bợ, tướng công hà tất phải nhiều lời với hắn ta”. “Tướng công! Tình bạn của người này với tướng công sẽ không thể bền lâu, bởi vì anh ta cố ý tìm cách kết giao với tướng công, thế nên rời xa tướng công cũng sẽ nhất định rất nhanh”. Tô Đông Pha đã trồng 3 vạn cây thông trên đỉnh đồi nơi Vương Phất được chôn cất để tỏ lòng thương tiếc.
Mười năm sau, lúc đang làm quan ở Sơn Đông, Tô Thức nằm mơ thấy người vợ xưa. Ông tỉnh dậy làm bài từ này để tế vợ. Đây là lần đầu tiên một bài văn tế được làm theo thể từ tên là: “Giang thành tử – Ất Mão chính nguyệt nhị thập nhật dạ ký mộng” (Giang thành tử – Đêm ngày 20 tháng giêng năm Ất Mão ghi lại giấc mộng). Ông dùng chữ chân phác minh bạch, được người đời truyền tụng.
Thập niên sinh tử lưỡng mang mang,
Bất tư lường,
Tự nan vương.
Thiên lý cô phần,
Vô xứ thoại thê lương.
Túng sử tương phùng ưng bất thức,
Trần mãn diện,
Mấn như sương.
Dạ lai u mộng hốt hoàn hương,
Tiểu hiên song,
Chính sơ trang.
Tương cố vô ngôn,
Duy hữu lệ thiên hàng.
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ,
Minh nguyệt dạ,
Đoản tùng cương.
“Mười năm sinh tử âm dương cách biệt, không nghĩ tới mà khó quên, nấm mộ cô đơn ngàn dặm xa xôi, thê lương không biết phải nói sao. Dẫu có gặp lại cũng không thể nhận ra, khuôn mặt bám đầy bụi, tóc mai phủ sương. Một đêm u tịch bỗng nhiên trở về, bên song cửa chải tóc, lặng im không nói một lời nào, chỉ có lệ ngàn hàng tuôn rơi cùng nỗi nhớ thương. Giá mà hằng năm ta tới được nơi đau lòng đó. Những đêm trăng sáng trên đồi thông”.
Một năm sau, cha ông là Tô Tuân qua đời. Năm ấy, Tô Thức 37 tuổi. Ân sư Âu Dương Tu cũng đột ngột từ trần ở tuổi 58. Âu Dương Tu chính là người nâng đỡ và đồng hành cùng ông trong suốt một thời gian dài. Đến năm Tô Thức 61 tuổi, thị thiếp của ông là Triêu Văn qua đời. Người thiếp mới hôm nào còn vui buồn thương nhớ cùng nhau, mỗi lần gặp gỡ đều vui vẻ với một nụ cười tươi tắn. Ông nói: “Ta đã nuốt rượu đắng mà sống từ bấy lâu”.
Nỗi khổ khi lòng còn oán trách
Có câu nói: “Dù bạn là người rộng lượng đến đâu thì vẫn có người không hoan nghênh mình. Dù bạn có bao dung đến mấy thì cũng sẽ có người khiến mình phải tức giận”.
Người thứ nhất làm Tô Thức tức giận là cấp trên của ông – Thái thú Phượng Tường. Một là, Thái thú tuổi tác đã cao nên luôn coi thường ông, cho là ông trẻ tuổi không hiểu chuyện, gọi ông là ‘Mao đầu tiểu khỏa’ (đứa trẻ râu rậm). Hai là, Trần Thái Thú từ chối gặp ông. Ba là, Trần Thái Thú luôn cố tình cho ông phải đợi rất lâu ở đại sảnh, mỗi khi dâng công văn do ông soạn thảo.
Người thứ hai khiến Tô Thức tức giận là một một vị quan thi hành Tân pháp. Ông ta dám làm kẻ thù của tất cả để thực thi luật mới, mặc kệ hết tất cả những lời ra tiếng vào chống đối Tân pháp. Nhưng cho dù mọi người chỉ trích thế nào, ông ta cũng không động tâm. Người này luôn chỉ mặc một bộ y phục duy nhất, chỉ ăn duy nhất một món thường ngày và cũng chỉ có duy nhất một người phụ nữ. Ông ta chính là Vương An Thạch! Có lần, Tô Đông Pha nói đùa về Vương An Thạch rằng: “Hòn non bộ rất đẹp nhưng kỳ thực đều là giả, thế nhưng Hoàng đế lại thích”. Ông đã xúc phạm Vương An Thạch, vì thế mà bị đẩy ra khỏi Biện Lương chỉ trong một sớm bởi bàn tay của chính Vương An Thạch.
Người thứ ba khiến Tô Thức phải tức giận là Chương Đôn. Tô Đông Pha và Chương đôn, luận về tuổi tác cũng xấp xỉ nhau, nên thuở nhỏ từng là bạn tốt của nhau. Chương Đôn có khả năng leo lên vách núi dựng đứng mà sắc mặt không hề thay đổi. Tô Thức liền nói: “Tử Hậu có thể sát nhân” khiến Chương Đôn lấy làm căm giận lắm. Thiệu Thánh năm thứ nhất (1094), Tống Triết Tông sắc phong Chương Đôn làm Tể tướng. Chương Đôn đã trả đũa Tô Đông Pha ngay khi tiến hành thực thi luật mới. Tô Đông Pha bị liệt vào danh sách “phản đối triều đình” không một chút nương tay. Ngay lập tức Tô Đông Pha bị điều tới Huệ Châu (nay là thành phố Huệ Châu, Quảng Đông), làm Ninh viễn tiết độ phó sứ. Tô Đông Pha vốn đã quen với việc bị giáng chức, ông khai hoang mở đất làm ruộng. Tại đây, ông cũng tự tay chép kinh Kim Cương, học nấu ăn… bất luận hoàn cảnh khó khăn, ác nghiệt như thế nào đều là “ưu du tự nhạc” (tự hài lòng với chính mình). Ông vẫn không ngừng cho ra đời những áng văn kiệt tác, thơ ông tuôn trào như suối nguồn. Ông từng làm hai câu thơ:
Vi báo thi nhân xuân thụy túc
Đạo nhân kinh đả ngũ canh chung
Tạm dịch: Vì muốn báo với thi nhân rằng giấc xuân đã đủ, đạo nhân đánh năm tiếng chuông thật lớn.
Chương Đôn thấy vậy cho rằng Tô Đông Pha sống quá ư thảnh thơi, nên trong tâm thấy rất khó chịu. Ông ta tiếp tục giáng chức Tô Đông Pha, đẩy một ông già sáu mươi tuổi đến Xương Hóa, ở tận ngoài hải đảo (nay thuộc Xương Giang, Hải Nam).
Nỗi khổ cầu mà không được
Trong con mắt của người đời thấy rằng, Tô Đông Pha là một nhân vật rất đáng ngưỡng mộ. Ông từng giữ nhiều tước vị cao trong triều đình, bè bạn, tri âm, tri kỷ khắp thiên hạ đâu đâu cũng có. Người khác có mong cầu cũng không được như vậy. Nhưng ai đâu hay, Tô Đông Pha cuối đời lại không được như ý. Sáu mươi tuổi đã phải nằm trên giường bệnh, quay mặt vào tường, thì thào hơi thở, từng cơn co giật, đến khách thăm hỏi cũng không có lấy một người. Ngày kia, ông nhận được tin Đường muội chết vì bệnh. Tô Đông Pha khóc rống lên, không ai hay biết vì sao mà ông lại khóc thảm thiết như vậy. Nhưng trong những bài thơ của ông, người ta có thể thấy thấp thoáng một bóng hồng. Hóa ra, ông từng đến thăm một người em gái họ đã có chồng. Ông cũng cố ý không nhắc gì đến chồng của người em họ. Nhưng cả đời ông cũng không dám lại gần dù là một bước.
Quy luật của tạo hóa: Sinh, lão, bệnh, tử
Năm ba mươi tư tuổi, Tô Thức rất buồn phiền vì một người bạn họa sĩ đã qua đời ở Hồ Châu. Khi ấy các quan trong triều đều đến thăm. Hai mươi ngày sau, ông đã phải chuyển từ ngôi nhà mới của mình ở Hồ Châu đến nhà tù vì tội danh tự ý bàn việc triều chính và phỉ báng triều đình. Lần này ông bị giam một trăm ngày, nhiều lần suýt rơi đầu. Ông dặn dò con trai về việc đưa cơm hàng ngày làm ám hiệu, nếu có hảo sự thì đem rau dưa, nếu có việc chẳng lành thì đem thịt cá đến. Một hôm con trai ông có việc nên đã nhờ người khác đưa cơm cho Tô Thức nhưng lại quên không dặn dò kỹ lưỡng. Người đó bèn chế biến một món cá rồi đem đến cho ông. Tô Đông Pha nhận được món cá, nghĩ rằng đã có xảy ra chuyện với gia đình ông. Ông cảm thấy rất đau lòng và thực sự muốn chấm dứt cuộc sống của mình. Khi ấy ông đã viết một bức thư tuyệt mệnh.
Cuối cùng sau bao nhiêu vất vả, khổ sở trong ngục tù, ông đã được thoát tội tử hình. Tuy nhiên Tô Đông Pha vẫn không tránh khỏi bị cách chức và bị đày đi Hoàng Châu, một vùng nước mặn, gió đắng… Thu nhập ngày càng ít ỏi, ông phải khai khẩn đất hoang ở sườn núi phía đông. Nắng gió như thiêu, như đốt làm mặt ông đen như mực, trông không còn phong thái của một học giả nổi tiếng, mà giống như một nông phu thực thụ. Đến khi 57 tuổi, ông lại bị đày đi Dĩnh Châu, chưa đầy một năm lại tiếp tục đi Huệ Châu, Quảng Đông. Năm 63 tuổi, Tô Đông Pha tiếp tục bị đày đi Nam Hải, Lôi Châu. Quả thực Tô Đông Pha đã bị dồn ép đến mức cùng cực nhất.
Kì thực khi Tô Đông Pha ở cái tuổi ‘bất hoặc’ (40 tuổi), ông đã cảm thấy được sự tàn nhẫn của tháng năm ‘trơ gan cùng tuế nguyệt’. Tóc mai sớm đã nhuốm mày hoa râm, răng bắt đầu rụng, ốm đau bệnh tật cũng không biết từ đâu mà tìm đến với ông. Đời người trăm năm sống có một vạn ngày, mà nửa đời phải sống chung với ốm đau, bệnh tật. Hệ thống tiêu hóa của ông không tốt, ông đã viết thư cho Mễ Phát vợ ông, kể khổ rằng: “Suốt đêm qua không ngủ, ngồi ngay ngắn nuôi muỗi. Đêm nay không biết sẽ ra sao?”.
Nhiều lúc ông nghĩ rằng chỉ có tìm đến cái chết là cách tốt nhất để giải thoát, chết đi cũng là hy vọng cuối cùng để đoạn tuyệt với tất cả. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông muốn nhìn thấy người em trai Tử Do đã gắn bó với ông trong suốt một thời gian dài, nay ly biệt đã lâu chưa có ngày tái ngộ. Ông vẫn luôn ở Thường Châu đợi Tử Do, trông đợi mỏi mòn con mắt nhưng e rằng không còn kịp nữa rồi! Trong một căn phòng nhỏ ở Thường Châu, một người bệnh đang nằm trên giường, hơi thở càng ngày càng yếu ớt, nếu không có gì đặt lên chóp mũi để nhìn thấy còn động hơi thở, thì thật khó tin nổi rằng người này vẫn còn cuồn cuộn chí khí.
Tháng 6, năm Kiến Trung Tĩnh Quốc thứ nhất (1101) dưới thời Tống Huy Tông, Tô Thức lâm bệnh ở Thường Châu. Đến tháng bảy, thiên cổ văn hào tạ thế, hưởng thọ 66 tuổi. Trước lúc lâm chung, Tô Đông Pha dặn dò ba người con trai túc trực bên giường bệnh rằng: “Ta bình sinh không làm chuyện gì xấu xa. Ta tin rằng sẽ không phải thác xuống địa ngục, các con không cần quá đau buồn”. Tô Đông Pha cũng cảnh báo với mọi người rằng, Thần trên thiên thượng là thật sự tồn tại. Ông cảm thấy rất tiếc nuối vì mình đã không còn sức lực để hồi thăng. Ông nói: “Xem ra thế giới Tây phương cực lạc là thực sự tồn tại nhưng ta đã không còn đủ lực để quay trở về trên nữa rồi!”.
Theo Sound Of Hope
Thái Bảo biên dịch