Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi tư vấn của thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang về chủ đề này.
Phóng to
Tỏ tình là một động thái mà chủ thể muốn thể hiện cho đối tượng biết, xác định với đối tượng tình yêu của mình. Như vậy, để thể hiện tình yêu thì không phải chỉ có lời nói mà còn có thể sử dụng vô vàn hành vi cử chỉ, các phương cách khác nhau.
Vì sao lại là “lời tỏ tình”?
Tuy nhiên, vì sao nói đến tỏ tình là người ta hay nhắc đến “lời tỏ tình”? Điều này phải xem xét đến góc độ tâm lý xã hội của giới nam và giới nữ. Xã hội Việt Nam xưa đến nay vẫn còn quan niệm“không có chuyện cọc đi tìm trâu”, tìm kiếm tình yêu và chủ động bày tỏ tình cảm gần như được mặc định cho phái mạnh.
Lâu ngày dày tháng, các cô gái trở nên quen với lối suy nghĩ “muốn gì thì muốn cũng phải nói một tiếng!”. Cho nên, một cách tự nhiên, phần lớn các cuộc tình đều không thể thiếu một “nhân tố phát triển” đó là những lời tỏ tình, có thể là giản dị, đơn sơ mộc mạc, dễ thương, có thể là bóng bẩy văn chương, không lung khởi thì cũng trực khởi!
Cũng chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp, khi các chàng trai thể hiện sự quan tâm sâu sắc, hai bên đã khá thân mật gần gũi, các chàng tưởng rằng nàng ấy đã “chịu đèn” nên cứ vậy mà lấn sân, dẫn tới “gặp ba má ra mắt”. Trong khi đó, nàng vẫn chờ đợi, ngúng nguẩy “Hổng nói ai mà biết!” và đùng đùng nổi giận khi bị chàng áp đặt vào chuyện đã rồi.
Và những sáng tạo “thay lời muốn nói”
Nói như trên không có nghĩa mọi cuộc tình đều có những lời tỏ tình ngọt ngào. Một ánh nhìn đắm đuối với cái nắm tay run rẩy của chàng trai cũng đủ để nàng nhè nhẹ gật đầu. Có người mượn thông điệp từ ý nghĩa truyền thống của những bông hồng đỏ thắm. Lựa chọn một món quà tình yêu và gửi đến nàng đúng vào ngày Valentine thì không cần phải nói gì nhiều nữa. Tên bài hát hay tên một quyển sách cũng có thể “thay lời muốn nói”.
Không ít bạn sinh viên nữ nhận được món quà là quyển sách Tôi thương mà em đâu có hay của nhà văn Đoàn Thạch Biền, những bài hát phát kèm lời tặng nhan nhản trên sóng phát thanh… Tùy vào tính cách, hoàn cảnh, sở thích, điều kiện kinh tế, môi trường làm việc, độ tuổi… của người trong cuộc mà có những kiểu tỏ tình riêng.
Song, kiểu gì thì kiểu, chung quy lại người tỏ tình luôn phải chú trọng vào hiệu quả của nó, có làm cho đối tượng “ép phê”, gật đầu đồng ý không. Với điều kiện hiện nay, “phú quý sinh lễ nghĩa”, cũng như bao nhiêu mối quan hệ khác, người ta càng ngày càng đầu tư vào hình thức, tìm mọi cách “hiện thực hóa”, “cụ thể hóa” cái tâm, cái tình của mình. Với sự hỗ trợ của dịch vụ, của cộng đồng mạng, không có ý tưởng táo bạo nào là không thể thực hiện. Đầu tư hoành tráng và công phu, nhiều “cuộc tỏ tình” (chứ không chỉ còn là “lời tỏ tình” nữa) đã gây được tiếng vang lớn?!
Nhưng mục đích ban đầu có phải thế không, chỉ biết rằng sau một số “event” tỏ tình đình đám, không ít người trong cuộc “bỏ chạy mất dép”. Lý do đơn giản là những cô gái ấy chưa được chuẩn bị tâm thế cho kiểu gây sốc như vậy. Lại là vấn đề tâm lý đây! Mắc cỡ, e thẹn là bản chất của con gái. Nói đâu xa, đi học thì mỗi khi lên bảng trả bài trước lớp đã run như cầy sấy; đi làm thì chưa bao giờ dám phát biểu trước công ty; vậy mà trong tiếng hò hét, cổ vũ, la ó của đám đông, chàng lại phơi bày mọi tình cảm riêng tư như thế nàng chịu sao nổi!
Chưa hết, nàng còn dễ stress hơn khi sau sự kiện ấy, ai cũng có thể chĩa mũi dùi vào mình để bình luận, bàn tán đủ thứ, hình ảnh của mình bị khai thác vô tội vạ trên mạng. Chàng trai nào muốn nổi danh nhờ tỏ tình như thế thì cũng nên thử một lần đặt mình vào vị trí cô ấy, chắc sẽ dễ nhận ra người ấy cần lắm một sự tôn trọng, một chút riêng tư.
Sáng tạo thì vô vàn và mọi sáng tạo có ích luôn được đánh giá cao. Nhưng không phải ai cũng có khả năng sáng tạo, sáng tạo trong tỏ tình càng không dễ. Những câu chuyện đã được ghi hình hay được kể lại về những chiêu tỏ tình “độc” đang đăng tải trên các diễn đàn hiện nay đều thể hiện phần nào cá tính, năng lực, tính cách… của người tỏ tình. Nó là sự lựa chọn của cá nhân, là bản sắc riêng mỗi người và cần được tôn trọng.
Như vậy cũng không có gì phải ầm ĩ, tốn nhiều giấy mực, thời gian và cả điện đóm (trong thời buổi cần hết sức tiết kiệm năng lượng như hiện nay) để quan tâm đến nó. Nếu ai thấy nó có cái hay thì bắt chước cũng chẳng sao, nhưng phải nhớ biết lượng sức mình và lường trước hậu quả. Còn nếu thấy chưa hay thì tự mình tránh đi những chuyện vô bổ, tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Đừng quên kế thừa ‘”tuyệt chiêu yêu” của ông bà
Dẫu biết rằng khi đang yêu thật sự, ai cũng muốn hét lên cho tình yêu của mình bao phủ cả thế giới này. Tuy nhiên, tình yêu vốn dĩ tự thân nó đã là điều thiêng liêng cao quý trong đời sống tình cảm của con người. Và tình yêu tuy là của riêng mỗi người nhưng không bao giờ tách khỏi cộng đồng.
Người trẻ cũng cần biết cách yêu cho lãng mạn, cho có văn hóa, yêu một cách văn minh đúng nghĩa để tình yêu thật sự trở thành động lực sống, thành nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo của cuộc đời mình. Cái đẹp của tình yêu là ở đó!
Hòa nhập xu hướng phát triển chung của thế giới, người trẻ luôn yêu và bày tỏ tình yêu một cách mới mẻ, năng động, nhưng hãy đừng quên kế thừa những “tuyệt chiêu yêu” mà ông bà ta đã đúc kết, đã trở thành quy luật trong tình cảm: Dao năng mài năng sắc, người năng tới năng thương, Đó đây trước lạ sau quen/ Chẳng gần qua lại đôi phen cũng gần. Những lời hay ý đẹp ấy nói lên việc nuôi dưỡng tình yêu bền bỉ, nhẹ nhàng, kiên trì bằng sự quan tâm, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau. Và khi tỏ tình thì cũng không hề thiếu lãng mạn, tinh tế:
Hôm qua tát nước đầu đìnhBỏ quên cái áo trên cành hoa senEm nhặt thì cho anh xinHay là em để làm tin trong nhà.