Công nhân xếp hàng rút tiền lương từ máy ATM để trang trải bao gánh nặng cuộc sống – Ảnh: TÂM LÊ
Nặng lo thiếu trước hụt sau
Những công nhân lâu năm chia sẻ với tôi rằng họ đã gặp khó khăn về mức lương cũng như môi trường làm việc và phải thay đổi nhiều công ty khác nhau. Có cặp vợ chồng làm cả 10 năm vẫn dự định nghỉ việc để về quê chăm lo con cái.
Với cảm nhận của chính mình và nghe tâm tư từ các “đồng nghiệp” nhiều năm làm công nhân, một vài điều tôi rút ra là nếu thực hiện được đôi bên cùng có lợi thì công ty có nhân lực ổn định, chất lượng. Công nhân cũng yên tâm gắn bó cả cuộc đời và tự hào với công việc của mình.
Về mặt chế độ, nhiều công ty, nhất là các công ty lớn đã thực hiện chế độ lương, thưởng, phụ cấp, hợp đồng, bảo hiểm đầy đủ cho người lao động. Ngày nhận lương đúng như cam kết, không bị chậm, nợ.
Ngoài ra, người lao động có thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp như mọi ngành nghề. Công nhân lâu năm được hưởng lương thâm niên.
Dù tôi chỉ làm thời vụ nhưng vẫn được ký hợp đồng và hưởng một vài chế độ cơ bản như lương thưởng, phụ cấp, bảo hiểm.
Tuy nhiên, những công nhân đã từng làm ở nơi khác nói với tôi rằng công ty này lớn mới có chế độ cho công nhân thời vụ, nhiều nơi khác không được như vậy. Đồng lương thiếu trước hụt sau ngay cả với người đi làm nên khó khăn cho cha mẹ già và con thơ ở nhà.
Từng qua vòng tuyển chọn, tôi hiểu công ty ký kết với nhà tuyển dụng chuyên nghiệp để họ đảm nhận nguồn nhân lực, hỗ trợ trách nhiệm trong quản lý. Công nhân thuận lợi trong việc làm thủ tục và giải đáp thắc mắc, nhưng bất tiện ở chỗ chồng chéo quản lý.
Chẳng hạn giám sát giờ làm việc trong công ty, mỗi sáng tôi đến phải bấm máy chấm công của nhà thầu nhân sự, rồi bấm máy chấm công của công ty, khi ra về lặp lại như vậy.
Ai muốn nghỉ đau ốm, nhà có việc cũng phải báo hai bên. Nếu chẳng may công nhân có sai, thiếu sót, mức phạt của nhà thầu sẽ nặng hơn của công ty nhiều lần.
Tôi từng nghe công nhân Hoàng Tuấn Kiệt tâm tư được chuyển cấp lên giám sát, theo quy định của công ty không cần phải qua nhà thầu nữa. Tuy nhiên cuối tháng, nhà thầu đã trừ 6 đêm lương tăng ca của Kiệt, công ty không can thiệp gì.
Công nhân Nguyễn Đình Sáng ở xóm trọ của tôi thì so sánh: “Qua nhà thầu thì thế nào lương của mình cũng bị trừ một ít. Hai người cùng làm, một người qua nhà thầu, người kia vào thẳng công ty cùng làm ngày công như nhau nhưng hai mức lương khác nhau. Lương công ty trả cao hơn lương nhà thầu”.
Về mức lương thưởng, ai ai cũng trông chờ những đồng tiền mồ hôi công sức của mình. Hiện tại, thu nhập bình quân mỗi tháng của một công nhân từ 6-8 triệu đồng đã gồm tăng ca, phụ cấp.
Một tháng trọn vẹn làm việc của tôi, cùng với tăng ca từ 8 tiếng lên 12 tiếng liên tục, phiếu lương báo con số 7,2 triệu đồng.
Một công nhân nam cũng gửi bảng lương cho tôi xem, tháng thứ ba làm việc ở công ty với mức lương 7 triệu đồng. Cậu ta còn kèm theo lời phàn nàn: “Lương bèo quá, em muốn nghỉ việc cho rồi”.
Mức lương này, công nhân có thể tiết kiệm trang trải cuộc sống, nhưng áp lực về thời gian. Việc tăng ca, không tăng ca là quyền của công ty, người lao động không được quyền quyết định. Dẫn đến không tăng ca thì lương thấp, tăng ca liên tục thì sức khỏe bị ảnh hưởng.
Những buổi tối hàn huyên với nhau ở xóm trọ công nhân, tôi thường xuyên nghe những tâm tư về lương, thưởng, tăng ca, không tăng ca và những cách chắt chiu, tiết kiệm để đủ sống. Tôi có thể cảm nhận từng nét mặt, từng giọng nói đầy lo lắng của họ những ngày nhận lương cuối tháng.
Thậm chí tôi còn có thể đọc thấy tâm trạng của họ ngay tại phòng vệ sinh, với dòng chữ viết vội trên cánh cửa: “Làm quần quật 12 tiếng mỗi ngày mà lương chưa được nổi 8 triệu, trời ơi!”.
Hầu hết công nhân đều muốn gắn bó với nơi làm nếu được đảm bảo cuộc sống – Ảnh: TÂM LÊ
Mong KCN có nhà trọ và chỗ học cho con
Hiện nay hiếm khu công nghiệp (KCN) có nhà ở cho người lao động. Một số công ty chỉ phụ cấp phần nhỏ để công nhân tự tìm thuê nhà. Phần đông người lao động ở các tỉnh lẻ đến, phải chạy vào khu dân cư tìm kiếm phòng trọ. Những dãy phòng nhỏ bé, tạm bợ như tôi đã trải nghiệm thực tế.
Nhà trọ chật hẹp, cộng với áp lực giờ giấc đi làm nên hầu hết công nhân phải gửi con cái ở quê cho ông bà. Có gia đình hai vợ chồng cùng làm một nơi vẫn phải gửi con ở quê. Đồng lương thấp lại phải san sẻ đôi nơi, càng thiếu trước hụt sau.
Nhiều lao động nữ phải xa con nhỏ trong nỗi nhớ quay quắt: “Xa con lâu quá rồi, mẹ vẫn chưa được về, nhớ con quá con ơi. Vì cơm áo, gạo tiền, mẹ đành phải xa con thôi” – những dòng chữ đọc như thắt ruột trên bức tường nhà vệ sinh.
Chị Bùi Thị Y, công nhân thâm niên 10 năm làm việc, quê ở Hòa Bình, tâm sự: “Những ngày đầu nhớ con cồn cào, nhiều đêm không ngủ được vì thương con nhỏ. Khi ấy còn chưa có điện thoại thông minh, chỉ 2 năm nay tôi mới dồn tiền mua được để gọi video về trông thấy con cho đỡ nhớ”.
Vợ chồng chị Bùi Thị Lam cũng đã có 7 năm làm công nhân, hai anh chị đang dự định sắp tới nghỉ về quê làm việc khác để được gần con cái. “Tôi lo rằng các con đi học mà không kèm cặp được thì sẽ hỏng mất. Cả hai vợ chồng đã không ở bên con lâu nay rồi, tội chúng nó” – chị Lam bộc bạch.
Thực tế cùng sống và làm việc với công nhân, tôi đã nghe bao mong mỏi có nhà trẻ phù hợp để đưa con ở quê lên. Để giải quyết bài toán ổn định cho hàng triệu công nhân ở các KCN, rất cần có các khu nhà ở tập thể phù hợp và nhà trẻ đặc thù dành cho con cái họ.
Chẳng hạn, công nhân tăng ca 12 tiếng một ngày thì con nhỏ cần có lớp trông trẻ đến 8 giờ tối. Thực tế là hiếm có nhà trẻ ở các KCN, mà nếu có thì quy định đến 5 giờ chiều phải đón các bé. Cha mẹ các bé phải tăng ca hay làm ca đêm sẽ gặp khó khăn ngay với việc trông giữ con…
Tôi có một người quen làm công nhân và cả cuộc đời của chị đã chịu nhiều điều tiếng. Chị là Bùi Thị Thủy, quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa, làm công nhân ở KCN tỉnh Bình Dương. Ngày chị lên xe vào Nam, người làng đã dị nghị chị bỏ lại con nhỏ và chồng bệnh tật.
Người chồng có vấn đề về não, con trai duy nhất của chị mới 7 tuổi. Ở quê thì làm gì ra tiền để sống, nhưng đi làm xa thì cả năm chị mới dành dụm về tết, thăm chồng con và thắp hương cho tổ tiên.
Chị không thể giải thích được với người thân và bà con lối xóm việc bỏ con nhỏ để đi làm xa nhà. Bởi gần chỗ làm của chị không có nhà trẻ nào phù hợp cho người mẹ luôn phải tăng ca và làm ca đêm.
Hằng năm, chị cứ đều đặn gửi tiền về và khuyến khích con trai phải ráng học hành cho tốt. Con chị cũng không phụ công mẹ, cậu đã thi đỗ vào Trường đại học Công nghiệp TP.HCM.
Chị lập tức đón con vào Nam để ăn học, đến ngày con tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá trong tay. “Để có ngày hôm nay, tôi phải đánh đổi bằng những năm tháng ngậm đắng nuốt cay. Tôi chỉ mong các KCN bây giờ có đủ nhà trẻ để không còn cha mẹ nào rơi vào hoàn cảnh xa con như tôi” – chị Thủy xúc động tâm sự.
Cần có đủ nhà trẻ ở các KCN
Ngoài vấn đề lương thưởng, nỗi lo lắng nhất của công nhân hiện nay là nơi trọ và trường lớp cho con nhỏ. Những công nhân chưa có con thì phải lo chỗ trọ. Công nhân đã có con nhỏ thì lo thêm không biết gửi con ở đâu nếu dẫn con theo mình.
Thực tế, nhiều người phải gửi con ở nhà trẻ tự phát và từng xảy ra nhiều tình cảnh đau lòng như bé không được chăm sóc tốt, thậm chí bị bạo hành dã man. Có những cặp vợ chồng cùng đi làm, nhưng sau đó một người đành phải nghỉ để chăm sóc con.
Gánh nặng cuộc sống đè nặng trên vai người đi làm phải lo cho mấy miệng ăn. Ai cũng mong muốn KCN mình làm có nhà trẻ phù hợp để gửi con mà yên tâm đi làm.
Tôi đi làm công nhân – Kỳ 7: Khi liếc mắt, khi chạm tay thương