CS:GO (Counter-Strike: Global Offensive) – tựa game bắn súng đã quá nổi tiếng hiện nay. Nhưng nếu anh em là người mới chơi game này thì nên biết một số thuật ngữ phổ biến để có thể giao tiếp cũng như hiểu những gì đồng đội nói khi chơi. Cùng ComputechZ tìm hiểu ngay các thuật ngữ này trong CS:GO nhé nhé.
1. Thuật ngữ cơ bản trong CSGO
– CT – Counter-terrorist: phe cảnh sát
– T – Terrorist: phe cướp
– Utility: từ chỉ các loại bom mìn nói chung
– Full nade: Mua đủ 4 quả bom cần thiết khi đủ tiền. Trong đấu rank thường có 2 kiểu mua: 1 grenade, 1 smoke, 1 flash và 1 molotov. Hoặc 2 flash, 1 smoke và 1 molotov.
– Molly: tên gọi chung cho bomb lửa ở cả 2 phe CT và T. Bom lửa bên T có tên là Molotov, còn bên CT là Incendiary Grenade.
– Nade: viết tắt của grenade – bom nổ.
– Armor: Giáp. Có 2 kiểu mua giáp. Kiểu 1 là chỉ mua giáp thân tốn có 600$, kiểu 2 là mua full cả giáp thân + giáp đầu tốn 1000$.
– Glass cannon: mua AWP mà không mua bất kỳ tý giáp phòng thân nào.
– Split: tách khỏi đội hình để đi hướng khác.
– Scrim: tập luyện giữa các đội 5v5 với nhau. Thường trước mỗi giải đấu, các đội tuyển sẽ kiếm scrim để training.
– Aim: tâm bắn
– Aim (Crosshair) placement: kê tâm sẵn
– Cover: bắn hỗ trợ đồng đội
– Hold: giữ vị trí hiện tại
– Bombsite: Khu vực đặt bom. Chỉ có 2 khu vực chính là Bombsite A và Bombsite B
– Rush: Rush B non-stop là câu nói là anh em sẽ thấy nhiều. Nó có nghĩa là xông thẳng lên bombsite mà không dừng lại, kể cả chết trước.
– Push: đẩy ra bắn nhau. Từ này thường dùng sau khi đội hình hold tại một vị trí nhất định và đến thời điểm thích hợp để đẩy ra bắn nhau với team dịch.
– Shift: đi bộ để không lộ tiếng. Quân địch có thể nghe tiếng bước chân bạn chạy để đoán được vị trí gần đó.
– Hold site: thủ site. Thường dùng khi chơi ở phe CT, mang nghĩa phòng thủ bomsite khi bị phe T tấn công.
– Kobe: mang nghĩa là giết được địch bằng lựu đản nổ (grenade).
– Save: thuật ngữ thể hiện việc giữ lại súng và các phụ kiện khác như bom mìn, giáp khi mà thấy không thể thắng nổi team địch.
– Wallbang: bắn xuyên tường.
– Boost: một người ngồi xuống, một người còn lại nhảy lên đầu người kia để có được vị trí cao hơn hoặc được dùng để leo lên một vị trí cao nhanh chóng hơn mà không cần phải nhảy lên những vật cố định khác.
– Run Boost: đây là kỹ thuật 2 người boost nhau phối hợp di chuyển và người ở trên được boost thì khi đến vị trí sẽ nhảy ra và tốc độ bay cũng như độ cao bay được sẽ rất là cao. Đây là kỹ thuật khó cần sự phối hợp nhuần nhuyễn
– Camp: thuật ngữ thường dành cho bên CT. Nó có nghĩa là người thủ bombsite cần giữ nguyên vị trí, không hỗ trợ hay di chuyển ra khỏi khu vực phòng thủ của mình.
– Care (Care A, Care B): tiếng anh có nghĩa là quan tâm. Trong game thì có nghĩa là canh chừng tại một bombsite nào đó, đề phòng bất trắc. Thuật ngữ CSGO này thường dùng cho bên CT.
– Crouch Jump: nhảy ngồi. Bấm đồng thời phím Ctrl + Space để nhảy lên những vị trí cao hơn bình thường một chút.
– Bunny Hop: anh em từng chơi Half-life hoặc đột kích hẳn đều biết tới kỹ thuật nhảy Bunny rồi đúng không.
– TK: teamkill, bắn chết đồng đội.
– FF: friendlyfire, bắn trúng đồng đội. Anh em mà có lỡ TK hay FF nhiều thì rất dễ bị ăn ban vì nó được coi là hành vi thiếu tính đồng đội nha.
– Burst: chế độ bắn 3 viên 1 lúc. Chế độ này chỉ có tại khẩu Famas (bên CT) và khẩu Glock (bên T)
– Spam: bắn liên tục vào một vị trí. Đây là một cách để bạn có cơ may giết được đồng đội sau quả smoke.
– Spray: gọi tắt là sấy. Tức là anh em bắn liên tục không nghỉ cho đến khi hết đạn.
– Tap: bắn từng viên một với tốc độ chậm, đối nghịch với Spray.
– Control recoil: kiểm soát đường đi của đạn được bắn ra.
– Toxic: từ chỉ những thanh niên chơi game mà có thái độ cục cằn, chửi bới đồng đội và cả team địch, có những hành động phá game rất khó chịu.
– AWP: súng ngắm có sát thương 1 viên vào thân hoặc đầu là chết luôn kể cả mua full giáp. Nhưng bắn vào đầu gối trở xuống thường chỉ mất 85 – 90 máu là căng nếu đang full 100 máu.
– Scout: tên gọi tắt của khẩu súng ngắm SSG08. Khẩu này thì vừa nhẹ vừa damage bé hơn AWP nhưng được cái tính cơ động cao. 1 viên vào đầu là chết luôn, cần 2 viên vào thân mới chết.
– Gaygun: khẩu súng dạng Semi-auto với giá 5000$. Bên CT sẽ là khẩu SCAR-20, bên T là khẩu G3SG1. Cả hai khẩu này đều có ống ngắm bật 2 Zoom như AWP nhưng lại có thể xả đạn liên tục chứ không phải bắn từng viên 1 rồi giật cần súng như AWP hay Scout cả.
– Frags: số mạng giết được.
– Bottom frag: đứng cuối bảng xếp hạng về thành tích giết được bao nhiêu mạng.
– Top frag: ngược lại với Bottom frag, đây là người có số lượng frag nhiều nhất team.
– Teamwork: tinh thần đồng đội, ở đây ám chỉ cách chơi theo hướng đồng đội
– Choke: Đây là chỉ số thể hiện các dữ liệu truyền từ server tới client (máy của người chơi) bị chậm dẫn tới tình trạng giật, lag. Ngoài ra, nó còn có nghĩa thể hiện phong độ của người chơi hiện tại đang khá là bất ổn, giết được ít mạng mà lại chết liên tục hoặc có nhiều pha xử lý lỗi dẫn tới thua round đấu.
– Keyround: thuật ngữ CSGO thường phát ra ở đầu round khi tất cả mới hồi sinh. Nó có nghĩa đây là round đấu quan trọng, nếu thắng thì có cơ hội thắng các round tiếp theo, nếu thua thì có thể là thua cả trận đấu.
– Noob: ám chỉ người chơi có kỹ năng kém hoặc ám chỉ lối chơi chỉ biết rình rập, trốn rất kỹ không chịu thò mặt ra bắn nhau như những người đàn ông đích thực.
– Smurf: người chơi có trình độ cao nhưng dùng account có xếp hạng thấp để xuống hành gà (hành các thanh niên noob).
2. Thuật ngữ vai trò người chơi trong game
– Lurker (Baiter): vị trí tách riêng đội hình để đi đường khác với nhiệm vụ lấy thông tin, móc lốp kẻ địch trong bombsite hoặc ngăn người ở bomsite khác về cứu bom.
– Entry Fragger: người chơi có kỹ năng tốt với nhiệm vụ là đi đầu để kiếm mạng, dọn đường cho đồng đội vào đặt bom với bên T site.
– IGL – In Game Leader: đội trưởng của team. Có nhiệm vụ lên chiến thuật, khích lệ tinh thần đồng đội, đưa ra phương án xử lý tình huống.
– Awper: Sniper của đội. Người được giao trọng trách cầm khẩu AWP cho những round có thể mua được nó, ngoài ra có thể thay bằng khẩu Scout trong những round đấu ít tiền.
– Main/primary awper: Awper chính của đội.
– Second Awper: Awper thứ hai của đội. Có nhiều team có tới 2 người có khả năng bắn tốt ở vị trí này và cũng là một chiến thuật hay khi thi đấu. Mỗi 1 Awper sẽ care chính tại 1 2 vị trí quan trọng trên bản đồ.
– Clutcher: người cuối cùng còn sống của team và bị đưa vào tình huống 1vs1, 1vs 2,… tới tận 1vs5.
– Tanker: vai trò này khá giống với Entry Fragger nhưng có nhiệm vụ chính là lao vào bombsite để hút đạn, lấy thông tin về vị trí đứng của địch để báo cho đồng đội, giết được địch thì càng tốt không thì cũng không sao.
– Support: người chơi có nhiệm vụ hỗ trợ là nhiều. Là người sẽ mua đầy đủ các loại bom mìn nhiều nhất có thể để hỗ trợ giai đoạn đầu game cho 1 bombsite cụ thể.
– Playmaker/keyplayer: player có những pha bắn thần thánh thay đổi cả cục diện trận đấu hay round đấu.
– Rifler: chỉ người chơi sử dụng các khẩu Rifle như M4, AK. Đây cũng là người chơi có lượng sát thương chính của team.
3. Thuật ngữ trong đầu round đấu
– Eco: không mua bất kỳ súng to nào, có chăng thì chỉ mua các loại súng lục khác thêm ít bom mìn hoặc giáp 1 là cùng. Mục đích là dành tiền để round sau được cộng tiền có thể mua được Rifle, bom mìn, giáp 2 đầy đủ. Eco trắng có nghĩa là chỉ sử dụng súng lục USP hoặc Glock mà không mua thêm bất kỳ thứ nào khác.
– Deco: chỉ mua deagle thôi (thuật ngữ này hay sử dụng trong CS 1.6 hơn, còn ở CSGO thì vẫn coi là Eco)
– Drop: yêu cầu hoặc nhờ đồng đội mua súng cho mình khi mình không đủ tiền.
– Anti-eco: đây là thuật ngữ CSGO có ý nghĩa chiến thuật nhiều hơn. Trong round đấu sau, team bạn có thể đoán được rằng team địch đã hết tiền và sẽ phải Eco với các khẩu súng lục nên là sẽ đưa ra chiến thuật chống lại team địch.
Thường thì team địch mà phải Eco sẽ có tỷ lệ thua lên đến 90% nên họ có rất nhiều chiến thuật cho những round như này, có thể là rush nhanh 1 site nào đó và cả team sẽ stack 5 người cùng nhau để trade mạng nhanh nhất.
– Force-buy: mua hết tiền thì thôi. Khi mà tiền của bạn không đủ hoặc gần đủ để full buy nhưng bạn vẫn cố mua súng to, giáp, bom mìn các thứ nhưng không thể đủ hết được thì được gọi là Force-buy. Quyết định này thường khá rủi ro vì trang bị kém hơn team địch nên tỷ lệ thua là cao hơn so với việc có đủ tiền để full buy.
– Half-buy: chỉ có một số người là đủ tiền để mua các khẩu kiểu Rifle, bom mìn,… Những người còn lại thì chỉ Eco được mà thôi.
– Full Buy: round mua súng đầy đủ và bom mìn, giáp 2. Round đấu cả 5 người đều đầy đủ tiền để mua Rifle, 4 bom và full giáp, thêm cả kit gỡ bom nếu ở bên CT.
4. Thuật ngữ trong round đấu
– Legged: ám chỉ địch bị Awper bắn vào chân, chưa chết ngay được.
– Dinked: mô tả âm thanh bị bắn vào đầu mà chưa chết.
– 212 : sơ đồ 2-1-2 canh bombsite cơ bản. 2 người canh bombsite A, 2 canh bombsite B và 1 người canh đường mid.
– Bait: chim mồi.
– Trade (trade kill): có nghĩa là đổi mạng, ít nhất 2 người đi với nhau để nhỡ có một người bị bắn chết thì người còn lại giết kẻ địch vừa hạ đồng đội của mình hoặc kẻ địch khác để quân bình tỉ số về người.
– Fake BombSite (Fake A hay Fake B): bên T site tạo tín hiệu tấn công vào 1 bombsite giả để dẫn dụ địch chạy về bombsite đó, còn lại thì team mình sẽ chạy về bombsite còn lại để đặt bom.
– Rotate: bỏ vị trí canh giữ tại Bombsite A để về Bombsite B (hoặc ngược lại) để hỗ trợ đồng đội bom.
– Crossfire: tấn công 2 đường vào bombsite cùng 1 lúc, tạo thế gọng kìm.
– Retake: chiếm lại bombsite sau khi site đã bị chiếm giữ (thường là CT retake). Thuật ngữ trong CSGO hay sử dụng khi một Bombsite của CT bị thủng, bên T đã đặt được bom.
– Pre-fire: bắn trước vào 1 vị trí dù chưa thấy địch để tạo lợi thế trước.
– Chym (chim/knife): giết kẻ địch bằng dao và được thưởng lên tới 1500$.
– Stack: tập trung đông người ở một khu vực nhất định. Stack full A/B tức là tập trung cả 5 người tại bombsite A hoặc B.
– Comeback: lội ngược dòng tình thế trận đấu và giành chiến thắng trận đấu.
– Exit Frag: khi round đấu chuẩn bị kết thúc, người còn sống sẽ đứng ở vị trí ngoài bombsite để canh địch không đề phòng mà bắt súng. Mục đích là làm tăng thiệt hại về kinh tế cho round đấu tiếp theo.
– Clutch: tình huống 1 người còn lại sống sót cuối cùng của team phải chống lại nhiều người bên kẻ địch.
– Ace: tương tự như pentakill trong LOL hoặc Dota. Tức là 1 mình bắn chết hết 5 kẻ địch.
– Timing: đây là thuật ngữ chỉ thời điểm, khoảnh khắc trong game. Có rất nhiều loại timing và tùy thuộc từng map đấu, từng người chơi sẽ có các kiểu timing khác nhau.
– Flick: thao tác vẩy tâm ở tốc độ cao. Đây là một kỹ năng khó, thường được các AWPer luyện tập rất nhiều.
– Jumpshot: giết người bằng cách vừa nhảy vừa bắn.
– No scope: bắn AWP hoặc Scout mà không cần bật tâm.
5. Thuật ngữ CSGO về Server
– MM (MatchMaking): còn được biết tới là chế độ Competitive đấu 5v5 của Valve. MM chỉ chạy trên Server 64tick.
– 64tick: viết tắt của 64 tickrate. Có nghĩa là tốc độ xử lý dữ liệu, thông tin giữa Server và Client là 64 hình/giây.
– 128tick: Có nghĩa là tốc độ xử lý dữ liệu, thông tin giữa Server và Client là 128 hình/giây, gấp đôi so với server 64 tick. Server 128tick sẽ cho ra hình ảnh xử lý mượt mà và chuẩn xác hơn.
Lưu ý: Nếu muốn bắn CSGO ở Server 128tick, anh em nên sắm một con màn có tần số quét từ 120Hz trở lên nhé. Còn màn hình dưới 120Hz thì bắn 128tick cũng chả khác bắn 64tick là mấy, rất khó để nhận ra sự khác biệt.
– ESEA: hệ thống server 128 tick của ESEA, có chống hack riêng
– Faceit: hệ thống server 128 tick của FaceIT, có chống hack riêng
– 7 màu: Server Community của người Việt.
– 1Hp: tương tự như 7 màu, 1Hp cũng là Server Community do người Việt tạo nên cho anh em game thủ CSGO Việt vào chơi.
6. Thuật ngữ trong thi đấu CSGO
– Veto: quá trình ban/pick (chọn map) trong khi thi đấu
– Best of 1: thể thức thi đấu 1 map đấu
– Best of 3: thể thức đấu 3 map thắng 2 trước là thắng toàn bộ trận.
– Best of 5: thể thức 5 map thắng 3 map trước.
– Overtime: hiệp phụ, xuất hiện khi tỷ số của round đấu chính thức là hòa 15 – 15. Mỗi một lượt Overtime sẽ có 6 round đấu chia 3 cho mỗi lượt. Bên nào chiến thắng 4/6 ván với cách biệt ít nhất là 2 ván thì bên đó chiến thắng cả trận đấu
– MR3: thể thức hiệp phụ, mỗi lượt của hiệp phụ có 3 round, ai win 4 round trước thì thắng (tương tự như overtime), hòa 3-3 thì bắn tiếp lượt MR3 nữa.
– MR5: thể thức hiệp phụ, mỗi lượt của hiệp phụ có 5 round, ai win 6 round trước thì thắng , hòa 5-5 thì bắn tiếp lượt MR5 nữa.
– Map pool: số lượng map mà người chơi thông thuộc cả về vị trí map, cách kê tâm tại một vị trí nào đó, timing di chuyển,… Map pool càng nhiều thì chứng tỏ người chơi đó càng có tỷ lệ thắng cao vì hiểu được cách chơi map đó.
– Timeout: thời gian nghỉ giữa hiệp đấu.
– Tactical timeout: tạm dừng thời gian thi đấu để cả đội hội ý chiến thuật cho round đấu tiếp theo.
– Technical timeout: tạm dừng thời gian thi đấu do lỗi kỹ thuật đến từ người trong trận đấu.
7. Thuật ngữ CSGO với Bomb
– Default/ bomb default: vị trí đặt bom cơ bản ở mỗi bombsite của từng map.
– Fake defuse: bên CT tạo tiếng gỡ bomb giả với mục đích để dẫn dụ người bên T phải lộ mặt và CT có thể bắn chết trước khi gỡ bom thật.
– Safe Plant: đặt bomb kín. Là thuật ngữ chỉ việc người chơi bên T có thể đặt bom ở một vị trí kín đáo và an toàn mà CT chưa thể nhìn thấy ngay mà bắn chết họ được.
– Fake Plant: ngược lại với Fake defuse. Bên T sẽ giả tiếng đặt bom xong dừng ngay để dụ CT phải lộ mặt khi mà CT đang nấp đâu đó chờ bên T đặt bom và lợi dụng thời điểm đó để bắn chết bên T site.
– Open Plant: T site đặt bom ở vị trí thuận tiện cho việc canh chừng CT vào gỡ bom. Thường là khi tiến vào bombsite ở vị trí nào, T site hay đặt bom có tầm nhìn rộng về hướng đấy. Người chơi bên CT có kinh nghiệm cũng có thể dựa vào vị trí đặt bom để đoán được vị trí mà T site đang nấp.
– Setup bombsite: đối với T site thì có nghĩa là các vị trí của team vào vị trí ném bom để tiến vào bombsite. Còn với CT site thì có nghĩa là cả đội thiết lập vị trí đứng của mình để thủ bombsite.
– Ninja defuse: thuật ngữ dành cho CT site lén lút gỡ bom. Có thể là nấp tại đâu đó mà T site không check để rồi khi gần hết giờ bom nổ thì bò ra gỡ bom. Hoặc là ném smoke vào đúng vị trí quả bom rồi ngồi trong smoke gỡ bom.
– Bomb Dropped: thuật ngữ báo hiệu Bom đã bị rơi.
8. Thuật ngữ về thứ hạng trong game
Trong CSGO cũng có đấu xếp hạng, dưới đây là thuật ngữ về các thứ hạng của CSGO được xếp hạng từ thấp nhất tới cao nhất.
– Silver: Rank bạc thấp nhất trong game. Có 4 cấp độ Silver là 1 – 2 – 3 – 4
– SE: Silver Elite – vẫn là Rank bạc nhưng ở mức 5
– SEM: Silver Elite Master – vẫn là Rank bạc nhưng là mức cao nhất của nhóm Rank này.
– Nova: Có 4 cấp độ là 1 – 2 – 3 -4. Cấp độ 4 có tên Gold Nova nhưng anh em game thủ thường gọi là Nova 4 vì biểu tượng có 4 ngôi sao.
– MG: Rank Master Guardian. Có 2 cấp độ là MG 1 và MG 2. Nhóm Rank này anh em hay gọi là rank AK vì biểu tượng có khẩu AK. MG2 hay còn được gọi là AK lúa.
– MGE: cấp độ 3 của nhóm rank MG. Tên đầy đủ là Master Guardian Elite (Rank AK đôi).
– DMG: Distinguished Master Guardian. Cấp độ cao nhất của nhóm rank MG.
– LE: Legend Eagle. Tên gọi khác Rank đại bàng.
– LEM: Legend Eagle Master hay còn được gọi là rank đại bàng lúa.
– SMFC: Supreme Master First Class.
– GE: Global Elite – Rank cao nhất của hệ thống MM.
– Level X FaceIT: X là cấp độ rank trong hệ thống xếp hạng của FaceIT. Level 10 FaceIT tương đương GE bên MM.
Trên đây là những thuật ngữ CSGO phổ biến nhất mà ComputechZ đã tổng hợp lại. Thực ra vẫn có một số thuật ngữ khác nhưng theo mình, nó không được nhiều anh em game thủ sử dụng lắm mà thường chỉ có game thủ nước ngoài hay dùng nên mình đã không đưa vào đây. Chúc anh em chơi game vui vẻ và sớm đạt được rank cao.