Sau một mùa hè thả hồn với biển thì mùa thu và đông cũng là khoảng thời gian những người yêu du lịch tìm cho mình những miền đất du lịch mới. Và một trong những vùng đất du lịch đẹp đến nao lòng lại mang nhiều sắc thái trong năm không đâu xa chính là vùng Tây Bắc. Ai yêu du lịch chắc sẽ không xa lạ gì với những thời điểm nổi như cồn ở Tây Bắc như: mùa lúa chín, mùa hoa tam giác mạch và mùa hoa mận trắng, hoa cải trắng. Tháng 9, tháng 10 là thời điểm lúa chín của Tây Bắc, Sapa, Mù Cang Chải và Hoàng Su Phì – Hà Giang là những địa điểm thiên đường của lúa chín và ruộng bậc thang. Sau mùa lúa chín thì dân phượt và những người yêu du lịch lại có chuyến hành trình về Hà Giang, quê hương của loài hoa tam giác mạch nở vào mỗi tháng 11 hàng năm, bắt đầu cho những chuỗi ngày mùa đông lạnh lẽo. Trong bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn cung đường di chuyển lên Hà Giang và 10 địa điểm du lịch Hà Giang (chủ yếu là những địa điểm có nhiều hoa tam giác mạch). Đương nhiên lên Hà Giang thì có 3 loại phương tiện di chuyển từ Hà Nội bao gồm: xe khách, xe máy và ô tô. Nếu đi xe khách kết hợp với xe máy, tức là bạn đem xe máy của mình theo thì hay liên hệ với nhà xe trước, đặt một chỗ trong cốp xe cho xế của bạn. Nhớ đổ ít xăng trước khi đi thôi vì sau đem xe vào cốp xe nhà xe cũng sẽ rút hết xăng của bạn để đảm bảo an toàn. Lên tới TP. Hà Giang là tha hồ vi vu với xế dong duổi khắp nơi rồi. Nếu đi xe khách sau lên Hà Giang thuê xe khoảng 200k/1xe/1 ngày, thuê ở Đồng Văn 250k/1xe/1 ngày
Đi bằng ô tô và xe máy tự túc từ trung tâm Hà Nội:
Tuyến đi thứ nhất: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang. Tuyến đi thứ hai: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ – Đoan Hùng – Tuyên Quang – Hà Giang. Tổng quãng đường khoảng 300-320 km tính từ Hà Nội đi Hà Giang. Tùy cung đường các bạn đi sẽ được ngắn hơn 20-30 km.
Từ Hà Giang sẽ đi theo cung đường lên Đồng Văn, các bạn nên đi đường: Hà Nội đến Hà Giang (300 – 320 km) (nghỉ 1 đêm) – Quản Bạ (46 km) – Yên Minh (50 km) (nghỉ 1 đêm) – phố cổ Đồng Văn (50 km) (nghỉ 1 đêm) – Mèo Vạc (30 km). Đây là lịch trình dành cho những bạn thực sự có thời gian, dành 4 ngày 3 đêm cho chuyến đi Hà Giang, với những ai không có thời gian có thể tự điều chỉnh lộ trình cho phù hợp. Đường Hà Giang khá nguy hiểm, có những đoạn thì sỏi đá gồ ghề, có đoạn thì một bên là núi một bên là vực, con đường Hạnh Phúc cũng có không ít đoạn đường khá xấu. Vì thế, các bạn hạn chế đi đêm, đi khi thời tiết xấu và nên dành một đêm ở thị trấn Đồng Văn, có rất nhiều điều thú vị nơi phố núi này.
Bài viết về Hà Giang có nhiều người đọc nhất :
Lưu Ý Quan Trọng Khi đi Du lịch Hà Giang
Bật Mí 3 Lịch Trình Du lịch Hà Giang tự túc hay nhất
6 Trải nghiệm Độc ở Cột Cờ Lũng Cú
10 Địa điểm du lịch Hà Giang, những điểm đẹp nhất cao nguyên đá Đồng Văn
Mình sẽ tổng kết lần lượt các điểm theo lộ trình để các bạn có thể dễ dàng “note” vào lịch trình của mình nhé.
Ngày thứ nhất, tới Hà Giang, ăn trưa tại Hà Giang. Cam Hà Giang trồng nhiều ở đoạn đường cuối Tuyên Quang, đầu Hà Giang. Nếu qua đây vào mùa cam thì bạn nên ghé vào vườn tham quan, vụ cam thường thu hoạch vào mùa đông, gần Tết và sau Tết âm lịch khoảng 1 tháng sẽ hết mùa.
Từ thành phố Hà Giang đi theo quốc lộ 4C, vượt đèo Bắc Sum. Đèo Bắc Sum là con đèo đầu tiên bạn sẽ được chinh phục khi đến Hà Giang. Đèo Bắc Sum có nhiều hoa cúc dại mọc vàng dải rắc 2 bên đường. Qua khoảng 45 km là đến thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, nơi đây có thắng cảnh núi đôi Quảng Bạ.
Rừng thông Yên Minh
1. Rừng thông Yên Minh
Chạy qua xã Cán Tỷ chạy tới rừng thông Yên Minh, đi qua núi đôi Quảng Bạ khoảng 40 km, qua những cung đường ngoằn nghèo sẽ tới rừng thông Yên Minh, được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Nơi đây, những cây thông xanh rì, vươn cao vút giữa núi đồi rì rào trong gió sẽ khiến xao lòng những người lữ khách qua đây.
2. Phó Bảng – Yên Minh
Chạy qua xã Cán Tỷ chạy tới rừng thông Yên Minh, đi qua núi đôi Quảng Bạ khoảng 40 km, qua những cung đường ngoằn nghèo sẽ tới rừng thông Yên Minh, được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Nơi đây, những cây thông xanh rì, vươn cao vút giữa núi đồi rì rào trong gió sẽ khiến xao lòng những người lữ khách qua đây.
Phó Bảng là nơi có những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo. Những thửa ruộng nằm cạnh hai bên đường đi ở Phó Bảng ngập tràn hoa tam giác mạch. Trên đường đến Phó Bảng , trên đường đi bạn sẽ đi qua thung lũng hoa hồng và một cánh đồng tam giác mạch lớn ven đường. Từ Phố Bảng sẽ đi tới Lũng Cẩm, nơi có thung lũng Sủng Là bình yên, xinh đẹp.
3. Thung lũng Sủng Là
Sủng Là được biết đến như một trong những địa điểm du lịch Hà Giang nổi tiếng với các vườn hoa khoe sắc. Thung lũng Sủng là được mệnh danh là bông hoa giữa cao nguyên đá, Sủng Là cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, yên bình của những mái nhà tường trình nhỏ nhắn, những ruộng ngô xanh mướt, những dải hoa tam giác mạch dịu dàng. Khung cảnh của Sủng Là là nét đẹp đặc trưng của miền sơn cước. Trong thung lũng Sủng Là có làng Lũng Cẩm, nơi mà cuộc sống vẫn còn nguyên vẹn bản sắc như: đeo gùi đi lấy rau, địu con, dệt lanh,..
Lũng Cẩm hiện là nơi cư trú của hơn 60 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Lô Lô, Mông và Hán. Trong đó, bản Lô Lô là nơi mang màu sắc mộc mạc, xưa cũ hơn cả. Nơi đây còn được biết đến bởi đã từng làm bối cảnh cho bộ phim “chuyện của Pao” trong ngôi nhà gần 100 năm tuổi. Ngôi nhà trải qua quá nhiều thăng trầm của thời gian nên vừa qua đã được tu sửa lại. Tuy vậy, ngôi nhà trăm tuổi của bản Lô Lô vẫn giữ nguyên nét đẹp mộc mạc bình dị bởi cuộc sống của người dân nơi đây. Đến bản Lô Lô, tới “ngôi nhà của Pao” sẽ băng qua một con đường trải dài hoa tam giác mạch, vào tháng 1,2 hàng năm xung quanh nhà của Pao là hoa đào hoa mận, hoa lê,.. thấp thoáng sau tán hoa là ngôi nhà trình tường nhuốm màu của thời gian. Lối vào nhà của Pao cũng có 1 thung lũng hoa hồng rất đẹp. Tiếp theo tới dinh thự Họ Vương ở Sủng Là.
4. Dinh Thự họ Vương
Dinh thự họ Vương nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ, nơi đây cửa vào có hàng cây samu cổ thụ, thẳng tắp. Đi vào trong là Dinh thự họ Vương của vua Mèo, một gia tộc giàu có nhất vùng nhờ bán thuốc phiện thời trước. Dinh thự mang kiến trúc độc đáo, mang sự ảnh hưởng của ba nền kiến trúc: Trung Quốc, người dân tộc Mông và Pháp. Khu dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia năm 1993. Năm 2004, gia đình họ Vương quyết định cống hiến dinh thự này cho Nhà nước bảo tồn. Đứng trên dinh thự nhìn xuống thung lũng heo hút phía dưới mới thấy được sự bề thế của dinh thự. Nếu bạn tới đây vào ngày phiên chợ Sà Phìn ngay gần dinh họ Vương, họp vào ngày Tỵ và Hợi thì nhớ ghé qua. Từ Dinh Họ Vương về Đồng Văn là 14km. Giá vé vào tham quan dinh thự họ Vương: 20.000 đồng.
Hà Giang có gì chơi? – Có Cột cờ Lũng Cú nhé
Từ dinh thự họ Vương, bạn quay trở lại ngã 3 rẽ đi qua Phố Là, Ma Lé để đến cột cờ Lũng Cú – nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S. Ngay trên đường từ Ma Lé vào Lũng Cú sẽ thấy một cánh đồng tam giác mạch lớn trên sườn đồi. Đây là nơi trồng nhiều tam giác mạch nhất cho đến hiện tại. Lũng Cú ở trên độ cao 2000 m so với mực nước biển, Lũng Cú là nơi duy nhất có người Lô Lô sinh sống. Đứng trên cột cờ Lũng Cú, nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trong gió, tận mắt thấy điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ nên bản đồ hình chữ S là lúc lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước dâng tràn. Đứng trên cột cờ Lũng Cú ngắm hoàng hôn, sau đó quay xuống thị trấn Đồng Văn nghỉ lại Đồng Văn một tối. Bởi người ta thường truyền tai nhau rằng, lên Hà Giang mà không ngủ lại Đồng Văn thì chưa gọi là đi Hà Giang.
Top 10 Những địa điểm du lịch Hà Giang đẹp nhất
Nhà cổ tại Phố cổ Đồng Văn – Ảnh bài : Địa Điểm Du lịch Hà Giang
Phố cổ nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi tối, phố cổ tĩnh lặng, trầm mặc. Nếu tới phố cổ vào tối 14,15,16 âm lịch hàng tháng bạn sẽ thấy một phố cổ rất khác với đèn lồng đỏ, ngoài ra còn có một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc vô cùng vui nhộn. Sáng sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Từ trên cao nhìn xuống, bên ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường. Sáng sớm, ngồi dưới một mái nhà nhỏ, thưởng thức ly cà phê nóng giữa miền sơn cước là một trải nghiệm thú vụ vô cùng, sau đó những món ăn đặc trưng của dân tộc để lấy sức lên đường. Từ Đồng Văn vượt đèo Mã Pì Lèng là đến với huyện Mèo Vạc.
Địa chỉ phố cổ Đồng Văn trên google map
đèo Mã Pí Lèng
Bài nhiều người đọc : 3 Góc Chụp hình Thần Thánh ở Sông Nho Quế
7. Đèo Mã Pí Lèng
Từ Đồng văn đi Mèo Vạc khoảng 20 km, đi qua con đường Hạnh Phúc (đèo Mã Pí Lèng) Đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây được biết đến là cung đường đẹp nhất vùng cao nguyên đá. Nếu tới Hà Giang một lần thử được cầm lái chạy xe chênh vênh giữa một bên là núi đá cao ngút trời, một bên là vực sâu thăm thẳm và ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn như một dải sẽ khiến bạn trải qua những cung bậc cảm xúc vô cùng tuyệt vời. Đó như một thử thách lớn với những người yêu thích sự mạo hiểm. Đứng trên cao nhìn ra xa là ngàn lớp xám xịt của núi, trắng xóa huyền ảo của mây, thẳm sâu hun hút của vực. Nơi đây, đặc biệt còn có mỏm đá nhô ra trên đèo Mã Pì Lèng, đây chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía bắc. Ở nơi đây bạn mới thấy mình nhỏ bé biết bao và cảm nhận được vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương. Qua đèo sẽ đến huyện Mèo Vạc, tại đây bạn có thể rẽ về Yên Minh về TP.Hà Giang hoặc qua Mèo Vạc về Bắc Mê (đường này thì xa lắm).
8. Chợ lùi (chợ Phiên) Hà Giang
Hà Giang giữ nguyên bản sắc dân tộc do vậy những phiên chợ lùi (chợ Phiên) vẫn diễn ra theo đúng lịch có từ trước đến nay. Tham gia những phiên chợ du khách sẽ phần nào cảm nhận đc hơi thở và cái hồn của đồng bào dân tộc nơi đây. Tuy vậy, chúng ta quen dùng lịch dương nên việc tính đúng ngày các phiên chợ diễn ra tính theo lịch mặt trăng khá khó khăn. Vì thế nếu lên Hà Giang và tình cờ gặp một trong những phiên chợ dưới đây thì bạn sẽ là người khá may mắn. Chợ lùi Phố Cáo (qua Yên Minh gần tới Phó Bảng, họp vào ngày Thìn và Tuất) – Chợ lùi Phố Bảng (ngã 3 Sủng Là đi vào, họp vào ngày Tý và Ngọ) – Chợ lùi Sà Phìn (ngay gần dinh họ Vương, họp vào ngày Tỵ và Hợi) – Chợ lùi Lũng Phìn (họp vào ngày Dần và Thân). Các phiên chợ đều họp từ sớm và sẽ kết thúc vào xế trưa, hàng quán được bày bán thành các khu khác nhau đa dạng như: váy áo thổ cẩm, rau quả, thuốc Bắc, đồ ăn, giày dép, lợn cắp nách, chó của người Mông,… Ngoài ra còn có chợ Đồng Văn ở thị trấn Đồng Văn, chợ diễn ra vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Khu chợ Đồng Văn được xây bằng đá trong những năm 1920 do vậy tới nay đã mang nhiều nét cổ kính, xưa cũ góp phần thêm vào sự mộc mạc cho phố cổ Đồng Văn. Chợ cũng bày bán các mặt hàng như: vải, khăn của người Mông, áo chàm của người Tày, hồi, quế, dép, giày, các loại rau quả, đồ ăn như thắng cố, xôi ngũ sắc, bánh rán, bánh tam giác mạch, bánh ngô, và đặc biệt là khu rượu ngô có một dãy dài. Ngoài ra còn chợ Tình Khâu Vai ở Mèo Vạc, nhưng mình thấy chợ đã không còn được đẹp như ngày trước nữa, bạn nào đi vào dịp 27 tháng 3 âm lịch hàng năm thì ghé qua cho biết.
Hoàng Su Phì – 1 trong số Địa điểm Du lịch Hà Giang tuyệt đẹp
9. Hoàng Su Phì
Khoảng tháng 5 (mùa nước đổ) hoặc tháng 9 (mùa lùa chín) đều là thời điểm tuyệt đẹp để du lịch Hoàng Su Phì. Đến Hà Giang bạn có thể thuê xe máy ở thành phố và và dong duổi đến Hoàng Su Phì. Tại Hoàng Su Phì ruộng bậc thang bắc lên tận mây trời, lác đác xen các thửa ruộng vàng óng là những mái nhà dân tộc ẩn trong lùm cây. Mỗi chiều khi hoàng hôn buông xuống, sắc mây trời quện với khói bếp tỏa ra từ mái nhà sàn khiến cảnh sắc nơi đây bình yên, mộc mạc nhưng hùng vĩ tới khó tả. Khu vực nhiều lúa nhất ở Hoàng Su Phì là: Bản Luốc, Bản Phùng, Sán Sả Hồ, Nậm Ty, Hồ Thầu và Thông Nguyên.
10. Núi Cấm Sơn
Ngọn núi nằm ngay gần TP. Hà Giang, gần đường 19-5. Đường lên núi có suối Thanh Long, suối Tiên,.. dòng suối nước chảy quanh năm, mát lạnh. Trên núi có hồ nước lớn và hang động như: hang Ông Thẻ, hang ông Hổ, Động thủy Tiên, .. Du lịch Hà Giang bạn có thể tắm lá thuốc người Dao, thưởng thức ẩm thực của Hà Giang: cháo thuốc độc, bánh cuốn Đồng Văn, thắng cố, bánh tam giác mạch, rượu tam giác mạch, rượu ngô, cá suối, gà đồi, thịt lợn cắp nách,… Thời gian tuyệt đẹp nhất khi tới Hà Giang là mùa Hoa Tam Giác Mạch, từ tháng 10 đến giữa tháng 11. Đây cũng là dịp đông du khách nên các bạn cần chuẩn bị đặt phòng sớm nếu muốn có phòng nghỉ tốt.
Trên đây là tuyển tập top 10 địa điểm du lịch Hà Giang – đẹp nhất mà bạn nên dành thời gian thăm quan. Chúc các bạn có 1 chuyến đi vui vẻ . Tiện thể bạn tranh thủ tham khảo thêm các bài viết hay về Hà Giang:
Hoa – Tam Giác Mạch
Các câu hỏi du khách hay hỏi
3 Địa Điểm Du lịch đẹp nhất Hà Giang?
1. Đèo Mã Pí Lèng
2. Cột Cờ Lũng Cú
3. Phố Cổ Đồng Văn
Nên đi Du lịch Hà Giang mấy ngày?
Ít nhất bạn nên dành ra 3 ngày 4 đêm (2 đêm trên xe bus giường nằm). Hoặc nguyên 4 – 5 ngày đi từ Hà Nội nhé. Như vậy mới đi được gần hết các địa danh chính, và đẹp ở Hà Giang. Toidi có bài chi tiết gợi ý các lịch trình, bạn nhớ đọc nhé.
Nên đi Hà Giang lúc nào?
Có 3 mùa bạn nên đi là : Mùa Hoa Tam Giác Mạch & Hoa Cải tháng 10, tháng 11. Mùa Lúa chính tháng 10 Hoàng Su Phì. Mùa hoa Mận hoa Đào tháng 1 âm lịch. Đây là những thời điểm đẹp nhất ở Hà Giang. Các bạn nên lựa chọn đi nhé.
Tổng 127,232 Lượt Xem
4.5/5 – (15 bình chọn)