[Top] 10 ĐẶC SẢN HÀ GIANG – Gây Thương Nhớ – Chớ Có Bỏ Qua

Những ai có niềm đam mê bất diệt với núi rừng hẳn không thể bỏ qua mảnh đất địa đầu của Tổ Quốc – Hà Giang. Việc di chuyển đến Hà Giang hay lưu trú, ăn uống tại đây dần trở nên dễ dàng hơn nhờ vào sự phổ cập, phát triển của du lịch. Bạn đã từng đặt chân đến Hà Giang chưa? Nếu đi rồi, bạn đã thưởng thức hết đặc sản Hà Giang chưa? Hãy cùng mình “điểm mặt” những món ăn mang đậm hương vị núi rừng mà nhất định bạn nên thử qua nhé.

Đôi điều về vùng đất tình ca Hà Giang

Hà Giang, nơi được mệnh danh “vùng đất tình ca của hoa và đá”, là điểm đến hấp dẫn ở Đông Bắc Việt Nam. Vẻ đẹp miền sơn cước với núi sông trùng điệp, ruộng bậc thang bao la cùng muôn vàn loài hoa nở theo mùa khiến Hà Giang gieo thương nhớ cho bất cứ ai đã đặt chân đến nơi đây. Kẻ lữ hành mê mẩn vùng đất cực Bắc không chỉ bởi thử thách chinh phục đèo Mã Pì Lèng, thơ thẩn trên dòng sông Nho Quế mà còn bởi những đặc sắc về văn hóa, ẩm thực núi rừng.

Trước khi khám phá 10 Món Đặc Sản Hà Giang, các bạn cũng đừng quên đọc các bài viết Hay về Hà Giang có nhiều độc giả đọc :

1. Thời điểm thích hợp để du lịch Hà Giang

Hà Giang quanh năm đều sở hữu vẻ đẹp riêng. Dân phượt chính hiệu có lẽ không quan tâm đến thời gian, cứ rảnh là xách balo lên và đi thôi. Còn nếu đặc biệt yêu thích một loài hoa, cảnh đẹp theo mùa hay đặc sản Hà Giang nào, bạn có thể cân nhắc nhé.

dac-san-ha-giangMùa Hoa Tam Giác Mạch

–  Tháng 1 đến tháng 3: Mùa xuân là mùa của lễ hội, của sắc trắng hồng hoa mận, hoa đào, khiến cho Hà Giang như sáng bừng sức sống. Đến Hà Giang vào thời gian này, bạn sẽ được hòa mình vào không khí vui vẻ của những trò chơi chọi trâu, đua ngựa,…

– Tháng 4, tháng 5: Trải nghiệm Hà Giang mùa nước đổ, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng. Nước chảy uốn lượn, tràn ngập trên những thuở ruộng bậc thang nơi Hoàng Su Phì là bức tranh đầu hè đầy ấn tượng.

– Tháng 9, tháng 10: Thời điểm đắm say nhất chắc hẳn gọi tên mùa lúa chín khi mọi cánh đồng được nhuộm một màu vàng óng ả, trù phú. Vào cuối tháng 10, Hà Giang bắt đầu chuyển lạnh, tối và sáng sớm có thể xuống đến dưới 10 độ C, các bạn nên chuẩn bị thêm áo ấm nhé.

– Tháng 11 đến tháng 12: Đây có lẽ đây là thời gian du khách từ mọi miền Tổ Quốc đổ về Hà Giang để tận mắt chứng kiến vẻ đẹp mê hồn với những đồng hoa tam giác mạch tim tím trải khắp các sườn đồi. Thưởng thức đặc sản Hà Giang trong cái lạnh cắt da cắt thịt của núi rừng Đông Bắc hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Đặc sản Hà Giang không thể bỏ qua

Hà Giang có đặc sản gì? Những món ăn của vùng núi phía Bắc không phải cao lương mỹ vị, nó dân dã, phản ánh bản sắc, văn hóa người người Mông và đủ khiến thực khách phải xuýt xoa, mãn nguyện.

Hà Giang có đặc sản gì?

1. Thắng cố

Thắng cố là đặc sản nổi tiếng của các tỉnh vùng núi phía Bắc, dù khá lạ miệng với người miền xuôi nhưng nếu đã thử một lần, mùi vị của món ăn này sẽ khiến bạn nhớ mãi. Nhiều nhà hàng tại Hà Giang hiện nay đã “Kinh hóa” thắng cố để du khách dễ thưởng thức hơn, còn nếu tò mò muốn biết thắng cố truyền thống của người Mông, bạn nên tìm đến những buổi chợ phiên ở cao nguyên đá Đồng Văn.

Thắng Cố đặc sản Hà GiangThắng cố – món ăn nên thử ở Hà Giang – Facebook: Nguyễn Duyên

Thắng cố có nghĩa là canh thịt, nó như một món lẩu thập cẩm được chế biến từ thịt trâu, bò, ngựa và cả lợn. Đâu chỉ đơn giản như thế, tất cả nội tạng của các con vật như tim, phổi, gan, tiết, thịt, ruột, xương,… đều được cho vào nồi để ninh đến khi nhừ cũng các loại gia vị tự nhiên sả, quế, hồi, thảo quả,… Thắng cố có vị ngậy và ngai ngái đặc trưng cùng mùi khó ngửi do ruột non của trâu, bò, ngựa được nấu tự nhiên chưa qua sơ chế. Món ăn này xuất hiện trong tất cả các ngày lễ của người Mông ở Hà Giang, cùng mèn mén và rượu ngô. Người dân sẽ chuẩn bị cho bạn một đĩa muối và ớt tươi kèm theo để nêm nếm cho vừa miệng, nước đậm vị xương thịt, phảng phất mùi thảo mộc, ấm áp đến từng khúc ruột khi ăn vào một mùa đông trên núi.

Địa chỉ tham khảo:

– Chợ phiên Đồng Văn, mở vào chủ nhật hằng tuần.

– Thắng cố Mộc Miên, 140 Tổ 2, Thị trấn Đồng Văn, Hà Giang.

– Thắng cố Tú Lan, 125 Tổ, Thị trấn Đồng Văn, Hà Giang.

Bài có nhiều người đọc : 3 Góc Chụp Hình đẹp ở Sông Nho Quế

2. Cháo Ấu Tẩu – một Đặc Sản Hà giang

Cháo ấu tẩu là món ăn đặc sản Hà Giang được người dân miền núi phía Bắc chế biến một cách tài tình từ loại củ có chất độc cực mạnh. Củ ấu tẩu Hà Giang mọc trên đá ở vùng núi cao nơi khí hậu lạnh, củ độc và khá cứng, có tính nóng, vị đắng có chút cay tê. Tuy nhiên, nếu biết cách xử lý có thể ngâm rượu, nấu cháo giúp hồi phục sinh lực, giảm đau nhức cơ và hỗ trợ giấc ngủ. Bạn có thể thưởng thức món đặc sản Hà Giang này quanh năm, nhưng chỉ vào buổi tối thôi nhé.

dac-san-ha-giang cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu phù hợp ăn vào buổi tối

Chế biến món ăn này rất cầu kỳ do củ ấu tẩu cứng và nhiều độc tố, một nồi cháo chỉ cần vài củ đã có vị rồi. Củ ấu tẩu ngâm trong nước gạo, sau đó ninh trong hơn 10 tiếng sau đó tán nhuyễn, nếu ninh bằng bếp củi thì thời gian sẽ lâu hơn. Củ ninh xong nấu cùng với gạo nếp, tẻ ngon và chân giò, ăn kèm với thịt băm nhỏ, rau thơm và tiêu. Bát cháo có vị ngậy, bùi, hơi đắng nhẹ, lạ miệng nhưng rất ngon nhé. Bạn có thể gọi thêm trứng cút luộc hoặc đánh kèm trứng vào cháo để dậy thêm vị ngậy nhé. Xuýt xoa bát cháo ấu tẩu nóng hổi là gợi ý lý tưởng cho một đêm đông lạnh ở Hà Giang.

Địa chỉ tham khảo:

– Cháo ấu tẩu Hương, Quốc lộ 2, Thị xã Hà Giang, Hà Giang.

– Cháo ấu tẩu Ngân Hà, 161 Trần Hưng Đạo, Trần Phú, TP Hà Giang.

3. Thịt trâu, lợn gác bếp

Thịt trâu, thịt lợn gác bếp là đặc sản của người dân vùng cao Hà Giang từ lâu nay. Thịt trâu tươi được làm sạch và chế biến theo công thức dân dã của người miền núi, hun bằng nồi khói than củi, khi nướng thơm mùi mắc khén và lá rừng.

Thịt trâu, lợn gác bếp ngon đúng chuẩn đặc sản Hà Giang thì bên ngoài khô, có màu nâu sẫm, nhưng bên trong hồng tươi, ngọt đậm. Khi ăn bạn cảm giác được vị của khói ám lâu ngày, thịt trâu sẽ dai hơn thịt lợn một chút. Vị cay nhẹ của ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén khiến cho món thịt thêm đưa miệng, đặc biệt khi thưởng thức cùng vài ly rượu ngô.

Địa chỉ tham khảo:

– Mua tại các chợ phiên ở Hà Giang.

– Địa chỉ ở Quản Bạ: Tổ 2, Thị Trấn Tam Sơn, Huyện Quản Bạ, Hà Giang.

Bài hay : Chợ tình Khâu Vai nơi vẫn còn bản sắc Chợ tình

4. Mèn mén

Mèn mén có nghĩa là bột ngô hấp, là món ăn thay cơm hàng ngày của người Mông tại Hà Giang. Hình ảnh cánh đồng ngô hay ngô phơi bạt ngàn trên hiên nhà, gác bếp đã trở nên quen thuộc khi nhớ đến Hà Giang, ngô cũng đi vào bữa ăn hàng ngày một cách dân dã nhất.

Mèn Mén Hà GiangMèn mén là món ăn thường ngày của người Hà Giang – Facebook: Hà Giang trẻ

Mèn mén ngon nhất phải được làm từ ngô tẻ. Sau khi đem phơi, hạt được tách ra khỏi lõi, giữ lại những hạt ngô mẩy nhất và xay bằng cối xay đá của người dân tộc. Ngô xay xong được mang đi sàn cho sạch rồi trộn với một ít nước. Phần trộn nước thể hiện kinh nghiệm của người làm ra món đặc sản Hà Giang này vì nếu cho ít nước thì khi hấp bột ngô sẽ bị cháy, còn nhiều nước thì mèn mén lại nát và không ngon. Bột ngô trộn nước được đựng trong chõ và thực hiện qua hai lần hấp. Lần hấp thứ nhất để bột ngô tơi, không vón cục, lần hấp thứ hai mới là bước hoàn thiện món ăn. Mèn mén thơm, có vị ngọt bùi, xuất hiện trong bữa ăn của bất cứ gia đình nào ở Hà Giang.

5. Rêu nướng

Nghe có vẻ lạ tai đối với thực khách phương xa nhưng rêu sông, suối đã trở thành món ăn lâu đời của người dân tộc Mường, Mông, Thái,… ở Hà Giang. Đặc sản rêu nướng không phải ai từng đặt chân đến Hà Giang cũng có cơ hội ăn thử vì rêu mọc theo mùa. Rêu ngon, bổ, có vị rất riêng, ngoài nướng ra thì rêu có thể đem làm canh, nộm đều rất ngon nhé.

Rêu Nướng Hà GiangRêu nướng chỉ có theo mùa – Facebook: Hà Giang

Rêu chỉ sống được trong vòng 6-7 ngày, vì vậy theo người bản địa, để chọn được rêu ngon nhất, bạn nên lấy ở bãi rêu lớn, khoảng 3-4 khi mới mọc thì vớt ngay để ăn được rêu non. Rêu sau khi thu hoạch được rửa cho hết nhớt bằng cách vò và đập thật kỹ, xé nhỏ và đem trộn cũng một số gia vị như dăm, hẹ, mùi tàu, xả, muối và hạt dổi – loại gia vị tự nhiên truyền thống của người Tày. Rêu được gói vào lá rong rồi cho lên bếp nướng tạo thành một món đặc sản Hà Giang vừa dễ làm, vừa đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe.

Địa chỉ tham khảo:

– Chợ phiên ở Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc đều có – Chủ nhật hàng tuần.

– Chợ Lùi, Cổng Dinh thự nhà họ Vương, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

bài nên đọc : Chi tiết Cẩm Nang Du lịch Hà Giang mới nhất

6. Phở chua Hà Giang

Bắt nguồn từ Trung Quốc, phở chua du nhập vào các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng và trở thành món ăn độc đáo mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Hà Giang. Phở chua Hà Giang cũng được sử dụng các nguyên liệu giống với Lạng Sơn như bánh phở, xá xíu, vịt quay, trứng, lạc rang, dưa chuột, rau thơm, lạp xưởng tự làm và nước dùng chua ngọt. Món phở mát này ăn vào mùa hè là thích hợp nhất.

Phở chua hà giangPhở chua Hà Giang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích – Facebook: Phương Hà

Nguyên liệu ngon nhất để tạo nên sự độc đáo của món đặc sản Hà Giang này chính là nước dùng. Dấm chua được hòa với nước, đường, thêm chút bột sắn và gia vị, khi đun nhẹ nhàng quấy đều để nước có dạng sền sệt. Sau khi phủ thịt và rau lên bánh phở, nước dùng sẽ được rưới đều lên và thưởng thức.

Địa chỉ tham khảo:

– Phở chua Hiền Lương, 12 Bạch Đằng, Thành Phố Hà Giang, Hà Giang.

– Phở chua Ly Dính, 543 Nguyễn Trãi, Thành Phố Hà Giang, Hà Giang.

– Chợ phiên Đồng Văn, Chủ nhật hàng tuần.

7. Bánh cuốn Hà Giang

Bánh cuốn nước xương là món ăn sáng thường ngày của người Hà Giang, bạn có thể thấy rất nhiều quán bánh cuốn nhỏ dọc đường tại các thị trấn. Không chấm nước nắm như dưới xuôi, người Hà Giang lý giải do khí hậu miền núi thường lạnh vào buổi sáng nên bánh cuốn chấm nước xương nóng hổi sẽ giữ ấm cho cơ thể.

dac-san-ha-giang Bánh cuốn Hà Giang với nước chấm xương ấm nóng – Facebook: Ý Huỳnh Như Trần

Nước chấm bánh cuốn có vị ngọt nhưng không sắc, sử dụng xương ống lợn đen bản địa để hầm. Bạn có thể gọi bánh cuốn thịt mộc nhĩ hoặc bánh cuốn trứng lòng đào đều được. Nước dùng khi phục vụ có thả thêm hành lá, rau mùi xắt mỏng và giò. Người bản địa không cho nhiều gia vị vào canh xương nên khi ăn bạn ăn sẽ cảm thấy hơi nhạt, hãy tự pha chế thêm sao cho vừa miệng với ớt, tiêu, dấm và nước mắm nhé.

Địa chỉ tham khảo:

– Bánh cuốn Bà Hà, 31 Phố Cổ, Thành Phố Hà Giang.

– Bánh cuốn Bà Bích, 29 Phố Cổ, Huyện Đồng Văn, Hà Giang.

8. Chè thắng dền

Đến với Hà Giang vào những ngày mùa đông lạnh thấu xương, hẳn bạn không thể bỏ qua một món ăn vặt đơn giản, ngọt ngào, ấm nóng nhưng vô cùng khó quên mang tên chè thắng dền. Nhớ lại buổi tối ở phố cổ Đồng Văn, đám bạn mình đứa nào đứa nấy trên tay cầm bát thắng dền, xuýt xoa thưởng thức vị cay nồng, nóng hổi của món chè đặc sản Hà Giang này.

dac-san-ha-giangChè thắng dền phố cổ Đồng Văn

Cách làm và nguyên liệu của chè thắng dền gần giống với bánh trôi tàu Hà Nội. Bánh làm từ bột gạo nếp, nặn thành viên to như viên bánh trôi, bên trong không có nhân hoặc nhân đậu, đỗ, vừng, dừa. Viên này cho vào nước luộc, lúc chín nổi lên thì vớt ra chan cùng nước đường. Phần quan trọng của món chè là nước đường hoa mai kết hợp với gừng, vừa cay vừa ngọt lại ấm người. Bát thắng dền được cho thêm cốt dừa ngậy béo và chút lạc rang thơm bùi, xua tan đi cái lạnh vùng cao.

Địa chỉ tham khảo:

– Chợ phố cổ Đồng Văn.

Đặc sản hà giang làm quà

9. Bánh tam giác mạch

Đến với vùng cao Hà Giang vào dịp cuối năm, du khách không khỏi ngây ngất với những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn hai bên sườn đồi. Tam giác mạch không chỉ là loài hoa đẹp, tạo nên dấu ấn riêng cho mảnh đất Đông Bắc mà còn trở thành nguyên liệu để làm ra món bánh đặc sản Hà Giang.

Bánh tam giác mạch hà giangBánh tam giác mạch – Facebook: Hạnh Sunny

Vào mỗi mùa hoa, người dân sẽ thu lượm hạt tam giác mạch để phơi khô và xay làm bột bánh, bột có màu tim tím đặc trưng rất đẹp mắt. Sau đó, người dân nhào bột với nước rồi đúc thành những miếng bánh tròn và dẹt, rộng khoảng một gang tay. Bánh đem đi hấp cho chín rồi nướng trên than hồng, khi ăn có vị thơm nhẹ và mềm xốp. Nếu đi Hà Giang đúng mùa, bạn có thể tìm thấy bánh tam giác mạch ở các chợ phiên và bên ngoài mỗi điểm du lịch nhé, đây cũng là đặc sản Hà Giang làm quà bạn nên mua về cho bạn bè người thân của mình.

10. Rượu ngô

Nói nhiều đến các món ăn thì quả là thiếu sót nếu không nhắc đến thứ “cực phẩm” đi kèm đầy mê hoặc, đó chính là rượu ngô men lá Hà Giang. Ngô là loại lương thực được sử dụng chủ yếu ở vùng cao Hà Giang, chỉ sau gạo, để làm ra mèn mén, bánh ngô hay rượu ngô. Người Hà Giang uống rượu ngô mọi lúc mọi nơi, loại rượu này xuất hiện trong những bữa ăn đời thường của người bản địa cho đến các mâm cỗ ngày Tết, các dịp lễ hội.

Ngô sau khi thu hoạch được nấu chín, ủ men lá trong khoảng 25-30 ngày và chưng cất 6 tiếng để tạo độ thơm nồng, ngọt dịu. Điều làm nên sự đặc biệt cho rượu ngô Hà Giang chính là men lá, men lá làm từ 30 loại lá mà người dân phải cất công đi tìm trên núi đá cao. Rượu ngô chuẩn phải có màu trắng hơi đục chứ không phải màu vàng hay màu tím sẫm mà ta thường thấy khi tìm mua. Bạn nên chú ý màu sắc khi mua đặc sản Hà Giang này về làm quà nhé.

Hà Giang không chỉ đẹp bởi núi non hùng vĩ mà còn đẹp từ những nét ẩm thực truyền thống, dân dã nhưng đậm đà hương vị núi rừng. Đến với mảnh đất vùng cao này, bạn nhớ tìm hiểu và thưởng thức hết đặc sản nơi đây để khỏi tiếc nuối nhé. Mong rằng những đặc sản Hà Giang kể trên đủ để chiều lòng thực khách miền xuôi trong chuyến đi Hà Giang sắp tới.

Các bạn nhớ đừng bỏ qua các bài viết hay có nhiều người đọc về Hà Giang nhé:

Tổng 2,337 Lượt Xem

5/5 – (1 bình chọn)

Rate this post

Viết một bình luận