Hoa hồng được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa. Vẻ đẹp kiêu sa, quý phái làm say đắm biết bao người. Hiện nay, hoa hồng được trồng khắp nơi với nhiều giống mới, đa dạng và phong phú. Bạn có thể trồng trong vườn hay chậu tận dụng mọi không gian, miễn là đầy đủ nắng. Trong bài viết hôm nay, Namix sẽ giới thiệu đến các bạn cách trồng và chăm sóc hoa hồng trồng trong vườn nhà.
Top giống hoa hồng trồng trong vườn
Thật ra các giống hoa hồng trồng trong vườn thì vẫn trồng được trong chậu và ngược lại. Tuy nhiên, đối với một số giống đỏng đảnh, khó chăm, bạn nên trồng chậu để dễ chăm sóc hơn.
Hồng lửa, tố nữ
Đây là giống hoa hồng bụi sinh trưởng và phát triển tốt. Hồng tố nữ có màu đỏ rực, đường kính hoa trung bình từ 5 – 6cm. Độ lặp hoa tốt, tầm 30 – 35 ngày và sai hoa, độ bền ở mức trung bình tầm 5 – 7 ngày từ khi hoa bắt đầu nở. Hồng lửa được bán nhiều vào dịp Tết và sử dụng để trồng cảnh quan nhiều.
Hồng tường vi
Tường vi là giống hoa hồng leo bản địa, nguồn gốc Sa Đéc – Đồng Tháp. Cây leo khỏe, có hoa chùm hoặc mỗi cành một hoa. Hoa có màu hồng đậm, mùi thơm quyến rũ. Cây khỏe, trưởng thành cho hoa to, đường. kính tầm 6 – 7cm, đường kính hoa trung bình 5 – 6cm. Độ bền hoa khoảng 4 – 5 ngày.
Hồng tỷ muội
Như tên gọi của nó, hoa hồng tỷ muội chó hoa chùm bé nhưng rất sai hoa. Đến thời điểm lặp, hoa nở kín cả cây. Giống này có nhiều màu sắc: cam, đỏ, vàng, tím,…Hồng tỷ muội là hồng bụi, cây cao khoảng 1- 2m, độ lặp hoa tầm 30 – 35 ngày.
Hồng cổ Sapa
Đây là một giống hồng cổ đẹp và có giá trị. Hồng cổ Sapa phù hợp với khí hậu các tỉnh phía Bắc. Khu vực miền Trung, miền Nam nước ta, hoa nở đẹp, chuẩn form nhất là thời điểm giao mùa Đông Xuân. Hồng cổ Sapa có màu hồng cánh sen. Hoa cánh kép, form khung trà cung đình, mang hương thơm cổ xưa. Hoa hồng cổ Sapa thuộc dạng cây thân bụi, sinh trưởng mạnh mẽ, cho hoa quanh năm, độ lặp hoa từ 30 – 35 ngày.
Hồng Vân Khôi
Thuộc top hoa hồng cổ quý, có giá trị bậc nhất hiện nay. Hồng Vân Khôi chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng khi trồng. Hồng Vân Khôi được biết đến với các tên khác là hồng Cung Phủ, hồng Văn Khôi, hồng Tiến Vua. Vân Khôi thuộc giống hồng bụi, hoa màu phấn hồng. Số cánh hoa lên đến 70 cánh, hương nhẹ nhàng, dễ chịu. Cây trưởng thành cao 65 – 185cm.
Hồng cổ Hải Phòng
Hồng leo cổ Hải Phòng trưởng thành có thể đạt đến chiều cao 3,6 – 4,2 m. Hoa màu đỏ nhung, cánh cứng, lâu tàn (có thể đạt đến 15 – 20 ngày). Số lượng cánh hoa từ 30 – 35 cánh, đường kính hoa đạt cực đại 12 – 13cm. Cây có khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng mạnh. Tuy nhiên, giống hồng này không thơm hoặc mùi thơm rất nhẹ.
Ngoài các giống hồng trên, bạn tham khảo các giống hoa hồng nội khác như: Cổ huế, cổ son môi, cổ Sơn La, Bạch Ho, Bạch Kép, cổ Đào, cổ Điều, hồng trứng,…
Hoa hồng Mon coeur là giống hồng bán leo của Nhật, còn có tên gọi khác là hoa hồng tuyết. Nổi bật ở giống hoa hồng này là thân không có gai, lá bóng. Hoa màu phấn hồng, nhẹ nhàng, thuần khiết. Đường kính hoa lên đến 6 – 8 cm. Hương thơm nhẹ nhàng, thiên về mùi thơm của phấn. Độ lặp hoa 30 – 40 ngày. Cây sinh trưởng tốt.
Hoa hồng Jubilee Celebartion
Giống hoa hồng được David Austin lai tạo vào năm 1998. Jubilee Celebration được ví như đóa sen trên cạn. Hoa có màu cam hồng, cánh hóa nhọn, đường kính hoa 7 – 10 cm. Số lượng cánh hoa lên đến 70 cánh. Ngoài form hoa, giống này còn thu hút các tín đồ yêu hoa bởi mùi thơm chanh sả nồng nàng, dễ chịu. Độ lặp hoa trung bình 30 – 40 ngày.
Hoa hồng Bernadette Lafont
Được mệnh danh là bình nước hoa Pháp với hương thơm quyến rũ, nồng nàng. Mùi hương không lẫn vào đâu được. Giống hồng này còn nổi bật về màu sắc hoa, lá và cả độ bền. Nhiều người còn nhầm lẫn chúng là hoa giả.
Lafont thuộc giống hồng bụi, hoa màu hồng đậm, form cúp. Có bông lớn đạt 8 – 12 cm. Độ lặp hoa từ 35 – 45 ngày.
Hoa hồng Catalina
Giống hoa hồng bụi có màu vàng rực rõ được lại tạo bởi Frank Bart Schuurman tại New Zealand. Kích thước bông lớn 6 – 8cm. Thời gian lặp hoa lâu từ 40 – 50 ngày/lứa, lâu tàn. Màu sắc rực rớ nhưng giống hoa này hơi khó chăm vì dễ bị trĩ và bệnh đốm đen.
Thế giới hoa hồng ngoại có rất nhiều loại, càng tiềm hiểu ta càng rơi vào con đường “nghiện ngập”. Một số giống khác cũng được nhiệu người ưa chuộng như: Red eden, Spirit of freedom, Glamis Castle, Charlotte, Hungtinton, Juliet, Red aple, Prince,…
Cách chăm sóc hoa hồng trồng trong vườn đúng cách
Chọn vị trí, thiết kế vườn trồng hoa hồng
Hoa hồng trồng trong vườn cần chọn nơi có nhiều ánh nắng, trung bình 6 – 8 giờ mỗi ngày. Khu trồng có chân đất cao, thoát nước tốt. Bạn có thể trồng theo luống dài, chừa lỗi đi hoặc trồng thành từng cụm.
Đối với hồng bụi cần thiết kế khu trồng với mật độ thích hợp, để có không gian cho cây phát triển theo năm tháng. Hồng leo bạn nên chọn trồng gần khu vực tường, cổng vườn, hàng rào để tận dụng cho cây leo lên.
Một điều cần thiết nữa là lắp đặt hệ thống tưới tự động. Hệ thống tưới này sẽ thay bạn tưới hằng ngày mà vẫn chủ động được lượng nước, thời gian tưới.
Đào hố, trồng hoa hồng trong vườn
Tiến hành đào hố ở những vị trí đã chọn, kích thước dài x rộng x sâu là 50 x 50 x 50 cm. Kích thước này thay đổi theo kích thước cây. Cây càng to hố càng lớn. Việc trồng cây nên được thực hiện vào buổi chiều mát, tránh trồng vào lúc trời nắng gắt.
Bón lót, sử dụng phân hữu cơ, phân bò hoai kèm theo ít phân vi sinh trộn cùng với đất lấp xuống đáy hố. Tiếp theo bạn gỡ bầu cây giống, cẩn thận không làm động rễ, chỉ xả ít đất bầu và cắt chỉnh rễ dài quá mức. Tỉa bỏ bớt cành, lá, hoa. Đặt cây vào hố trồng đã bón lót phân. Lấp phần đất còn lại hố. Lưu ý, lấp đất ngang cổ rễ, không lấp quá cao hay quá thấp.
Trong trường hợp, đất vườn bạc màu nghèo dinh dưỡng, bạn nên thay thế bằng đất trồng hoa chuyên dụng để trồng cây. Sử dụng 100% này để trồng cây, bạn không cần phải bón lót.
Sản phẩm đất trồng hoa Namix với công thức Namix Potting Mix giúp bạn trồng hoa một cách dễ dàng hơn. Sản phẩm được sản xuất để chuyên trồng hoa hồng…và các loại hoa khó trồng khác.
Bổ sung các chế phẩm sinh học nấm đối kháng Trichoderma spp. giúp ngăn ngừa bệnh do nấm vùng rễ gây ra. Vi khuẩn Bacillus Thuringiensis ngăn ngừa sâu, sùng đất… phá hoại rễ cây.
Các giá thể đá Perlite, Pumice giúp đất tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt cho đất trong mùa mưa, hỗ trợ giữ nước và dinh dưỡng cho cây trong mùa khô. Là nơi lưu trữ không khí cho bộ rễ hô hấp, phát triển mạnh.
Phân chậm tan cung cấp dinh dưỡng lâu dài, với công thức đầy đủ các nguyên tố đa lượng và vi lượng dành riêng cho cây ra hoa. Giúp cây ra nhiều hoa, màu đẹp hơn.
Tưới nước đúng cách cho hoa hồng
Sau khi trồng hoa hồng trong vườn xong, bạn tiến hành tưới nước cho cây. Đối với hoa hồng, mỗi ngày tưới nước 2 lần vào buổi sáng và buối chiều trước khi mặt trời lặn. Vào mùa mưa, giảm số lần tưới và lượng nước tưới hoặc ngừng tưới. Đồng thời cũng chú ý đến khả năng thoát nước của khu vực trồng.
Phân bón dành cho hoa hồng
Sau 1 tháng trồng, bạn tiến hành bón phân cho hoa hồng. Sử dụng phân bò, phân trùn quế, hoặc các loại phân hữu cơ khác để bón cho cây. Bón cách gốc 20 – 30 cm. Bạn đào rãnh sâu, vòng tròn theo tán cây, bón phân theo rãnh sau đó lấp đất. Liều lượng 200 – 300 gram, tăng giảm theo loại phân và kích thước cây.
Định kì 15 – 20 ngày bón gốc / lần, kết hợp với tưới kích rễ và phun phân bón lá.
Tỉa cành, tạo tán cho hoa hồng
Thường xuyên cắt tỉa cành tăm, cành có mầm điếc để cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành, thân chính. Sau mỗi đợt hoa tàn, bạn cắt bỏ hết các hoa đã tàn đi. Việc cắt tỉa này, sẽ giúp mầm ra mạnh và mập hơn. Sau khi cắt tỉa, bạn phun phân bón lá như phân đạm cá, dịch đậu nành sẽ giúp cho cây bật mầm nhanh hơn.
Phòng ngừa sâu bệnh cho hoa hồng trồng trong vườn
Đây là một việc rất quan trọng khi trồng hoa hồng đó là phòng ngừa sâu bệnh cho cây.
Các bệnh trên hoa hồng thường gặp là đốm đen, rỉ sắt, thán thư. Các bệnh này do nấm gây ra. Chúng thường xuất hiện trên lá. Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh là thời tiết ấm áp, đi kèm độ ẩm không khí cao. Nhất là vào mùa mưa. Để phòng trị các bệnh do nấm gây ra bạn nên kết hợp nhiều biện pháp: cắt tỉa lá, cành bị bệnh để cây thông thoáng + phun thuốc phòng trừ. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc sau: thuốc gốc đồng, Carbendazim, Anvil, Ridomin Gold, Antracol.
Cùng với bệnh là các loài côn trùng gây hại cho cây. Điển hình là các loài sau:
Phòng ngừa nhện đỏ
Gây hại trên nhiều loại cây khác nhau: ớt, bông vải, cải, hoa kiểng v.v…Biểu hiện của cây bị nhện đỏ gây hại là lá vàng khô, lật mặt dưới lá lên có lớp bụi màu trắng và có những đốm đỏ li ti di chuyển rất nhanh. Đó chính là nhện đỏ.
Nhện đỏ rất sợ nước. Khi hoa hồng bị nhện đỏ gây hại, bạn nên dùng vòi phun áp lực mạnh để rửa lá. Đặc biệt là mặt dưới lá. Ngoài ra, dùng thuốc có chứa hoạt chất Abamectin, Chlorantraniliprole, neem oil để diệt trừ.
Phòng ngừa bọ trĩ
Bọ trĩ là một loại côn trùng vô cùng nguy hiểm cho hoa hồng nhà bạn. Biểu hiện của hoa hồng khi bị bọ trĩ là các lá gần ngọn, chồi non mới ra bị xoăn, nụ hoa bầm đen. Bọ trĩ rất khó để thấy vì chúng rất nhỏ. Bạn có thể thấy chúng vào buổi sớm hoặc chiều tối. Dùng tay đập nhẹ ngọn cây, hoa vào bàn tay sẽ thấy chúng rớt ra.
Đối với bọ trĩ tốt nhất bạn nên phun định kì 5 ngày / lần để phòng trị. Có thể sử dụng các loại thuốc sinh học như Radiant (pha kèm với xà phòng để tăng độ bám dính). Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau: Trebon 10EC, Confidor 100SL, Set – up LK, Neem oil, chế phẩm sinh học Bt,…
Phòng ngừa châu chấu, cào cào
Chúng thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, với mật số cao thì có thể dọn sạch cả vườn hồng của bạn. Châu chấu, cào cào là loài ăn tạp. Chúng ăn cả lá non, lá già làm cho lá cây khuyết từng mảng. Cây trơ trụi.
Để phòng trừ hiệu quả châu chấu, cào cào, bạn nên tiến hành vào đầu mùa mưa khi chúng chưa trưởng thành. Bạn dùng chế phẩm nấm sinh học Metarhizum để phòng, mật số cao bạn dùng thuốc vị độc, tiếp xúc để trị: Sherpa 25EC, Fastac 5EC. Ngoài ra, bạn có thể bẫy ánh sáng vào ban đêm để bắt chúng.
Trên đây là cách trồng và chăm sóc hoa hồng trồng trong vườn. Hi vọng với bài viết này, Namix đã cung cấp cho các bạn thông tin hữu ích, giúp bạn làm vườn dễ hơn và chăm sóc vườn mình đẹp hơn.