Khi chúng ta uống bia rượu, chỉ có một phần rất nhỏ được hấp thu ở miệng và lưỡi qua hệ thống các mạch máu. Khi xuống đến dạ dày, khoảng 20% lượng cồn được hấp thu tại đây, sau đó rượu sẽ đi vào dòng máu. Rượu chủ yếu được hấp thu ở hệ thống ruột non, khoảng 75-80%, rồi cũng được chuyển vào dòng máu. Sau khi vào máu, rượu được chuyển đến nhiều cơ quan trong cơ thể, nhưng chủ yếu được chuyển đến gan để chuyển hóa, đến hơn 80% lượng rượu được chuyển hóa tại gan. Ngoài gan, rượu còn theo dòng máu được chuyển lên não, thận, phổi, da… chính vì vậy mà sau khi uống hơi thở và mồ hôi chúng ta cũng có mùi rượu.
Mỗi người có thời gian hấp thu rượu khác nhau. Tuy nhiên, phụ nữ, người trẻ tuổi, người gầy thường sẽ hấp thu rượu nhanh hơn, nên uống dễ bị say hơn. Chức năng gan cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng chuyển hóa rượu của mỗi người. Do rượu được hấp thu chủ yếu ở ruột non nên nếu dạ dày trống, rượu sẽ xuống ruột non rất nhanh và chúng ta sẽ nhanh bị say. Nếu rượu ở trong dạ dày càng lâu, rượu sẽ bị hấp thu càng chậm, chúng ta sẽ lâu bị say hơn. Thức ăn giúp rượu được giữ trong dạ dày lâu hơn, chính vì vậy mà chúng ta không nên uống rượu khi đói.
Một số nghiên cứu và thử nghiệm đã xác nhận và chứng minh điều này. Khi thử nghiệm trên một nhóm người, cùng uống một lượng rượu như nhau nhưng trong 2 ngày khác nhau, một ngày khi đói (bỏ bữa sáng), một ngày sau khi đã ăn sáng thì thấy lượng cồn trong máu ngày sau khi ăn sáng chỉ bằng 70% so với uống rượu khi đói.
Khi rượu được pha với soda hay làm nóng sẽ làm cơ thể chúng ta hấp thu nhanh hơn, làm chúng ta dễ say hơn. Có một điều cần lưu ý là khi rượu đã vào máu, gần như không có cách nào có thể làm cho rượu chuyển hoá nhanh hơn, kể cả việc các đồ uống như cafe, nước chanh hay tắm nước mát cũng không giúp ích gì. Chỉ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian và chức năng chuyển hoá của gan. Nhưng thường sau khoảng 24 tiếng, rượu gần như bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể.