Top 8 đặc sản Hà Tĩnh mua về làm quà – Du lịch Chào Việt Nam

Top 8 đặc sản Hà Tĩnh mua về làm quà

Luôn tự hào là một địa danh có nhiều đặc sản ngon và hấp dẫn, thương hiệu ẩm thực Hà Tĩnh nức tiếng ba miền bởi những nét văn hóa ẩm thực khó có thể trộn lẫn. Top 9 đặc sản Hà Tĩnh dưới đây gợi ý những món quà đặc sản mà du khách có thể mua về trong chuyến khám phá du lịch Hà Tĩnh.

1. Quýt khốp Kỳ Thượng
Đặc sản ở miền núi thuộc Kỳ Thượng – huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh không chỉ trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp vùng Bắc Trung bộ bởi vị ngọt, vị thơm ngon, giá trị dược liệu…quýt khốp Kỳ Thượng còn có giá trị trong việc chế biến các món thức ăn dân dã mà không có gia vị nào có thể thay thế được như vỏ của nó dùng để nấu rươi, kho mắm, hầm cá đồng; lá của nó đem nấu thịt chó, dã cầy thì tuyệt chiêu.

đặc sản Quýt khốp Hà Tĩnh

Quả qút khốp Kỳ Thượng có đặc điểm to hơn quýt thường, da của nó sần sùi, phần đuôi lõm sâu và thường chuyển sang màu đỏ nhạt trước khi trái quýt chín đều; múi quýt mọng và cong như hình lưỡi liềm có vị thanh thanh, ngọt ngọt và bùi bùi. Cắn vào một múi nhỏ là ta có cảm giác the the nơi đầu lưỡi, lịm ngọt tận từng kẽ răng đến đầu cổ họng, nuốt tới đâu ấm ran tới đó, trong chốc lát bổng như xua đi tất cả cái rét mùa đông.

2. Cam bù Hương Sơn
Cam bù Hương Sơn có hình cầu, khi chín vỏ có màu vàng cam, dễ bóc, múi cam mọng nước, ít hạt, vị ngọt thanh, hương thơm quyến rũ, giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra, cam bù còn được xem như là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể…

cam bù hương sơn

Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài qua Tết nguyên đán. Cây cam bù giờ đây đã trở thành thương hiệu gắn liền với vùng đất Hương Sơn – Hà Tĩnh. Đặc biệt, trong ngày tết, cam bù là sản phẩm phù hợp được người dân Hà Tĩnh lựa chọn làm lễ dâng cúng tổ tiên và là món quà biếu có giá trị dành cho người thân, bạn bè.

3. Bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, màu sắc thịt quả màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, khối lượng quả đạt từ 1-1,5 kg.

bưởi phúc trạch

Bưởi Phúc Trạch trồng ở Hương Khê cho chất lượng quả ngon nổi tiếng, được xếp vào hạng nhất trong tất cả các giống bưởi hiện đang trồng ở Việt Nam. Khi bóc, các múi thẳng đều, tép bưởi không dính vào cùi, có màu trắng trong hoặc hồng nhạt, mọng nước; ăn giòn, có vị ngọt thanh, dễ bóc…Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Phúc Trạch là tên làng nơi được cho là tạo ra thứ bưởi này ngon nhất.

4. Bánh đa vừng Hà Tĩnh
Ở Hà Tĩnh có một món ăn dân dã, rẻ tiền mà thật ngon, đó là món bánh đa vừng chợ nào, quán nào cũng có nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh đa Cẩm Hà, Chợ Tỉnh, Chợ Cầy, Chợ Hội… Bánh đa ở những vùng này dầy, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen, ăn vừa béo, thơm, vừa giòn, khi đói có thể ăn trừ cơm, chỉ thấy no mà không thấy chán.Bánh đa vừng đen ngon nhất là khi vừa quạt (dùng quạt nan quạt lửa nướng trên than hồng).

bánh đa vừng hà tĩnh

Quạt bánh tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ chút nào. Cần lượng than vừa phải, quạt đủ gió để than nóng mà không bốc lửa làm cháy sém bánh, nhưng quạt quá nhẹ sẽ khiến bánh bị sượng. Quạt khéo là làm sao để những hạt vừng nhỏ xíu vừa đủ chín, vẫn còn nguyên hạt… Bẻ một miếng nhai giòn rụm, vị béo của vừng đen quyện với vị ngọt của bột gạo, vị cay nồng của tiêu, hương thơm đậm đà của tỏi… Người dân Hà Tĩnh rất thích dùng bánh đa vừng đen kẹp với bánh mướt (bánh ướt) chấm với nước mắm ngon, hoặc ăn kèm gỏi bắp chuối, hến xào… Có người khi ăn phở, cháo cũng ăn cùng với bánh đa vừng đen.

Mời tham khảo 6 bãi biển tuyệt đẹp ở Hà Tĩnh

 

5. Kẹo cu đơ Hà Tĩnh
Kẹo cu đơ xuất hiện từ khá lâu trong sinh hoạt ẩm thực của người Hà Tĩnh. Trước đây, kẹo được làm bằng mật mía, gừng tươi và lạc. Sau khi nấu, kẹo được đổ ra lá chuối, phải dùng tay để bóc ăn. Sau này, người dân đã biến tấu thêm cho món kẹo bằng cánh bổ sung nguyên liệu như đường, mạch nha, bánh tráng giúp cu đơ có hương vị thơm ngon, bắt mắt hơn.

kẹo cu đơ Hà Tĩnh

Cầm miếng Kẹo Cu Đơ rên tay vừa nặng, vừa chắc, cắn miếng bánh phải dẻo quẹo, nồng nồng cay cay của gừng và thơm bùi của lạc, đấy mới là chiếc bánh chuẩn và ngon. Ăn kẹo Cu Đơ và ngâm nga bát nước chè xanh cùng đôi câu chuyện thấy cuộc sống và con người xứ Nghệ thật đôn hậu, một nét văn hóa độc đáo.

6. Bánh gai Đức Yên
Để làm ra một chiếc bánh gai thơm ngon, cần phải có nhiều nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, cùi dừa, mật mía… nhưng lá gai mới chính là linh hồn của chiếc bánh. Tên bánh cũng chính từ lá gai mà thành.

bánh gai đức yên hà tĩnh

Vị dẻo thơm, ngọt bùi của chiếc bánh đã trở thành dư vị khó quên trong lòng những ai đã từng nếm qua thứ bánh ấy.Bánh lá gai là đặc sản của đất hiếu học Đức Yên – Đức Thọ Hà Tĩnh, về sau lan rộng ra các tỉnh thành và trở nên nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung. Dù đi đâu xa, người con xứ sở vẫn không quên dáng hình những chiếc bánh đầy vẻ chân quê mộc mạc này.

7. Mật ong rừng Hương Sơn
Mật ong rừng Hương Sơn -Hà Tĩnh thường bắt đầu vào mùa từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 dương lịch. Là loại mật ong được lấy từ những tổ ong tự nhiên nằm trong rừng và không pha với bất kỳ thành phần nào khác. Nói như vậy là để phân biệt một cách rõ ràng với loại ong nhà được nuôi bằng hoa rừng. Người thợ lấy mật ong phải trải qua quá trình trèo đèo lội suối nguy hiểm để tiếp cận với những tổ ong vốn phần lớn chỉ nằm ở những vị trí nguy hiểm trên cao.

mật ong rừng Hương Sơn

Mật sau khi khai thác từ rừng sẽ được vắt bằng tay rồi rót vào chai thủy tinh và bán trực tiếp người tiêu dùng mà không qua bất cứ khâu xử lý nào. Khi mở một chai mật ong rừng thậm chí còn nghe được tiếng xì và bọt trào ra khỏi miệng chai. Đặc biệt, mật ong rừng có mùi thơm của phấn hoa rừng, một mùi thơm vô cùng đặc trưng.

8. Mực nhảy Kỳ Anh
“Mực nhảy” món ăn đặc sản nức tiếng tại vùng đất Kỳ Anh- Hà Tĩnh đã thực sự “níu” bước du khách thời gian qua…Những con Mực đang bơi, khi vớt lên để chế biến vẫn còn sống, bật tanh tách, mắt và các sao phát sáng trên thân mực vẫn nhấp nháy nên cái tên “mực nhảy” hay “mực nháy” tạo nên một tên gọi khác biệt và thương hiệu mà chỉ có ở vùng biển cảng Vũng Áng, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mới có được.Để có những mẻ mực tươi sống, người thợ câu phải đi câu trong đêm tại vùng biển, rồi thả vào khoang thuyền trữ nước biển.

mực nhảy kỳ anh

Mùa mực nhảy thường bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 7 (âm lịch). Sau đó, mực được thả nuôi trong các lồng bè đặt ngay dưới các bè nổi. Điều đặc biệt, mặc dù được thả nuôi nhưng mực đây vẫn tươi sống và bơi lội tung tăng ở môi trường nước biển trong nhiều ngày liền. Mực nhảy có thể chế biến nhiều món khác nhau như luộc, hấp, gỏi, nướng tươi, xào…nhưng đơn giản và giữ được nguyên hương vị giòn, ngọt của mực là để nguyên con rửa sạch, cho vào nồi luộc vài phút vớt ra ngay. Gia vị không thể thiếu khi ăn là mù tạt hoặc nước mắm gừng, kẹp lá lốt rất ngọt, thơm và béo ngậy…

 

Rate this post

Viết một bình luận