Các thành phần phụ của câu cũng có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho ý nghĩa chính của câu được nổi bật. Trạng ngữ cũng là một thành phần phụ của câu bổ nghĩa cho cả cụm chủ ngữ vị ngữ trung tâm.
Vậy trạng ngữ là gì? Có mấy loại trạng ngữ trong câu? Cách xác định trạng ngữ cho câu, thêm trạng ngữ cho câu.
Trạng ngữ là gì?
Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, bổ sung ý nghĩa cho thành phần chính và là bộ phận của câu xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân,… của sự việc nêu trong câu.
+Trạng ngữ là bộ phận trả lời cho các câu hỏi: Khi nào?, Ở đâu ?, Vì sao ?
+ Bộ phận trả lời cho câu hỏi: Khi nào? là trạng ngữ chỉ thời gian.
+ Bộ phận trả lời cho câu hỏi: Ở đâu? là trạng ngữ chỉ nơi chốn.
+ Bộ phận trả lời cho câu hỏi: Vì sao? là trạng ngữ chỉ nguyên nhân.
Các loại trạng ngữ
– Trạng ngữ chỉ nơi chốn là thành phần phụ của câu xác định nơi chốn diễn ra sự việc nêu trong câu. Trạng ngữ chỉ nơi chốn trả lời cho câu hỏi ở đâu?
Ví dụ: Trên cây, mấy chú chim /đang bắt sâu – Trạng ngữ là “Trên cây”
– Trạng ngữ chỉ thời gian là thành phần phụ của câu xác định thời gian diễn ra sự việc nêu trong câu. Trạng ngữ chỉ thời gian trả lời cho câu hỏi: Bao giờ? Khi nào? Mấy giờ? …
Ví dụ: + Mùa xuân, chúng em /trồng cây – Trạng ngữ là “Mùa xuân”
+ Cuối năm học, chúng em/ tổ chức liên hoan – Trạng ngữ là “Cuối năm học”
+ Sáu giờ rưỡi, em và bạn/ đến trường – Trạng ngữ là “Sáu giờ rưỡi”
– Trạng ngữ chỉ nguyên nhân là thành phần phụ của câu xác định nguyên nhân của sự việc nêu trong câu. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân trả lời cho câu hỏi: Vì sao? Nhờ đâu ? Tại sao?
Ví dụ: + Vì mưa, nhà em/ không phơi được quần áo – Trạng ngữ là “Vì mưa”
+ Nhờ chăm học, Tuấn /đạt học sinh xuất sắc- Trạng ngữ là “Nhờ chăm học”
+ Tại nó, tôi/ bị mắng oan – Trạng ngữ là “Tại nó”
– Trạng ngữ chỉ mục đích là thành phần phụ của câu xác định mục đích diễn ra sự việc nêu trong câu.Trạng ngữ chỉ mục đích trả lời cho câu hỏi: Để làm gì? Nhằm mục đích gì? Vì cái gì? …
Ví dụ: Để đạt học sinh xuất sắc, Bạn Hà/ cố gắng học tập – Trạng ngữ là “Để đạt học sinh xuất sắc”
– Trạng ngữ chỉ phương tiện là thành phần phụ của câu xác định phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong câu. Trạng ngữ chỉ phương tiện trả lời cho câu hỏi: Bằng cái gì? Với cái gì?
Ví dụ: Bằng một giọng chân tình, cô giáo/ khuyên chúng em cố gắng học tập – Trạng ngữ là “Bằng một giọng chân tình”.
Dấu hiệu nhận biết trạng ngữ
– Về số lượng: một câu có thể có một hoặc nhiều trạng ngữ;
– Về vị trí:
+ Trạng ngữ có thể đứng đầu câu.
+ Trạng ngữ có thể đứng giữa câu.Ví dụ: con chim sâu, bằng chiếc mỏ nhanh nhậy, bắt sâu cho cây.
+ Trạng ngữ có thể đứng cuối câu.Ví dụ: Tre ăn ở với người, đời đời kiếp kiếp.
– Về hình thức: trạng ngữ thường ngăn cách với thành phần chính bởi dấu phẩy.
– Về ý nghĩa: trạng ngữ chỉ thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mục đích.
Bài tập về trạng ngữ
Bài 1: Tìm trạng ngữ trong các câu sau
a) Ngày xưa, Rùa có một cái mai láng bóng.
b) Trong vườn, muôn hoa đua nở.
c) Một ngày đầu năm, bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông gặp nhau.
Các trạng ngữ trong các câu trên là:
a) Trạng ngữ là “Ngày xưa” chỉ thời gian.
b) Trạng ngữ là “Trong vườn” chỉ nơi chốn.
c) Trạng ngữ là “Một ngày đầu năm” chỉ thời gian.
Bài 2: Tìm các trạng ngữ trong câu, trang ngữ đó trả lời cho câu hỏi nào?
a) Trên cành cây, chim đậu trắng xóa.
b) Trong vòm lá, gió chiều gẩy lên những điệu nhạc li kì tưởng chừng như ai đang cười nói.
c) Giữa cánh đồng, đàn trâu đang thung thăng gặm cỏ.
Các trạng ngữ trong những câu trên là:
a) Trạng ngữ là “Trên những cành cây” – trả lời cho câu hỏi: “Chim đậu trắng xóa ở đâu?”
b) Trạng ngữ là: “Trên vòm lá” – trả lời cho câu hỏi: “Gió chiều gẩy lên những điệu nhạc li kì tưởng chừng như ai đang cười nói ở đâu?”
c) Trạng ngữ là: “Giữa cánh đồng” – trả lời cho câu hỏi: “Đàn trâu đang thung thăng gặm cỏ ở đâu?”
Bài 3: Em hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 5 câu trong đó có sử dụng một số câu có thành phần trạng ngữ
Bài làm:
Năm ngoái, nhà em có nuôi một con gà trống. Đến nay, chú gà trống của em ra dáng một chú gà trống choai. Nhìn bề ngoài của chúng với dáng vẻ mập mạp, rắn rỏi, bộ long nhiều màu sắc đầy sức hấp dẫn. Chú gà trống tinh nghịch của em luôn làm ra vẻ mình là người khỏe nhất. Để tìm giun và các loại côn trùng, chú dùng cái mỏ sắc nhọn, đôi mắt như hai hòn ngọc đưa đi đưa lại, long lanh đến khôn ngờ. Sáng sớm, chú bay lên ngọn cây, võ cánh gáy đánh thức mọi người dậy rồi nhảy xuống đất kiếm thức ăn. Cả nhà em ai cũng quý chú. Em luôn chăm sóc chú thật tốt để chú mau lớn.
Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến trạng ngữ là gì? có mấy loại trạng ngữ trong câu? Cách xác định trạng ngữ cho câu, thêm trạng ngữ cho câu. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.