Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc – Quốc hiệu Việt Nam

Ngày nay, hai tiếng “Việt Nam” – tên gọi đất nước thân yêu của chúng ta, đã trở nên quen thuộc và có sức thuyết phục đối với tất cả các nước trên toàn thế giới. Vậy cái tên “Việt Nam” có từ bao giờ? Trải qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, đất nước ta đã có nhiều tên gọi khác nhau.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, cách đây 4.617 năm, Kinh Dương Vương (năm 2622 TCN) là vua đầu tiên dân tộc Việt và vợ là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lên làm vua, lấy bà âu Cơ, sau đó phong con trưởng là Hùng Vương lên nối ngôi. Từ đó các vua Hùng trị vì đất nước. Lịch sử nước Việt bắt đầu từ những trang sử dựng nước đẹp đẽ ấy. Nước ta lúc này có tên là Văn Lang.

An Dương Vương tên huý là Phán Thế, vua Hùng, lên ngôi năm 257 TCN, đổi quốc hiệu là âu Lạc, đóng đô ở Loa Thành (nay còn di tích ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). ông ở ngôi 50 năm (257-208 TCN). Theo lịch sử Việt Nam do ủy ban khoa học xã hội soạn năm 1971, trong truyền thuyết về bộ tộc Bách Việt, cho thấy có hai bộ tộc ở phương Nam là âu Việt và Lạc Việt đã hợp nhất thành nước âu Lạc.

Năm 542, cuộc khởi nghĩa đánh đuổi thế lực phong kiến phương Bắc của Lí Bí thắng lợi dựng lên nền độc lập cho đất nước. Từ năm 544, tên hiệu nước ta là Vạn Xuân. Nhưng Vạn Xuân tồn tại không lâu, nước ta lại rơi vào tay phương bắc. Chiến thắng oanh liệt của Ngô Quyền ở trận Bạch Đằng năm 938, chấm dứt sự phụ thuộc vào phương Bắc, mở ra thời kỳ mới của lịch sử, đất nước ta đi vào kỷ nguyên độc lập sau hàng nghìn năm bị phương Bắc đô hộ. Thời kỳ này nước ta vẫn mang Quốc hiệu Vạn Xuân.

Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn về một mối, ông lên ngôi Hoàng đế, lấy tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Tháng 02/1010, Lý Công Uẩn người làng Đình Bảng huyện Tiên Sơn, Hà Bắc lên ngôi vua, lập nên nhà Lý. Tháng 07 năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La ông đổi tên thành Đại La thành Thăng Long tức là Hà Nội ngày nay.

Năm 1054 vua Lý Nhật Tôn tức Thánh Tông hoàng đế đặt Quốc hiệu là Đại Việt Quốc hiệu là Đại Việt được tồn tại qua các triều Trần, Lê.

Năm 1400 Hồ Quí Ly lên ngôi vua, Đại Việt đổi thành Đại Ngu. Hồ Quý Ly cho rằng mình là con cháu vua Ngu Thuần. Đại Ngu có nghĩa là sự yên vui lớn.

Theo các nguồn sử liệu tên nước “Việt Nam” được triều Nguyễn đặt vào năm 1804. Trong “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất ký” ghi lại khá rõ việc Gia Long làm lễ đổi lại tên nước. Nhà vua ra chiếu: Phàm công việc của nước ta việc gì quan hệ đến Quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng danh hiệu cũ là An Nam nữa. Sau đó nhà vua lại hạ chiếu báo cho các nước Xiêm La, Lữ Tống và các nước thuộc Chân Lạp, Vạn Tượng, khiến đều biết cả.

Quốc hiệu “Việt Nam” được nhà Nguyễn duy trì trong 34 năm. Năm 1838 nhà Nguyễn lại đổi quốc hiệu là Đại Nam.

Dựa vào tờ chiếu đổi tên nước được tìm thấy trong tác phẩm “Vụ am văn tập của Phan Huy ích, tác giả Đỗ Bang (PTS sử học trường đại học Huế) cho rằng chủ trương đổi tên nước từ An Nam thành Việt Nam có từ thời vua Quang Trung vào năm Giáp Tý (1792). Tuy nhiên theo tác giả Nguyễn Phúc Giác Hải thì năm Giám Tý là năm 1804 tức là năm Gia Long đổi tên nước và năm 1792 là năm Nhâm Tý. Con dấu của nhà Tây Sơn khi Gia Long thu được vẫn có tên “An Nam Quốc Vương”, nên đây không thể là chiếu đổi tên nước thời Quang Trung được.

Tuy nhiên những dấu ấn lịch sử cho thấy một điều hết sức thú vị là tên Việt Nam không phải do nhà Nguyễn, cũng chẳng phải do Quang Trung đặt ra đầu tiên.

Gần đây các nhà nghiên cứu lịch sử đã công bố những phát hiện mới về hai chữ Việt Nam.

Hai chữ Việt Nam đã được dùng nhiều lần trong các tập sấm ký và thơ văn của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585 ). Trong trang mở đầu cuốn “Trình tiên sinh quốc ngữ của ông có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. ông có tập thơ mang tựa đề: “Việt Nam sơn hà cương thường vịnh”. Nhiều bài thơ của ông đều có dùng hai tiếng “Việt Nam” để chỉ đất nước ta.

Hai tiếng “Việt Nam” cách đây 555 năm, cũng đã được Nguyễn Trãi nhiều lần nhắc đến trong bộ sách dư địa chí (1440). Đặc biệt các tác giả Giác Hải, Phạm Thị Vinh đã phát hiện nhiều bia cổ ở các địa phương có dùng hai chữ Việt Nam để chỉ đất nước ta. Phát hiện hai chữ “Việt Nam” trên những bia cổ có từ thời Mạc như bia chùa Bảo Lâm dựng năm 1559 ở Hải Hưng, bia chùa Cam Lộ dựng năm 1590 ở Hà Sơn Bình và thời Lê Trịnh như bia chùa Tường Vân dựng nước 1656 ở Hải Hưng, bia chùa Phúc Thánh dựng năm 1664 ở Hà Bắc, bia chùa An Ninh dựng năm 1669 ở Đông Anh, Hà Nội, bia chùa Thủy Môn Đinh 1670 ở biên giới Đồng Đăng, Lạng Sơn, bia chùa Từ Phong 1690 ở Hà Bắc cho thấy từ lâu đời ông cha ta đã dùng hai chữ “Việt Nam” để chỉ tên gọi của đất nước. Có thể trước năm 1559, trong bia cũng đã ghi hai chữ “Việt Nam” nhưng các nhà sử học và khảo cổ học chưa có điều kiện để khảo sát hết. Như vậy hai chữ “Việt Nam” chỉ Quốc hiệu đất nước ngày nay đã được ông cha dùng chỉ tên nước cách đây ít nhất 555 năm. Tư liệu về vấn đề này được lưu giữ trên bia đá từ 400 năm nay và trên văn đàn từ 555 năm. Theo nguồn tư liệu được lưu giữ trên bia đá là loại văn mang tính đại chúng do những quan chức đương triều, những tri thức được đào tạo qua các trường của Nhà nước soạn thảo. Do vậy không thể ngẫu hứng mà họ đưa hai chữ “Việt Nam” với ý nghĩa chỉ quốc gia vào trong bia đá để lưu truyền vạn đại và mọi người chiêm ngưỡng. Các nhà tri thức Nho giáo lại vốn rất nghiêm khắc trong việc viết và gọi tên riêng cho nên họ đã ghi chép tên gọi đất nước mà Nhà nước thời đó quy định trên bia đá và các tác phẩm văn thơ. Có thể những tờ chiếu chỉ về việc đổi tên nước của các Vua thời đó bị thất lạc, chưa tìm thấy, hoặc vì do một hoàn cảnh lịch sử tế nhị nào đó mà chưa kịp soạn thảo.

Tuy nhiên chỉ đến ngày 2/9/1945, với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, Hồ Chí Minh-Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mới làm sống lại cái tên Việt Nam. Và từ đó tên “Việt Nam”, mà ông cha ta đã sáng tạo ra từ nhiều thế kỷ trước, trở thành tên gọi của đất nước hình chữ S trải dài trên 2 nghìn km, với diện tích 335.000 km2, có số dân ngày nay hơn 85 triệu người, vang vọng trên toàn thế giới trong niềm tự hào kiêu hãnh. Việt Nam-đất nước anh hùng, giàu đẹp, với đường lối đổi mới, đang vươn lên với một sức sống mới đầy triển vọng.

Hoàng Việt

Rate this post

Viết một bình luận