Trẻ 10 tháng tuổi: các cột mốc đáng nhớ và bí kíp chăm sóc trẻ – YouMed

Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu khám phá thế giới nhiều hơn, biết thể hiện cảm xúc của bản thân hơn. Vậy trẻ 10 tháng tuổi phát triển như thế nào? Cần phải lưu ý những gì khi chăm sóc trẻ ở giai đoạn này? Cùng tìm hiểu để giúp bé yêu phát triển toàn diện nhé.

1. Sự phát triển và tăng trưởng thể chất

Bé sẽ tiếp tục lớn rất nhanh trong giai đoạn này.

trẻ 10 tháng tuổi

1.1 Cân nặng trẻ 10 tháng tuổi

Trung bình mỗi ngày bé sẽ tăng thêm 10g cân nặng. Để khi kết thúc 3 tháng cuối cùng của giai đoạn nhũ nhi này, bé sẽ đạt cân nặng gấp khoảng 3 lần cân nặng lúc sinh. Cân nặng trung bình bé 10 tháng khoảng như sau:

  • Nam: 9.2kg +/- 2kg

  • Nữ: 8.5kg +/- 2kg

1.2 Chiều cao trẻ 10 tháng tuổi

Trong năm đầu đời, bé sẽ cao thêm khoảng 25cm. Chiều cao trung bình của bé 10 tháng khoảng như sau:

  • Nam: 73.3cm +/- 5cm

  • Nữ: 71.5cm +/- 5cm

bảng chiều cao cân nặng cho bé trai - bé gái

1.3 Não và chu vi vòng đầu

Khi bào thai được 28 tuần, vòng đầu đạt 27cm. Khi sinh vòng đầu đạt 35cm. Giai đoạn nhũ nhi vòng đầu sẽ tăng thêm khoảng 10cm, đạt 45cm. Ở tháng thứ 10, vòng đầu của bé khoảng 42cm +/- 2cm.

Lúc sinh não nặng khoảng 350g. Khi 10 tháng, não trẻ đạt khoảng 70% người trưởng thành, nặng 800g +/- 50g.

1.4 Sự phát triển răng

Răng sẽ phát triển khác nhau ở mỗi trẻ. Nhìn chung, từ 6 – 12 tháng trẻ sẽ mọc được 8 răng cửa gồm 4 răng hàm trên và 4 răng hàm dưới. Răng mọc đầu tiên thường là 2 răng cửa hàm dưới. Một số trẻ tới tháng thứ 10 vẫn chỉ nhú 2 răng đầu tiên. Thông thường, ở tuổi này bé mọc được 4 – 6 chiếc răng.

2. Sự phát triển vận động

2.1 Bé bắt đầu chập chững

Bé 10 tháng tuổi thích tự do khám phá thế giới xung quanh theo nhiều cách khác nhau. Bây giờ bé đã có thể bò khắp nơi, chuyển từ tư thế ngồi sang đứng, đang đứng lại có thể từ từ ngồi xổm xuống, và lân la đi xung quanh khi vịn tay vào đồ vật hoặc tay mẹ.

Trẻ cũng bắt đầu cán cột mốc biết đi. Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ dạt đến bước phát triển này vào một thời điểm khác nhau. Hầu hết các trẻ chỉ thật sự bước đi khi tròn một tuổi. Tuy vậy, vài trẻ có khả năng này vào tháng 9, tháng 10. Vì thế, mẹ có thể mong đợi em bé của mình sẽ sớm tập đi nhiều hơn.

trẻ 10 tháng tuổi có thể bắt đầu chập chững biết đi

2.2 Hoàn thiện kĩ năng phối hợp hoạt động

Khi được 10 tháng, khả năng phối hợp của bé đã được cải thiện rất nhiều. Trẻ ở độ tuổi này khá thành thạo trong việc nhặt các đồ vật nhỏ bằng tay. Bé cũng có thể dễ dàng phát hiện ra các món đồ bắt mắt chung quanh và nhanh chóng lấy chúng. Chẳng hạn, bé sẽ nhặt thành thạo hòn bi nhỏ bằng ngón tay cái và ngón trỏ. Nếu cầm vật gì ở tay, biết đập vào nhau để gây tiếng động. Bé cũng biết bỏ đồ chơi đang cầm trên tay xuống để lấy món thứ ba. Trẻ 10 tháng tuổi cực thích đồ chơi có có tiếng động như chuông, quả lắc, trống con…

Bé cũng rất thích thú trong việc xếp những vật nhỏ hơn vào những vật lớn hơn. Điều này làm cho hoạt động xếp chồng cốc lên nhau trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Và trẻ 10 tháng tuổi có kỹ năng cầm đồ chơi bằng một tay trong khi sử dụng tay kia cho một nhiệm vụ khác.

3. Trẻ 10 tháng tuổi phát triển giao tiếp như thế nào?

Bé ở độ tuổi này rất hay bắt chước. Mẹ có thể nhận thấy bé bắt chước mọi thứ mẹ làm, từ chải tóc đến cầm điện thoại. Bé con sẽ biết lắng nghe âm thanh từ lời mẹ nói. Hơn nữa, trẻ cũng sẽ quan sát mẹ cẩn thận để đánh giá phản ứng của mẹ với các tình huống khác nhau. Ví dụ: nếu mẹ khóc khi xem một bộ phim buồn, mẹ cũng có thể thấy mặt con mình nhăn lại.

Trẻ 10 tháng tuổi có thể hiểu và làm theo các lệnh đơn giản chỉ gồm một hành động, chẳng hạn như “vẫy tay chào” hoặc “vỗ tay”. Khi mẹ nói “xe”, “con chó… trẻ có thể chỉ vào vật đó. Đồng thời bé cũng sẽ phản ứng khi được gọi tên. Một số bé sẽ cố gắng nói một số từ, trong khi số khác sẽ bắt đầu nói muộn hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bé bắt đầu nói từ đầu tiên khi được 10 hoặc 11 tháng tuổi. Những từ bé hay nói đầu tiên là gọi mama, papa… Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới đều có cách gọi cha mẹ gần giống với những từ này.

hãy chuẩn bị tâm lý nghe con trẻ 10 tháng tuổi bập bẹ mama baba

4. Giấc ngủ và thời gian biểu của trẻ 10 tháng tuổi

Những tháng đầu đời, bé thường ngủ 2 giấc ngắn trong ngày. Trong đó, giấc đầu khoảng 9-10 giờ sáng, và giấc sau khoảng 12h trưa. Khi được 10 tháng, bé có thể chỉ ngủ trưa một tiếng trong ngày. Tuy nhiên, không có gì phải lo lắng nếu trẻ vẫn ngủ 2 giấc. Nếu mẹ định bỏ một giấc ngủ ngắn, tốt hơn mẹ nên bỏ giâc ngủ 9h sáng và giữ lại giấc ngủ 12h trưa. Một giấc ngủ ngắn sau bữa trưa sẽ giúp bé tỉnh táo suốt buổi trưa và tránh tình trạng cáu kỉnh vào chiều tối. Bé con nên bù lại giấc ngủ ngắn đã mất bằng cách ngủ thêm một hoặc hai giờ vào ban đêm.

Trẻ vẫn rất cần giấc ngủ trưa

Khi 10 tháng tuổi, con trẻ như một chú ong nhỏ bận rộn. Tất cả đều nhằm khám phá thế giới xung quanh, cố gắng mở những cánh cửa kì diệu để khám phá điều gì đằng sau chúng. Lịch trình hàng ngày điển hình của bé yêu có thể giống như sau:

  • 7 giờ sáng: ngủ thức đậy. Đôi khi bạn sẽ cực kì ngạc nhiên rằng làm thế nào con yêu có nhiều năng lượng ngay lập tức vào buổi sáng như vậy?

  • 8 giờ sáng: ăn sáng xong. Đến lúc khám phá và vui chơi.

  • 11 giờ trưa: bữa trưa

  • 12:30 trưa: ngủ trưa

  • 2 giờ chiều: đến giờ vui chơi tiếp rồi

  • 5:30 chiều: bữa tối và giờ chơi

  • 7 giờ tối: chuẩn bị cho giờ đi ngủ

5. Ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ 10 tháng tuổi

Mẹ có thể tiếp tục đa dạng hóa thực đơn của con mình bằng cách cho bé ăn nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc, sữa chua và thịt. Thế nhưng, mẹ phải đảm bảo tránh các loại thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở như bỏng ngô, nho khô, các loại hạt, kẹo cứng, nho nguyên quả và xúc xích cắt khoanh.

Thói quen ăn uống cho trẻ 10 tháng tuổi

Giờ đây, bé đã mọc khoảng 6 chiếc răng nên mẹ có thể cho bé “thử sức” với những miếng hoa quả nhỏ, thức ăn đặc trong 3 bữa chính của ngày. Bé sẽ cực kì thích thú khi cảm nhận “vị ngon trên từng ngón tay”. Bé sẽ có một số hành động như thò tay bốc thức ăn, với tay lấy cốc nước. Ba mẹ không nên vì nghĩ rằng hành động đó mất vệ sinh mà ngăn cản bé nhé. Hãy hỗ trợ con trẻ để tạo bầu không khí thoải mái và bữa ăn vui tươi. Để trẻ tự xúc những thức ăn bằng ngón tay sẽ cho phép trẻ thực hành cách cầm nắm. Đồng thời giúp trẻ rèn luyện kỹ năng phối hợp bằng cách gắp thức ăn và đưa vào miệng.

Bé rất thích thú với việc ăn bốc

Nếu mẹ chưa làm như vậy, hãy thử đút cho bé một cái thìa và để bé tự xúc ăn. Chọn dụng cụ có tay cầm lớn, dễ cầm nắm. Những lần đầu tiên bé tự ăn sẽ rất lộn xộn. Nhưng mọi thứ lộn xộn đều có thể được dọn dẹp sạch sẽ. Và tự ăn là một kỹ năng quan trọng cần học. Mẹ có thể đặt một tấm thảm dưới ghế của bé để dễ dàng dọn dẹp.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Năng lượng cần thiết để cung cấp cho trẻ trong giai đoạn này gồm:

  • Năng lượng: 100kcal/kg/ngày, tương đương 800 – 1000 kcal/ngày

  • Nước: 100ml/kg/ngày, tương đương 800 – 1000ml/ngày

Trong khẩu phần ăn của trẻ cần có đủ các nhóm cơ bản: 20-25g đường bột, 30-40g chất đạm (tôm, thịt, cá, trứng…), 10g chất béo (dầu, mỡ), 10-15g vitamin và khoáng chất. Theo các chuyên gia, trước khi bé được 1 tuổi thì bú mẹ hoặc uống sữa công thức là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé với 3-4 lần bú mỗi ngày. Mỗi bé sẽ cần khoảng 170-250ml cho mỗi lần bú. Một số cha mẹ chế biến thức ăn cho trẻ bằng cách luộc chín trái cây, rau củ và thịt rồi xay hoặc xay nhuyễn cho trẻ ăn.

6. Một số lưu ý bỏ túi cho ba mẹ khi chăm sóc trẻ 10 tháng tuổi

Đảm bảo an toàn cho trẻ vận động

Đây là tháng bạn sẽ phải thiết kế lại nhà cửa để tạo ra những khoảng chơi an toàn cho bé. Gắn thêm cửa chặn là cách tốt nhất giữ bé an toàn. Ba me phải thật sự lưu tâm rằng: tất cả những thứ gì có kích thước đủ nhỏ để con trẻ có thể đưa vào miệng và nuốt phải, gây nguy cơ nghẹt thở, thì cần phải nằm xa tầm với của bé.

Tăng cường giao tiếp với bé

Thường xuyên trò chuyện với bé. Mỗi hoạt động hai mẹ con cùng làm với nhau thì mẹ hãy tường thuật lại cho bé nghe. Khi bé ê a rồi ngừng, mẹ hãy đáp lời bé, sau đó ngưng để bé tiếp tục “tám” cùng mẹ. Dành thời gian bế bé đi dạo và trò chuyện để bé nhìn ngắm mọi việc đang diễn ra xung quanh. Đồng thời để bé cảm nhận được chuyển động trong từng bước đi của mẹ, sự yêu thương, đùm bọc, chở che của mẹ, tạo cho bé cảm giác an toàn và yên tâm hơn.

hãy giao tiếp và chơi đùa với trẻ nhiều hơn

Tập cho bé ăn theo bữa

Trong giai đoạn này, đừng vì bé đã có thể ăn dặm mà bỏ quên sữa mẹ nhé. Bắt đầu cố định 3 bữa ăn và dùng bữa chính để thay cho các bữa ăn dặm. Cho bé ăn thêm các loại trái cây và rau xanh chứa nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe. Tập thói quen ăn uống theo bữa cho bé đồng thời cũng nên kiểm soát các loại thực phẩm để bé không bị béo phì.

Tránh chấn thương khi ẵm con

Bé càng ngày càng lớn, việc bế bé sẽ càng vất vả hơn, phải sử dụng nhiều sức lực hơn và tiềm ẩn nguy cơ căng cơ lớn hơn. Tập luyện sử dẻo dai vừa giúp ba mẹ tránh những chấn thương khi bế bé vừa giúp giữ an toàn cho bé.

7. Khi nào cần đưa bé đi khám vì chậm phát triển

  • Không thể tự đứng được trên 2 chân dù được giúp đỡ

  • Bé vẫn chưa biết bò hay thậm chí chưa lật được

  • Không thể tự ngồi dù có giúp đỡ

  • Bé vẫn chưa có dấu hiệu bập bẹ được những đơn âm a a, baba, mama

  • Dường như không nhận ra những người thân quen

  • Không nhìn vào nơi bạn chỉ

  • Không chuyển đồ chơi từ tay này sang tay kia

Xem thêm:

https://youmed.vn/tin-tuc/su-phat-trien-va-cham-soc-tre-8-thang-tuoi-can-luu-y-nhung-gi/

https://youmed.vn/tin-tuc/nhung-dieu-can-biet-ve-su-phat-trien-va-cach-cham-soc-tre-luc-12-thang-tuoi/

Ở 10 tháng tuổi, bé yêu của mẹ sẽ trải qua cột mốc 10 đáng nhớ với các biểu hiện khác nhau, như vài bé đã biết nói và biết đi trong khi các mẹ khác vẫn còn tiếp tục trườn bò. Thấu hiểu đặc điểm phát triển của bé sẽ giúp chăm sóc và nuôi dưỡng bé tốt hơn. Chúc bé của mẹ luôn mạnh khỏe nhé!

Bác sĩ TRẦN HOÀNG NHẬT LINH

Rate this post

Viết một bình luận